Đề xuất thử nghiệm 3 giải pháp Fintech tại Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất thử nghiệm 3 giải pháp Fintech trong bối cảnh lĩnh vực tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro này phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Công ty công nghệ tài chính, hay còn được biết đến là công ty Fintech, là tổ chức cung ứng giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) hoặc thông qua hợp tác với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để cung ứng giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) ra thị trường. Tổ chức này không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Làn sóng Fintech

Giải pháp Fintech
Ngành Ngân hàng đã chứng kiến xu hướng ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới vào các mô hình kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ, cách thức tiếp cận và tương tác với khách hàng

Tại Việt Nam, xu hướng phát triển Fintech được thể hiện rõ nét qua việc các công ty khởi nghiệp công nghệ, các tổ chức không phải là ngân hàng và có thế mạnh công nghệ tham gia vào các mảng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính dưới hình thức phát triển các giải pháp hỗ trợ hoạt động ngân hàng nhưng không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới người dùng cuối hoặc trực tiếp cung ứng giải pháp mới một cách độc lập.

Lĩnh vực Fintech đã thu hút được sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước, thường là các công ty có thế mạnh về công nghệ, thông qua các hoạt động trực tiếp đầu tư hình thành các công ty Fintech, hay gián tiếp thông qua thành lập các quỹ đầu tư, tạo vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech.

Một vài năm trở lại đây, số lượng lớn các công ty Fintech được hình thành và phát triển, tham gia vào nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân,...

Lĩnh vực tiềm năng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Giải pháp Fintech
Fintech là lĩnh vực mới, có tiềm năng nhưng cũng là lĩnh vực chưa có hành lang pháp lý và có thể tiềm ẩn các rủi ro

Hiện nay, các mảng, lĩnh vực hoạt động kể trên của các công ty Fintech hầu hết chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh. Do đó có thể tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng.

Ví dụ, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) nổi lên tại Việt Nam trong giai đoạn gần đây đã gây ra một số hệ quả tiêu cực đối với người dân. Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là giải pháp cho vay bằng đồng Việt Nam trên nền tảng số được thiết kế và thực hiện trên ứng dụng công nghệ tài chính do công ty Fintech kết nối bên đi vay với bên cho vay. 

Một số công ty Fintech đã lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending, lợi dụng sự thiếu kiến thức, hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất thực tế cao “cắt cổ”.

Một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending (công ty P2P Lending và nhà đầu tư, công ty P2P Lending và bên thứ ba, công ty P2P Lending và khách hàng vay…) thiếu rõ ràng, minh bạch, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay. 

Cần có khung khổ pháp lý để quản lý lĩnh vực mới

Giải pháp Fintech
Việt Nam cần sớm xây dựng một khung khổ quản lý dưới hình thức Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động Fintech

Những vấn đề nêu trên đặt ra những thách thức mới về mặt chính sách, quy định đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hài hòa giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức tài chính truyền thống và công ty Fintech với đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng, an ninh mạng. 

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Fintech là lĩnh vực mới, có tiềm năng nhưng cũng là lĩnh vực chưa có hành lang pháp lý và có thể tiềm ẩn các rủi ro (như ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng, an ninh mạng,…) đối với các chủ thể tham gia thị trường (các tổ chức tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng giải pháp Fintech và chính bản thân doanh nghiệp cung cấp giải pháp Fintech). Một số loại rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động Fintech đến thời điểm này tuy đã có thể nhận diện nhưng chưa được đánh giá, làm rõ bản chất một cách đầy đủ, toàn diện và chính xác.

Trên bình diện khu vực và quốc tế, nhiều quốc gia đã có cách tiếp cận chủ động bằng việc thiết lập Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động Fintech. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã công bố Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Cơ chế thử nghiệm cho phép thử nghiệm các giải pháp Fintech bằng những giao dịch thật trong một môi trường có kiểm soát, giới hạn về phạm vi, quy mô, thời gian thử nghiệm.

Thử nghiệm 03 giải pháp Fintech tại Việt Nam

Giải pháp Fintech
Cơ chế thử nghiệm được thiết kế để nhận diện, đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích đối với từng giải pháp Fintech và duy trì, kiểm soát rủi ro (nếu có) ở mức độ cho phép

Căn cứ thực tiễn khảo sát, đánh giá thực trạng các lĩnh vực hoạt động của các công ty Fintech tại Việt Nam và qua rà soát các quy định pháp lý hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất lựa chọn 03 giải pháp Fintech thử nghiệm có tiềm năng và nhu cầu ở Việt Nam, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực quản lý của nước ta.

Thứ nhất, chấm điểm tín dụng. Đây là giải pháp ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin của một công ty Fintech nhằm chấm điểm mức độ uy tín tín dụng của một cá nhân, tổ chức để hỗ trợ quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng hoặc thực hiện giải pháp cho vay ngang hàng.

Thứ hai, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API). Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open Application Programming Interface - Open API) là một tập hợp các API được tiêu chuẩn hóa, có thể được sử dụng bởi hệ thống máy tính của nhiều tổ chức tín dụng, công ty Fintech và các bên thứ ba khác để gửi các yêu cầu dịch vụ đến hệ thống tổ chức tín dụng chia sẻ Open API đó. 

Cuối cùng, cho vay ngang hàng (P2P Lending) là giải pháp đã được đề cập ở trên.

Mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm

Việc triển khai Cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng. Qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp.

Cơ chế thử nghiệm cũng tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp Fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp Fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý. Đồng thời, hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sử dụng các giải pháp Fintech tham gia thử nghiệm chưa được quy định trong khung khổ pháp lý, quy định quản lý chính thức.

Các kết quả triển khai thử nghiệm giải pháp Fintech sẽ được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý liên quan.        

Giải pháp Fintech

Quá trình vận hành Cơ chế thử nghiệm sẽ cung cấp cơ sở thực tiễn để các cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành quy định quản lý

Các tổ chức không tham gia Cơ chế thử nghiệm hoặc đã dừng tham gia Cơ chế thử nghiệm vẫn có quyền tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh bình thường nhưng phải có nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, đầu tư, tiền tệ và hoạt động ngân hàng, quản lý ngoại hối, phòng chống rửa tiền của ngành ngân hàng và các quy định pháp luật khác có liên quan. Điều này nhằm đảm bảo sự công bằng và lợi ích của doanh nghiệp, không ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp khi pháp luật chưa theo kịp hoặc chưa ban hành kịp các quy định pháp lý để điều chỉnh.

Ngọc Châm