Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thương mại với đối tác Ấn Độ

Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại với đối tác Ấn Độ”, thu hút 150 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau tham dự.

Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Ấn Độ trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển thương mại giữa hai quốc gia.

Khuyến nghị dành cho doanh nghiệp Việt Nam
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, diễn giả Hội thảo trực tuyến “Bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại với đối tác Ấn Độ”

Tại Hội thảo, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, diễn giả chương trình đã dẫn chứng các trường hợp cụ thể các vấn đề khi trao đổi kinh doanh với phía các doanh nghiệp Ấn Độ.

Điển hình thứ nhất là trường hợp một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm quế hồi sang phía Ấn Độ và thứ hai là trường hợp một doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu cá ngừ đại dương từ phía Ấn Độ.

Trong hai trường hợp này, giá trị đơn hàng đều ở mức lớn, trị giá hàng tỷ đồng. Tuy nhiên các điều khoản trong hợp đồng đều nghiêng về phía có lợi hơn cho các doanh nghiệp Ấn Độ. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, hàng hoá phải lưu kho trong thời gian dài, khiến chi phí lưu khó tăng lên đáng kể, doanh nghiệp Việt Nam đã phải nhún nhường và chịu thiệt hại vô cùng lớn.

Từ những trường hợp thực tế này, ông Bùi Trung Thướng đã rút ra những gợi ý quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm kinh doanh với các đối tác Ấn Độ.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ càng thông tin của đối tác và kiểm chứng mức độ uy tín của phía đối tác trước khi ký kết hợp đồng.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên trực tiếp đến Ấn Độ để gặp gỡ đối tác, khảo sát hoạt động kinh doanh của công ty và chủ động tìm hiểu các thông tin quan trọng như tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, email, website, đại diện pháp nhân, mã số doanh nghiệp, mã số thuế GST và mã xuất nhập khẩu IEC.

Trong quá trình thương thảo hợp đồng, các doanh nghiệp cần làm từng bước một và hết sức cẩn thận. Việc trao đổi thông tin giữa hai phía cần được thể hiện bằng văn bản hoặc email trong quá trình thương thảo hợp đồng, đây cũng là một các để tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra sau này.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên lựa chọn phương thức thanh toán là thanh toán L/C để đảm bảo an toàn trong giao dịch.

Huyền My