Giá các loại hàng hóa có thể giảm trong bối cảnh kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn

Kết thúc quý I/2019, thị trường hàng hóa thế giới đã ghi nhận quý tăng mạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đà tăng giá của các loại hàng hóa được dự báo sẽ chững lại, thậm chí giảm xuống trong thời gian tới.

Giá cả nhiều loại hàng hóa đã tăng cao trong quý I/2019 chủ yếu do các lo ngại về thiếu hụt nguồn cung như đối với mặt hàng quặng sắt và dâu thô. Bên cạnh đó, giá một số loại hàng hóa được đẩy cao nhờ các dự báo lạc quan về triển vọng tiêu thụ như đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia thì đà tăng giá của một số loại hàng hóa sẽ không giữ được lâu trong bối cảnh các dự báo về triển vọng tiêu thụ hàng hóa sẽ phải điều chỉnh giảm sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc công bố các số liệu kinh tế mới nhất.

Triển vọng ảm đạm về tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gây tác động đến giá các mặt hàng trong thời gian tới. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai quốc gia sử dụng nhiều nhất các loại hàng hóa trên thế giới.

Trung Quốc vật lộn duy trì tốc độ tăng trưởng

Vào đầu tháng 3/2019, Chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2019 là 6 – 6,5%. Khác với mọi năm, mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc là một con số cụ thể như mốc 6,5% của năm 2018 thay vì một khoảng tăng trưởng như năm nay. Việc thiết lập khoảng tăng trưởng sẽ cho phép Chính phủ Trung Quốc dễ dàng xoay xở hơn trong các biến động kinh tế. Mốc tăng trưởng 6% cũng là mốc thấp nhất trong gần 30 năm trở lại đây của nền kinh tế Trung Quốc.

Dấu hiệu suy yếu ngày càng tăng ở Trung Quốc, nơi tạo ra gần 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ qua, đang gây ra lo ngại về rủi ro cho nền kinh tế thế giới. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc, tăng trưởng GDP của nước này năm 2018 chỉ tăng 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Tốc độ tăng trưởng này cũng thấp hơn mức 6,8% của năm 2017, trong đó tăng trưởng GDP quý IV/2018 của nền kinh tế thứ 2 thế giới chỉ đạt 6,4%, hạ so với mức 6,5% của quý III/2018. Chính phủ Trung Quốc thừa nhận cuộc chiến thương mại giữa nước này và Hoa Kỳ đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nước này, tuy nhiên các tác động vẫn được kiểm soát. Dự kiến Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể ký một thỏa thuận thương mại trong thời gian ngắn tới.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc chiến kinh tế khốc liệt khi thông báo việc cắt giảm thuế trị giá 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 298 tỷ USD) trong năm nay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước này phát triển.

Theo lãnh đạo Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc sẽ thúc đẩy các dự án đầu tư và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, song sẽ không triển khai ồ ạt các biện pháp kích thích kinh tế nhằm đối phó tình trạng tăng trưởng đang chững lại. Chính phủ Trung Quốc hiện nỗ lực giữ tỷ lệ nợ của nước này trong năm 2019 ở mức cân bằng trong bối cảnh nước này cố gắng cho khu vực tư nhân vay vốn nhưng phải tránh tình trạng nợ tăng lên quá nhanh. Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc hiện là 300%.  

Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg với các nhà kinh tế học, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 dự báo chỉ đạt 6,2% và giảm thấp hơn nữa trông năm 2020 và năm 2021.

Kinh tế Hoa Kỳ mất dần động lực tăng trưởng

Bên cạnh đó,  số liệu được Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố vào ngày 28/3 cho thấy tốc độ tăng GDP của Hoa Kỳ trong quý IV/2018 chỉ đạt 2,2%, thấp hơn mức dự báo 2,6% được đưa ra trước đó. Trong quý III/2018, nền kinh tế Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng trưởng 3,4%. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng  chi tiêu tiêu dùng, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, chỉ đạt 2,5% trong quý IV/2018, thấp hơn so với các dự báo trước đây. Mặc dù Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell cho biết các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn ở mức tốt nhưng các nhà lập pháp Hoa Kỳ vẫn giảm triển vọng tăng trưởng trong năm nay và dự kiến không tăng mức lãi suất trong năm 2019. Theo khảo sát mới nhất của hãng tin Bloomberg, các nhà kinh tế học dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong quý I/2019 sẽ chỉ đạt 1,5% - mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, các số liệu về tăng trưởng công nghiệp sản xuất và thị trường nhà ở mức thấp cũng cho thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ đang giảm xuống.

Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong quý I/2019 và trong cả năm nay. "Quý I/2019 sẽ không được tốt như quý IV/2018 vừa rồi", chuyên gia kinh tế trưởng Paul Ashworth của Capital Economics nhận định. "Với các biện pháp kích cầu mất dần tác dụng và ảnh hưởng bị trì hoãn của chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua tiếp tục tác động lên nền kinh tế, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 của Mỹ chỉ đạt khoảng 2,2%".

Ông Ryan Sweet, trưởng ban nghiên cứu chính sách tiền tệ của Moody’s Analytics Inc, cũng nhận định “Chúng ta (Hoa Kỳ) đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm hơn  khi tác dụng của các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ đang giảm dần”. Thậm chí, báo cáo Kinh tế toàn cầu và Triển vọng năm 2019 của Quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Black Rock còn nhận định tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ đang chuyển sang thời kỳ muộn của chu kỳ kinh tế, còn gọi là giai đoạn cuối cùng trước khi rơi vào thời kỳ suy thoái.

Ngoài các yếu tố trong nước, thách thức đối với kinh tế Hoa Kỳ hiện nay còn bao gồm xung đột thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ, sự suy giảm nhu cầu toàn cầu và những bấp bênh xung quanh việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (Brexit).

Quang Đặng