Dân thiếu nhà ở, vì sao gói tín dụng 120.000 tỷ nhà ở xã hội chậm giải ngân?

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà xã hội đến nay chỉ giải ngân khoảng 100 tỷ đồng dù người dân thiếu nhà ở.

Sáng ngày 6/11, tại kỳ họp 6 của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh An Giang đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đây là gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân với mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030.

Tuy nhiên, gói này mới giải ngân được khoảng 100 tỷ trong khi nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn.

Gói tín dụng 120.000 tỷ nhà ở xã hội
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh An Giang đặt câu hỏi về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tiền cho gói tín dụng này đến từ nguồn huy động vốn trong dân với lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia. Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các nhà băng và họ đã giải ngân 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương, tính đến cuối tháng 10/2023.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng tắc, trước tiên do nguồn cung về nhà ở hạn chế. Khi chính sách được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, công bố dự án thuộc chương trình cho vay nhưng mới có 18/63 UBND công bố 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng 120.000 tỷ nhà ở xã hội
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn

Bên cạnh đó, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập, công nhân rất lớn nhưng nhu cầu vay vốn là sự cân nhắc của người dân và hiện nhu cầu này cũng thấp.

Ngoài ra, chính sách về đối tượng được hưởng còn nhiều bất cập như cần phải là người có thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở, …

Tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Giám đốc Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương nhận xét, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời đúng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí bổ sung thêm là không chỉ cần ngân hàng vào cuộc mà cần cả hệ thống gồm Bộ Xây dựng, địa phương, công đoàn, các cơ quan, đơn vị và người lao động tham gia từ việc bố trí địa điểm, diện tích, chất lượng, mức giá phù hợp.

Gói tín dụng 120.000 tỷ nhà ở xã hội
 Đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Giám đốc Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương

Nhà ở là một trong những nhu cầu cơ bản, là tài sản quan trọng của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà ở còn là một hàng hóa đặc thù mang tính kinh tế - chính trị - xã hội, vừa góp phần vào quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết an sinh - xã hội. 

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22), “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở…” (Điều 32) và Nhà nước phải “có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (Điều 59).

Ngọc Châm