Hệ thống chỉ số tài chính phục vụ công tác quản trị và tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học công lập

Hệ thống chỉ số tài chính phục vụ công tác quản trị và tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học công lập của TS. PHAN THỊ VÂN GIANG (Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu này trình bày những vấn đề về hệ thống chỉ số tài chính phục vụ công tác quản trị và tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) công lập, gồm: (i) tìm hiểu các khái niệm liên quan đến chỉ số tài chính; (ii) nghiên cứu thực trạng, bài học kinh nghiệm thực tiễn công tác thống kê, giám sát các chỉ số này của các trường đại học trong và ngoài nước; (iii) trên cơ sở lý thuyết về hệ thống chỉ số tài chính trong CSGDĐH, báo cáo đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác thống kê giám sát hệ thống chỉ số tài chính tại các CSGDĐH công lập góp phần tăng cường công tác quản trị tại các CSGDĐH công lập hiện nay.

Từ khóa: chỉ số tài chính, chất lượng, giáo dục đại học công lập, tự chủ tài chính.

1. Hệ thống chỉ số tài chính sử dụng trong các cơ sở giáo dục đại học công lập

1.1. Căn cứ xây dựng hệ thống chỉ số tài chính sử dụng trong cơ sở giáo dục đại học công lập

Cũng giống như tài chính doanh nghiệp, việc phản ánh kết quả hoạt động của CSGDĐH có thể sử dụng rất nhiều các chỉ số tài chính khác nhau, tuy nhiên để hệ thống chỉ số tài chính đảm bảo tính khả thi, tức là có thể thu thập, tổng hợp được cơ sở dữ liệu trong điều kiện nhân tài, vật lực sẵn có với sự tiết kiệm hợp lý việc xây dựng hệ thống chỉ số tài chính sử dụng trong CSGDĐH công lập được xây dựng cần căn cứ vào một số quy định cụ thể sau:

- Các văn bản quy định quản lý tài chính hiện hành. Các CSGDĐH công lập phải thực hiện chế độ tổng hợp báo cáo tài chính theo một số các văn bản quy định hiện hành như Thông tư số 107/2017/TT-BTC; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; Quy định về công khai tài chính của CSGDĐH, quy định về tiêu chí đánh giá thi đua... Đây là những văn bản quy định mẫu biểu cụ thể chứa đựng rất nhiều các dữ liệu chỉ tiêu tài chính liên quan như số thu, số chi  các hoạt động trong đơn vị... và đó là những chỉ tiêu bắt buộc phải thực hiện theo quy định, do đó các chỉ số tài chính có thể xem xét lựa chọn trong cơ sở dữ liệu có sẵn này.

- Việc xây dựng hệ thống chỉ số tài chính có thể trên cơ sở tham khảo các tài liệu nghiên cứu, các báo cáo của các CSGDĐH trong và ngoài nước để đưa ra được các chỉ số tài chính phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị. Từ đó giúp hoạt động đối sánh với các CSGDĐH được thuận lợi và có ý nghĩa.

- Căn cứ vào yêu cầu cụ thể của các tổ chức lãnh đạo, giám sát, cơ quan quản lý của CSGDĐT.

- Căn cứ vào đội ngũ cán bộ, cở sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác thu thập, phân tích các chỉ số tài chính. Đây là yếu tố quyết định số lượng, chất lượng của hệ thống chỉ số tài chính sử dụng trong CSGDĐH hiện nay.

1.2. Nội dung của hệ thống chỉ số tài chính phục vụ công tác quản trị và tự đánh giá chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập

Trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp các chỉ tiêu tài chính bắt buộc theo yêu cầu của các văn bản quy định quản lý cấp trên, yêu cầu thực tiễn công tác quản trị tại các trường đại học thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên và tham khảo các chỉ số tài chính trong báo cáo của một số trường đại học trong và ngoài nước khác, nghiên cứu đề xuất hệ nội dung hệ thống chỉ số tài chính sử dụng trong CSGDĐH công lập phục vụ công tác quản trị và tự đánh giá chất lượng CSGDĐT cần xác định cụ thể các nội dung như danh mục chỉ số; quy trình thực hiện thống kê, phân tích, giám sát và đối sánh.

1.2.1. Danh mục chỉ số tài chính bao gồm các thông tin: tên chỉ số, đơn vị tính, phạm vi về thời gian, không gian, phương pháp, công thức tính, thời gian thực hiện. Các quy định cụ thể của cơ quan cấp trên đối với từng chỉ số. Trong danh mục các chỉ số tài chính có thể được phân tổ thành các nhóm chỉ số sau:

- Nhóm chỉ số tài chính phản ánh kết quả hoạt động trong CSGDĐT

Theo hướng dẫn quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT, có thể phân loại thành 3 nhóm hoạt động chính là hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hoạt động phục vụ cộng đồng.

+ Chỉ số tài chính của hoạt động đào tạo có thể bao gồm các chỉ số phản ánh quy mô số thu, số chi, tỷ lệ cơ cấu thu, chi của từng hoạt động đào tạo cấp bằng (đại học, sau đại học) do CSGDĐH thực hiện trong kỳ nhất định, thông thường là năm tài chính. Trong đó, cần có định nghĩa phạm vi cụ thể, phân loại hoạt động đào tạo là hoạt động đào tạo chính, thường xuyên trong nhà trường.

+ Chỉ số tài chính của hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ: Theo Nghị định số 99/2014/NĐ-CP quy định một số chỉ tiêu tài chính liên quan bao gồm: (i) Tỷ lệ kinh phí từ nguồn thu hợp pháp của CSGDĐH để đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ; (ii) Tỷ lệ kinh phí từ nguồn thu học phí của cơ sở giáo dục đại học để cho sinh viên và người học hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, để phục vụ quản trị, ra quyết định các chỉ tiêu sau cũng cần được đề cập trong nhóm chỉ số tài chính kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đó là: (i) Tổng kinh phí đầu tư phát triển tiềm lực khoa học bao gồm kinh phí đầu tư phát triển nhân lực khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; (ii) Kinh phí chi cho hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; (iii) Kinh phí chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học của người học và sinh viên.

+ Chỉ số tài chính của hoạt động phục vụ và kết nối cộng đồng:

Hoạt động phục vụ, kết nối cộng đồng trong cơ sở giáo dục đại học được một số trường đại học ở Việt Nam chỉ ra và phân loại, theo đó, chỉ số tài chính phản ánh kết quả hoạt động phục vụ và kết nối cộng đồng bao gồm: (i) Kinh phí thu được và chi cho các hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng thuộc lĩnh vực đào tạo, kết nối và phục vụ cộng đồng thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tư vấn, tình nguyện; (ii) Tỷ lệ thu, chi cho hoạt động phục vụ, kết nối cộng đồng trên tổng thu hoạt động sự nghiệp, tổng chi hoạt động thường xuyên của CSGDĐH.

- Nhóm chỉ số tài chính phản ánh hiệu quả

Để phản ánh hiệu quả hoạt động, CSGDĐH có thể lựa chọn một số tài chính sau: mức thu học phí bình quân chung trên một tín chỉ; cơ cấu nguồn thu; cơ cấu các khoản chi theo từng hoạt động hàng năm; thu nhâp bình quân trên một cán bộ giảng viên; thu nhập tăng thêm của cán bộ viên chức; chi phí đào tạo trên một sinh viên đại học (tiêu chuẩn); hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước (đối với đơn vị có nguồn ngân sách nhà nước cấp); chi phí đầu tư trên một điểm số khoa học quy đổi của đơn vị. Đặc biệt đối với CSGDĐH công lập một chỉ tiêu đánh giá rất quan trọng đó là Mức độ tự chủ tài chính (được tính bằng Tổng nguồn thu ngoài ngân sách/Tổng chi thường xuyên).

Việc lựa chọn danh mục các chỉ số là vấn đề quan trọng, cần được thảo luận rộng rãi giữa các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong Nhà trường, quy mô hệ thống chỉ số cũng không nên quá cồng kềnh để đảm bảo hệ thống chỉ số được thực hiện khả thi trong cả thời kỳ ít nhất là giai đoạn 5 năm.

1.2.2. Quy trình hoạt động thống kê, báo cáo, giám sát các chỉ số tài chính trong CSGDĐH công lập

Cùng với việc quy định danh mục các chỉ số tài chính về phương pháp, phạm vi, công thức tính toán phân tích. Hoạt động tổ chức thống kê báo cáo và giám sát hệ thống chỉ số được xác định là điều kiện đủ để hoạt động phân tích các chỉ số tài chính đạt hiệu quả tích cực trong công tác quản trị giám sát hoạt động của trường đại học. Vì vậy, quy trình tổ tổng hợp báo cáo, giám sát hệ thống chỉ số tài chính trong CSGDĐH cần được tổ chức chặt chẽ bao gồm các nội dung công tác chủ yếu sau đây:

Công tác báo cáo: Trong hệ thống thông tin cung cấp dữ liệu phục vụ tính toán các chỉ số tài chính cần xác định Phòng Kế hoạch - Tài chính là đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm cung cấp số lượng lớn thông tin dữ liệu tính toán. Tuy nhiên, khi có phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, các đơn vị liên quan cần được giao quyền và có trách nhiệm cung cấp số liệu phục vụ tính toán định kỳ để việc thống kê tổng hợp được thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý lãnh đạo và ra quyết định.

Công tác đối sánh: có thể thực hiện giữa các đơn vị trong trường với nhau, hoặc thực hiện đối sánh với đơn vị ngoài trường trong nước, thực hiện đối sánh với đơn vị quốc tế tương đương về chuyên ngành đào tạo.

Thông tin đối sánh có thể thu thập được từ hoạt động trao đổi với trường bạn, lấy từ các báo cáo chính thức, thông tin chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. (Cần có trích dẫn nguồn).

Đơn vị thực hiện phân tích đối sánh có thể do đơn vị chuyên môn là phòng kế hoạch tài chính hoặc các phòng chức năng liên quan thực hiện.

Công tác giám sát: là hoạt động thực hiện tiếp nhận kết quả số liệu tính toán phân tích, so sánh với số liệu cùng kỳ năm trước, so sánh với số liệu kế hoạch dự toán toán đầu kỳ, so sánh với tình tình thực tiễn, đây là một kênh thông tin quan trọng để đảm bảo hệ thống chỉ số được vận hành hoàn hảo trong Nhà trường.

Đơn vị thực hiện giám sát nội bộ CSGDĐH có thể bao gồm có Hội đồng trường; Phòng Kế hoạch tài chính, các phòng chức năng liên quan (Phòng Đào tạo giám sát các chỉ số liên quan đến hoạt đồng đào tạo, phòng Khoa học công nghệ và HTQT giám sát các chỉ số liên quan đến hoạt động KHCN và CGCN, các Trung tâm và Phòng Hành chính - Tổ chức thực hiện giám sát các chỉ tiêu về kết quả hoạt động cộng đồng…); các tổ chức như Ban thanh tra nhân dân, thanh tra công đoàn thực hiện giám sát các chỉ số liên quan đến người lao động, Hội đồng trường, tập thể lãnh đạo, quản lý nhà trường thực hiện giám sát nhóm chỉ số phản ánh hiệu quả...

Các cơ quan giám sát bên ngoài trường như Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện giám sát thông qua cơ chế báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.

1.3. Thực trạng hoạt động thống kê, giám sát thực hiện các chỉ số tài chính phục vụ công tác quản trị và đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay

Để tìm hiểu hoạt động thống kê, phân tích hệ thống chỉ số tài chính trong CSGDĐH công lập hiện nay, nghiên cứu khảo sát 9 trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên về hoạt động của hệ thống thông tin thống kê các chỉ số tài chính tại các đơn vị đạt được một số kết quả chủ yếu sau:

Thứ nhất, một số chỉ số tài chính đã được đề cập và đưa vào kế hoạch hoạt động hàng năm, trung hạn và dài hạn của nhà trường.

Thứ hai, các trường hàng năm đã thực hiện tính toán các chỉ số tài chính theo yêu cầu mẫu biểu quy định và yêu cầu báo cáo của cơ quan quan cấp trên. Một số chỉ số tài chính đã được công bố định kỳ theo dữ liệu công khai trên trang web của đơn vị.

Thứ ba, cơ sở dữ liệu để tổng hợp các chỉ số tài chính tại các CSGDĐH chủ yếu là dữ liệu thông tin kế toán tài chính. Hiện nay, 100% các CSGDĐH đều sử dụng phần mềm kế toán, đây là cơ sở quan trọng để thực hiện tổng hợp các chỉ số tài chính phục vụ hoạt động quản trị và tự đánh chất lượng đào tạo của đơn vị. Vì vậy, Phòng Kế hoạch - Tài chính của Nhà trường cũng là đơn vị thực hiện xây dựng, thống kê, báo cáo các chỉ số tài chính.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tổng hợp phân tích thực hiện các chỉ số tài chính tại các CSGDĐH công lập ở Việt Nam thời gian qua còn tồn tại một số vấn đề sau:

Chưa có văn bản cụ thể quy định thống nhất về hệ thống chỉ số trong Nhà trường: Tất cả các trường được khảo sát cho đến nay đều chưa có quy định thống nhất về danh mục chỉ số tài chính sử dụng đưa vào kế hoạch, thực hiện báo cáo định kỳ. Việc xây dựng các chỉ số kế hoạch hàng năm thông thường chỉ do đơn vị là Phòng Kế hoạch - Tài chính trong trường thực hiện. Các chỉ số tài chính vì thế có thể không thống nhất về phạm vi tính toán, công thức tính toán, đơn vị của chỉ giữa các năm... Hoạt động phản hồi, giám sát của các đơn vị chức năng như Phòng Đào tạo, Phòng Khoa học Công nghệ... đối với hệ thống chỉ số tài chính tại đơn vị cũng chưa được quy định thực hiện dẫn đến công tác quản trị điều hành tại đơn vị thường bỏ qua việc phân tích đánh giá các chỉ số này.

Chưa có Modul phần mềm thống kê, tìm kiếm hệ thống chỉ số tài chính: Ngoài phần mềm kế toán có thể tổng hợp một số chỉ tiêu tuyệt đối phản ánh quy mô, mức độ kết quả hoạt động nhà trường như tổng thu, tổng chi, số liệu thu chi phân tổ theo các hoạt động chi tiết trong nhà trường. Hiện nay, tất cả các trường đều chưa có phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thu thập, thống kê, giám sát, khai thác, tìm kiếm các chỉ số tài chính.

2. Giải pháp hoàn thiện hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, đối sánh giám sát các chỉ số tài chính phục vụ công tác quản trị và tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học

Với định hướng quyết tâm thực hiện chuyển đổi từ cơ chế “bao cấp” nhà nước sang cơ chế tự chủ tài chính toàn diện, các trường đại học công lập cần xây dựng cơ chế quản lý tài chính phù hợp. Theo đó, một trong những công cụ hỗ trợ quản lý điều hành đắc lực đó là phải xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê, phân tích, giám sát hệ thống chỉ số tài chính hiệu quả trong nhà trường. Với thực trạng hiện nay, nghiên cứu đề xuất gợi ý thực hiện 2 giải pháp chính, bao gồm:

Các trường cần nghiên cứu ban hành hệ thống chỉ số tài chính đáp ứng yêu cầu báo cáo cơ quan cấp trên, đáp ứng yêu cầu quản trị của nhà trường, có thể thực hiện đối sánh với các cơ sở GDĐH trong nước và quốc tế. Đồng thời, việc vận hành hệ thống chỉ số tài chính phải phù hợp với các khả năng về nhân lực, cơ sở dữ liệu hiện có.

 Sau khi đã có quy định cụ thể về nội dung, phương pháp, phạm vi tính toán các chỉ số tài chính, để tăng cường hoạt động thống kê, tổng hợp phân tích vận hành hệ thống chỉ số tài chính, các trường đại học cần xây dựng quy trình thực hiện, phát triển hoặc đặt hàng phần mềm tổng hợp, phân tích, giám sát hệ thống chỉ số tài chính để đảm bảo đáp ứng tính chính xác, kịp thời của thông tin quản lý.

3. Kết luận

Trên cơ sở nghiên cứu khoa học về hệ thống chỉ số tài chính sử dụng trong các CSGDĐT, khảo sát hệ thống thông tin thống kê tổng hợp phân tích hệ thống chỉ số tại một số trường đại học công lập trong nước hiện nay, báo cáo đã đề xuất nội dung khung của hệ thống chỉ số tài chính và gợi ý giải pháp xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện công tác thống kê, tổng hợp, phân tích hệ thống chỉ số tài chính phục vụ công tác quản trị và tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. TS. Bùi Quang Hùng và các cộng sự, (2021). Hiệu quả quản lý tài chính tại các trường đại học công lập theo hướng tự chủ. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/hieu-qua-quan-ly-tai-chinh-tai-cac-truong-dai-hoc-cong-lap-theo-huong-tu-chu.html

2. GS.TS. Nguyễn Thị Cành và TS. Đoàn Thị Phương Diệp (2020). Tài chính đại học công lập trên thế giới và cơ chế tài chính tại Việt Nam. Báo cáo tại Hội thảo Giáo dục 2020: Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn. Hà Nội.

3.  Vũ Thị Liên, (2020). Thực trạng đầu tư và chi tiêu tài chính của các trường đại học công lập Việt Nam. Tạp chí Công Thương, 27, 210-215.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017). Thông tư số 12/2017/TT-BGD&ĐT ngày 19/5/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục.

5. Nancy J. Buddy and et al, (1999). Analyzing the financial condition op higher education institution usung financial ratio analysis. [Online] Availabile at https://digital.library.unt.edu/ark:/67531/metadc2194/m2/1/high_res_d/dissertation.pdf

6. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (2020). Báo cáo tự đánh giá chất lượng đào tạo giai đoạn 2015 - 2019. Hà Nội.

7. ASEAN University Network (AUN), (2016). Guide to AUN - QA Accessment at Instution Level Versio 2.0. [Online] Availabile at https://www.aunsec.org/application/files/3616/7290/3753/Guide_to_AUN-QA_Assessment_at_Institutional_Level_Version_2.0_2016.pdf

8. Tia Loukkola & Helene Peterbauer, (2020). Exploring higher education indicators, European University Association. [Online] Availabile at https://eua.eu/downloads/publications/indicators%20report.pdf

9. Thu Giang (2018). Chỉ số tài chính là gì? (kèm công thức và giải thích). Truy cập tại https://www.saga.vn/chi-so-tai-chinh-la-gi-kem-cong-thuc-va-giai-thich~45135

10. Prager, Sealy & Co., LLC; KPMG LLP; and Attain LLC (2010). Strategic financial Analysis for Higher Education Identifying. Measuring& Reporting Financial Risks Seventh Edition, KPMG.

THE FINANCIAL INDEX SYSTEM FOR MANAGING

AND SELF-ASSESSING QUALITY

AT HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS

Ph.D PHAN THI VAN GIANG

University of Information and Communication Technology

ABSTRACT:

This study presents an overview on the financial index system which is used by higher education institutions to manage and self-assess their quality. This study is to (i) understand the concepts of financial indicators; (ii) explore the current situation and practical lessons about collecting data and monitoring financial indicators of domestic and foreign universities; and propose a number of solutions to improve the statistics and the financial index system management of public higher education institutions. This study is expected to help public higher education institutions enhance its management.

Keywords: financial indicators, quality, public higher education, financial autonomy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

 

Tạp chí Công Thương