Mô hình kế toán quản trị chi phí hiện đại:Áp dụng tại các doanh nghiệp vận tải biển

ThS. NGUYỄN THU PHƯƠNG và ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG SƯƠNG (Khoa Kế toán- Trường Đại học Duy Tân)

TÓM TẮT:

Với xu hướng phát triển của nền kinh tế hiện nay thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải biển ngày càng đa dạng và phức tạp. Nhà quản trị cần có nhiều thông tin hữu ích, kịp thời để hỗ trợ cho việc ra quyết định. Để đáp ứng nhu cầu thu thập thông tin phục vụ cho công tác quản trị doanh nghiệp thì kế toán quản trị chi phí theo mô hình kế toán quản trị hiện đại là một công cụ hỗ trợ hiệu quả. Bài viết đưa ra những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng các phương pháp kê toán chi phí và tính giá thành theo mô hình kế toán quản trị hiện đại tại các doanh nghiệp vận tải biển và đề xuất một số cách thức để các doanh nghiệp vận tải biển có thể lựa chọn phương pháp thích hợp.

Từ khóa: Vận tải biển, kế toán quản trị hiện đại, chi phí, giá thành.

1. Đặt vấn đề

Vận tải biển là hoạt động khá phức tạp vì công việc được thực hiện cả ở trên bờ lẫn trên biển, để vận chuyển được hàng hóa từ nơi này đến nơi khác sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn “chạy - đỗ”, liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau với nhiều tập quán thương mại khác nhau, chi phí cảng phí tại các quốc gia cũng khác nhau (Cục Hàng hải, 2016)… Chính vì vậy, kế toán chi phí và tính giá thành dịch vụ vận tải biển làm căn cứ cho các nhà quản trị xác định giá cước một cách đúng đắn là khá khó khăn. Theo xu thế hiện nay, việc áp dụng kế toán chi phí và tính giá thành theo mô hình kế toán quản trị hiện đại là cần thiết. Liên quan đến mô hình kế toán quản trị hiện đại, chúng ta có hai phương pháp: Phương pháp xác định chi phí theo hoạt động (ABC) và phương pháp xác định chi phí mục tiêu.

2. Đặc điểm của chi phí và giá thành tại các doanh nghiệp vận tải biển

Trong doanh nghiệp vận tải biển, chi phí khai thác tàu biển được phân loại như sau: (Nguyễn Hữu Hùng, 2014)

- Căn cứ vào thành phần kinh tế, chi phí khai thác tàu biển gồm:

+ Chi phí lao động sống: là tất cả chi phí doanh nghiệp chi ra để trả cho người lao động trực tiếp và gián tiếp.

+ Chi phí lao động vật hóa: là những chi phí đã trải qua quá trình sản xuất ở giai đoạn trước (quá khứ). Bao gồm chi phí nhiên liệu, vật liệu, khấu hao…

- Căn cứ vào nội dung kinh tế, chi phí khai thác tàu biển bao gồm những chi phí có cùng nội dung kinh tế, không phân biệt địa điểm phát sinh và không chú ý đến mục đích sử dụng.

- Căn cứ theo phương pháp phân bổ, chi phí khai thác tàu biển gồm:

+ Chi phí trực tiếp: là những chi phí liên quan trực tiếp đến quá trình vận chuyển 1 loại hàng, 1 nhóm hàng hoặc 1 tàu và được tính trực tiếp vào giá thành.

+ Chi phí gián tiếp: là những chi phí không liên quan trực tiếp đến việc vận chuyển 1 loại hàng, 1 nhóm hàng hoặc 1 tàu và được tính vào giá thành bằng phương pháp phân bổ.

- Căn cứ vào mối quan hệ giữa chi phí và sản lượng, chi phí khai thác tàu biển gồm:

+ Chi phí cố định: là những chi phí không thay đổi hoặc thay đổi rất ít khi sản lượng thay đổi.

+ Chi phí biến đổi: là những khoản chi thay đổi tỷ lệ thuận hoặc gần như tỷ lệ thuận với sự thay đổi của sản lượng.

- Căn cứ theo tác nghiệp (hoạt động) vận tải, chi phí khai thác tàu biển gồm:

+ Chi phí khi tàu chạy: bao gồm các khoản chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí sửa chữa lớn, chi phí thuyền viên (lương, ăn…).

+ Chi phí khi tàu đỗ: bao gồm chi phí nhiên liệu khi đỗ, cảng phí, chi phí khi đỗ khác…

Hiện tại, giá thành đơn vị của dịch vụ vận tải biển được tính theo công thức sau (Nguyễn Hữu Hùng, 2014):

Giá thành đơn vị vận chuyển 1 tấn hàng (đ/T):

Giá thành đơn vị vận chuyển 1 tấn - hải lý (đ/T.HL):



Với cách tính giá thành như trên thì việc tính giá thành dịch vụ vận tải biển sẽ có những đặc điểm sau:

- Giá thành được kế toán xác định sau khi đã tập hợp hết toàn bộ chi phí và lượng hàng vận chuyển của từng chuyến tàu (xác định vào thời điểm kết thúc chuyến đi). Như vậy, thông tin mà kế toán cung cấp cho nhà quản trị doanh nghiệp sẽ không mang tính kịp thời, nhanh chóng.

- Việc chia đều chi phí cho tất cả lượng hàng trong một chuyến đi sẽ làm cho giá thành đơn vị được phản ánh không chính xác. Vì với đặc điểm hoạt động của dịch vụ vận tải biển không phải tất cả lượng hàng hóa đều được vận chuyển cùng một quãng đường đi như nhau (đối với các hành trình trải qua nhiều giai đoạn “đậu - đỗ”, qua nhiều cảng).

3. Các phương pháp kế toán chi phí sản xuất theo mô hình kế toán quản trị chi phí hiện đại áp dụng cho các doanh nghiệp vận tải biển

Theo mô hình kế toán quản trị chi phí hiện đại, có 2 phương pháp kế toán chi phí và tính giá thành, đó là phương pháp xác định chi phí theo hoạt động và phương pháp chi phí mục tiêu (Phạm Văn Dược và Đặng Thị Kim Cương, 2010). Các doanh nghiệp vận tải biển có thể dựa vào đặc điểm hoạt động cũng như điều kiện kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp mình mà lựa chọn phương pháp phù hợp.

3.1. Phương pháp xác định chi phí theo hoạt động (ABC)

Phương pháp này được thực hiện qua 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, chi phí sản xuất chung được tập hợp cho từng hoạt động. Giai đoạn thứ hai, chi phí sản xuất chung được phân bổ cho từng loại sản phẩm, dịch vụ cụ thể căn cứ trên mức độ sử dụng các hoạt động (Nguyễn Ngọc Quang, 2014).

Để áp dụng phương pháp xác định chi phí theo hoạt động cần phải xác định và phân nhóm các hoạt động. Các hoạt động được phân vào một nhóm dựa trên cơ sở là có mục tiêu giống nhau, được thực hiện ở cùng một mức độ hoạt động và có thể sử dụng chung tiêu thức phân bổ chi phí. Sau khi phân nhóm các hoạt động thì cần tập hợp chi phí và tính toán tỷ lệ phân bổ chi phí của từng nhóm.

- Xác định tỷ lệ phân bổ chi phí của từng nhóm:

- Chi phí sản xuất chung của mỗi nhóm được tính cho từng sản phẩm dựa trên cơ sở mức độ sử dụng hoạt động của sản phẩm:

Phương pháp xác định chi phí theo hoạt động sử dụng nhiều tiêu thức để phân bổ chi phí sản xuất chung cho sản phẩm, dịch vụ; cả tiêu thức khối lượng sản phẩm sản xuất, khối lượng dịch vụ cung cấp, và cả tiêu thức phi sản lượng sản phẩm sản xuất.

3.2. Phương pháp chi phí mục tiêu

Phương pháp chi phí mục tiêu là một phương pháp quản lý chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, dịch vụ theo dạng công thức như sau (Nguyễn Ngọc Quang, 2014):

Chi phí mục tiêu = Giá bán mục tiêu – Lợi nhuận mục tiêu

Phương pháp chi phí mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm với quan điểm giá cả, chất lượng và yêu cầu về tính năng của dịch vụ do khách hàng quyết định. Doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu thị trường (khách hàng, đối thủ cạnh tranh) và dựa trên các kết quả nghiên cứu đó để ước tính giá bán sản phẩm, dịch vụ mà thị trường có thể chấp nhận được (giá bán mục tiêu). Đồng thời, doanh nghiệp xác định lợi nhuận mong muốn (lợi nhuận mục tiêu) dựa trên kế hoạch kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Sau đó doanh nghiệp sẽ lấy giá bán ước tính này trừ đi phần lợi nhuận mong muốn sẽ xác định được chi phí mục tiêu của mỗi sản phẩm, dịch vụ.

4. Đánh giá mô hình kế toán quản trị chi phí hiện đại áp dụng tại các doanh nghiệp vận tải biển

4.1. Phương pháp xác định chi phí theo hoạt động (ABC)

Do đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp vận tải biển, trong một hành trình từ điểm đầu đến điểm cuối có 2 loại hoạt động là chạy và đỗ. Hàng hóa mà doanh nghiệp vận chuyển sẽ có nhóm đi thẳng từ điểm đầu đến điểm cuối, có nhóm phải đỗ ở nhiều điểm trung gian (cảng) rồi mới đến điểm cuối. Tùy thuộc vào tập tục tại từng địa phương, quốc gia của cảng đó mà chi phí cho hoạt động đỗ sẽ khác nhau (thời gian làm thủ tục, cảng phí,…). Vì vậy, doanh nghiệp vận tải biển có thể lựa chọn áp dụng phương pháp xác định chi phí theo hoạt động (ABC) và lựa chọn các tiêu thức phân bổ chi phí phù hợp theo từng hoạt động (hoạt động chạy có thể sử dụng tiêu thức sản lượng, hoạt động đỗ có thể sử dụng tiêu thức thời gian) cho các nhóm hàng. Việc áp dụng phương pháp xác định chi phí theo hoạt động sẽ có những thuận lợi và khó khăn như sau:

Thuận lợi:

- Phương pháp này tập trung vào việc xác định chi phí trực tiếp, xác định nguồn gốc phát sinh chi phí và sử dụng nhiều tiêu thức phân bổ phù hợp nên chi phí sản xuất và giá thành dịch vụ vận tải biển (kể cả giá thành đơn vị của từng dịch vụ) được xác định chính xác hơn.

- Phương pháp này không chỉ cung cấp thông tin chính xác hơn về chi phí của dịch vụ vận tải biển mà còn cung cấp thông tin về phi phí của các hoạt động cấu thành trong dịch vụ vận tải biển. Qua đó, giúp cho nhà quản trị có các quyết định sử dụng chi phí hiệu quả hơn.

Khó khăn:

- Để áp dụng phương pháp xác định chi phí theo hoạt động đòi hỏi doanh nghiệp vận tải biển phải tổ chức hoạt động sản xuất đạt đến trình độ quản lý theo hoạt động (tách biệt các khoản chi phí đối với hoạt động chạy và hoạt động đỗ).

- Khi áp dụng mô hình này thì khối lượng công việc kế toán khá lớn và khá phức tạp. Vì vậy, doanh nghiệp phải có đủ đội ngũ nhân viên kế toán quản trị trình độ cao.

Như vậy, khi lựa chọn áp dụng phương pháp xác định chi phí theo hoạt động thì công tác kế toán tại các doanh nghiệp vận tải biển cần:

- Căn cứ vào từng hoạt động cụ thể của dịch vụ vận tải biển để tách biệt chi phí cho từng hoạt động. Đồng thời, kế toán cần ghi chép, theo dõi chi tiết các khoản mục chi phí phát sinh theo từng hoạt động đó.

- Thực hiện công tác lập dự toán cụ thể và chi tiết các khoản mục chi phí phát sinh theo từng hoạt động của dịch vụ vận tải biển. Sau đó, kế toán cần lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí phù hợp để tính toán và xác định giá thành dự toán, cung cấp thông tin cho nhà quản trị doanh nghiệp.

4.2. Phương pháp chi phí mục tiêu

Hiện nay các doanh nghiệp vận tải biển phải cạnh tranh rất khốc liệt, ngoài chất lượng dịch vụ thì việc xác định giá bán cũng phải có tính cạnh tranh (xác định giá bán phụ thuộc rất lớn vào các đối thủ canh tranh và nhu cầu khách hàng). Xuất phát từ thực tế và đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp vận tải biển, việc áp dụng phương pháp chi phí mục tiêu có những thuận lợi và khó khăn sau:

Thuận lợi:

- Xác định giá bán dựa trên nghiên cứu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp đạt được một số lợi thế cạnh tranh.

- Xác định chi phí mục tiêu sẽ giúp doanh nghiệp thiết kế, lập kế hoạch chi phí khai thác dịch vụ theo chi phí mục tiêu. Qua đó giúp doanh nghiệp có được vị trí tốt hơn để cạnh tranh trên thị trường và hoạt động có hiệu quả hơn.

Khó khăn:

- Áp dụng phương pháp chi phí mục tiêu đòi hỏi doanh nghiệp vận tải biển phải xác định cụ thể, chi tiết toàn bộ hành trình, hoạt động của chuyến đi cũng như phải xác định, dự báo các rủi ro (thời tiết, hư hỏng, cướp biển, rơi hàng,…) có thể xảy ra để tránh việc cắt giảm chi phí xuống quá thấp hoặc bỏ qua các khoản chi phí.

- Phương pháp này thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp vận tải biển, nhất là đối với các doanh nghiệp không có đủ đội ngũ nhân viên có khả năng dự báo các hoạt động có khả năng xảy ra một cách chính xác nhất nhằm xác định chi phí dự kiến hợp lý.

Để có thể áp dụng phương pháp chi phí mục tiêu vào việc xác định giá thành dịch vụ vận tải biển thì các doanh nghiệp vận tải biển cần:

- Kết hợp giữa bộ phận nghiên cứu thị trường và kế toán xác định được giá bán dịch vụ vận tải biển có lợi thế cạnh tranh nhất. Đồng thời, các bộ phận này phải dựa trên kế hoạch kinh doanh và phương hướng phát triển của doanh nghiệp vận tải biển để xác định mức lợi nhuận mục tiêu của doanh nghiệp. Từ việc xác định được giá bán mục tiêu và lợi nhuận mục tiêu, kế toán tính toán được chi phí mục tiêu của doanh nghiệp.

- Bộ phận kế toán lập dự toán chi phí cụ thể, chi tiết cho từng hoạt động của dịch vụ vận tải biển tại doanh nghiệp (dự toán phải tính đến các chi phí phát sinh khi có rủi ro xảy ra) trên cơ sở chi phí mục tiêu đã được xác định.

5. Kết luận

Đối với các doanh nghiệp có hoạt động vận tải biển đa dạng và phức tạp, các chuyến đi phải trải qua nhiều quốc gia, khối lượng hàng vận chuyển và luân chuyển liên tục qua các cảng thì việc áp dụng phương pháp theo quan điểm kế toán quản trị chi phí hiện đại được xem là hợp lý. Với những thuận lợi và khó khăn của các phương pháp kế toán chi phí và tính giá thành theo từng phương pháp, các doanh nghiệp vận tải biển cần cân nhắc để lựa chọn phương pháp hợp lý với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp mình. Khi đó, doanh nghiệp sẽ xác định chính xác nhất giá thành đơn vị dịch vụ vận tải biển, làm cơ sở để quyết định giá bán có khả năng cạnh tranh nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt:

1. Cục Hàng hải Việt Nam (2011), Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, truy cập ngày 18/7/2016, <http://www.vinamarine.gov.vn/Index.aspx?page=transportdetail&id=17>.

2. Nguyễn Ngọc Quang (2014), Giáo trình Kế toán quản trị, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

3. Phạm Văn Dược, Đặng Thị Kim Cương (2010), Kế toán quản trị, NXB Thống kê, TP. Hồ Chí Minh.

4. Bộ Tài chính (2002), Thông tư 89/2002/TC-BTC hướng dẫn kế toán thực hiện bốn chuẩn mực kế toán ban hành theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001.

5. TS. Nguyễn Hữu Hùng (2014), Giáo trình Kinh tế vận chuyển đường biển, NXB Hàng hải.

Tiếng Anh:

1. Colin Drury (2008), Management and Cost accounting, 7th ed, South Western Cengage Learning.

Ngày nhận bài: 1/4/2017

MODERN COST MANAGEMENT ACCOUNTING MODEL:

THE IMPLEMENTATION OF THIS MODEL

IN VIETNAMESE SHIPPING ENTERPRISES

Master. NGUYEN THU PHUONG

Faculty of Accounting, Duy Tan University

Master. NGUYEN THI HONG SUONG

Faculty of Accounting, Duy Tan University

ABSTRACT:

Along with the current development trend of Vietnam’s economy, the business activities related to shipping enterprises in Vietnam are beginning to diversify into complicated services and products. As a result, managers of these shipping companies need more business information to operate their companies. The cost management accounting under the modern management accounting model could be considered an effective tool for these managers to gather business information relater to their companies. This study is to present both advantages and disadvantages of implementing the cost management accounting and the calculation of cost of goods manufactured under the modern management accounting model in shipping enterprises. The study also proposes some feasible solutions to help shipping companies to choose the most appropriate management accounting method.

Keywords: Shipping, modern management accounting, cost, cost of goods manufactured.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây