Giá tiêu hôm nay 8/7: Tiếp tục đi ngang, doanh nghiệp cần cẩn trọng khi giao dịch với đối tác tại Ấn Độ

Giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm trong nước hôm nay tiếp tục đi ngang trong bối cảnh giao dịch diễn ra ảm đạm. Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng trong giao dịch với các đối tác Ấn Độ.

Giá tiêu trong nước hôm nay 8/7/2023

Giá tiêu hôm nay
Tham khảo giá tiêu tại thị trường trong nước ngày 08/7/2023

Khảo sát tại các địa phương trồng tiêu trọng điểm cho thấy, giá tiêu trong nước hôm nay tiếp tục đi ngang, dao động trong khoảng 67.000 - 70.000 đồng/kg.

Theo đó, thương lái đang thu mua tiêu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ở mức 70.000 đồng/kg - mức giá cao nhất cả nước hiện nay. Trong khi đó, giá tiêu tại tỉnh Gia Lai chỉ đạt 67.000 đồng/kg - mức thấp nhất trong số các địa phương được khảo sát. Giá tiêu tại các địa phương còn lại đạt từ 67.500 đồng/kg đến 68.000 đồng/kg.

Tính chung tuần đầu tháng 7/2023, mặt bằng giá tiêu trong nước đã giảm khoảng 1.000 đồng/kg. Trong tháng 6 vừa qua, giá tiêu đã giảm gần 5.600 đồng/kg sau khi tăng vọt lên mức gần 74.000 đồng/kg.

Theo dõi giá tiêu được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cho biết giá mặt hàng này chịu áp lực giảm chủ yếu do lực mua từ thị trường Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại. Bên cạnh đó, sức mua từ các đối tác tại châu Âu và Hoa Kỳ chưa phục hồi trong bối cảnh các hoạt động kinh tế tại những thị trường này suy yếu. Ngoài ra, các khách hàng trên thị trường quốc tế đang chờ đợi nguồn cung tiêu vụ mới của Indonesia trong tháng 7 này. Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện là 2 thị trường nhập khẩu tiêu hàng đầu của Việt Nam.

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) hiện khuyến cáo, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nôn nóng vì đơn hàng yếu và giá tiêu giảm, các đơn vị cần cẩn trọng, đánh giá kỹ năng lực tài chính của các khách hàng trước khi ký các hợp đồng lớn, giao hàng xa.

Đối với thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết thời gian vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam thường phản ảnh về những vướng mắc trong giao dịch với đối tác Ấn Độ, như khó kiểm tra mức độ uy tín, nhiều trường hợp nhận tiền cọc nhưng không giao hàng, chậm trễ thủ tục nhận hàng và thanh toán dù hàng đã đến cảng.

Xem thêm bài viết "Pakistan thiếu ngoại tệ gay gắt, doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng khi xuất khẩu sang thị trường này" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ông Bùi Trung Thướng khuyến cáo nếu doanh nghiệp phát hiện đối tác không có ý định thanh toán tiền thì nên kéo hàng về cảng Việt Nam ngay vì chi phí này rẻ hơn rất nhiều so với việc phải lưu kho tại Ấn Độ với mức phí khoảng 1.000 USD/ngày.

Ngoài ra, nếu lô hàng đã được di chuyển vào nội địa Ấn Độ thì thủ tục giải quyết vụ việc sẽ phức tạp, kéo dài. Nếu tranh chấp kéo dài 3 – 4 tháng thì chi phí bị đội lên rất nhiều và có trường hợp đối tác với nhau 10 năm những vẫn không thanh toán tiền hàng, ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh.

Việt Nam hiện là một trong những nước cung ứng hồ tiêu và cây gia vị lớn nhất cho Ấn Độ.

Giá tiêu thế giới hôm nay 8/7/2023

Giá tiêu thế giới hôm nay
Giá tiêu tại thị trường thế giới ngày 07/7/2023 (Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế)

Trên thị trường hồ tiêu thế giới, dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho thấy, ngoại trừ giá tiêu của Indonesia giảm xuống, giá các loại tiêu khác trong ngày 7/7 được giữ không đổi so với ngày 6/7.  

Cụ thể, giá tiêu đen Lampung của Indonesia giảm 0,49%, xuống 3.701 USD/tấn. Giá tiêu trắng của nước này cũng giảm 0,49%, xuống 6.333 USD/tấn.

Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil được giữ ở mức 3.050 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam loại 500 g/l được giữ ở mức 3.500 USD/tấn.

IPC cũng vừa dự báo xuất khẩu tiêu toàn cầu trong năm nay sẽ giảm nhẹ do suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ giảm. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tiêu của các quốc gia chủ chốt biến động trái chiều nhau khi xuất khẩu của Việt Nam và Brazil tăng, nhưng xuất khẩu của Ấn Độ và Indonesia lại giảm mạnh. Trong năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu đã giảm khoảng 11% so với năm 2021.

Nhu cầu nhập khẩu tiêu cũng biến động trái chiều tại các thị trường; ghi nhận tăng tại Trung Quốc và châu Phi, nhưng sức mua lại giảm ở Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

Quỳnh Trang