Khắc phục "nghịch lý" bất động sản: Thừa nhà giá cao, thiếu căn hộ rẻ

Việc phát triển thị trường bất động sản lành mạnh góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền được tiếp cận nhà ở của người dân.

Sáng ngày 11/3/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề như ngân hàng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng…

Chính phủ, Quốc hội đã khẩn trương sửa đổi các luật liên quan, chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn luật. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả thực thi của các cơ chế, chính sách, pháp luật trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản như: tín dụng, quy hoạch, tình trạng pháp lý, hoạt động kinh doanh bất động sản…

Thị trường bất động sản
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, có nhiều chỉ đạo, cuộc họp, diễn đàn để ghi nhận ý kiến góp ý, tìm giải pháp tháo gỡ cho thị thường bất động sản

Phó Thủ tướng khẳng định, nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện những gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc khắc phục "nghịch lý" thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp, giải quyết tình trạng "thổi giá", "đẩy giá" để cung và cầu gặp nhau.

Thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực

Thời gian qua, thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước, thế giới, nhất là sau đại dịch COVID-19, cũng như những kẽ hở, yếu kém trong quản lý thị trường vốn, đất đai, bất động sản. Vấn đề đặt ra là phải lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư một cách bài bản, đồng bộ, khoa học, nhanh nhạy đối với công tác quản lý lĩnh vực bất động sản, đất đai, tín dụng, vốn… tạo ra thị trường lành mạnh, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, tránh tình trạng "bong bóng" bất động sản.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tổng kết thành những nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu có thể được giải quyết trong các luật sửa đổi, bổ sung về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… vừa được thông qua. Từ đó, nghiên cứu phương án tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản theo thẩm quyền cho phép áp dụng trước thời điểm luật có hiệu lực.

Tổ Công tác thống kê số dự án bất động sản đã được giao đất nhưng đang vướng mắc về thủ tục pháp lý; xây dựng tiêu chí nhà đầu tư bất động sản có năng lực; tổng kết, pháp điển hoá việc thí điểm cho phép địa phương điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với các dự án bất động sản nhưng không giảm các chỉ tiêu chung; mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thấp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp; hướng dẫn đầy đủ cho địa phương thực hiện theo đúng cơ chế, chính sách đã có về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất…

Thị trường bất động sản
"Việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương phải có địa chỉ, thời hạn cụ thể. Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm, bao giờ hoàn thành", Phó Thủ tướng nhấn mạnh

Phó Thủ tướng giao các địa phương tính toán cụ thể nhu cầu của người dân, bố trí đầy đủ quỹ đất dành cho các dự án nhà ở, cải tạo chung cư cũ, trong quá trình lập, thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn; báo cáo hoạt động của các tổ công tác của địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Đối với nguồn vốn dành cho các dự án nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khoá dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi; thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội, bảo đảm hài hoà giữa thực hiện chính sách xã hội và cơ chế thị trường.

Phó Thủ tướng mong muốn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng, thiết kế, thẩm mỹ và mức lợi nhuận hợp lý, hài hoà lợi ích với Nhà nước, người dân; góp phần phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Ngọc Châm