Một số hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về Sở Giao dịch hàng hóa và kiến nghị, đề xuất

ThS. ĐINH THANH HƯƠNG (Trưởng ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

TÓM TẮT:

Sở Giao dịch hàng hóa (SGDHH) được hoạt động căn cứ vào Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa (MBHH) qua SGDHH và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP ngày 09/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của SGDHH cho thấy có một số hạn chế, bất cập của quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của SGDHH. Bài viết này phân tích một số hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về SGDHH và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.

Từ khóa: quy định pháp luật, Sở Giao dịch hàng hóa.

1. Đặt vấn đề

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (Mercantile Exchange of Vietnam – MXV) là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh cấp quốc gia duy nhất hiện nay tại Việt Nam được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động. Kể từ khi Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động MBHH qua SGDHH (sau đây gọi là Nghị định số 158) có hiệu lực, đến ngày 01/9/2010, SGDHH đầu tiên tại Việt Nam mới được thành lập (Giấy phép số 4596/GP-BCT ngày 01/9/2006). Tuy nhiên, thời gian mới được thành lập, hoạt động của các Trung tâm/SGDHH đều không đạt được như kỳ vọng ban đầu và nhiều SGD đã dừng hoạt động.

Ngày 09/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158 (sau đây gọi là Nghị định số 51). Sau khi Nghị định số 51 có hiệu lực thì ngày 08/6/2018, Bộ Công Thương đã thành lập SGDHH (Giấy phép số 486/GP-BCT) và ngày 18/6/2018, Bộ Công Thương chấp thuận hồ sơ của MXV về giao dịch các hàng hóa được phép giao dịch liên thông.

Từ khi Nghị định số 51 có hiệu lực cho đến nay, việc GDHH qua SGDHH Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động của MXV diễn ra ổn định, hiệu quả dưới sự quản lý chặt chẽ của Bộ Công Thương. Hoạt động của thị trường GDHH tập trung thông qua MXV đã cung cấp công cụ bảo hiểm giá, theo đó việc niêm yết và giao dịch tại SGDHH được tiêu chuẩn hóa và định giá trước thời điểm giao dịch sẽ ổn định giá và hạn chế rủi ro cho người sản xuất, nhất là những nhà sản xuất nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có nhu cầu hàng hóa có thể sử dụng các công cụ như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn để bảo đảm giá nguyên liệu ổn định, không lo giá cả “nhảy vọt” không thể kiểm soát được.

Ngoài ra, SGDHH còn đóng vai trò tạo lập thị trường, kết nối các “nhà” trong cả quá trình từ sản xuất đến giao dịch, mua bán và sử dụng hàng hóa, chẳng hạn như từ người nông dân trồng cà phê, nhà rang xay, chế biến, nhà xuất khẩu và đến người tiêu dùng cà phê. Người mua và người bán cùng tham gia vào giao dịch MBHH trên SGDHH nên SGDHH chính là nơi cung cấp các thông tin cần thiết và các dữ liệu có liên quan đến tình hình GDHH mà nhà đầu tư quan tâm.

2. Một số hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về Sở Giao dịch hàng hoá

Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy một số hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về SGDHH, cụ thể như sau:

2.1. Nhóm vấn đề cần bổ sung quy định cụ thể, chi tiết

Thứ nhất, về hoạt động thành toán quốc tế: Nghị định số 158 và Nghị định số 51 có quy định về hoạt động thanh toán quốc tế, nhưng lại chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn trong việc áp dụng của các ngân hàng thương mại.

Thứ hai, về ủy thác mua bán hàng hóa qua SGDHH:

Chương 6 Nghị định số 158 (từ Điều 45 đến Điều 49) quy định về ủy thác MBHH qua SGDHH, trong đó có quy định về ủy thác MBHH, nội dung của hợp đồng ủy thác giao dịch, phương thức bảo đảm thực hiện giao dịch, thông báo thực hiện giao dịch và thông báo tài khoản của khách hàng. Nghị định số 51 không có sửa đổi, bổ sung quy định tại chương này.

Về nội dung của hợp đồng ủy thác GDHH, tại khoản 1 Điều 46 Nghị định số 158 quy định nội dung hợp đồng ủy thác GDHH do các bên thỏa thuận mà không có quy định cụ thể. Bên cạnh đó, không có quy định về các nội dung trong hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa giữa khách hàng và thành viên kinh doanh. Do đó, cần có quy định cụ thể, chi tiết hơn các nội dung trên để bảo đảm hoạt động ủy thác được thực hiện hiệu quả trên thị trường.

Thứ ba, về chính sách thuế:

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: SGDHH các thành viên kinh doanh của SGDHH thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Thuế trong hoạt động trên thị trường GDHH tương lai. Cơ sở bán hàng nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Thuế và phù hợp với Hiệp định tránh đánh thuế trùng (nếu có) đối với thu nhập từ bán hàng hóa vào Việt Nam thông qua SGDHH. Cơ sở mua hàng nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ việc mua bán quyền chọn (nếu có) tại SGDHH tại Việt Nam.

Đối với thuế xuất khẩu: Hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu qua biên giới lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện các thủ tục hải quan và chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Cơ sở là thành viên kinh doanh của SGDHH khi thực hiện giao hàng ra khỏi cửa khẩu Việt Nam cho người mua nước ngoài phải làm thủ tục xuất khẩu với cơ quan hải quan và nộp thuế xuất khẩu. Người mua hàng hóa qua SGDHH khi nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam phải thực hiện thủ tục hải quan và nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đối với thuế thu nhập cá nhân: Các cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia giao dịch trên SGDHH ở Việt Nam và ở nước ngoài, có thu nhập từ hoạt động này thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Các cá nhân là người cư trú tại Việt Nam phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh tại các SGDHH.

Như vậy, chính sách thuế hiện hành của Việt Nam không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống hay hoạt động kinh doanh có yếu tố thương mại điện tử/sàn giao dịch. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh được thực hiện theo quy định của các luật thuế hiện hành (như: Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thuế Thu nhập cá nhân,…). Việc chưa có hướng dẫn cụ thể về các chế độ về thuế cho các thành phần tham gia thị trường GDHH dẫn đến khó khăn trong thực hiện, ảnh hưởng đến việc thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Thứ tư, về hoạt động thanh toán bù trừ:

Nghị định số 158 quy định về Trung tâm thanh toán (Điều 26, 27 và 28) và Nghị định số 51 quy định về Trung tâm thanh toán bù trừ (sửa đổi Điều 26, 27 và 28) nhưng cả 2 Nghị định đều không quy định về loại hình Thành viên bù trừ tham gia vào hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch thông qua SGDHH. Thành viên bù trừ sẽ thực hiện các chức năng như một nhà tạo lập, cung cấp thanh khoản cho thị trường. Do đó, cần bổ sung các khái niệm và quy định về điều kiện hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của thành viên bù trừ vào quy định về hoạt động của SGDHH.

2.2. Nhóm vấn đề cần sửa đổi quy định cho phù hợp

Thứ nhất, quy định về vốn điều lệ trong điều kiện thành lập SGDHH, Thành viên kinh doanh, Thành viên môi giới không còn phù hợp.

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 51 về điện kiện thành lập SGDHH thì SGDHH có vốn điều lệ từ 150 tỷ trở lên; Điều 19 quy định về thành viên môi giới phải có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên; Điều 21 quy định về thành viên kinh doanh phải có vốn điều lệ từ 70 tỷ đồng trở lên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy giá trị giao dịch tại MXV có lúc lên đến 5.000 tỷ VNĐ/phiên và với đà tăng trưởng hiện nay thì sẽ còn nhiều giao dịch với số tiền lớn. Thị trường GDHH ngày càng tăng trưởng về quy mô và về số lượng các mặt hàng niêm yết giao dịch cũng như giá trị giao dịch. Do đó, cần điều chỉnh số vốn điều lệ của SGDHH, thành viên môi giới, thành viên kinh doanh để có số vốn góp đủ bảo đảm nguồn tài chính tổ chức, vận hành thị trường, quy mô giao dịch, khả năng quản trị rủi ro khi giao dịch các mặt hàng có giá trị lớn, bảo đảm số tiền ký quỹ của các Sở giao dịch ở nước ngoài…

Thứ hai, về mức ký quỹ giao dịch: Điều 39 Nghị định số 58 quy định SGDHH cụ thể mức ký quỹ ban đầu khi đặt lệnh giao dịch nhưng không được thấp hơn 5% trị giá của từng lệnh giao dịch (Nghị định số 51 không sửa đổi, bổ sung quy định này). Quy định về giới hạn mức ký quỹ giao dịch 5% như hiện nay là không phù hợp, bởi vì mức ký quỹ giao dịch thường phụ thuộc vào tình hình biến động của thị trường và yêu cầu của từng SGDHH ở nước ngoài mà MXV có kết nối liên thông.

Thứ ba, quy định về thành viên môi giới:

Khoản 2 Điều 69 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Thương nhân môi giới MBHH qua SGDHH chỉ được phép thực hiện các hoạt động môi giới MBHH qua SGDHH và không được phép là một bên của hợp đồng MBHH qua SGDHH”.

Khoản 19 Điều 1 Nghị định số 51 quy định: “Thành viên môi giới chỉ được thực hiện hoạt động môi giới hàng hóa qua SGDHH”. Như vậy, thành viên môi giới sẽ thực hiện môi giới giữa người mua và người bán để thực hiện MBHH qua SGDHH và môi giới cho khách hàng với thành viên kinh doanh của SGDHH để thực hiện hoạt động ủy thác MBHH qua SGDHH.

Tuy nhiên, Nghị định số 51 có bổ sung quyền mới của thành viên kinh doanh là thực hiện hoạt động môi giới hàng hóa. Quy định này dẫn đến khó phân tách được giữa thành viên kinh doanh và thành viên môi giới bởi thành viên kinh doanh có quyền thực hiện hoạt động của thành viên môi giới. Hơn nữa, Điều 20 Nghị định số 158 có quy định: “Quyền và nghĩa vụ của thành viên môi giới thực hiện theo Luật Thương mại và Điều lệ hoạt động của SGDHH” là chưa cụ thể, rõ ràng, vì quyền và nghĩa vụ của thành viên môi giới của SGDHH có những đặc thù, tính chất riêng biệt so với thành viên môi giới nói chung trong hoạt động thương mại. Do vậy, cần có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của thành viên môi giới của SGDHH để phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

2.3. Nhóm vấn đề cần quy định đầy đủ, thống nhất

Thứ nhất, một số thuật ngữ trong Nghị định số 158 và Nghị định số 51 thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:

- Theo Điều 19 và Điều 21 của Nghị định số 158 và Nghị định số 51 thì có quy định điều kiện để trở thành “thành viên kinh doanh” và “thành viên môi giới” phải là doanh nghiệp và được thành lập theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Điều 24 và Điều 25 của 2 Nghị định này lại dùng thuật ngữ “thương nhân”. Đây là thuật ngữ mới, nhưng chưa được giải thích và không có sự thống nhất, đồng bộ giữa khái niệm “thương nhân” và “doanh nghiệp”.

- Khái niệm “Hoạt động Sở giao dịch hàng hóa” được nêu trong Luật Đầu tư nhưng không được giải thích (nêu khái niệm) về hoạt động này; đồng thời khái niệm này cũng không được nêu trong Luật Thương mại và Nghị định số 158 và Nghị định số 51.

- Khái niệm “giao dịch hàng hóa”“giao dịch hàng hóa tương lai” được nêu trong Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng không được nêu trong Luật Thương mại và Nghị định số 158 và Nghị định số 51.

Thứ hai, về khách hàng.

Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định số 158 thì “Khách hàng là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của SGDHH, thực hiện hoạt động MBHH qua SGDHH thông qua việc ủy thác cho thành viên kinh doanh của SGDHH”. Như vậy, khách hàng muốn giao dịch MBHH, buộc phải thực hiện việc “ủy thác” MBHH.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 158 có quy định thành viên kinh doanh của SGDHH có quyền hoạt động tự doanh, MBHH qua SGDHH cho chính mình, nhằm mục đích lợi nhuận. Như vậy, trong trường hợp này thì họ là người có tư cách là người mua, bán hàng hóa qua SGDHH hay họ với vai trò là khách hàng? Nếu họ với vai trò là người mua, bán hàng hóa sẽ mâu thuẫn với quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định số 158 ở trên vì khách hàng buộc phải thực hiện việc “ủy thác” mới mua, bán được hàng hóa.

Ngoài ra, việc quy định khách hàng phải ủy thác cho thương nhân kinh doanh của SGDHH để thực hiện giao dịch đã loại bỏ quyền rất cơ bản của khách hàng khi muốn tham gia trực tiếp vào giao dịch với tư cách là người mua, người bán qua SGDHH.

3. Một số góp ý để hoàn thiện

Từ những phân tích về một số hạn chế, bất cập về quy định của pháp luật về SGDHH, tác giả kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của SGDHH hiện nay, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần bổ sung một số quy định cụ thể, chi tiết với các nội dung sau:

- Quy định về thanh toán quốc tế qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch MBHH.

- Về ủy thác MBHH qua SGDHH: quy định cụ thể về phạm vi ủy thác, nội dung chính của hợp đồng ủy thác, quyền và nghĩa vụ của thành viên kinh doanh khi nhận ủy thác MBHH…

- Về chính sách thuế: hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử/sở giao dịch hàng hóa trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hoá, dịch vụ; cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro…

- Cần có quy định hướng dẫn cụ thể về chế độ hạch toán kế toán cho SGDHH, các doanh nghiệp là thành viên kinh doanh của SGDHH, các doanh nghiệp tham gia giao dịch nhằm mục đích bảo hiểm giá qua SGDHH.

- Về hoạt động thanh toán bù trừ: cần có quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện thành lập, chức năng, nhiệm vụ của Thành viên bù trừ; việc xét duyệt, cấp phép cho các đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn trở thành Thành viên bù trừ của SGDHH.

Thứ hai, cần sửa đổi quy định cho phù hợp.

- Về vốn điều lệ trong điều kiện thành lập SGDHH, Thành viên kinh doanh, Thành viên môi giới: cần điều chỉnh số vốn điều lệ của SGDHH, Thành viên môi giới, Thành viên kinh doanh cao hơn để phù hợp với giá trị giao dịch ngày một tăng, phù hợp với thị trường trong nước và thế giới.

- Về mức ký quỹ giao dịch: Cần quy định SGDHH được áp dụng một mức ký quỹ linh động để giúp cho SGDHH hóa chủ động điều chỉnh, phù hợp với diễn biến của thị trường.

- Về thành viên môi giới: theo quy định hiện hành có thể thấy thành viên kinh doanh đang có xu hướng đảm nhận luôn vai trò của thành viên môi giới. Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành về hoạt động MBHH qua SGDHH, cần cân nhắc về việc hủy bỏ quy định về thành viên mối giới, chỉ cần quy định về thành viên kinh doanh.

Thứ ba, cần quy định đầy đủ, thống nhất.

- Cần bổ sung khái niệm về “thương nhân”, “hoạt động Sở giao dịch hàng hóa”, “giao dịch hàng hóa”, “giao dịch hàng hóa tương lai”… cho thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật.

- Về khách hàng: mở rộng đối tượng cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước được giao dịch trực tiếp để MBHH qua SGDHH.

Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định số 158 và cơ chế ủy thác giao dịch đang hạn chế việc chủ động giao dịch trực tiếp hợp đồng kỳ hạn của cá nhân, tổ chức không phải là thành viên của SGDHH. Khi các chủ thể trên đặt lệnh thông qua ủy thác sẽ phát sinh độ trễ nhất định. Nếu nhà đầu tư chủ động đặt lệnh, lệnh giao dịch được ghi nhận trực tiếp vào hệ thống SGDHH, không phụ thuộc vào bên thứ ba như hiện nay sẽ giảm thiểu được rủi ro, tăng hiệu quả kinh doanh. Do vậy, cần có cơ chế cho phép tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước không phải là thành viên kinh doanh của SGDHH giao dịch trực tiếp để tạo thế chủ động cho các chủ thể./.

Bài viết này thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ: “Hoàn thiện pháp luật bảo đảm sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai trong bối cảnh các cam kết của Việt Nam theo các Hiệp định EVFTA và CPTPP” do ThS. Đinh Thanh Hương, Trưởng ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Chủ nhiệm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

  1. Quốc hội (2005). Luật Thương mại năm 2005.
  2. Chính phủ (2006). Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
  3. Chính phủ (2018). Nghị định số 51/2018/NĐ-CP ngày 09/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.
  4. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (2021). Báo cáo số 214/BC-MXV ngày 7/6/2021 về kết quả hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam sau 3 năm kể từ khi Nghị định số 51/2018/NĐ-CP có hiệu lực.
  5. Doãn Hồng Nhung và Nguyễn Anh Thư (2022), Một số ý kiến hoàn thiện các quy định pháp luật về các chủ thể tham gia giao dịch Sở Giao dịch hàng hóa theo pháp luật Việt Nam, Tạp chí Công Thương- Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18(1), tháng 8. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mot-so-y-kien-hoan-thien-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-cac-chu-the-tham-gia-giao-dich-cua-so-giao-dich-hang-hoa-theo-phap-luat-viet-nam-99011.htm

Limitations of provisions governing the Mercantile Exchange of Vietnam’s operations and some recommendations to improve these provisions

Master. Dinh Thanh Huong

Head, Scientific Management Board

Institute for Legislative Studies, National Assembly of Vietnam

Abstract:

The Mercantile Exchange of Vietnam (MXV)’s operations are governed by Decree No. 158/2006/ND-CP dated December 28, 2006 of the Government detailing the implementation of the Commercial Law regarding goods purchase and sale through the Mercantile Exchange of Vietnam and Decree No. 51/2018/ND-CP dated April 09, 2018 of the Government on amending and supplementing a number of articles of the Government’s Decree No. 158/2006/ND-CP of December 28, 2006, detailing implementation of the Commercial Law regarding goods purchase and sale through the Mercantile Exchange of Vietnam. However, the MXV’s operations are facing some challenges due to limitations of current provisions. This paper analyzes some limitations of current provisions on the operation of MXV, and makes some recommendations to improve these provisions.

Keywords: provisions governing, the Mercantile Exchange of Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]