Không “gục ngã” trước thách thức dịch bệnh
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 tổ chức ngày 19/1/2021, ông Lê Quang Tuấn - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc PLC cho biết, năm 2020 bước qua trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, PLC chịu tác động trực tiếp và nặng nề khi các ngành hàng kinh doanh cốt lõi bao gồm dầu mỡ nhờn, nhựa đường và hóa chất đều 100% nhập khẩu từ nước ngoài.
Cùng với đó, thị trường dầu mỏ năm 2020 có nhiều biến động lớn; có lúc giá dầu thô âm; dẫn đến ảnh hưởng đến công tác tạo nguồn và điều hành giá bán tại thị trường Việt Nam.
Dù vậy, với sự tập trung lãnh đạo, giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời của lãnh đạo Tổng Công ty, sự phối hợp, giúp đỡ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các đối tác, khách hàng và đặc biệt là của các Công ty xăng dầu và cũng như sự nỗ lực của toàn thể cán bộ người lao động PLC trong thực hiện mục tiêu kép, PLC đã vượt qua năm 2020 đầy khó khăn, thách thức và hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2020.
Cụ thể, về sản lượng, toàn Tổng Công ty đạt 414.293 tấn, bằng 119,78% kế hoạch 2020 và bằng 107,11% thực hiện 2019.
Về doanh thu, đạt 5.615 tỷ đồng, bằng 111,94% kế hoạch 2020 và bằng 91,15% thực hiện 2019.
Về lợi nhuận trước thuế, đạt 181 tỷ đồng, bằng 131,16% kế hoạch 2020 và bằng 97,65% thực hiện 2019.
Trong đó, các ngành hàng dầu mỡ nhờn, nhựa đường đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra năm 2020, riêng ngành hóa chất dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cũng nỗ lực đạt được kết quả đáng khích lệ.
Đặc biệt, công tác quản trị tài chính của PLC đã được thực hiện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo cân đối đầy đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo khả năng thanh toán, sử dụng tối ưu hóa dòng tiền của Tổng Công ty.
Công tác quản trị công nợ phải thu khách hàng cũng được tăng cường, với kết quả tổng dư nợ 31/12/2020 ước là 1.373 tỷ đồng, giảm khoảng 299 tỷ đồng so với đầu năm 2020. Số ngày nợ phải thu khách hàng bình quân giảm 2,85 ngày so với năm trước, theo số liệu của Phòng Tài chính kế toán Tổng Công ty.
Để có được những kết quả tích cực như vậy, phải kể đến việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như chủ động đảm bảo nguồn cung ổn định, phối hợp giữ vững sản lượng, đẩy mạnh công tác dịch vụ, kỹ thuật sản phẩm cho khách hàng, tạo dựng thương hiệu và phát triển hệ thống các nhà cung cấp, khách hàng trên cả nước,…
Cùng với đó, công tác an ninh, an toàn, đảm bảo việc làm và thu nhập người lao động, an sinh xã hội được triển khai mạnh mẽ thông qua việc thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể. Toàn Tổng Công ty đã không để xảy ra các sự cố mất an toàn về cháy nổ, ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, nhiều giải pháp tích cực đã được triển khai để ứng phó với đại dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho người lao động và khách hàng, song song với thực hiện các giải pháp ổn định đời sống, thu nhập của cán bộ người lao động PLC trong năm 2020.
Mỗi ngành hàng một chiến lược
Theo ông Phạm Văn Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), năm 2020, bất chấp những tác động nặng nề từ bên ngoài, Tập đoàn vẫn là một trong 3 đơn vị được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao tặng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chính trị.
Trong thành công đó, có đóng góp lớn của nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn như PLC.
“Trong bối cảnh như vậy, PLC nổi lên như một điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của ngành xăng dầu”, Chủ tịch HĐQT Petrolimex nhấn mạnh, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn ghi nhận và biểu dương những thành tích của PLC.
Trong lĩnh vực lợi thế là nhựa đường, PLC đã phát triển được các dòng sản phẩm của riêng mình, tạo được uy tín trên thị trường, các khách hàng chấp nhận và đánh giá rất cao với hệ thống cơ sở vật chất hoàn thiện, bao phủ những vị trí trọng tâm trên cả nước. Duy trì được doanh nghiệp có thị phần cao nhất trên thị trường, trở thành một trong những đơn vị có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Tập đoàn, gấp đôi các Công ty xăng dầu.
Ngoài ra, đội ngũ CBCNV có trình độ, tiếp cận với cơ chế thị trường rất sớm.
Sau gần 27 năm hoạt động cùng các đơn vị xăng dầu, xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đồng bộ với các nhà máy pha chế, kho nhựa đường, hóa chất,… và mạng lưới bán hàng phủ kín trên phạm vi cả nước. Đây là ưu thế vượt trội của PLC so với các công ty cùng kinh doanh ngành hàng này.
Với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, năm 2021, kinh tế trong nước nói chung và ngành xăng dầu nói riêng đứng trước nhiều triển vọng phục hồi tăng trưởng nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức.
Giữa bối cảnh đó, ông Phạm Văn Thanh đề nghị, PLC cần phân tích, đánh giá các lĩnh vực kinh doanh để có những giải pháp phù hợp, chính sách đặc thù cho từng mặt hàng cụ thể, “không thể có 1 chính sách chung cho cả 3 ngành hàng”.
Đối với lĩnh vực dầu mỡ nhờn, rà soát lại cách thức phối hợp với các Công ty xăng dầu theo quan hệ nhà phân phối - chủ thể chính sách trên thị trường, phù hợp với từng địa bàn, hài hòa lợi ích giữa các bên, đảm bảo giữ vững và phát triển thị phần.
Đối với lĩnh vực nhựa đường, sau một thời gian nhu cầu chững lại, thời điểm này Nhà nước đã có chính sách tăng cường đầu tư công, đặc biệt về hạ tầng giao thông, nhu cầu nhựa đường theo đó sẽ tăng trưởng mạnh. Đây là cơ hội để PLC tăng sản lượng bán hàng trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực hóa chất, đây là lĩnh vực hết sức khó khăn, hiệu quả kinh doanh chưa cao. Đại diện Petrolimex ghi nhận kiến nghị của đơn vị và đề nghị các bộ phận có liên quan khẩn trương phối hợp phân tích, đưa ra các phương án hỗ trợ tài chính, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn về vốn cho đơn vị.
Mặt khác, PLC cần tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Tập đoàn về tái cấu trúc doanh nghiệp trên nguyên tắc quản lý tập trung, tăng cường tính quản trị hệ thống Công ty mẹ - Công ty con.
Đồng thời, tăng cường công tác quản trị rủi ro, đặc biệt kiểm soát công nợ, đảm bảo an toàn về tài chính trong bối cảnh năm 2021 sẽ chứng kiến hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 lên nhiều khách hàng, đối tác của doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐQT Petrolimex cũng cho rằng, PLC cần khẩn trương triển khai thực hiện giải pháp quản trị doanh nghiệp như SAP ERP tập trung, thống nhất trong toàn Tổng Công ty nhằm nâng cao khả năng quản trị, tăng giá trị của doanh nghiệp trên thị trường.
Sẵn sàng cho đột phá mới
Những kết quả tích cực là rõ ràng, nhưng lãnh đạo PLC vẫn kỳ vọng về nhiều đột phá hơn đối với một doanh nghiệp đã có gần 27 năm phát triển.
“Tinh thần chung năm 2021 phải đạt kết quả cao hơn năm 2020”, ông Đỗ Hữu Tạo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PLC khẳng định.
Ông Đỗ Hữu Tạo cho biết, toàn Tổng Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và chủ động với một tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao nhất; đối mặt và ứng phó với những thách thức; chủ động kết hợp giữa tư duy đổi mới, sáng tạo với các biện pháp phát triển truyền thống để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược do lãnh đạo Tổng Công ty đặt ra.
Trong đó, tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp lớn:
Một là, đẩy mạnh công tác tái cấu trúc doanh nghiệp theo chủ trương và chỉ đạo của Tập đoàn.
Hai là, đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất kinh doanh, thúc đẩy nghiên cứu sản phẩm mới.
Ba là, nghiêm túc tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị công nợ.
Bốn là, xây dựng các tiêu chí, bổ sung, kiện toàn hệ thống định mức nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trên toàn hệ thống.
Năm là, đẩy mạnh xây dựng nền tảng văn hóa, con người PLC trong cấu trúc tổng thể của Tập đoàn.
Sáu là, tiếp tục phát huy cao hơn nữa những thành quả đã đạt được trong năm 2020 về hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở ưu tiên đảm bảo an toàn tuyệt đối phải được đặt lên hàng đầu.
Năm 2021, PLC đặt mục tiêu về sản lượng dầu mỡ nhờn tăng trưởng tối thiểu 5%; sản lượng nhựa đường và hoá chất tăng trưởng ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 toàn PLC không thấp hơn so với thực hiện năm 2020 và trả cổ tức năm 2021 không thấp hơn 12%/năm.