IMF báo động về khả năng vỡ nợ doanh nghiệp của hàng loạt doanh nghiệp tại châu Á

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cảnh báo hàng loạt nền kinh tế lớn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ lớn doanh nghiệp gặp rủi ro về thanh toán nợ vay, đặc biệt là tại Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan.
Nguy cơ vỡ nợ doanh nghiệp tại châu Á
IMF cảnh báo tỷ lệ cao doanh nghiệp có chỉ số ICR dưới 1 đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế tại nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: Financial Times)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố dữ liệu cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp tại nhiều nền kinh tế lớn khu vực châu Á - Thái Bình Dương có chỉ số thanh toán lãi vay (Interest coverage ratio, ICR) ở mức dưới 1 đã vượt ngưỡng 20%, báo hiệu nguy cơ vỡ nợ doanh nghiệp cao. 

Cụ thể, tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ doanh nghiệp có chỉ số ICR dưới 1 tại Ấn Độ là 31,1%, Hàn Quốc là 22,1%, Thái Lan là 28,03%, Trung Quốc là 25,8%, Indonesia là 22,7% và tại Việt Nam là 18,32%.

Dữ liệu được tính toán dựa trên tổng khoản nợ của doanh nghiệp bình quân trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022. Chỉ số thanh toán lãi vay là một trong các thước đo quan trọng đối với khả năng trả lãi cho các khoản nợ của doanh nghiệp, chỉ số này ở mức dưới 1 cho thấy doanh nghiệp đối mặt rủi ro vỡ nợ cao.

Tỷ lệ doanh nghiệp có chỉ số ICR ở mức dưới 1 trên bình diện toàn cầu ở mức 16,8% và trung bình toàn khu vực châu Á ở mức 13,95%. 

Chỉ số ICR của Quỹ Tiền tệ Quốc tế
 Dữ liệu về rủi ro thanh toán lãi vay của các doanh nghiệp tại khu vực châu Á phân loại theo chỉ số ICR. Trong đó, chỉ số ICR nhỏ hơn 1 cho thấy nguy cơ vỡ nợ cao; chỉ số ICR từ 1 - 4 cho thấy nguy cơ dễ bị vỡ nợ khi chi phí lãi vay tăng cao; chỉ số ICR = 4 cho thấy khả năng trả nợ tốt. (Nguồn: IMF)

Tuy nhiên, tại một số nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương khác, các doanh nghiệp đang có sức khoẻ khá tốt. Ví dụ, tỷ lệ doanh nghiệp tại Nhật Bản có chỉ số ICR dưới 1 chỉ chiếm 15,8% tổng số doanh nghiệp nước này; thậm chí con số này ở Philippines chỉ là 3,3%, tại Singapore là 6,6% và tại Australia là 6,3%.

Gánh nặng nợ đối với các doanh nghiệp tại khu vực châu Á nói riêng, trên toàn cầu nói chung đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây khi mặt bằng lãi suất trên toàn cầu tăng mạnh.

IMF cảnh báo các quốc gia châu Á cần giám sát chặt chẽ áp lực nợ vay của các doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất tăng nhằm lường trước các biến động trên thị trường.

Cơ quan tài chính này cũng cho biết tổng nợ của doanh nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ của các quốc gia khu vực châu Á hiện đã vượt xa mức trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục giữ lãi suất cao trong thời gian dài và thắt chặt các điều kiện tiếp cận tín dụng để kiềm chế lạm phát thì một bộ phận doanh nghiệp có thể vỡ nợ vì chi phí sử dụng vốn tăng vọt, đặc biệt là trong các lĩnh vực bất động sản và vây dựng, IMF nhấn mạnh.

Hiện giới đầu tư trên toàn cầu đang tập trung theo dõi các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) về định hướng chính sách lãi suất thời gian tới. Thị trường lo ngại FED nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp chính sách giữa tháng 6 tới đây nhằm xử lý triệt để rủi ro lạm phát.

Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại Hoa Kỳ trong tháng 4/2023 đã bất ngờ tăng trở lại, phá vỡ xu hướng giảm kéo dài từ cuối năm ngoái, chủ yếu gia dịch vụ, thực phẩm và hàng hoá đều tăng cao.

Đáng chú ý, dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ vẫn ở mức mạnh, tăng 0,8%, nhờ thu nhập cá nhân đã tăng thêm 0,4%. Đồng thời, các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ đang sẵn sàng trả lương cao hơn cho nhân viên, và tỷ lệ thất nghiệp tại đây hiện ở mức thấp kỷ lục trong hàng thập kỷ. Điều này sẽ khiến cuộc chiến chống lạm phát tại Hoa Kỳ trở nên phức tạp hơn.

Duy Quang