Đào tạo hòa giải tại Trường Đại học Ngoại thương: Hướng tới đạt chuẩn quốc tế

TS. HOÀNG THỊ MINH HẰNG (Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương)

TÓM TẮT:

Bắt đầu từ năm học 2021-2022, Trường Đại học Ngoại thương đã triển khai Chương trình Cử nhân ngành Luật, chuyên ngành Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp, với một trong những điểm nổi bật đó là chú trọng đào tạo cử nhân luật có khả năng tham gia giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, hoặc có cơ hội trở thành hòa giải viên. Một trong những mục tiêu đề ra của người xây dựng Chương trình là các học phần về hòa giải của Chương trình được các tổ chức quốc tế công nhận. Bài viết đề xuất tổ chức quốc tế thực hiện việc công nhận các học phần về hòa giải của Chương trình.

Từ khóa: chương trình V-LEX, đào tạo, hòa giải, tiêu chuẩn quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương.

1. Đặt vấn đề

Chính thức tuyển sinh từ năm 2021, Chương trình Cử nhân ngành Luật, chuyên ngành Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp (sau đây gọi là “Chương trình V-LEX” hay “Chương trình”) trở thành chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) thứ 9 của Trường Đại học Ngoại thương1. Một trong những ưu điểm nổi bật của Chương trình đó là chú trọng đào tạo cử nhân luật có khả năng tham gia giải quyết tranh chấp (GQTC) bằng hòa giải, hoặc có cơ hội trở thành hòa giải viên (HGV). Cụ thể, sản phẩm đầu ra của Chương trình sẽ là một đội ngũ cử nhân luật có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực luật kinh doanh quốc tế (KDQT), đặc biệt là về ADR; có khả năng làm chuyên gia pháp chế trong nước và quốc tế để giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình tham gia các hoạt động KDQT, trong đó có ADR; có khả năng trở thành HGV làm việc cho các tổ chức nghề nghiệp về ADR ở trong nước và quốc tế. Việc hiện thực hóa các mục tiêu đào tạo chung và mục tiêu đào tạo cụ thể nói trên có thể đạt được thông qua việc hợp tác hiệu quả giữa Nhà trường và các đối tác trong và ngoài nước nhằm trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và văn hóa ADR. Vì vậy, nghiên cứu này đề xuất một tổ chức quốc tế thực hiện việc công nhận các học phần về hòa giải của Chương trình. Bài viết gồm 3 phần chính. Phần thứ hai giới thiệu về các học phần hòa giải của Chương trình cần công nhận quốc tế. Phần thứ ba tìm kiếm, lựa chọn đối tác công nhận quốc tế và bàn tới các tiêu chuẩn của tổ chức này. Phần thứ tư sẽ đưa ra một số kết luận.

2. Tổng quan về các học phần hòa giải trong Chương trình V-LEX

Hiện tại, Chương trình có 2 học phần liên quan trực tiếp tới hòa giải, đó là: GQTC KDQT bằng thương lượng và hòa giải và Học phần nâng cao về GQTC bằng phương thức thay thế.

Về điểm chung, cả 2 học phần này đều có thời lượng 3 tín chỉ, giảng dạy trong 15 buổi bằng tiếng Anh và thuộc khối kiến thức chuyên ngành Luật KDQT. Giảng dạy 2 học phần này là các giảng viên thuộc Bộ môn Pháp luật KDQT có trình độ từ Thạc sỹ trở lên, được đào tạo sau đại học ở nước ngoài; một số thầy cô đồng thời là HGV. Ngoài ra, còn có các giảng viên thỉnh giảng là những người hành nghề luật (luật sư, HGV và trọng tài viên) có uy tín trong và ngoài nước. Như vậy, nằm trong chỉnh thể của toàn bộ Chương trình V-LEX, các học phần này cũng sẽ áp dụng phương pháp song giảng (tức là các chuyên gia bên ngoài sẽ tham gia giảng dạy) và giảng dạy theo phương thức kết hợp (blended learning) (tức là giảng trực tiếp kết hợp với trực tuyến)2.

Về học liệu, nhìn chung được chia thành các nhóm chính: văn bản pháp luật, sách, báo, tạp chí và websites. Hiện nay, chưa có giáo trình do Nhà trường xây dựng dành riêng cho 2 học phần này. Các học liệu sử dụng trong 2 học phần này chủ yếu là các học liệu của các tác giả ngoài trường. Theo hiểu biết của tác giả, các học liệu này cũng chưa có sẵn tại Thư viện FTU.

Về nội dung giảng dạy, phần lớn các nội dung trong các học phần về hòa giải (kể cả học phần nâng cao về ADR) đều là kiến thức nhập môn, không phải là kiến thức nâng cao về ADR.

Về phương pháp dạy và học, các học phần hòa giải đều áp dụng phương pháp giảng lý thuyết, kết hợp bài tập thực hành, bài tập tình huống và phương pháp tự học của sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Về phân bổ thời gian giữa các phương pháp dạy và học, cùng với thời lượng 3 tín chỉ hay 45 giờ (mỗi giờ học kéo dài 50'), các học phần về hòa giải đều có số giờ giảng lý thuyết chiếm 2/3 thời lượng học phần (tương đương 30 giờ); số giờ thực hành trên lớp chiếm 1/3 thời lượng còn lại của học phần (tương đương 15 tiết). Tổng thời gian làm bài tập nhóm/bài tập về nhà/tiểu luận bằng 50% thời gian của môn học (tương đương 22,5 giờ) và tổng thời gian tự học bằng 150% thời gian của môn học (tương đương 67,5 giờ).

Về phương pháp kiểm tra và đánh giá, đối với cả hai học phần, việc đánh giá người học vẫn dựa trên đánh giá thường xuyên (điểm chuyên cần) và đánh giá định kỳ (điểm giữa kỳ và điểm cuối kỳ) với trọng số lần lượt là 10%, 30% và 60%.

3. Tổ chức công nhận quốc tế về hòa giải: Lựa chọn và tìm hiểu yêu cầu công nhận

Phần này hướng tới 2 mục tiêu chính, đó là:

(1) lựa chọn được tổ chức quốc tế phù hợp để thực hiện việc công nhận các học phần về hòa giải của Chương trình V-LEX và (2) phân tích để làm rõ các tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế đã được lựa chọn.

3.1. Lựa chọn tổ chức công nhận quốc tế về hòa giải

3.1.1. Tìm kiếm tổ chức công nhận quốc tế về hòa giải

Để xây dựng được danh sách các tổ chức công nhận quốc tế tiềm năng, nghiên cứu đã tham khảo ý kiến của các bên liên quan, cụ thể là chuyên gia về hòa giải. Tại Hội thảo “Đào tạo kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ trọng tài và hòa giải thương mại tại Việt Nam: Nhu cầu và cơ hội hợp tác phát triển” tại Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội, ngày 12/10/2020, các chuyên gia hàng đầu về hòa giải trong nước đã gợi ý 2 tổ chức công nhận quốc tế về hòa giải là Viện Hòa giải Quốc tế (International Mediation Institute - IMI) và Viện Hòa giải uốc tế Singapore (Singapore International Mediation Institute - SIMI).

Ngoài ra, tác giả cũng tìm kiếm thêm một số các tổ chức công nhận chương trình đào tạo hòa giải khác, chẳng hạn như, Viện Hòa giải viên Ireland (The Mediators' Institute of Ireland - MII) hay Viện Chứng nhận và Đào tạo Hòa giải viên các nước nói tiếng Bồ Đào Nha (ICFML), nhưng không tìm được tổ chức nào phù hợp.

3.1.2. Lựa chọn giữa IMI và SIMI

Phần này, trên cơ sở so sánh điểm giống và khác nhau, ưu điểm và nhược điểm của 2 tổ chức, sẽ chỉ ra IMI là tổ chức phù hợp nhất thực hiện việc công nhận chương trình đào tạo đạt chuẩn.

a. Về điểm giống nhau

Về sứ mệnh, IMI và SIMI đều cùng đặt ra 4 sứ mệnh, đó là: xây dựng và đạt được tiêu chuẩn hòa giải cao, tập hợp/nhóm họp các bên có lợi ích và các bên liên quan, thúc đẩy sự hiểu biết và áp dụng hòa giải, thúc đẩy sự hiểu biết và áp dụng hòa giải và phổ biến kỹ năng cho các bên, luật sư và HGV.

Về các chương trình được công nhận, phân loại các chương trình được công nhận của 2 tổ chức về cơ bản cũng giống nhau, trong đó đều bao gồm chương trình đào tạo được công nhận/chứng nhận.

Về lợi ích của việc chương trình đào tạo hòa giải được chứng nhận/công nhận, việc được 1 trong 2 tổ chức này công nhận đều mang lại một số các lợi điểm chung, bao gồm quyền đào tạo và đánh giá cá nhân đủ điều kiện trở thành HGV được IMI/SIMI công nhận; quyền đệ trình tên của người học đã hoàn thành khóa đào tạo để trở thành HGV được IMI/SIMI công nhận, đảm bảo chất lượng, quảng bá, tăng uy tín của tổ chức và của hòa giải trong khu vực có liên quan, được tra cứu trên website của IMI hay SIMI và quyền sử dụng lôgô IMI CMTP/SIMI RTP;

Còn đối với người học, khi hoàn thành khóa học được công nhận, người học cũng nhận được lợi ích về cơ bản giống nhau, bao gồm việc đạt được điều kiện cần để trở thành HGV được IMI đánh giá (IMI-Qualified Mediator) hay trở thành HGV SIMI ở bất kỳ cấp độ nào.

Về quy trình công nhận, cả hai tổ chức có quy trình tương tự nhau3, bao gồm các bước hoàn thiện đơn đăng ký, gửi đơn đăng ký, rà soát hồ sơ đơn đăng ký và trả khoản phí nộp hồ sơ đúng hạn và tuân thủ các yêu cầu về việc gia hạn (nếu được chấp nhận).

Về cách thức nộp hồ sơ và thời gian nhận kết quả, 2 tổ chức cũng tương đồng khi quy định nộp hồ sơ online và toàn bộ quá trình rà soát hồ sơ mất từ 6 tới 8 tuần.

b. Về điểm khác nhau

IMI có lịch sử hình thành lâu đời hơn do được thành lập theo pháp luật Hà Lan tại Hague năm 2007; trong khi đó SIMI được thành lập năm 2014.

Về tầm nhìn và sứ mệnh, tuy có nội dung tương đồng, tầm nhìn và sứ mệnh của IMI rộng hơn so với SIMI về phạm vi địa lý. IMI là tổ chức duy nhất trên thế giới phát triển/xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp toàn cầu; trong khi đó, SIMI có tầm nhìn là tiên phong về hòa giải ở Châu Á.

Về vai trò, IMI và SIMI cũng có sự khác biệt đáng kể. IMI không phải là bên cung ứng dịch vụ cũng không cung cấp bất kỳ dịch vụ hòa giải hay chương trình đào tạo nào cho thị trường. Trái lại, SIMI có cung cấp dịch vụ hòa giải. Tuy có những khác biệt, vai trò công nhận chương trình đào tạo hòa giải của 2 tổ chức này tương tự nhau.

Về lợi ích của việc chương trình đào tạo hòa giải được chứng nhận/công nhận, ngoài các điểm chung ở trên, được SIMI công nhận mang lại thêm một số lợi ích gia tăng khác như được cung cấp báo cáo kiểm toán, được tiếp cận và thông báo sớm về các sự kiện và hội thảo do SIMI tổ chức, được cập nhật các thực tiễn tốt nhất trong đào tạo hòa giải và được hưởng mức phí ưu đãi.

Về lịch sử hình thành và phát triển của việc công nhận chương trình đào tạo hòa giải, trong khi SIMI RTP không có sẵn các thông tin này trên website của mình, IMI CMTP công bố khá rõ ràng.

Về tiêu chuẩn công nhận, tuy có chung một số tiêu chuẩn công nhận, IMI một mặt có thêm một số tiêu chuẩn và mặt khác đưa ra hướng dẫn chi tiết, rõ ràng hơn so với SIMI4. Cụ thể, IMI CMTP và SIMI RTP đều bao gồm tiêu chuẩn về (i) độ dài khóa học, (ii) nội dung môn học, (iii) giảng viên, (iv) đánh giá kết quả đào tạo và (v) tính minh bạch. Ngoài ra, IMI CMTP có thêm 10 tiêu chuẩn khác về (i) đăng ký chương trình, (ii) khung năng lực, (iii) quy mô lớp học, (iv) yêu cầu tối thiểu đối với việc đào tạo chỉ thông qua phương thức trực tuyến, (v) phương pháp giảng dạy, (vi) học liệu, (vii) thiết lập mô hình đóng vai/phân vai, (viii) cung cấp ý kiến phản hồi, (ix) thúc đẩy sự phát triển thành HGV trong tương lai và (x) Khiếu nại và chính sách rà soát/phúc khảo. Với các tiêu chuẩn giống nhau, SIMI chỉ đưa ra hướng dẫn chung chung trong khi đó IMI quy định rõ hơn và có chú thích giải thích cho từng tiêu chuẩn (xem thêm Mục 3.2 ở dưới).

Về chi phí, với IMI CMTP, chi phí nộp hồ sơ là 150 Euro (khoảng 3,5 triệu đồng) và chi phí kiểm định/1 lần/2 năm: 150 euro; với SIMI RTP, các khoản phí tương ứng lần lượt là 750 đô la Singapore (SGD) /1 hồ sơ (khoảng 13,3 triệu đồng) (phí hành chính) và SGD 2.000 (khoảng 33,5 triệu đồng) (phí hàng năm). Như vậy, chi phí của IMI rẻ hơn nhiều (chỉ khoảng hơn 1/4 hay 1/10) so với SIMI.

Về thời gian hiệu lực của việc công nhận, công nhận IMI CMTP chỉ có hiệu lực trong 2 năm (tức là phải gia hạn mỗi 2 năm), trong khi công nhận SIMI RTP có hiệu lực trong 3 năm, dẫn tới tần suất gia hạn của IMI nhiều hơn gấp 1,5 lần so với SIMI. Tuy nhiên, xét tới chi phí gia hạn mỗi lần chỉ bằng 1/10 như đã phân tích ở trên, việc phải gia hạn thường xuyên hơn vẫn đảm bảo chi phí gia hạn của IMI CMTP rẻ hơn SIMI RTP (chỉ bằng khoảng 1/6 nếu tính cùng một tần suất).

Về các chương trình đã được công nhận, IMI CMTP không chỉ nhiều hơn SIMI RTP về số lượng, mà còn đa dạng hơn về phân bổ địa lý. Tính đến ngày 21/4/2022, IMI có 23 IMI CMTP5 ở cả 4 châu lục (châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi), trong khi con số này của SIMI Là 126 ở châu Á (chủ yếu tập trung ở Singapore), châu Phi và một số ít ở Anh. Như đã đề cập, sự chênh lệch trong kết quả này chủ yếu do khác biệt trong tầm nhìn và sứ mệnh của 2 tổ chức. Do đó, IMI sẽ cởi mở hơn với việc công nhận một chương trình đào tạo hòa giải tại một nước đang phát triển như Việt Nam.

3.2. Tiêu chuẩn công nhận của IMI CMTP

Yêu cầu công nhận của IMI có thể chia thành 3 nhóm: tiêu chuẩn công nhận, quy trình/thủ tục công nhận và các yêu cầu khác (hồ sơ, chi phí công nhận…). Tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung vào tiêu chuẩn công nhận IMI CMTP.

Tiêu chuẩn 1: Đăng ký. Tổ chức đào tạo hòa giải phải tuân thủ quy định của quốc gia (nếu có) về việc đăng ký khóa đào tạo hòa giải.

Tiêu chuẩn 2: Nội dung khóa học. Nội dung khóa học có thể được chia thành các chủ đề (i) phát triển kiến thức và (ii) phát triển kỹ năng.

Tiêu chuẩn 3: Khung năng lực. Một khóa đào tạo phải có "khung năng lực", trong đó nêu rõ ràng và ngắn gọn các năng lực cốt lõi mà 1 HGV hiệu quả phải có.

Tiêu chuẩn 4: Độ dài của khóa học. Khóa học đó phải có số giờ đào tạo không ít hơn 40 giờ, không bao gồm thời gian chuẩn bị trước khóa học, ăn trưa và nghỉ giải lao.

Tiêu chuẩn 5: Quy mô lớp học. Khuyến nghị các khóa học có sĩ số lớp học tối đa là 30 người học, với tỷ lệ giảng viên - người học nằm trong khoảng lý tưởng là 1 giảng viên/6 người học; tối đa 1 giảng viên/10 người học.

Tiêu chuẩn 6: Yêu cầu tối thiểu đối với việc đào tạo chỉ thông qua phương thức trực tuyến. Do hiện tại các học phần hòa giải của Chương trình không đào tạo 100% trực tuyến nên nghiên cứu sẽ bỏ qua Tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn 7: Phương pháp giảng dạy. Nên sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, bao gồm giảng lý thuyết, video, bài tập tương tác, làm việc cá nhân, thảo luận nhóm, nói chuyện theo cặp và đóng vai. Đối với phần thực hành của bất kỳ khóa học nào được thiết kế để dạy quy trình và kỹ năng để trở thành HGV hiệu quả, nên dành tỷ lệ phần trăm thời gian sau đây cho các phương pháp dạy học khác nhau để tổ chức đào tạo: lý thuyết (khoảng 10%), bài tập và thảo luận (khoảng 40%) và nhập vai, huấn luyện và phản hồi (khoảng 50%).

Tiêu chuẩn 8: Học liệu. Nếu người học phải chuẩn bị trước khóa học thì khuyến cáo người học nên nhận được tài liệu không ít hơn 2 tuần trước khi khóa học diễn ra để có thời gian chuẩn bị đầy đủ. Nếu các khóa học được thiết kế mà không cần chuẩn bị trước khóa học thì không áp dụng khuyến nghị này. Người học được cung cấp đủ thời gian trong khoảng thời gian khuyến nghị (không muộn hơn một tuần trước khi khóa học diễn ra) để chuẩn bị đóng vai.

Tiêu chuẩn 9: Thiết lập mô hình đóng vai/phân vai. Đóng vai được sử dụng để người học thực hành các kỹ năng hòa giải trong môi trường mô phỏng và cũng để người học nhận được phản hồi và được huấn luyện bởi một HGV có kinh nghiệm - người sẽ đóng vai trò là một huấn luyện viên (HLV). Do đó, các hoạt động đóng vai phải được lên kế hoạch và thực hiện để cho phép người học có cơ hội học hỏi tối đa.

Tiêu chuẩn 10: Cung cấp ý kiến phản hồi. Người học không chỉ học hỏi bằng cách thực hành các kỹ năng của HGV mà còn nhận được phản hồi/nhận xét từ các HGV có kinh nghiệm đóng vai trò huấn luyện viên trong suốt khóa học.

Tiêu chuẩn 11: Đánh giá kết quả. Nếu một khóa học được thiết kế để đánh giá, chứng nhận hoặc công nhận người học có các kỹ năng và kiến thức cần thiết để hòa giải tranh chấp một cách thành thạo thì khóa học đó phải có bài đánh giá/kiểm tra/thi thực tế về năng lực hòa giải của người người trên cơ sở khung năng lực của khóa học, được nêu ở Tiêu chuẩn 3.

Tiêu chuẩn 12: Thúc đẩy sự phát triển thành HGV trong tương lai. Mặc dù tổ chức đào tạo hòa giải không thể tổ chức các cuộc hòa giải thực tế cho tất cả mọi người học, nhưng họ có nghĩa vụ, trong chừng mực nhiều nhất có thể, tạo điều kiện cho người học phát triển hơn nữa với tư cách là một HGV.

Tiêu chuẩn 13: Khiếu nại và chính sách rà soát/phúc khảo. Tất cả các khóa học cần có chính sách khiếu nại bằng văn bản rõ ràng dành cho người học không hài lòng với chất lượng của khóa học.

4. Kết luận

Các phân tích ở trên đã chỉ ra IMI phù hợp để được chọn làm tổ chức thực hiện việc công nhận quốc tế các học phần về hòa giải của Chương trình V-LEX. Đồng thời, có thể nhận thấy phần nào sự khác biệt giữa các học phần này và tiêu chuẩn công nhận IMI CMTP. Do đó, bài viết này chỉ là một phần trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu công nhận quốc tế của Chương trình V-LEX. Trong tương lai, cần có thêm nghiên cứu đề xuất giải pháp giúp các học phần về hòa giải của Chương trình đạt được tiêu chuẩn công nhận IMI CMTP, tập trung vào các khía cạnh như tổ chức giảng dạy, cơ sở vật chất, nhân lực, hợp tác trong nước, học liệu, lấy ý kiến đánh giá của người học, sửa đổi và bổ sung ĐCCTHP, hoạt động giúp người học tiếp tục phát triển trong tương lai để trở thành HGV, xây dựng biểu mẫu cần thiết để nộp cùng hồ sơ đăng ký và xây dựng website.

Ghi chú: Nghiên cứu này là sản phẩm của Đề tài KH&CN cấp cơ sở của Trường Đại học Ngoại thương “Giải pháp để các học phần giải quyết tranh chấp bằng phương thức thay thế (ADR) trong Chương trình V-LEX được công nhận quốc tế”, mã số NTCS2021-75.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN và THAM KHẢO:  

1Khoa Luật (2020), Trường Đại học Ngoại thương, Tờ trình Mở Chương trình Đào tạo trình độ Đại học của Khoa Luật, ngày 25/07/2020.

2Trường Đại học Ngoại thương (2020), Dự thảo Đề án Chất lượng cao Luật KDQT (V-LEX), ngày 02/02/2020, tr. 11 và 13.

3Hướng dẫn về quy trình công nhận IMI CMTP. Truy cập tại: https://imimediation.org/orgs/register-program/

Quy trình công nhận SIMI RTP. Truy cập tại: https://www.simi.org.sg/What-We-Offer/Mediation-Organisations/SIMI-Registered-Training-Program-List

4Forms Guidelines. [Online] Availabile at https://www.simi.org.sg/Resources/Download/Forms-Guidelines-1

Training program requirements. [Online] Availabile at https://imimediation.org/orgs/training-program-requirements/

5Find program. [Online] Availabile at https://imimediation.org/orgs/find-program/

6SIMI Registered Training Program. [Online] Availabile at https://www.simi.org.sg/What-We-Offer/Mediation-Organisations/SIMI-Registered-Training-Program

FOREIGN TRADE UNIVERSITY’S

MEDIATION TRAINING PROGRAM:

TOWARDS INTERNATIONAL STANDARDS

Ph.D HOANG THI MINH HANG

Faculty of Law, Foreign Trade University

ABSTRACT:

Since the 2021-2022 academic year, Foreign Trade University has offered the Bachelor of Laws degree with the major in International Business Law. This program is based on the professional practice‐related training model which enable law graduates become mediators or do dispute resolution. One of the goals set by the program’s developers is that the program’s mediation training modules will be recognized by international organizations. This paper is to help the program’s mediation training modules get the recognition from international organizations.

Keywords: V-LEX program, training, mediation, international standards, Foreign Trade University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 1 năm 2023]