Ngành Công Thương: Trong biến động tìm ra dòng chảy

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công Thương sẽ cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ thành kế hoạch hành động, toàn ngành nỗ lực cao nhất hoàn thành nhiệm vụ năm 2019 .
bo truong
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

“Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là hiệp định chất lượng cao với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam những dòng chảy mới về thị trường xuất khẩu. Trong các cuộc làm việc của tôi với chính giới EU, họ đều đánh giá rất cao quan điểm, hướng tiếp cận và những nỗ lực của phía Việt Nam, hàm chứa quan điểm tiếp cận tích cực và sự sẵn sàng của chúng ta trong việc thực thi EVFTA và CPTPP và nhiều FTA khác”.
(Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời báo chí ngày 28/6/2018 khi Việt Nam và EU vừa kết thúc đàm phán, kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA).

 

Tại Hội nghị tổng kết 2018, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công Thương sẽ cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ thành kế hoạch hành động, toàn ngành nỗ lực cao nhất hoàn thành nhiệm vụ năm 2019 với một tầm nhìn mới đột phá về quan điểm phát triển. Một trong những khâu đột phá đó là hội nhập, mở rộng thị trường nước ngoài nhằm khơi thông sức sản xuất trong nước, tạo nên một chuỗi Công - Thương liền mạch thông suốt, hoàn chỉnh.

Thế giới biến đổi không ngừng, xung đột thương mại diễn ra trên bình diện quốc tế ngày càng phức tạp. Ngay cả các phiên đàm phán trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) dù đạt được kết quả nhất định, nhưng sau một đêm, cũng có thể trở về vạch xuất phát ban đầu, nếu không tìm ra cho nó một nhánh rẽ khác.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tuyên bố kết thúc đàm phán vào ngày 2/12/2015 và hai bên đã rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết. Tuy nhiên, đến ngày 16/5/2017, Toà án châu Âu đã có ý kiến chính thức liên quan đến thẩm quyền các FTA của EU. Theo đó, các nội dung về đầu tư gián tiếp và ISDS (cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà đầu tư nước ngoài và Nước tiếp nhận đầu tư) sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của cả cấp EU và cấp quốc gia các nước thành viên, tức là nội dung này phải được cả EU và các quốc gia thành viên đồng ý mới có hiệu lực.

Tình huống này khiến EVFTA gặp khó khăn. Vì để 27 nước thành viên có trình độ kinh tế khác nhau, lợi ích khác nhau, quy trình, thủ tục phê chuẩn khác nhau… hoàn tất việc phê chuẩn mất rất nhiều thời gian. Vì thế, năm 2017 và 2018 là quãng thời gian hoạt động bận rộn của lãnh đạo Bộ Công Thương. Đầu tháng 12 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ, gặp gỡ bà Cao ủy phụ trách thương mại Cecilia Malstrom. Tại cuộc gặp này, Bộ trưởng và bà Cao ủy phụ trách thương mại của EU nhất trí đề xuất tách nội dung Bảo hộ Đầu tư (IPA) và cơ chế giải quyết tranh chấp (ISDS) khỏi ra khỏi EVFTA, thành 2 Hiệp định riêng là EVFTA (gồm những vấn đề về thương mại, lao động, tiêu chuẩn...) và IPA (gồm nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư).

Ngày 25/6/2018, một lần nữa Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thương mại Cecilia Malmström tại Brussels, đã có buổi làm việc chung. Sau đó thông báo chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý EVFTA và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA. Cho đến nay, Việt Nam và EU đã hoàn tất rà soát pháp lý cả EVFTA và IPA, và đang trong quá trình hoàn thành việc dịch các Hiệp định sang tiếng Việt và các ngôn ngữ chính thức của EU trước khi trình lên Hội đồng châu Âu cho phép ký. Lợi ích lớn nhất của việc tách 2 Hiệp định này là EVFTA sẽ có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn, không bị kéo dài.

Những biến động trong thương mại quốc tế đòi hỏi cách thức phản ứng linh hoạt và mau lẹ hơn. Ngày 23 tháng 6 năm 2016 nước Anh trưng cầu Brexit thì đến đầu năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc làm việc với Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Liam Fox. Hai bên đã trao đổi về những đề xuất và giải phápthúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại song phương trong tình hình mới. Đến nay, hai bên đã sẵn sàng đàm phán FTA khi Anh tiến gần đến dấu mốc rời EU.

Nhìn ngược dòng thời gian, cứ mỗi khi có biến động, Bộ Công Thương luôn tìm ra những dòng chảy mới, cùng đối tác đối tác mở ra những không gian hợp tác mới, thích hợp hơn. Tại cuộc họp giao ban tuần đầu tiên của năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã lưu ý về xu thế bảo hộ mậu dịch trên thế giới, và chính quyền mới Hoa Kỳ có nhiều thay đổi trong chính sách thương mại. Từ đó, yêu cầu các đơn vị tham mưu tái khởi động lại hình thức hợp tác của Hội đồng Thương mại và Đầu tư TIFA Việt Nam - Hoa Kỳ.

Gần 2 tháng sau, phiên họp khởi động Hội đồng Thương mại và Đầu tư TIFA Việt Nam - Hoa Kỳ đã nhất trí cho rằng, trao đổi song phương qua kênh Hội đồng Thương mại và Đầu tư TIFA là hình thức phù hợp trong bối cảnh Hoa Kỳ có cách tiếp cận mới, chuyển từ đàm phán đa phương sang song phương.

Khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP, Bộ trưởng nhiều lần gặp gỡ với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Seko Hiroshige (tháng 4/2017 tại Tokyo, tháng 9, tháng 11/2017 tại Hà Nội và Đà Nẵng); gặp Bộ trưởng phụ trách tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tháng 12/2017; tiếp đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam… để cùng với các đồng sự Nhật Bản thúc đẩy một không gian hợp tác mới, trong bối cảnh không có Hoa Kỳ, là CPTPP.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng với Bộ trưởng Nhật Bản “dẫn đầu”thúc đẩy nối lại đàm phán CPTPP, quyết tâm tìm ra một dòng chảy thương mại mới với 11 thành viên. Kết quả là chúng ta đã có một thị trường thương mại tự do rộng lớn với 500 triệu dân.

 

Ngọc Châu