Giá đường chạm mức cao nhất 11 năm, nguồn cung đường toàn cầu sụt giảm

Trong sáng ngày 13/4, giá đường thế giới đã tăng phiên thứ tư liên tiếp, chạm mức cao nhất 11 năm qua khi nguồn cung đường toàn cầu sụt giảm.
Diễn biến giá đường thế giới 10 năm trở lại đây
 Diễn biến giá đường thô trên Sàn giao dịch hàng hoá New York kể từ năm 2010 đến nay. (Nguồn: tradingeconomics.com)

Trong sáng nay (ngày 13/4, theo giờ Việt Nam), giá đường trắng giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hoá ICE London đạt 693,80 USD/tấn, xác lập phiên tăng giá thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, giá đường thô trên Sàn giao dịch hàng hoá New York đạt 24,05 US cent/pound – mức cao nhất trong gần 11 năm trở lại đây.

Tại thị trường Việt Nam hưởng lợi từ giá đường thế giới tăng cao, giá nguyên liệu mía đường cũng đang tiếp nối đà tăng của thế giới. Về giá mía nguyên liệu trong nước, hiện mía nguyên liệu đang dao động từ 850.000 - 1.150.000 đồng/tấn tùy thuộc khu vực.

Tính từ đầu năm đến nay, giá đường trên thị trường quốc tế đã tăng hơn 19%, trở thành một trong những loại hàng hoá, nguyên liệu thô có mức tăng giá mạnh nhất, chủ yếu do tình trạng khan hiếm nguồn cung trên toàn cầu. Trong đó, dự trữ tại nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới Brazil ở mức thấp do mưa lớn gây thiệt hại nhiều vùng canh tác mía đường chủ chốt. Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, hạn chế xuất khẩu đường nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.

Đồng thời, dự báo sản lượng đường tại hàng loạt quốc gia xuất khẩu đường lớn khác như Thái Lan, Trung Quốc, Mexico, Pakistan và châu Âu sẽ sụt giảm. Tất cả những yếu tố trên đã đẩy giá đường chạm mức cao lịch sử được thiết lập hồi năm 2011.

Đà tăng của giá đường hiện đang được củng cố khi các quỹ đầu tư gom mua các hợp đồng giao dịch đường tương lai khi một số dấu hiệu cho thấy căng thẳng nguồn cung trên toàn cầu có thể nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Bộ Lương thực Ấn Độ cho biết nước này đang cân nhắc việc tiếp tục duy trì hạn ngạch xuất khẩu đường niên vụ tới ở mức thấp như hiện nay do sản lượng nội địa thấp hơn dự kiến.

Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) cho biết sản lượng đường của Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023 giảm 3,3% so với cùng kỳ xuống gần 30 triệu tấn. Tính chung cả niên vụ 2022/2023, sản lượng đường của nước này dự kiến chỉ đạt 34 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với mức 36,5 triệu tấn được ISMA dự báo vào cuối năm ngoái. Đồng thời ISMA dự báo lượng đường xuất khẩu của Ấn Độ trong niên vụ 2022/2023 chỉ đạt khoảng 6,1 triệu trấn, giảm so với mức 9 triệu tấn đưa ra hồi tháng 10/2022.

Tại châu Âu, Hiệp hội Các nhà Sản xuất đường Châu Âu hồi cuối năm ngoái dự báo rằng sản lượng đường niên vụ 2022/2023 của Liên minh châu Âu sẽ chỉ đạt 15,5 triệu tấn, giảm 7% so với niên vụ trước.

Trong khi đó, Chính phủ Brazil vừa mới áp dụng chính sách mới về sử dụng nhiên liệu sinh học được phối trộn giữa ethanol và xăng dầu. Chính sách này mang lại lợi ích cho hoạt động sản xuất ethanol và có thể thúc đẩy các nhà máy ép mía đường tại Brazil gia tăng sản xuất ethanol từ mía, thay vì sản xuất đường khi chi phí sản xuất hai loại sản phẩm này là tương đương nhau.

Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã giảm ước tính thặng dư đường toàn cầu niên vụ 2022/2023 từ 6,19 triệu tấn xuống còn 4,15 triệu tấn. Bên cạnh đó, triển vọng giá đường còn được hỗ trợ nhờ các lo ngại diễn biến thời tiết cực đoan trong thời gian tới.

Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ tháng trước cho biết xác suất hình thái thời tiết El Nino phát triển trong nửa cuối năm nay là khoảng 61%. Nếu hiện tượng El Nino xảy ra, Brazil có thể sẽ hứng chịu nhiều đợt mưa lớn, ngược lại Ấn Độ sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán, tác động tiêu cực đến sản xuất mía đường.

Quỳnh Trang