Gỡ khó để Cảng tổng hợp Vạn Ninh (Quảng Ninh) về đích đúng hạn

Cảng tổng hợp Vạn Ninh được kỳ vọng không chỉ là điểm trung chuyển hàng hoá trong nước mà còn giữ vai trò cửa ngõ kết nối giữa Trung Quốc, các nước Đông Bắc Á với Việt Nam và ASEAN nhưng thời gian qua Dự án này gặp nhiều khó khăn do thiếu vật liệu san lấp mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) do Công ty CP Cảng Quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 10/2021 trên diện tích 82,79ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 2.248 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV/2024.

cảng Vạn Ninh - Quảng Ninh
Nguồn: mongcai.gov.vn

Đòn bẩy phát triển cho Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh

Theo quyết định của UBND TP. Móng Cái về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 479,73 ha, trong đó Khu kho bãi, bến cảng, hậu cần cảng, các khu phụ trợ và đường kết nối khoảng 400 ha. Khu nước trước bến khoảng 79,73 ha.

Cảng này có tính chất là bến cảng, kho bãi tổng hợp và bến cảng khách phục vụ du khách nội địa và quốc tế (bến cảng và kho bãi bốc xếp hàng tổng hợp; hệ thống kho, cảng phục vụ xuất nhập xăng dầu ...) phục vụ cho hoạt động vận tải, sản xuất kinh doanh của Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Dự án gồm các hạng mục: Bến cầu chính dài 500m, có thể đón đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; 180m bến sà lan ở phía trong, tiếp giáp bờ; 3 cầu dẫn… Riêng khu kho bãi được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại, đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container, kho CFS, nhà điều hành cảng.

Được xác định là một trong những dự án động lực tăng trưởng dài hạn của tỉnh Quảng Ninh, Dự án cảng tổng hợp Vạn Ninh khi hoàn thành sẽ là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển tại khu vực Cửa khẩu Móng Cái, là tiền đề hình thành mạng lưới cơ sở hạ tầng logistics gắn liền với chuỗi dịch vụ hậu cần cảng: Vận tải - kho bãi - cảng biển với mô hình vận tải đa phương thức mang lại hiệu quả tối ưu cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái.

Từ đó góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ cảng biển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy hoạt động logistics, xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế, nhất là giao thương hàng hóa bằng đường biển giữa khu vực ASEAN với các nước Đông Bắc Á. Đồng thời hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ cùng phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của TP. Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

cang van ninh
Bến cảng có thể đón đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau. Phối cảnh Dự án: Portcoast

Gỡ vướng do thiếu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng dự án

Thời gian qua, Dự án được gấp rút thi công phần đê bao và san nền đã được đăng ký khối lượng với UBND tỉnh. Tuy nhiên, quá trình thi công gặp khó khăn về nguồn vật liệu san lấp mặt bằng và đường vào cảng.

Đến thời điểm giữa tháng 5/2023, chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu đang triển khai thi công nạo vét luồng và san lấp bến cảng. Trong đó, nạo vét khu nước trước bến, bơm cát vào ống địa kỹ thuật của đê bao quanh dự án đạt hơn 60%; nạo vét san lấp nền bãi dự án đạt hơn 40% khối lượng.

Đại diện Ban quản lý Dự án (Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh) cho biết, theo tính toán, nguồn vật liệu san lấp mặt bằng cảng và đường ra cảng cần khoảng 2,2-2,3 triệu m3, nhưng đến nay mới có hơn 700.000m3.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh đang khẩn trương làm việc với các đơn vị mỏ đã được cấp phép để có nguồn vật liệu san lấp. Mặc dù đã ký hợp đồng nguyên tắc với các chủ mỏ, nhưng hiện tại các mỏ vẫn chưa đủ các điều kiện để cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho dự án. Công ty đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai các hạng mục không liên quan đến vật liệu san lấp, như cầu cảng trước bến. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các chủ mỏ tiếp tục kiến nghị với các ban, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ các thủ tục pháp lý cần thiết cho các mỏ xung quanh khu vực dự án đảm bảo các điều kiện để cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho dự án.

thi công dự án
Đơn vị thi công thực hiện san lấp mặt bằng dự án. Nguồn: quangninh.gov.vn

Trước đó, đầu tháng 4/2023, qua thực tế kiểm tra tiến độ thi công Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải thống nhất yêu cầu chủ đầu tư dự án tăng cường nhân lực thiết bị thi công các hạng mục đã có hồ sơ bản vẽ thiết kế thi công; đặc biệt là thi công nền, bãi của dự án đảm bảo vượt đỉnh thủy triều. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cục, vụ trực thuộc Bộ hỗ trợ chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án; hướng dẫn Công ty TNHH MTV Doanh nhân cựu chiến binh 6-12 Vân Đồn hoàn thành thủ tục nạo vét luồng tuyến mức -7 để phục vụ san lấp cho dự án.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh khẩn trương hoàn thiện thủ tục liên quan đến mỏ đất tại thôn 5 (xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái) để phục vụ thi công đường kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến Bến cảng Vạn Ninh, nhằm đảm bảo dự án hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý IV/2024 như kế hoạch đặt ra.

Tỉnh Quảng Ninh là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; có nhiều khu kinh tế, trung tâm thương mại Móng Cái là đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và các nước trong khu vực. Quảng Ninh có lợi thế kinh tế biển, nhất là về cảng biển, logistics; đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản với nhiều ngư trường, bãi cá có sản lượng cao, thuận tiện cho khai thác.

Làm việc với với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ngày 12/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tỉnh Quảng Ninh cần khai thác tối đa các hành lang giao thông, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tiềm năng, khác biệt, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh. Tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, trong đó có ưu tiên tuyến đường từ Uông Bí lên Yên Tử, đường kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang, đường ven biển, hạ tầng cửa khẩu biên giới.

Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cảng Móng Cái để thúc đẩy vận tải đường biển từ phía nam ra phía Bắc, đẩy mạnh kết nối sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc - Nam…

Việt Hằng