Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài vẫn chậm, do đâu?

Ước tính nửa đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài đạt khá thấp; các địa phương chỉ đạt 7,6%, trong khi tiến độ của các Bộ, ngành khả quan hơn cũng mới đạt 27,2% kế hoạch vốn năm 2023 được giao. Công tác triển khai thực hiện các dự án vẫn còn nhiều vướng mắc.

Mới đây, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị với các Bộ, ngành và Hội nghị với các địa phương về sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023. Thông tin từ các hội nghị này cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm còn thấp.

giải ngân vốn ODA
Hội nghị với các Bộ, ngành sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023.

Tiến độ giải ngân của các Bộ, ngành khả quan hơn các địa phương

Với các địa phương, năm 2023, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 34.512,5 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương (NSTW) 16.117,7 tỷ đồng (50/63 địa phương), vốn vay lại là 18.394,8 tỷ đồng (57/63 địa phương).

Tính đến 27/06/2023, số kế hoạch vốn các địa phương đã phân bổ và nhập Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) cho các dự án là 27.385,13 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của NSTW là 14.225,28 tỷ đồng chiếm 88,2% kế hoạch vốn được giao, vốn vay lại là 13.159,85 tỷ đồng chiếm 71,5% kế hoạch vốn được giao. Kết quả giải ngân vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 27/6/2023) của các địa phương vẫn thấp, chỉ đạt 7,6% kế hoạch vốn năm 2023 được giao (tính cho cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại). Mới có 8/50 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 15%, 13/50 địa phương chưa giải ngân vốn NSTW cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (NSĐP).

Với các Bộ, ngành, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, ngành là 11.858,314 tỷ đồng. 

Theo số liệu trên hệ thống TABMIS, tính đến hết ngày 31/5/2023, tỷ lệ nhập dự toán trên TABMIS chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn nước ngoài được giao của các Bộ, ngành đạt 92,36% (10.953,909 tỷ đồng).

Ước 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài đạt 27,4% (tương đương 3.251 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ, ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng).

Về tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài, có 5/11 Bộ, ngành là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giáo dục và đào tạo và Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3 Bộ là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông vận tải (30,97%). Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (30,56%), 2 Bộ còn lại có số giải ngân rất ít, Bộ Tài nguyên và môi trường (4,19%), Bộ Giáo dục và đào tạo (5,26%).

Bên cạnh đó, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 của các Bộ, ngành được kéo dài sang năm 2023 là 1.042,589 tỷ đồng. Hiện các Bộ, ngành đã bắt đầu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2022 kéo dài.

đầu tư công
Công tác triển khai thực hiện và giải ngân các dự án còn gặp nhiều vướng mắc.

Những vướng mắc chủ yếu

Với các địa phương, Bộ Tài chính cho biết, qua quá trình làm việc với các địa phương, các dự án và theo dõi số liệu giải ngân của các dự án, một trong những vướng mắc chủ yếu liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư. Các dự án thuộc nhóm này phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thực hiện, gia hạn giải ngân hoặc đang làm thủ tục sử dụng vốn dư. Nguyên nhân chính các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân là do các công tác triển khai dự án chậm trễ và chưa kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.

Những vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân khá đa dạng bao gồm: Các vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại; Vướng mắc về giải phóng mặt bằng; Vướng mắc do điều chỉnh thiết kế; Vướng mắc do biến động giá nguyên vật liệu, khó huy động nhân công; Chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán; Trình độ, năng lực cán bộ quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Đây là những vướng mắc thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh và các ban quản lý dự án.

Vướng mắc về thể chế chính sách được ghi nhận là Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 qui định chi tiết một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng đã qui định các dự án nhóm A từ thiết kế cơ sở đến thiết kế chi tiết đều do Bộ Xây dựng thẩm định dẫn đến việc chậm trễ trong việc thẩm định thiết kế đối với các dự án, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các dự án nói chung. Các dự án y tế không thể giải ngân trong năm 2022 và cả nửa đầu năm 2023 do hàng loạt cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế đã làm cho các thiết bị y tế dù đã nhập về nhưng vẫn không thể đưa vào sử dụng.   

Đối với các Bộ, ngành, những vướng mắc chủ yếu là dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư nên ảnh hưởng đến việc giải ngân như: Chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; Chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; Mới hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều kiện cho vay lại và ký kết Hiệp định vay phụ, Hợp đồng ủy quyền cho vay lại; Vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và Chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng. Dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai.

Bên cạnh đó là vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ  hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan, hồ sơ xin ý kiến chưa đầy đủ và do cách thức tổ chức triển khai dự án ô. Các bên đã tổ chức trao đổi, tọa đàm nhưng vẫn cần tiếp tục xử lý. Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ.

Mặt khác, trong những tháng đầu năm, các Bộ, ngành địa phương vẫn tập trung báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ đối với các khoản giải ngân từ kế hoạch vốn 2022. Số giải ngân kế hoạch vốn 2022 đạt 1.655 tỷ đồng, gần 50% số giải ngân theo kế hoạch vốn 2023 cùng thời kỳ.

Tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 cho các Bộ, ngành, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Các cơ quan chủ quản cần rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân. Trong đó tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc đã quá lâu không giải quyết được, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn. Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao...

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại các địa phương, các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện. Đối với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các địa phương báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư, phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có). Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu...

Về phía Bộ Tài chính, thời gian tới Bộ tiếp tục tổ chức các đoàn trực tiếp làm việc, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các địa phương được giao nhiều kế hoạch vốn; tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như: rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục cho ý kiến không phản đối, cải thiện công tác kiểm đếm đối với các dự án giải ngân theo kết quả, rút ngắn thời gian xử lý đơn rút vốn...

Hoàng Phương