Đánh giá lợi thế so sánh ngành Chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng trong bối cảnh hội nhập

ThS. TRẦN HOÀI NAM (Bộ môn Kinh tế nông lâm, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh) và ThS. LÊ VŨ (Bộ môn Kinh tế nông lâm, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh) và Th

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này đã sử dụng chỉ số DRC và ma trận SWOT để ước tính lợi thế so sánh cũng như phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong ngành Chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng. Số liệu được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 300 hộ chăn nuôi bò và 30 cán bộ địa phương theo phương pháp PRA. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện tại ngành Chăn nuôi bò sữa của tỉnh hầu như không có lợi thế so sánh với tỷ số DRC/SER = 1,34 >1. Tuy vậy, lợi thế so sánh sẽ được cải thiện khi nông hộ tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên có sẵn cùng với tăng quy mô đàn bò sữa.

Từ khóa: Ngành Chăn nuôi bò sữa, lợi thế so sánh, ma trận SWOT, hội nhập.

I. Đặt vấn đề

Việt Nam đã có thỏa thuận mở cửa thị trường nông sản trong khuôn khổ FTA giữa ASEAN và hai nước Úc, New Zealand, đồng thời cam kết mở cửa thị trường theo lộ trình nhất định cho nông sản đến từ 2 quốc gia này. Sự mở cửa này là một thách thức đối với ngành Chăn nuôi bò sữa, bởi đây là hai nước có năng lực cạnh tranh vào hàng cao nhất thế giới ở các sản phẩm sữa. Theo dự kiến năm 2018, giá nguyên liệu và các sản phẩm sữa sẽ giảm từ 5-10%, thì đây là rủi ro lớn nhất cho ngành Chăn nuôi bò sữa trong nước và được đánh giá là lĩnh vực dễ bị tổn thương khi hội nhập.

Theo số liệu thống kê năm 2016, tỉnh Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 3 trong cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An về sản lượng sữa và đầu bò (Tổng cục Thống kê, 2016). Tỉnh Lâm Đồng có được sự chuyển biến vượt bậc như trên trước hết là nhờ vào những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và khí hậu thích hợp cho sự phát triển đàn bò sữa cũng như có nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, dồi dào, việc gieo trồng các loại nguyên liệu được dùng làm thức ăn cho bò cũng hết sức thuận lợi. Theo quy hoạch Phát triển đàn bò sữa của tỉnh đến năm 2020, tổng đàn bò sẽ đạt 40 - 50 ngàn con, sản lượng sữa tươi ước đạt 150 - 200 ngàn tấn/năm. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và chế biến sữa như Vinamilk, TH Truemilk, Công ty Sữa Dutch Lady nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chính vì vậy, nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu là đánh giá lợi thế so sánh ngành Chăn nuôi bò sữa, đồng thời phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức nhằm đề xuất các chính sách cho ngành Chăn nuôi bò sữa của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

II. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết về lợi thế so sánh

Lý thuyết lợi thế so sánh được nhà kinh tế học người Anh David Ricardo đưa ra vào năm 1817. Theo đó, một quốc gia sẽ được lợi thế khi chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà quốc gia đó sản xuất với chi phí thấp tương đối; đồng thời, nhập khẩu sản phẩm quốc gia đó sản xuất với chi phí cao tương đối, lý thuyết lợi thế so sánh góp phần quan trọng trong phát triển thương mại quốc tế (Lê Tuấn Lộc, 2015). Hiện nay có 03 quan điểm chính về lợi thế so sánh đó là lợi thế so sánh dựa trên lợi thế về chi phí sản xuất, lợi thế so sánh dựa trên thị phần xuất khẩu và lợi thế so sánh dựa trên lợi thế nguồn lực nội nguồn (Võ Văn Sang, 2016). Trong nghiên cứu này sẽ sử dụng lý thuyết lợi thế so sánh dựa trên nguồn lực nội nguồn (Domestic Resource Costs - DRC).

Hệ số chi phí nội nguồn của một sản phẩm (hay ngành sản phẩm) là chi phí sản xuất theo giá trị của các đầu vào trung gian ở mức giá thế giới và các nhân tố sản xuất theo chi phí cơ hội. Hệ số chi phí nội nguồn là nền tảng để hoạch định chính sách sản xuất cho ngành hàng và xác định tỷ lệ nội địa hóa, qua đó góp phần đánh giá khả năng và trình độ sản xuất trong nước.

2.2. Nguồn số liệu

Nghiên cứu tiến hành khảo sát tại huyện Đơn Dương, nơi có số lượng bò sữa cao nhất của tỉnh Lâm Đồng. Số liệu được thu thập từ 300 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa kết hợp với số liệu thu thập từ phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (PRA) có sự tham gia của cán bộ chuyên trách tại địa phương (6/2016). Ngoài ra, còn thu thập các thông tin thứ cấp từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các tài liệu, các báo cáo, các nghiên cứu trong và ngoài nước để phục vụ cho nghiên cứu.

2.3. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu

Trong nghiên cứu này, hai phương pháp phân tích định tính và định lượng đã được sử dụng.

Phân tích ma trận SWOT, được dùng để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của nông hộ trong ngành Chăn nuôi bò sữa.

Phân tích lợi thế so sánh của hộ chăn nuôi bò sữa bằng hệ số chí phí nội nguồn (DRC - Domestic Resource Cost). Chỉ số DRC được tính như sau:

Trong đó:

aij (j=1 đến k) khối lượng các loại đầu vào nhập khẩu; (j = k+1 đến n) khối lượng các đầu vào trong nước dùng để sản xuất sản phẩm i.

Vj là giá xã hội của các đầu vào trong nước

Pib là giá quốc tế của sản phẩm i (tính bằng đồng ngoại tệ)

Pjb là giá nhập khẩu của các đầu vào j (tính bằng đồng ngoại tệ)

Sau khi tính được DRC, so sánh chỉ số này với tỷ giá hối đoái mờ (SER).

Tỉ giá hối đoái mờ (SER) sẽ được tính như sau: SER = OER (1 + CE). Với SER là tỷ giá hối đoái mờ; OER là tỷ giá hối đoái chính thức; CE là hệ số điều chỉnh lạm phát. Hệ số lạm phát xác định dựa trên các công bố của nhà nước hay các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, theo Trần Đình Thảo (2004); Vũ Đình Tôn (2007) và Nguyễn Văn Hóa (2012) thì tỷ giá hối đoái mờ có thể được tính lại như sau: SER = 1,2*OER. Sau khi tính được DRC thì so sánh với tỷ giá hối đoái mờ và nếu DRC/SER < 1 thì sản phẩm i có lợi thế so sánh; Nếu DRC/SER > 1 thì sản phẩm i không có lợi thế so sánh.

Chi phí cơ hội của các yếu tố nguồn lực cấu thành hệ số DRC bao gồm chi phí cơ hội của các yếu tố đầu vào ban đầu, chi phí cơ hội của các yếu tố đầu vào trung gian không có tính giao thương và có tính giao thương. Trong nghiên cứu này, chi phí cơ hội của các yếu tố đầu vào cho sản xuất sữa bao gồm chi phí cơ hội của thức ăn, đất, gieo tinh nhân tạo, chi phí cơ hội của lao động và chi phí cơ hội của vốn, điện nước, thú y. Trong đó, chi phí cơ hội của thức ăn, gieo tinh nhân tạo, đất, lao động, vốn là yếu tố đầu vào ban đầu.

III. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Thực trạng chăn nuôi bò sữa của nông hộ

- Đặc điểm của hộ chăn nuôi bò sữa

Kết quả thống kê từ Bảng 1 cho thấy đối tượng khảo sát khá đa dạng và phong phú về tuổi tác cũng như trình độ học vấn. Độ tuổi trung bình của chủ hộ chăn nuôi vào khoảng 43 tuổi (trong đó, mức tuổi từ 40 đến 50 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất 36%), ở độ tuổi này nông hộ vẫn còn đủ sức khỏe để trực tiếp tham gia sản xuất. Đồng thời, trình độ học vấn của nông hộ chủ yếu là trung học cơ sở (52%) và trung học phổ thông (34%), điều này tạo ra nhiều thuận lợi cho việc nắm bắt thông tin thị trường cũng như tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất.

Trong nông nghiệp, kinh nghiệm là một trong những yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả trong sản xuất. Dựa vào kết quả thống kê cho thấy, phần lớn kinh nghiệm trong chăn bò sữa của nông hộ tập trung dưới 5 năm chiếm tỷ trọng (48%), đây là nhóm hộ mới chuyển đổi nghề sang chăn nuôi bò sữa hoặc mở rộng sản xuất sang lĩnh vực chăn nuôi nhằm tận dụng những phụ phế phẩm trong ngành trồng trọt. Kết quả khảo sát cho thấy, quy mô đàn bò sữa của mỗi hộ trung bình là 7 con, trong đó hộ có quy mô nuôi lớn nhất là 30 con và nhỏ nhất là 3 con, tuy nhiên quy mô chăn nuôi vẫn tập trung chủ yếu dưới 10 con, chiếm 92%.

- Thị trường tiêu thụ

Sau khi thu hoạch, việc tiêu thụ sữa của nông dân cũng rất thuận lợi, đa phần nông bán sữa cho các trạm thu mua (100%) của hai công ty trên địa bàn là Vinamilk và Dalatmilk (nay là TH Truemilk), với hợp đồng đã ký kết thì nông hộ sẽ không bị động trong tiêu thụ, cũng như nắm bắt được các thông tin thị trường.

3.2. Phân tích hiệu quả tài chính trong chăn nuôi bò sữa của nông hộ

Theo kết quả tính toán được thể hiện ở Bảng 3 cho thấy, chi phí chăn nuôi bò sữa của nông hộ trung bình là 36,1 triệu đồng/con/năm. Trong tất cả các chi phí, chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng cao nhất (69,74% trong cơ cấu chi phí sản xuất). Với sản lượng sữa trung bình là 6,14 tấn/con/năm và giá bán trung bình tại thời điểm nghiên cứu là 13.088 đồng/kg. Doanh thu của nông hộ thu được là 80,36 triện đồng/con/năm; lợi nhuận nông hộ đạt được là 47,53 triệu đồng/con/năm. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận đạt được của nông hộ là 1,3 lần. Mặt khác, kết quả ở Bảng 3 cũng cho thấy không có sự khác biệt lớn trong các quy mô chăn nuôi. Tại 3 quy mô thì những hộ chăn nuôi có quy mô lớn hơn 10 con hiệu quả có phần cao hơn những hộ có quy mô chăn nuôi nhỏ hơn 10 con. Hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa là thước đo về năng lực sản xuất của đất, phản ánh một cách tổng quát các nhân tố có quan hệ đến mức độ phù hợp của điều kiện tự nhiên. Do đó, với quy mô chăn nuôi lớn thì nông hộ dễ dàng đầu tư và khai thác tối đa máy móc thiết bị, đất đai trong sản xuất, từ đó góp phần giảm chi phí chăn nuôi.

3.3. Phân tích lợi thế so sánh ngành Chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng

Kết quả tính toán cho thấy, ngành Chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng không có lợi thế so sánh trong sản suất, chỉ số DRC/SER trung bình và ở các quy mô đều lớn hơn 1. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Diệu Hiền (2016) cũng cho thấy, trong điều kiện hội nhập thì chăn nuôi bò sữa là ngành không có lợi thế trong số các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Bảng 4 cho thấy, tỷ số DRC/SER = 1,34 nghĩa là nếu bỏ ra 1,34 USD chi phí nội nguồn để sản xuất sữa và xuất khẩu thì chỉ thu về một lượng ngoại tệ tương đương là 1 USD. Điều này chứng tỏ, việc sử dụng các yếu tố tài nguyên trong nước để sản xuất sữa là hoàn toàn không có lợi thế so sánh.

Sở dĩ lợi thế cạnh tranh trong chăn nuôi bò sữa của tỉnh còn thấp chủ yếu do: Trình độ phát triển ngành hiện chỉ ở mức trung bình thấp so với thế giới. Cản trở lớn nhất chính là hạn chế về đất đai để áp dụng chăn nuôi trang trại quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Theo kết quả điều tra, có tới 80% hộ chăn nuôi có diện tích sản xuất dưới 1 ha (trung bình khoảng 0,8 ha/hộ). Bên cạnh đó, năng suất sữa hiện tại chỉ bằng 75% so với năng suất sữa bình quân trên thế giới (năng suất sữa bình quân của đàn bò trong tỉnh đạt 6.000 lít/chu kỳ, tuy nhiên với giống bò sữa HF năng suất có thể đạt tới 8.000 - 12.000 lít/chu kỳ, Phạm Thị Minh Nguyệt, 2004). Tuy vậy, ngành Chăn nuôi bò sữa trong tỉnh vẫn có những lợi thế riêng. Qua phân tích ở Bảng 4 ta thấy, lợi thế so sánh trong ngành được cải thiện dần khi quy mô chăn nuôi của hộ tăng lên. Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn là nơi có thời tiết thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp, nguồn nước dồi dào để phát triển trồng cỏ và nhiều loại cây trồng khác làm thức ăn chăn nuôi cho bò.

Một trong những hạn chế của chỉ số DRC là nó chỉ mang tính thời điểm. Vì vậy, nghiên cứu sẽ kết hợp với việc phân tích ma trận SWOT nhằm chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của ngành Chăn nuôi bò sữa tại tỉnh và đề ra các giải pháp chiến lược trong thời gian tới.

Kết quả phân tích SWOT của ngành Chăn nuôi bò sữa trong tỉnh cho thấy, cần có một số giải pháp chiến lược cụ thể trong thời gian tới như sau:

Giải pháp chiến lược SO: Phát triển các mô hình sản xuất qui mô lớn tự nguyện cùng qui trình kỹ thuật và chất lượng để nối kết hợp đồng đầu ra theo yêu cầu thị trường.

Giải pháp chiến lược ST: Ứng dụng quản lý giống bò sữa theo các chương trình quản lý giống tiên tiến, tiếp tục nhập khẩu nguồn gen bò sữa có năng suất, chất lượng cao. Ứng dụng các kỹ thuật chuồng trại mới nhằm giảm tối đa stress ẩm và nhiệt lên sản xuất sữa.

Giải pháp chiến lược WO: Xây dựng mô hình liên kết dọc (nông dân - công ty) có sự hỗ trợ của công ty trong sản xuất và tiêu thụ, hợp đồng đầu vào và đầu ra.

Giải pháp chiến lược WT: Tăng chất lượng trong sản xuất thức ăn thô xanh cho bò sữa bằng cách chuyển đổi những giống cỏ kém hiệu quả và tăng sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp trong khẩu phần ăn bò sữa.

IV. Kết luận

Lâm Đồng là một tỉnh có nhiều thuận lợi để phát triển ngành Chăn nuôi bò sữa. Ngoài các yếu tố về lao động, khí hậu và thổ nhưỡng, việc tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp cho chăn nuôi đã làm giảm đáng kể chi phí trong sản xuất sữa. Bên cạnh những ưu thế, chăn nuôi bò sữa trong tỉnh còn gặp một số trở ngại như quy mô nhỏ lẻ (tập trung ở quy mô dưới 10 con/hộ), thiếu vốn đầu tư, năng suất sữa còn thấp. Vì vậy, hiện tại ngành Chăn nuôi bò sữa của tỉnh hầu như không có lợi thế so sánh với tỷ số DRC/SER = 1,34 >1.

Từ kết quả nghiên cứu trên, để cải thiện lợi thế so sánh trong ngành Chăn nuôi bò sữa, nghiên cứu đề suất một số khuyến nghị đối với nông hộ chăn nuôi bò sữa như là cần mở rộng quy mô chăn nuôi hoặc liên kết sản xuất với nông hộ chăn nuôi khác để nâng cao hiệu quả sản xuất theo qui mô đồng thời tận dụng tối đa nguồn thức xanh giữa các hộ chăn nuôi, chủ động tiếp cận các thông tin kỹ thuật do công ty Vinamilk và TH Truemilk chuyển giao, đặc biệt là nguồn giống bò. Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Thị Minh Nguyệt, 2004. Phân tích và đề xuất các kịch bản chính sách cho ngành Chăn nuôi bò sữa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 4.

2. Nguyễn Thị Diệu Hiền, 2016. Phân tích lợi thế cạnh tranh ngành Sữa của Việt Nam. Science & Technology Development, 19, 4, 48-67.

3. Nguyễn Văn Hóa, Mai Văn Xuân, 2012. Nghiên cứu khả năng cạnh tranh của cà phê tỉnh Đắk Lắk. Tạp chí Khoa học Đại học Huế, 72B, 3, 121-132.

4. Lê Tuấn Lộc, 2015. Chuyển dịch lợi thế so sánh trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Nghiên cứu kinh tế, 447.

5. Lê Vũ, 2005. Lợi thế so sánh trong chăn nuôi bò sữa ở Đông Nam bộ. Tạp chí Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp, 4.

6. Vũ Đình Tôn, Nguyễn thị Thu Huyền, 2007. Lợi thế so sánh của sản phẩm thịt lợn tại vùng đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp, 5, 4, 81-86.

7. Trần Đình Thảo, Đỗ Trường Lâm, 2000. Lợi thế cạnh tranh trong sản xuất ngô của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 3.

8. Võ Minh Sang, Đỗ Văn Xê, 2016. Ba quan điểm chính đo lường lợi thế so sánh trong sản xuất - xuất khẩu hàng hóa quốc gia. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 44c, 114-126.

9. Bộ Tài chính - Cục Quản lý giá, 2016.

EVALUATING THE COMPARATIVE ADVANTAGES

OF THE LAM DONG DAIRY PRODUCTS IN THE PROCESS

OF INTEGRATION

MA. TRAN HOAI NAM

Agricultural Economics Program, Faculty of Economics, Nong Lam University

MA. LE VU

Agricultural Economics Program, Faculty of Economics, Nong Lam University

MA. NGUYEN VAN CUONG

Agricultural Economics Program, Faculty of Economics, Nong Lam University

ABSTRACT:

This study used the DRC and SWOT matrix to estimate comparative advantage as well as analyzes strengths, weaknesses, opportunities and threats s in the dairy industry in Lam Dong province. Data collected by direct interviews with 300 cattle households and 30 local used the PRA method. The results show that the current dairy sector in the province has almost no comparable advantage of DRC / SER ratio is 1.34> 1. However, the comparative advantage will be improved as farmers maximize the available resources and increase the size of the dairy herd.

Keywords: Dairy industry, comparative advantage, SWOT matrix, integration.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây