Giá hàng hóa thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua

Giá các loại hàng hóa trên toàn cầu đã giảm xuống dưới mức thấp nhất trong vòng hơn 5 năm trở lại đây trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh do tình trạng dư cung.

Giá vàng cũng giảm xuống sau khi cử tri tại Thụy Sĩ bỏ phiếu từ chối việc cho phép Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ mua thêm vàng. Ngoài ra, các số liệu kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu tăng trưởng kinh tế của nước này đang ở mức thấp, qua đó cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu và kim loại có thể giảm xuống. Trung Quốc hiện là nước sử dụng kim loại và nhiên liệu lớn nhất thế giới.

Chỉ số giá hàng hóa Bloomberg Commodity Index (BCOM) đo lường giá 22 loại hàng hóa, nguyên liệu thô trên toàn cầu đã giảm 1,3% xuống chỉ còn 111,4738 điểm – mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009 và đạt 111,4777 điểm vào lúc 10h03’ ngày 1/12/2014 (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã lần đầu tiên kể từ tháng 7/2009 giảm xuống dưới mức 65 USD/thùng trong khi đó, giá vàng, bạc và đồng cũng đã giảm xuống.

Giá các nguyên liệu thô đang hướng đến năm giảm giá thứ 4 liên tiếp do tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức thấp đã hạn chế tăng trưởng nhu cầu sử dụng các loại hàng hóa trong bối cảnh nguồn cung các loại nguyên liệu thô từ dầu thô cho đến nông sản đều tăng lên tạo ra tình trạng dư cung.

Ngoài ra, việc chỉ số giá đồng Dollar Mỹ - Bloomberg Dollar Spot Index – đo lường giá đồng Dollar Mỹ so với giá 10 loại tiền chính khác trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2009. Điều này khiến cho các loại hàng hóa được định giá bằng đồng Dollar Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với giới đầu tư sử dụng động tiền khác. Chỉ số đo lường hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 11/2014 cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây đã khiến thị trường lo ngại tăng trưởng nhu cầu sử dụng hàng hóa, nguyên liệu thô của Trung Quốc ở mức thấp.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index đã tăng 8,7% do Cục dự trữ liên bang Mỹ chấm dứt chương trình mua trái phiếu và cho thấy các dấu hiệu sẽ nâng lãi suất trong năm 2015 trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt.

Giá dầu thô WTI giao tháng 1/2015 đã giảm mạnh 3,1% xuống mức 64,10 USD/thùng và được giao dichjt ại mức 64,70 USD/thùng tại Sở giao dịch thương mại New York. Trong tháng 11/2014, giá dầu thô WTI đã giảm 18% và xác lập tháng giảm giá thứ 5 liên tiếp sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên mức trần sản lượng khai thác, từ chối cắt giảm sản lượng nhằm tháo gỡ tình trạng dư cung dầu thô trên toàn cầu.

Ông Michael MCCarthy, nhà chiến lược gia trưởng của Công ty CMC Markets (Australia) nhận định, quyết định của OPEC nhằm đến việc loại bỏ các nhà khai thác dầu mỏ có chi phí khai thác cao, đặc biệt là các nhà khai thác dầu từ đá phiến dầu; điều này cũng sẽ tiếp tục tạo áp lực giảm giá dầu thô.

Giá vàng giao ngay cũng đã giảm 2,1% xuống còn 1.142,88 USD/ounce – mức thấp nhất kể từ ngày 7/11/2014 và sau đó đã đạt 1.151,86 USD/ounce.

Vào cuối tháng 11/2014, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bất ngời cắt giảm lãi suất nhăm kích thích kinh tế trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2014 có khả năng ở mức thấp nhất kể từ năm 1990. Ông Li-Gang Liu, trưởng ban kinh tế của Ngân hàng ANZ tại Hồng Kông nhận định, nhằm giữ vững tăng trưởng của năm 2014 tại mức 7,5%, chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng tài chính trong tháng 12/2014.

Đặng Quang (Theo Bloomberg.com)