Cử tri đề nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng nói gì?

Bộ Xây dựng có ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri xung quanh đề xuất mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội và tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Công văn số 4495/BXD-QLN cho biết, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 907/BDN ngày 01/8/2023 với một số nội dung kiến nghị.

Cụ thể, cử tri kiến nghị quan tâm trong việc xây dựng nhà ở xã hội, mở rộng các đối tượng được mua nhà ở xã hội nhằm phục vụ nhu cầu cho công nhân, người dân có thu nhập thấp đồng thời có chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cử tri phản ánh trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển nhà ở xã hội tạo điều kiện về chỗ ở cho người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, chính sách trên còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện như: chính sách về đầu tư, xây dựng còn nhiều vướng mắc; chưa mở rộng đối tượng thụ hưởng; giá nhà cao... Cử tri kiến nghị sớm có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên để góp phần tạo điều kiện về chỗ ở cho đối tượng được thụ hưởng.

nhà ở xã hội
Cử tri kiến nghị mở rộng các đối tượng được mua nhà ở xã hội nhằm phục vụ nhu cầu cho công nhân, người dân có thu nhập thấp đồng thời có chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Về nội dung kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định các nhóm đối tượng cũng như điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Kế thừa các quy định của Luật Nhà ở năm 2014, hiện nay dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, theo đó Điều 74 dự thảo Luật, ngoài những đối tượng đang được quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: trong đó có doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã đề xuất cắt giảm, nới lỏng các điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội: bỏ điều kiện về cư trú; trường hợp thuê thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở, thu nhập.

Như vậy, các quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật nêu trên nếu được thông qua sẽ tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội và người dân yếu thế trong xã hội có thể tiếp cận với nhiều hình thức hỗ trợ nhà ở xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Về kiến nghị giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sau khi lấy ý kiến lần thứ 1 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV.

Theo đó, hoàn thiện đề xuất sửa đổi các chính sách liên quan đến: quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua (được miễn tiền sử dụng đất... góp phần tăng nguồn cung, giảm giá bán nhà ở xã hội); xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội (Điều 84 dự thảo quy định về việc xác định giá thuê, thuê mua, bán nhà ở xã hội theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí trong giá bán và lợi nhuận định mức chỉ tính đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội nhằm đảm bảo giá bán phù hợp với đối tượng thụ hưởng chính sách; đồng thời giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê).

Những nội dung quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nói trên nếu được thông qua sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, giảm giá bán nhà để các đối tượng thụ hưởng chính sách có điều kiện tiếp cận với các hình thức hỗ trợ nhà ở xã hội, ổn định cuộc sống, an cư, lạc nghiệp.

Thanh Hà