Khát vọng về một Việt Nam hùng cường

Đằng sau mỗi sản phẩm, thương hiệu Việt, đều thấm đẫm hoài bão người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt, khi bên trong mỗi trái tim hòa chung nhịp đập với lời kêu gọi của non sông.

- 4,39 triệu tỷ đồng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ nước ta năm 2018 là lớn hay nhỏ? Để dễ hình dung, con số đó tương đương với 78,8% GDP.

- Tiêu dùng nội địa tương đương 78,8% GDP là cao hay thấp? Thử so sánh: Mỹ là nước có thị trường nội địa lớn nhất, nước tiên phong của “chủ nghĩa tiêu thụ”, năm 2017 có mức tiêu dùng nội địa tương đương 82,1% GDP.

 

Điều đó cho thấy 4,39 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 189,2 tỷ USD cho chi tiêu nội địa, tương đương 78,8% GDP của một nước đang phát triển như Việt Nam là một nguồn lực có sức mạnh đáng kể.

Giữ cho nguồn lực ấy tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số từ 2016 đến nay, có các giải pháp về bảo đảm cân đối cung cầu, bảo vệ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối… Nhưng, mạnh mẽ hơn cả, có một nhân tố sâu xa làm nên sức bền của nguồn lực ấy chính là lòng yêu nước nồng nàn trong trái tim mỗi người tiêu dùng Việt Nam.

Từ lời Tổ quốc gọi...


Khi Bộ Chính trị thông báo Kết luận số 264-TB/TW về tổ chức thực hiện Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được truyền đi như một lời “hịch” của non sông, đã cổ vũ lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam.

Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức thường niên là một trong các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần hỗ trợ xây dựng một môi trường sinh thái để trong đó, các doanh nghiệp kết nối và chia sẻ nhằm phát triển sản phẩm, phát triển thị trường.

Từ Chương trình, có nhiều triệu người Việt Nam tiếp cận được với thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; nhiều triệu thuê bao di động tải nhạc chờ bài hát “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hàng trăm ngàn lượt thanh niên tình nguyện tham gia hoạt động diễu hành cổ vũ hàng Việt tại các tỉnh, thành phố; tạo ra hàng triệu lượt tương tác trên trang Website, trang Fanpage, kênh Youtube, trò chơi trực tuyến của Chương trình nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết về các doanh nghiệp, sản phẩm, thương hiệu Việt Nam; nhưng trên hết cả, Chương trình “Tự hào hàng Việt Nam” đã mở ra những không gian cổ tích, kể cho chúng ta nghe hàng trăm câu chuyện xúc động về khát vọng cháy bỏng của những tấm gương hết lòng vì hàng Việt.

Tới hành trình phát triển kỳ diệu của hàng Việt


Mọi người đều biết bà Phạm Thị Huân, giám đốc Công ty TNHH Ba Huân là đơn vị tiên phong đưa công nghệ xử lý trứng sạch về Việt Nam, song ít ai hay vì sao từ một vựa trứng nhỏ với số vốn chỉ 200 triệu đồng, Ba Huân có thể huy động được nguồn lực 1.500 tỷ đồng cho phát triển sản phẩm, thì tại Gala Hàng Việt 2018, bà đã tiết lộ: Là người nông dân miền Tây chính hiệu, tận gan ruột bà hiểu rằng, mỗi khi dựng vợ gả chồng, cô dâu chú rể trông chờ vào 2 bên cha mẹ san sẻ cho vài trăm con vịt, con gà là đã có một cơ đồ cho gia đình mới. Nhưng năm 2003, đợt dịch cúm gia cầm H5N1 “quét” qua các nước châu Á. Nhiều người tiêu dùng nghi ngại và “quay lưng” với gia cầm khiến người chăn nuôi lao đao. “Tôi xuống vùng chăn nuôi, chuồng trại xơ xác, gặp ai cũng khóc, tôi cũng khóc theo. Cả đời tôi gắn bó với nông dân, giờ thấy vậy không cầm lòng được”. Từ đó bà nảy ra ý định thuyết phục bà con hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, đầu tư dây chuyền xử lý trứng sạch… Đến nay, chúng ta đã có thương hiệu Trứng Ba Huân có mặt ở Singapore, Malaysia, Hồng Kông…

Tại các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm thuộc Chương trình, nói bao nhiêu cũng không hết với tình yêu hàng Việt… Mỗi khách mời, mỗi đại biểu, mỗi diễn giả, mỗi câu chuyện của họ đều cho thấy lời kêu gọi của Tổ quốc sao mà thiêng liêng đến thế! Ông Mai Văn Chung, giám đốc phát triển kinh doanh của Solar BK kể rằng, 3 năm sau Cuộc vận động, SolarBK xây dựng nhà máy pin mặt trời. Vì chưa có hỗ trợ về giá điện nên SolarBK quyết định đi đường vòng, làm gia công cho các thương hiệu lớn xuất khẩu đi EU và Mỹ với 3 mục tiêu: 1. Tham gia được vào chuỗi cung ứng; 2. Học hỏi về quản lý chất lượng; 3. Có được các chứng chỉ quốc tế. Sau này SolarBK không làm gia công, tự xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của mình đi Mỹ, một số nước châu Âu, châu Á, châu Phi. Đến khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam SolarBK đã triển khai nhiều dự án quy mô công nghiệp trên khắp cả nước.

Cùng với tinh thần “ra đi để trở về” như SolarBK, còn có TH True Milk. Ông Ngô Minh Hải, Phó chủ tịch Tập đoàn TH cho biết, thương hiệu TH được xây dựng trên 2 giá trị cốt lõi là chất lượng sản phẩm và trách nhiệm cộng đồng. TH đã đi tiên phong trong vấn đề minh bạch hóa về ghi nhãn sữa hay khởi xướng phong trào như Sữa học đường vì tầm vóc Việt. Sau khi xây dựng thành công thương hiệu ở trong nước, TH đã đưa sản phẩm của mình sang Philippnes, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Mianma. Nhưng làm thế nào để đưa sản phẩm sữa sang châu Âu - quê hương của của các loài bò sữa, lại là bài toán hóc búa với TH. Vì thế, TH đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 1.500 tấn/ ngày tại Liên bang Nga với thương hiệu TH của Việt Nam và đã được người Nga quan tâm, chào đón. Khi thương hiệu TH được thị trường quốc tế chào đón, sẽ hỗ trợ trở lại cho thương hiệu TH tại thị trường Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn, lời kêu gọi của Tổ quốc luôn có sức lay động, lôi cuốn hàng triệu khối óc và con tim người Việt cùng chung nhịp đập, tự tin vững bước đi lên. Năm 2009, khi Bộ Chính trị thông báo Kết luận số 264-TB/TW về tổ chức thực hiện Cuộc Vận động cũng là lúc đất nước “xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất, số người thất nghiệp tăng cao”; tốc độ tăng GDP tiếp tục có xu hướng giảm.

Khi Đảng phát động, cổ vũ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hợp với ý nguyện của nhân dân thì nhân dân coi đó như là tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, từ đó chủ động tham gia vào Cuộc vận động; tạo ra nguồn nội lực bền vững, phát huy được thế mạnh của một đất nước có dân số đứng hàng 14 thế giới. Cách đây tròn 10 năm, khi khởi xướng Cuộc vận động, lúc đó dùng nhiều đến từ “ưu tiên” cho hàng Việt, nhưng đến nay, nhiều hàng Việt đã trở thành niềm tự hào của người Việt, bởi đằng sau mỗi sản phẩm, thương hiệu Việt đều thấm đẫm hoài bão của người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt, khi bên trong mỗi trái tim hòa chung nhịp đập với lời kêu gọi của non sông. 

 

Nguyễn Văn