Cổ phiếu gạo “nổi sóng”, doanh nghiệp nào thực sự hưởng lợi từ giá gạo xuất khẩu tăng cao?

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành gạo đã bật tăng mạnh, thậm chí “trần cứng” từ đầu phiên giao dịch và xuất hiện dư mua lớn khi thị trường gạo xuất khẩu đón nhận hàng loạt thông tin tích cực.

Nhiều thông tin tích cực hỗ trợ “sóng” cổ phiếu gạo

Cổ phiếu gạo tăng cao khi giá gạo xuất khẩu lập kỷ lục
Thị trường gạo xuất khẩu đón nhận nhiều tin tức tích cực đã đem lại niềm vui lớn cho cổ đông nhóm cổ phiếu gạo, các cổ phiếu gạo đã bật tăng mạnh, thậm chí tăng kịch trần trong phiên giao dịch đầu tuần này.

Chốt phiên giao dịch ngày 24/7, giá các cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gạo lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều bật tăng mạnh đến “trần cứng”.

Điển hình, cổ phiếu TAR của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An) đã ghi nhận sắc “tím” ngay từ đầu phiên giao dịch và xuất hiện dư mua vào cuối phiên. Cổ phiếu AGM của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang cũng ghi nhận diễn biến tương tự. Trong khi đó, cổ phiếu LTG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời kết phiên giao dịch với mức tăng 8%.

Đà tăng của nhóm cổ phiếu gạo chủ yếu đến từ kỳ vọng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới sẽ hưởng lợi lớn khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đột ngột cấm xuất khẩu toàn bộ gạo tẻ.

Theo đánh giá hiện tại của một số chuyên gia và thương nhân kinh doanh gạo quốc tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và của một số nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á có thể đạt mức trung bình 600 USD/tấn, thậm chí lên đến 700 USD/tấn đối với các loại gạo chất lượng cao trong thời gian tới do tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trên toàn cầu.

Đồng thời, các khách hàng mua gạo trước đây của Ấn Độ giờ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Việt Nam nổi lên là ứng viên sáng giá nhất đáp ứng “khoảng trống” thị trường do Ấn Độ để lại.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 15% so với thời điểm đầu năm, và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt trung bình 539 USD/tấn (trong 6 tháng đầu năm nay). Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Qua đó, tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu gạo trên thị trường chứng khoán. 

Xem thêm: "Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu Việt Nam có thể lên tới 700 USD/tấn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cơ hội thực sự dành cho các doanh nghiệp nào?

Các thương nhân kinh doanh gạo quốc tế cũng cho rằng Trung Quốc và Philippines, hai nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, rất có thể sẽ buộc phải mua gạo với giá cao hơn đáng kể từ Việt Nam và Thái Lan. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để ký các hợp đồng lớn, lâu dài, có mức giá cao với các đối tác. Dự báo hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa cuối năm nay có thể tăng đột biến. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam còn được hỗ trợ bởi tỷ giá đang duy trì ổn định.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết “Ngay sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhiều đối tác đã đề nghị chúng tôi ký hợp đồng dài hạn để đảm bảo nguồn cung nhưng công ty vẫn đang xem xét”.

Bên cạnh đó, một số thương nhân xuất khẩu gạo cho biết họ vẫn đang tập trung lo xử lý các đơn hàng đã ký khi hoạt động xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay tăng mạnh. Một số đơn vị cho biết “gần như vét sạch kho để thực hiện các hợp đồng hiện tại” và buộc phải chờ thu mua lúa gạo vụ mới mới có hàng để giao tiếp. Do đó, việc ký các hợp đồng mới khi giá gạo xuất khẩu trên thị trường còn nhiều biến động sẽ đối mặt rủi ro cao.

Như vậy, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nào hiện còn lượng hàng tồn kho và có vùng nguyên liệu để chủ động được nguồn lúa gạo đầu vào.

Giá cổ phiếu TAR Gạo Trung An
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TAR của Gạo Trung An kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Đáng chú ý, Gạo Trung An (cổ phiếu TAR) hiện đang có hơn 30.000 ha vùng nguyên liệu liên kết và vừa mới được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt chủ trương đầu tư 15.000 ha lúa chất lượng cao tại Phú Yên. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề xuất dự án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; trong đó, Gạo Trung An đã cam kết sẽ vận hành 100.000 – 200.000 ha.

Doanh thu từ mảng xuất khẩu gạo chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của Gạo Trung An với thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc. Các sản phẩm gạo xuất khẩu chủ lực của Gạo Trung An là các loại gạo sạch và hữu cơ có phẩm cấp cao.

Xem thêm: "Gạo Trung An (TAR): Liên tiếp trúng thầu xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc, cổ phiếu tăng 49%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Vừa qua, công ty này đã liên tiếp trúng thầu nhiều lô gạo xuất sang Hàn Quốc với đơn giá lên tới 674 USD/tấn – cao vượt trội so với đơn giá xuất khẩu trung bình của gạo Việt Nam.

Giá cổ phiếu AGM Xuất nhập khẩu An Giang
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu AGM của Xuất nhập khẩu An Giang kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Về phía Xuất nhập khẩu An Giang (cổ phiếu AGM), đây là một trong những doanh nghiệp đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo với 35 năm kinh nghiệm hoạt động. Công ty đang sở hữu 6 nhà máy và 4 kho lưu trữ gạo Hàng năm công ty sản xuất khoảng 250 000 tấn gạo, hệ thống nhà máy với tổng sức chứa 90.000 tấn.

Xét về cơ cấu thị trường, xuất khẩu gạo đóng góp 61% tổng doanh thu kinh doanh gạo của công ty, với các thị trường chính là châu Á, Trung Đông và châu Mỹ.

Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AGM của Xuất nhập khẩu An Giang đã bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch từ 23/5/2023 do chậm nộp BCTC quá 45 ngày so với thời gian quy định.

Trên thực tế, nhóm cổ phiếu gạo đã và đang có xu hướng tăng tốt khi tình hình xuất khẩu gạo của cả nước trong nửa đầu năm nay rất khả quan. 

Duy Quang