Đề xuất sửa đổi một số quy định trong kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Thông tư này điều chỉnh: Hướng dẫn thi hành một số quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; 

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2021/TT-BCT ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Thông tư này áp dụng đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Thủ tục cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi hoặc cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu

Cụ thể, Dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 17/2021/TT-BCT ngày 15/11/2021 như sau:

“3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

Điều 6. Kiểm tra và cấp Giấy xác nhận, Giấy chứng nhận

1. Thương nhân có nhu cầu cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi hoặc cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu; Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu; Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ về Bộ Công Thương, Sở Công Thương qua đường công văn hoặc qua mạng điện tử theo địa chỉ do Bộ Công Thương, Sở Công Thương thông báo trên trang thông tin điện tử.

2. Thủ tục hành chính do Bộ Công Thương thực hiện

a) Đối với thủ tục cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi hoặc cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

b) Đối với thủ tục cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi hoặc cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

c) Trường hợp kết quả kiểm tra thực tế phù hợp với hồ sơ đề nghị của thương nhân, Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận theo Mẫu số 2 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; Mẫu số 6 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

d) Tùy từng trường hợp cụ thể, Bộ Công Thương phối hợp hoặc ủy quyền Sở Công Thương nơi thương nhân đặt trụ sở chính, Sở Công Thương nơi thương nhân có cơ sở kinh doanh xăng dầu kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin năng lực thực tế, tình hình hoạt động của thương nhân, cơ sở kinh doanh xăng dầu lập thành văn bản gửi về Bộ công Thương để xem xét, cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.

3. Thủ tục hành chính do Sở Công Thương thực hiện

a) Đối với thủ tục cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

b) Đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

c) Đối với thủ tục cấp bổ sung, sửa đổi, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu còn hiệu lực theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định 80/2023/NĐ-CP thực hiện theo điểm b, c khoản 3 điều 17 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).

d) Trường hợp kết quả kiểm tra thực tế phù hợp với hồ sơ đề nghị hợp lệ của thương nhân, Sở Công Thương cấp Giấy xác nhận theo Mẫu số 4, Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.”

Công tác điều hành giá xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá trong từng kỳ điều hành phải có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính bằng văn bản

Dự thảo Thông tư sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 17/2021/TT-BCT ngày 15/11/2021 như sau: “Giá xăng dầu thế giới là giá xăng dầu thành phẩm được giao dịch trên thị trường do Bộ Công Thương xác định và công bố.”

Đồng thời, Dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 4 Điều 1 như sau:

“4. Bổ sung Điều 6a sau Điều 6 như sau:

Điều 6a. Điều hành giá xăng dầu

1. Các mặt hàng xăng dầu nhà nước công bố giá cơ sở là những mặt hàng xăng, dầu được tiêu dùng phổ biến trên thị trường gồm xăng sinh học, xăng khoáng, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút. Bộ Công Thương xác định từng mặt hàng xăng, dầu tiêu dùng nhiều nhất thuộc các nhóm mặt hàng xăng sinh học, xăng khoáng, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút để thực hiện công bố giá cơ sở.

2. Báo cáo lượng xăng dầu sản xuất trong nước: Định kỳ, trước ngày 29 của tháng cuối Quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước theo từng chủng loại theo Mẫu số 7a tại Phụ lục kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCT trong kỳ từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý về Bộ Công Thương để tổng hợp tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu trong công thức giá cơ sở.

3. Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu

a) Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

b) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Công tác điều hành giá xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá trong từng kỳ điều hành phải có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính bằng văn bản. Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c) Công tác điều hành giá xăng dầu thực hiện theo Quy chế hoạt động Tổ điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.”

Trước ngày 30/10 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của năm kế tiếp

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 1 như sau:

7. Sửa đổi Điều 12 như sau:

Điều 12. Đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm

1. Trước ngày 30 tháng 10 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi một (01) bộ hồ sơ đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của năm kế tiếp theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về Bộ Công Thương.

2. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, Bộ Công Thương phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để thực hiện cho năm sau.

3. Trường hợp không phân giao hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trường hợp có nhu cầu điều chỉnh hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, thương nhân gửi công văn về Bộ Công Thương trước ngày 30 tháng 9 hàng năm.

4. Trong trường hợp tổng nguồn cung dự kiến cả năm của các thương nhân đã đảm bảo nhu cầu của thị trường, Bộ Công Thương điều chỉnh giảm mức tổng nguồn tối thiểu đã giao cho các thương nhân trước ngày 30 tháng 11 của năm.

5. Trường hợp không điều chỉnh hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu, mua xăng dầu trong nước hoặc điều chỉnh tăng tổng nguồn xăng dầu tối thiểu để các thương nhân thực hiện.”

Dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 10 của Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24/10/2014 như sau: "Đại lý bán lẻ xăng dầu đã ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho ba (03) thương nhân là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khi thay đổi số lượng hợp đồng đã ký với bên giao đại lý phải thanh lý hợp đồng đại lý với các bên giao đại lý hiện tại trước khi ký hợp đồng làm đại lý cho bên giao đại lý khác".

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư bãi bỏ Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Chi tiết Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu xem tại đây.

Thy Thảo