Lực lượng Quản lý thị trường triển khai hiệu quả các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm

Chiều 14/7/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị công tác chuyên môn nghiệp vụ Quản lý thị trường 6 tháng đầu năm 2023. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An dự và chỉ đạo Hội nghị.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kết quả triển khai các nhiệm vụ kiểm tra xử lý vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước đều vượt chỉ tiêu so với cùng kỳ.

Cụ thể, đã kiểm tra 39.384 vụ (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 23.714 vụ vi phạm (tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2022), thu nộp NSNN trên 261,5 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022). Chuyển Cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 87% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, có 6 đơn vị hoàn thành xuất sắc việc thu nộp ngân sách Nhà nước là: Cục QLTT Phú Yên, Sóc Trăng, Quảng Trị, Thái Nguyên, Tiền Giang, Bắc Giang.

Quản lý thị trường
Kết quả triển khai các nhiệm vụ kiểm tra xử lý vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước của lực lượng Quản lý thị trường đều vượt chỉ tiêu so với cùng kỳ.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc... vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Nhưng với những chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và từ lãnh đạo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng và việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, đặc biệt là đối với mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm, trang thiết bị y tế.

Quản lý thị trường
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023

Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của các đối tượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Cục Quản lý thị trường địa phương với vai trò là thường trực hoặc thành viên của Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh đã tham mưu, đề xuất với UBND, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Nhờ kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã đạt kết quả khả quan. Theo đó, tính từ 15/12/2022-14/6/2023, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 39.384 vụ (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 23.714 vụ vi phạm (tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2022), thu nộp NSNN trên 261,5 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022). Chuyển Cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 87% so với cùng kỳ năm 2022).

Quản lý thị trường
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường tham dự Hội nghị

Bên cạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát đột xuất thường xuyên, định kỳ, trong nửa đầu năm, Tổng cục QLTT đã và đang thực hiện 110/216 cuộc thanh tra chuyên ngành (đạt 51%), tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 6,8 tỷ đồng (gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính và số thu lợi bất hợp pháp). Các cuộc thanh tra chuyên ngành tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xăng dầu, riêng lĩnh vực xăng dầu, lực lượng QLTT đã tiến hành thanh tra 72/86 cuộc (đạt 83,7%). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 5,8 tỷ đồng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn lực lượng quản lý thị trường

6 tháng cuối năm, dự báo tình hình thị trường còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là vào những tháng cao điểm của dịp Lễ, Tết, để giữ ổn định thị trường, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, lực lượng QLTT cả nước tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng QLTT; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng. Tăng cường kiểm tra kiểm soát thương mại điện tử. Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số lực lượng QLTT giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; ban hành bộ tiêu chí đánh giá ứng dụng Công nghệ thông tin; ban hành hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn các hệ thống thông tin của Tổng cục QLTT.

Bộ Công Thương đánh giá cao vai trò của lực lượng Quản lý thị trường

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng trong 6 tháng đầu năm. Kết quả này được thể hiện qua những số liệu cụ thể như: số vụ kiểm tra 39.384 vụ, tăng 17% so với cùng kỳ, số vụ xử lý tăng 51,2%, số vụ chuyển cơ quan điều tra gần bằng cả năm 2022.

“Đây là những kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác Quản lý thị trường”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của toàn lực lượng quản lý thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023
Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của toàn lực lượng quản lý thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023

Cũng theo Thứ trưởng, trong 6 tháng đầu năm, xăng dầu là mặt hàng “nóng”, song, toàn lực lượng đã chủ động chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khác trên địa bàn quản lý kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm với số lượng hàng hóa lớn.

Đặc biệt, Thứ trưởng đánh giá cao kết quả của công tác phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. “Số vụ kiểm tra 6 tháng đầu năm ở lĩnh vực này gấp 3 lần so với cùng kỳ và lớn hơn cả năm 2021. Đây là con số tương đối lớn, góp phần vào thành công chung của công tác phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, Thứ trưởng ghi nhận.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, công tác hợp tác quốc tế là điểm sáng nổi bật nhất trong hoạt động của lực lượng trong nửa đầu năm. Trong 6 tháng, Tổng cục đã ký kết biên bản hợp tác với nhiều tổ chức, tập đoàn và các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, mới đây, ngày 27/6/2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc trong việc thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo an toàn thực phẩm và người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực QLTT.

“Đây là điểm sáng trong công tác QLTT. Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc là cơ quan tương đương Bộ, kỳ vọng, thông qua Biên bản ghi nhớ, lực lượng QLTT Việt Nam có thể học hỏi được nhiều giải pháp, kinh nghiệm trong quản lý, giám sát thị trường ở nước bạn”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An kỳ vọng.

Quản lý thị trường
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Quản lý thị trường

Quản lý thị trường thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm

Để giữ ổn định thị trường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An giao 4 nhiệm vụ cho lực lượng QLTT cả nước:

Thứ nhất, toàn lực lượng phải nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trong kiểm tra các địa bàn trọng tâm, nổi cộm, chú trọng các mặt hàng trọng điểm.

Thứ hai, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, giữ đúng đạo đức công vụ. “Chúng ta có thể sai nghiệp vụ, nhưng không được “sai đạo đức”, Thứ trưởng lưu ý.

Thứ ba, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Từ cấp Cục/Vụ trưởng đến cấp Đội/Phòng... để kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ.

Thứ tư, tiếp tục chú trọng công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã ký ban hành các Quyết định khen thưởng cho các tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh trao Bằng khen của Bộ Công Thương cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh trao Bằng khen của Bộ Công Thương cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường

Các Cục QLTT địa phương nhận Giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT

Các Cục QLTT địa phương nhận Giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT
Các Cục QLTT địa phương nhận Giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT
Nguyên Vỵ