Công nghệ BlockChain: Bong bóng hay nền tảng mới

Năm 2017 đã chứng kiến một cơn sốt mang tên “Bitcoin”, đồng tiền ảo nhưng giá trị cao. Nhưng công nghệ đứng đằng sau Bitcoin là gì? Đó chính là BlockChain hay còn gọi là nền tảng của internet thời đại

Cách hiểu đơn giản về Blockchain

Hiện nay, mọi người đều tin tưởng một dịch vụ trung gian (ví dụ như ngân hàng) để thực hiện một giao dịch. Nhưng với blockchain, nó cho phép người tiêu dùng và nhà cung cấp thanh khoản trực tiếp với nhau mà không cần bên thứ ba can thiệp.

Bằng việc sử dụng mã giao dịch bảo mật, blockchain cung cấp một dữ liệu phân cấp hoặc được gọi là ‘Cuốn sổ cái kỹ thuật số” (digital ledger). Tất cả mọi người có thể nhìn thấy được giao dịch của mình. Mạng lưới này về cơ bản là một chuỗi các máy tính mà tất cả phải chấp thuận một giao dịch trước khi nó có thể được xác nhận và ghi lại. Giống như việc bạn gửi một cái hộp đi mà mọi người đều xác nhận cái hộp đó là của bạn. Việc gửi hộp sẽ đến nhiều máy tính khác nhau và được xác nhận, dữ liệu trong hộp sẽ được phân tán và xác nhập lại thành một chuỗi cuối cùng.


Ai đi đầu về công nghệ Blockchain?

Công ty đang đi đầu về kiến tạo hạ tầng hiện nay là Ethereum. Trước khi Ethereum xuất hiện, các ứng dụng blockchain chỉ được thiết kế để thực hiện được một số lượng hạn chế các tác vụ nhất định, chẳng hạn như bitcoin hay nhiều loại tiền điện tử vốn chỉ hoạt động như một phương tiện thay thế tiền giấy. Để tạo ra các ứng dụng blockchain mới, nhà phát triển hoặc phải mở rộng thêm các tính năng của bitcoin và các ứng dụng sẵn có (rất phức tạp và tốn thời gian), hoặc phải tự xây dựng ứng dụng mới với chuỗi khối mới đi kèm. Sớm nhận ra bất cập này, nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin có hướng tiếp cận đột phá hơn.

Nền tảng Ethereum cho phép các nhà phát triển xây dựng những ứng dụng phi tập trung (Decentralized Applications - DApp) như mạng xã hội, dịch vụ lưu trữ, ứng dụng dự báo thị trường, giao dịch tài chính, bất động sản, hợp đồng thông minh,… một cách dễ dàng và hiệu quả bằng ngôn ngữ lập trình Solidity hay các ngôn ngữ thông dụng hơn như Java, C++, Python,... Thay vì phải tự tạo chuỗi khối mới cho từng ứng dụng mới, họ có thể thiết kế hàng ngàn ứng dụng trên cùng một nền tảng duy nhất, thậm chí có thể biến những ứng dụng từ tập trung sang thành phi tập trung để hưởng trọn những lợi ích mà công nghệ blockchain mang lại.


Ứng dụng của Blockchain

Theo trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WeForum), blockchain là công nghệ mang tính cách mạng vì có thể áp dụng cho bất kỳ loại giao dịch nào liên quan đến giá trị từ tiền tệ, hàng hóa đến bất động sản.

Blockchain cũng có thể ngăn lừa đảo vì mọi giao dịch đều được lưu trữ và phân phối trên sổ cái công khai, ai cũng có thể xem được. Về lý thuyết, khi công nghệ này trở nên phổ biến, bất kỳ ai có Internet đều có thể giao dịch bằng blockchain.

Các hãng lớn như UBS, Microsoft, IBM và PwC đều đang chạy đua áp dụng blockchain vào lĩnh vực đặc thù của mình. Một báo cáo của công ty tư vấn tài chính Aite ước tính các ngân hàng đã chi 75 triệu USD để nghiên cứu blockchain trong năm 2015.

Trong bài viết “Blockchain sẽ là hiện tượng lớn trong tương lai” ngày 19-9/2017,The Next Webcho biết các hãng vận tải biển lớn như Maersk đã bắt đầu thử nghiệm dùng blockchain theo dõi các chuyến hàng từ cảng này sang cảng khác.

Walmart cũng đang thí điểm xem blockchain có thể theo dõi hàng hóa từ kho đến kệ hiệu quả hay không. Ngoài ra, các công ty tài chính, sức khỏe, thậm chí một vài chính phủ, cũng đang thử nghiệm hệ thống blockchain với nhiều mục đích khác nhau.

Công nghệ Blockchain lại càng trở nên cần thiết. Chính vì thế ta có thể tạm khẳng định rằng đây không phải là một cơn sốt công nghệ hay một bong bóng mà chính là nền tảng phát triển cho tương lai.

Thái Duy