Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển: Sản xuất sạch hơn, sinh lợi nhiều hơn

Để sản xuất sạch hơn, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng thành công nhiều giải pháp công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao nhiên liệu,

Cách đây gần 20 năm, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển và nhiều công ty sản xuất phân lân nung chảy phục vụ nông nghiệp đều sản xuất trên một dây chuyền công nghệ cũ và lạc hậu, thiết bị sản xuất vẫn còn dùng lò đứng (hay còn gọi là lò cao). Nguyên liệu sản xuất là quặng apatit Lào Cai, quặng secpentin Thanh Hoá, cỡ hạt nguyên liệu 25-80 mm; nhiên liệu dùng để sản xuất là than cốc cỡ hạt từ 25-100 mm, than cok lại hoàn toàn phải nhập ngoại. Để sản xuất ra 1 tấn phân lân nung chảy thì cần 0,36 tấn than cok mới đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Trong khi đó, giá của 1 tấn than cok thời kỳ bấy giờ muốn mua được thì phải bỏ ra 120 USD, tính ra chi phí cho 1 tấn phân lân nung chảy tại lò cao khoảng 43,2 USD, nên khi đến tay người nông dân giá sản phẩm khá cao. Bên cạnh đó, nguyên liệu dùng để sản xuất phân lân yêu cầu là cỡ hạt cục từ 25-80 mm, nhưng thực tế quặng apatít Lào Cai và quặng secpentin Thanh Hoá đưa về cỡ hạt chỉ đạt từ 0-250 mm, mà tỷ lệ quặng dưới cỡ 25 mm chiếm 25%. Trong quá trình gia công đập sàng, từ cỡ hạt 0-250mm lại giảm xuống cỡ hạt 25-80 mm, thì tỷ lệ vỡ vụn tăng thêm 5-10%. Như lượng quặng mịn thải bỏ chiếm 30-35%. Đây là vấn đề khá nan giải đối với Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển và của cả ngành sản xuất Phân lân nung chảy nói chung. Nếu không sử dụng triệt để chất thải rắn này, thì môi trường trong và ngoài Công ty bị ô nhiễm, định mức tiêu hao nguyên liệu cao, giá thành sản phẩm cao, tài nguyên bị lãng phí.

Tự cứu mình, đồng thời góp phần vào sự tồn tại, phát triển ngành Phân lân nung chảy cả nước, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển đã có định hướng cụ thể cho công tác nghiên cứu KHKT, tập trung vào 4 lĩnh vực cần nghiên cứu, đó là, nghiên cứu sử dụng 100% than Antraxit nội địa làm nhiên liệu cho sản xuất phân lân nung chảy thay cho than cok nhập ngoại; Nghiên cứu trắc đồ lò cao sản xuất phân lân nung chảy phù hợp với nhiên liệu là than antrxit nội địa nhằm đạt mục đích nâng cao năng suất lò, giảm định mức tiêu hao nhiên liệu, điện năng và các chi phí khác; Nghiên cứu sử dụng nguyên liệu dưới cỡ đưa vào sản xuất 100% để giảm định mức tiêu hao nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên; Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm phân lân nung chảy đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Sau nhiều năm kiên trì nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp công nghệ vào sản xuất, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển đã thành công khi áp dụng giải pháp công nghệ vào thu hồi triệt để chất thải rắn, đưa 100% chất thải rắn vào làm nguyên liệu sản xuất, vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, vừa giảm định mức tiêu hao nguyên liệu từ 1,6 tấn/TSP xuống còn 1,25 tấn/TSP, giảm 21,8%. Công ty cũng nghiên cứu, đưa ra trắc đồ lò cao phù hợp với công nghệ sản xuất phân lân nung chảy bằng nhiên liệu than antraxit, nâng công suất lò tăng lên 600%, từ đó làm giảm định mức tiêu hao than tại cửa lò cao 67,7%; giảm định mức tiêu hao điện 81,3%.

Ông Bùi Quang Lanh - Giám đốc Công ty Phân lân Văn Điển và cũng là Chủ nhiệm của rất nhiều sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp Bằng độc quyền cho biết: Nhờ áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ, mỗi năm, trung bình Công ty tiết kiệm được 12 vạn tấn than, 30.000 kWh điện, 8 triệu m3 nước ngầm, từ đó, tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng cho Công ty và góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và tiết kiệm nguồn tài nguyên của đất nước.

Ông Lanh cũng cho biết thêm, để nâng cao chất lượng phân lân nung chảy, trước đây với quặng apatit loại 2 Công ty chỉ sản xuất được phân lân nung chảy ở mức chất lượng 13,5-15% P2O5 hữu hiệu, sau khi áp dụng công nghệ mới, đã đạt các mức 15%-17% P2O5 hữu hiệu; 17,5-18,5% P2O5 hữu hiệu và trên 19% P2O5 hữu hiệu. Trong phân lân nung chảy Văn Điển, ngoài thành phần lân còn có Ca, Mg, Fe2O3 và các chất vi lượng khác. Tất cả các chất này đều tan 97-99% trong dịch chua của rễ cây tiết ra. Chất lượng sản phẩm được nâng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà đã xuất khẩu sang nhiều nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Malaixia, Đài Loan… trong 4 tháng đầu năm 2009, Công ty đã xuất khẩu hơn 1 vạn tấn lân nung chảy.

Những thành công trong áp dụng các giải pháp công nghệ vào sản xuất sạch hơn còn góp phần làm cho môi trường của Công ty ngày càng được cải thiện. Từ một đơn vị gặp nhiều lúng túng trong xử lý môi trường, Công ty đã trở thành đơn vị luôn đạt Xanh - Sạch - Đẹp. Năm 2002, Công ty đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường tặng Bằng khen vì những thành tích đóng góp trong lĩnh vực hoạt động bảo vệ môi trường. Cũng trong năm này, Công ty đã đạt “Giải thưởng môi trường” và Giải thưởng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO). Cụm công trình nghiên cứu cải tiến lò cao sử dụng 100% than Antraxit được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực Khoa học công nghệ năm 2000 và giải Nhất giải thưởng VIFOTEC về lĩnh vực Cơ khí-Tự động hoá năm 1998.

Một trong những vấn đề quan trọng hiện nay đối với các nhà sản xuất phân bón ở Việt Nam  cũng như trên thế giới là phải nghiên cứu được sản phẩm phân bón có độ ẩm thấp và không bị vón hòn, vón cục, kết tảng trong quá trình sử dụng cũng như lưu kho và nghiên cứu các sản phẩm phân bón không tan trong nước, nhưng tan hết trong môi trường do dịch rễ cây tiết ra, không gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả sử dụng tăng, hiệu quả kinh tế nông nghiệp tăng. Công ty Phân lân Văn Điển đã nghiên cứu thành công lĩnh vực này. Các loại sản phẩm đa yếu tố NPK thông dụng cũng như chuyên dùng cho cây lúa, cây cà phê, cây dâu, cây chè, cây lạc, cây ngô, cây ăn quả… do Công ty sản xuất sản xuất đều đạt độ ẩm nhỏ hơn 1%, không bị vón hòn, vón cục, không kết tảng trong quá trình sử dụng cũng như lưu kho; sản phẩm khó làm giả, chất lượng luôn ổn định.

Câu nói: “Sản xuất sạch hơn, sẽ sinh lợi nhiều hơn” thật đúng với những thành quả mà Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển đã đạt được trong nhiều năm qua. Sản lượng phân bón của Công ty liên tục tăng, lợi nhuận tăng, thu nhập và đời sống của người lao động tăng, môi trường làm việc được cải thiện. Nếu như năm 1989, Công ty chỉ sản xuất được 27.000 tấn phân bón, lợi nhuận đạt 17 triệu đồng; đến năm 2008, sản lượng phân bón đạt 375.970 tấn, lợi nhuận đạt 75.943 triệu đồng. Quý I/2009, sản lượng tiêu thụ phân bón của Công ty tăng, doanh thu tăng 41%, lợi nhuận tăng 2,62 lần so với quý I/2008, thu nhập bình quân của CBCNV đạt gần 7 triệu đồng/tháng, tăng 10% so với quý I/2008.

Từ những kinh nghiệm thực tế áp dụng KHCN mới vào sản xuất của Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển, có thể rút ra một kết luận, để sản phẩm Việt Nam cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thế giới về chất lượng, giá cả… việc triển khai nghiên cứu, đưa các giải pháp công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, điện năng, giảm giá thành và bảo vệ môi trường ở các doanh nghiệp là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đã hội nhập sâu với khu vực và thế giới.