Covid-19 có thể kích hoạt làn sóng vỡ nợ quy mô toàn cầu mới

Giới phân tích cảnh báo việc nhiều quốc gia gia tăng vay nợ để tung ra các gói cứu trợ kinh tế khổng lồ nhằm vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra có thể kích hoạt một làn sóng vỡ nợ quy mô toàn cầu mới.
Khử trùng Covid-19
 Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế của nhiều quốc gia bị đình trệ, thậm chí nhiều nước đối mặt với khủng hoảng kinh tế trầm trọng (Ảnh: AFP/Getty Images)

Ông Simon Baptist, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của hãng tư vấn kinh tế The Economist Intelligence Unit, cảnh báo sẽ có hàng loạt quốc gia đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trong 12 đến 18 tháng tới trong bối cảnh nhiều nước đang tung ra các gói chi tiêu khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo ông Simon Baptist, cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), có thể quay lại tại một số quốc gia thuộc khu vực Eurozone như Hy Lạp và Italy; các quốc gia khác như Nam Phi, Brazil và Argentina cũng đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ công cao.

Để có nguồn tài chính cho các chương trình kích thích kinh tế đối phó với đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã buộc phải tăng cường vay nợ trong thời gian gần đây. Hoa Kỳ vừa qua đã đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu chính phủ. Cuối tháng 3/2020, Hoa Kỳ đã tung ra gói kích thích kinh tế lớn nhất lịch sử với quy mô lên tới 2.000 tỷ USD. Ngay cả quốc gia vốn nổi tiếng duy trì chi tiêu công chặt chẽ như Đức cũng chấp nhận tăng cường vay nợ quy mô lớn, đưa tỷ lệ nợ công lên mức 70% GDP trong năm 2020 nhằm có nguồn tài chính cho các hoạt động kích thích kinh tế.

[Xem thêm tại: Đối phó dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương lớn phát tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa]

Tuy nhiên, ông Simon Baptist lưu ý không phải quốc gia nào cũng có thể dễ dàng vay nợ để có tiền chi trả cho các gói cứu trợ kinh tế; các nền kinh tế đang nổi lên được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn lớn trong việc tìm kiếm nguồn vay nợ.

Khác với các khoản vay nợ dành cho các nền kinh tế phát triển, các khoản vay nợ dành cho các nền kinh tế đang nổi lên thường được đánh giá là khoản đầu tư mạo hiểm do nếu các quốc gia này gặp suy thoái sẽ khó có khả năng chi trả các khoản vay và nguy cơ vỡ nợ cao. Trong những năm gần đây đã có một số quốc gia rơi vào tình trạng vỡ nợ như Lebanon vào năm 2020, Argentina vào năm 2001 và Nga vào năm 1998.

Theo Viện Tài chính Quốc tế, tổng quy mô nợ toàn cầu, gồm nợ của chính phủ, các doanh nghiệp và hộ gia đình đã đạt 253.000 tỷ USD tính đến cuối tháng 9/2019, gấp 3 lần tổng GDP hàng năm của thế giới và nợ toàn cầu đang có xu hướng ngày càng tăng cao hơn.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ xuất hiện một làn sóng nợ mới và thúc giục chính phủ các nước cần kiểm soát quy mô nợ tốt hơn. Trong 50 năm qua, đã có bốn làn sóng tích luỹ nợ và thế giới đang ở trong làn sóng thứ 4, bắt đầu từ năm 2010. Cả 3 làn sóng nợ trước đây đều kết thúc với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng trên toàn cầu.

Trong làn sóng nợ toàn cầu gần nhất, kéo dài từ năm 2002 đến năm 2009, Hoa Kỳ bắt đầu gỡ bỏ rào cản giữa các ngân hàng thương mại và đầu từ; đồng thời, Liên minh Châu Âu khuyến khích hợp tác xuyên biên giới giữa những người cho vay, dẫn đến việc hình thành các “siêu ngân hàng”. Các “siêu ngân hàng” đã tăng cường cho vay khối tư nhân, đặc biệt là tại khu vực Châu Âu và Trung Á. Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Hoa Kỳ vào năm 2008 đã kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mặc dù cuộc khủng hoảng này chỉ diễn ra ngắn nhưng đã đẩy nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái nặng nề, nhiều nền kinh tế thậm chí vẫn còn chưa hồi phục cho đến tận bây giờ.

World Bank cảnh báo các quốc gia phải ưu tiên quản lý nợ nhằm tránh tái lập lịch sử làn sóng vỡ nợ toàn cầu lần nữa. Giới phân tích cảnh báo làn sóng nợ toàn cầu lần này có những đặc điểm giống với ba làn sóng vỡ nợ lần trước, bao gồm mức lãi suất thấp kỷ lục và các chính sách khuyến khích vay nợ. Tuy nhiên, World Bank cảnh báo làn sóng nợ lần này có quy mô “lớn nhất, nhanh nhất và ảnh hưởng rộng nhất” do có sự tích tục cao của cả nợ công lẫn nợ của khối tư nhân với quy mô toàn cầu.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đang khiến khối nợ toàn cầu được tích tụ nhanh hơn, đồng thời dịch bệnh đánh gục khả năng trả nợ của một số người đi vay, bao gồm cả phía chính phủ các nước và khối tư nhân, có nguy cơ kích hoạt một làn sóng vỡ nợ mới.

Trong ngày 14/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết GDP toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 3% trước các tác động nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong tháng 1/2020, IMF từng dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 3,3% trong năm nay. IMF nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng Đại suy thoái hồi năm 1930. 

Tính đến ngày 15/4, đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 2 triệu người trên toàn cầu và khiến hơn 128.000 người tử vong; dịch bệnh cũng khiến các quốc gia phải thực hiện việc phong toả hoặc hạn chế di chuyển trên quy mô chưa từng có trong lịch sử, kéo theo sự đình trệ của hàng loạt hoạt động kinh tế trên toàn cầu.

Quang Đặng (Tham khảo CNBC)