Một số vấn đề pháp lý về công chứng điện tử

Đề tài Một số vấn đề pháp lý về công chứng điện tử do GVC. ThS. Nguyễn Thị Vinh Hương (Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực của đời sống xã hội đã trở thành một xu thế tất yếu, trong đó có hoạt động công chứng nói chung và công chứng điện tử (CCĐT) nói riêng. Tuy nhiên, công tác tổng kết thi hành Luật Công chứng cho thấy việc phát triển CCĐT ở Việt Nam còn nhiều vướng mắc, chủ yếu do khung pháp lý về CCĐT mới hình thành nên khó bao quát hết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.

Trong bài viết, tác giả khái quát về CCĐT, làm rõ được bản chất của CCĐT, phân tích những trở ngại trong việc thực hiện CCĐT, từ đó đề xuất một số gợi mở, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về CCĐT ở Việt Nam hiện nay.

Từ khoá: công chứng, công chứng điện tử, chuyển đổi số, pháp lý.

 1. Khái quát về công chứng điện tử ở Việt Nam hiện nay

Công chứng có vai trò thiết yếu trong việc tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên từ đó giảm thiểu rủi ro pháp lý cho người dân. Công chứng đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình, theo đó phải kể đến sự ra đời của CCĐT. Hiện nay, CCĐT không chỉ được vận hành tại một số quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc… mà còn được quan tâm và phát triển tại Việt Nam.

Vậy hiểu như thế nào về CCĐT? CCĐT là việc công chứng viên chứng nhận tài liệu bằng phương thức điện tử, thay vì xác thực bằng chữ ký giấy và con dấu truyền thống, công chứng viên chứng nhận và xác thực tính hợp lệ bằng cách gắn chữ ký điện tử và con dấu công chứng có sử dụng khóa bảo đảm vào tài liệu điện tử (tập tin PDF hoặc Word).  Chúng ta cũng cần phân biệt nội hàm của CCĐT và công chứng số. CCĐT hướng tới sự thay đổi trong hình thức xác thực, chứng nhận văn bản công chứng, trong khi công chứng số có nội hàm rộng hơn hẳn, hướng tới quá trình áp dụng các công nghệ, kỹ thuật số vào việc công chứng, từ đó làm thay đổi các cách thức, phương pháp, quy trình thực hiện hoạt động công chứng.

Bên cạnh đó, khi so sánh giữa công chứng truyền thống và CCĐT, rất dễ nhận ra sự khác biệt giữa hai hình thức cũng như những ưu điểm nổi trội của CCĐT.

Thứ nhất, về dữ liệu đầu vào. Đối với công chứng truyền thống, hồ sơ công chứng phải được thể hiện dưới dạng giấy, có chữ ký tay và con dấu của công chứng viên, đây là cơ sở để chứng minh tính xác thực đối với bên thứ ba. Tuy nhiên, đối với CCĐT, nhằm hiện thực hóa một “xã hội không giấy tờ” và “không con dấu”, nguồn dữ liệu đầu vào đã được thay đổi thành dữ liệu điện tử và công chứng viên sử dụng “khóa số thực” (hay chữ ký điện tử) để xác nhận văn bản hoặc giao dịch, việc chữ ký điện tử thay thế cho chữ ký tay và không cần đóng dấu vẫn đảm bảo an toàn mà giá trị pháp lý vẫn tương đương như văn bản giấy. Có thể thấy rõ ưu thế của hoạt động CCĐT trong trường hợp này đó là sự tiện lợi, nhanh chóng và chính xác.

Thứ hai, về nguồn lực vật chất và thủ tục dịch vụ. Đối với công chứng truyền thống cần nhiều nguồn lực vật chất như giấy tờ, con dấu, không gian lưu trữ tài liệu cũng như tốn nhiều thời gian của công chứng viên dành cho khách hàng, bên cạnh đó còn có những rủi ro như những tài liệu giấy được lưu trữ có thể bị mất mát hoặc hư hỏng, bị mờ thông tin theo thời gian… Ngược lại, CCĐT giúp tiết kiệm tối đa nguồn lực vật chất do tối thiểu các loại giấy tờ và quy trình “không con dấu”, giúp tinh giản thủ tục, rút ngắn thời gian của cả công chứng viên và khách hàng, đẩy nhanh quá trình thực hiện giao dịch do những thông tin về hồ sơ công chứng hoàn toàn có thể được tìm kiếm, truy xuất và chia sẻ một cách thuận tiện trên các phương tiện điện tử, trên cơ sở dữ liệu công chứng. Mặt khác, phương thức thanh toán cũng được thay đổi bằng hình thức chuyển khoản giúp cho việc giao dịch được minh bạch, an toàn và nhanh chóng. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là phải có sự đồng bộ chặt chẽ từ cơ sở vật chất đến yếu tố con người mới có thể vận hành CCĐT vào đời sống một cách dễ dàng.

Thứ ba, về hiệu quả phòng ngừa tranh chấp xảy ra giữa các bên trong giao dịch.

Trên thực tế, các giao dịch có giá trị lớn thường liên quan tới nhiều thủ tục phức tạp, đặc biệt rất dễ xảy ra tình trạng lừa đảo, giả mạo giữa các bên nên việc tranh chấp diễn ra khá thường xuyên, trong khi không phải chủ thể nào cũng đủ hiểu biết để kiểm tra và kiểm soát được các vấn đề pháp lý phát sinh trong giao dịch. Lúc này công chứng viên đóng vai trò như bên thứ ba đáng tin cậy, giúp kiểm soát để cảnh báo, ngăn chặn những rủi ro pháp lý không đáng có cho các bên, tránh phát sinh tranh chấp về sau.

So với công chứng truyền thống, mô hình CCĐT vẫn có điểm nổi trội và đạt được hiệu quả nhất định trong việc phòng ngừa tranh chấp giữa các bên trong giao dịch. Điều đó có thể được lý giải bởi CCĐT được thực hiện qua đường truyển internet, các bên tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí di chuyển, công chứng viên có thể dành nhiều thời gian hơn để giải thích và tư vấn kịp thời những vấn đề quan trọng cho khách hàng ngay từ khi soạn thảo hợp đồng. Mặt khác, thông qua nền tảng kỹ thuật số với công nghệ mã hóa hiện đại, công chứng viên dễ dàng xác thực chữ ký điện tử và người ký chữ ký điện tử xem có đúng các bên trong giao dịch hay không, đảm bảo các tài liệu đi kèm không có sự giả mạo, lừa đảo, khi xác minh đầy đủ các yếu tố thì sẽ dùng chữ ký số của mình xác thực lần nữa, tăng thêm tính chắc chắn, hợp pháp cho giao dịch, giúp ngăn chặn các tranh chấp phát sinh ngay từ đầu. Ngay cả khi xảy ra tranh chấp giữa các bên, công chứng viên có thể nhanh chóng cung cấp bằng chứng thông qua việc truy cập vào hồ sơ đã được lưu trữ.

2. Một số trở ngại khi thực hiện hoạt động công chứng điện tử ở Việt Nam hiện nay

Luật Công chứng năm 2014 quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đây là cơ sở quan trọng cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động công chứng vẫn được thực hiện theo cách truyền thống, chưa có giai đoạn nào của quy trình công chứng được chính thức thực hiện trực tuyến; công chứng viên cũng không sử dụng chữ ký điện tử, con dấu điện tử. Việc sử dụng phần mềm, nhập thông tin trong các phần mềm được xem như một quy trình phụ, mang tính chất hỗ trợ cho hoạt động công chứng truyền thống như tra cứu, chia sẻ thông tin, lưu trữ dữ liệu, soạn thảo văn bản và thống kê số liệu… Nghiên cứu cho thấy vẫn tồn tại những trở ngại nhất định đối với việc phát triển CCĐT ở Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ cho việc thực hiện và công nhận CCĐT.

Cho đến nay, pháp luật về công chứng của Việt Nam chưa quy định về CCĐT hay công nhận giá trị của văn bản CCĐT. Cụ thể, Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 định nghĩa: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Hoặc Khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 ghi nhận hiệu lực của văn bản công chứng được tính “kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”, vậy trong trường hợp văn bản công chứng được công chứng viên ký và đóng dấu dưới dạng điện tử thì có hiệu lực hay không. Thực tế, Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đề cập đến việc ký tên hoặc đóng dấu bằng chữ ký điện tử và con dấu điện tử, điều này có nghĩa là pháp luật về công chứng chưa thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử trong văn bản công chứng. Mặt khác, những quy định trong Luật Công chứng năm 2014 liên quan đến hồ sơ yêu cầu công chứng hoặc trình tự, thủ tục công chứng… đều cho thấy hiện nay công chứng tại Việt Nam là công chứng văn bản giấy, cần phải chữ ký tay và con dấu trên giấy chứ chưa phải là công chứng trên văn bản điện tử bằng công cụ điện tử.

Mặt khác giữa Luật Công chứng năm 2014 và Luật Giao dịch điện tử năm 2005 tồn tại sự chưa tương thích về việc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp điện tử nói chung và văn bản dưới dạng điện tử nói riêng. Điều này vô tình khiến cho một số quy định của Luật Giao dịch điện tử khó triển khai trên thực tế. Chẳng hạn như tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã có những quy định nhằm đảm bảo giá trị pháp lý cho thông điệp dữ liệu, thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản và thông điệp có giá trị như bản gốc, ví dụ: “trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết”. Hay tại Điều 24 Luật này quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử có quy định trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức đáp ứng các điều kiện theo quy định và chữ ký điện tử đó có chứng thực. Như vậy, với các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, có thể thực hiện việc ký và đóng dấu điện tử trên văn bản công chứng mà vẫn đáp ứng các quy định của Luật Công chứng.

Thứ hai, cơ sở dữ liệu công chứng thiếu tính đồng bộ, thống nhất và chưa thực sự phục vụ cho thực hiện CCĐT.

Điều 62 Luật Công chứng năm 2014 đã quy định về cơ sở dữ liệu công chứng, bao gồm “các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng”. Quy định trên hàm chứa nội dung điều chỉnh đối với “dữ liệu” (thông tin) nhiều hơn là quy trình. Hơn nữa, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu với đầy đủ thông tin như vậy hiện gặp nhiều khó khăn.

Luật Công chứng năm 2014 giao việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, điều đó dẫn đến một vài bất cập, như: Một là, cơ sở dữ liệu công chứng giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không xây dựng theo chuẩn mẫu nhất định, bị giới hạn trong phạm vi hành chính ở địa phương thay vì tạo thành mạng lưới dữ liệu công chứng trong cả nước; Hai là, nhiều địa phương chưa thật sự quản lý được cơ sở dữ liệu công chứng, còn gặp khó khăn trong việc xử lý, lưu trữ thông tin, hoặc sự cố kỹ thuật, do phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị cung cấp dịch vụ cơ sở dữ liệu; Ba là, cơ sở dữ liệu công chứng của các tỉnh khó liên thông, kết nối với nhau và khó kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác như cơ sở dữ liệu về dân cư quốc gia, cơ sở dữ liệu về đăng ký giao dịch bảo đảm… Sự phân tán, tách biệt đó dẫn đến kéo dài thời gian công chứng, gia tăng chi phí của người dân. Việc đấu nối dữ liệu tại các cơ sở dữ liệu khác nhau là điều cần thiết và hợp lý hiện nay.

Mặt khác, khi xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tập trung nhiều hơn vào việc tạo lập cơ chế lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, ít quan tâm đến việc xây dựng quy trình điện tử thay thế cho quy trình công chứng truyền thống (một phần do pháp luật công chứng không quy định về CCĐT). Định hướng này làm cho các phần mềm dùng trong hoạt động công chứng chủ yếu vận hành mang tính chất hỗ trợ cho hoạt động công chứng truyền thống.

Thứ ba, quy định về chữ ký điện tử chưa cụ thể và rõ ràng.

Hiện nay Luật Giao dịch điện tử năm 2015 đã thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, đây là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện CCĐT tại Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm về chữ ký điện tử được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 21 của Luật này tương đối rộng: “Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký” và các quy định về điều kiện để đảm bao an toàn cho chữ ký điện tử hiện nay đang tương đối mơ hồ.

Thứ tư, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng tại các địa phương chưa đồng đều; tâm lý công chứng viên và khách hàng còn nhiều e ngại khi thực hiện chuyển đổi số.

Để thực hiện CCĐT thì độ phủ sóng của Internet là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên việc triển khai CCĐT sẽ gặp khó khăn ở các khu vực không phải là đô thị, đặc biệt là vùng sâu vùng xa còn đang thiếu hạ tầng, phương tiện và kỹ năng sử dụng Internet, trong khi đó, Luật Công chứng năm 2014 quy định, công chứng viên chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. Bên cạnh đó, độ phủ sóng các phần mềm dùng trong hoạt động hoạt động công chứng tại các địa phương đã có Internet cũng chưa đều, nhiều nơi chưa có phần mềm, thậm chí chức năng các phần mềm cũng khác nhau...

Khi thực hiện CCĐT, không chỉ thay đổi về quy định của pháp luật có liên quan và quy trình công chứng mà người thực hiện công chứng (tổ chức hành nghề công chứng, CCV, thư ký...) và khách hàng cũng phải có những thay đổi lớn về cách tiếp cận, kỹ năng thực hiện công chứng, cũng như tiếp nhận sản phẩm đầu ra của hoạt động công chứng. Kinh nghiệm từ những cải cách hoạt động công chứng như chuyển đổi sang bắt buộc sử dụng phần mềm... cho thấy, thay đổi này luôn gây ra tâm lý dè chừng, lưỡng lự, không sẵn sáng chấp nhận và sử dụng cái mới. Đây là một trở ngại lớn trong quá trình triển khai CCĐT.

3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về CCĐT ở Việt Nam hiện nay

CCĐT là một xu thế chung trong hoạt động công chứng trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Để thực hiện CCĐT tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, xây dựng khung pháp lý cho CCĐT.

Luật Công chứng năm 2014 cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo ra khung pháp lý cơ bản về hoạt động CCĐT tại Việt Nam. Theo đó, tác giả đề xuất sửa đổi một số điều khoản của Luật Công chứng theo hướng công nhận giá trị của văn bản CCĐT. Chẳng hạn như, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng thành: “1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, thông điệp dữ liệu (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản, thông điệp dữ liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Hoặc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng thành “1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Đối với thông điệp dữ liệu được công chứng có hiệu lực kể từ ngày công chứng viên ký điện tử”. Ngoài ra, Luật Công chứng cũng cần bổ sung quy định liên quan đến văn bản CCĐT có hiệu lực, tài liệu điện tử, xác thực tài liệu điện tử, chữ ký kỹ thuật số của công chứng viên, chứng thực các tài liệu số hóa,… Quá trình sửa đổi cần đảm bảo sự tương thích với các quy định pháp luật về giao dịch điện tử, đất đai, dân sự, nhà ở, thương mại, doanh nghiệp,…

Thứ hai, tạo lập cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia đồng bộ, thống nhất, có kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Như đã phân tích ở trên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại từng địa phương gặp phải nhiều vướng mắc và bất cập. Để tạo sự đồng bộ, thống nhất, tạo thành mạng lưới liên kết và chia sẻ thông tin nên chuyển đổi theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia thay cho cơ sở dữ liệu công chứng tại từng đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 62 Luật Công chứng năm 2014 như sau:

“Điều 62. Cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia

  1. Cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia bao gồm các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản, dữ liệu công chứng điện tử, hồ sơ công chứng điện tử và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.
  2. Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng.
  3. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng và quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia.
  4. Cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia được kết nối dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.”

Thứ ba, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về chữ ký điện tử.

Đây là vấn đề đang bị bỏ ngỏ và cần có khung pháp lý rõ ràng nhằm tạo cơ sở để áp dụng chữ ký điện tử trong thực tiễn, đặc biệt là hoạt động CCĐT, góp phần tạo ra hệ thống pháp lý toàn diện hơn đối với giao dịch điện tử trong thời kỳ công nghệ.

Thứ tư là, nâng mức độ phủ sóng và sử dụng Internet trong phạm vi cả nước, nâng cao ý thức của các chủ thể hoạt động CCĐT.

Hoạt động công chứng không chỉ diễn ra ở các đô thị lớn mà có ở tất cả các địa phương, do đó, tầm nhìn xây dựng CCĐT cần có lộ trình triển khai đến tất cả vùng, miền của Tổ quốc. Để thực hiện được điều đó, từng bước nâng cao chất lượng của hạ tầng mạng lưới Internet và mức độ sử dụng Internet, cũng như khả năng truy cập Internet để tất cả người dân ở mọi khu vực khi có nhu cầu đều có thể sử dụng CCĐT.

Ngoài ra, cần có đội ngũ công chứng viên lành nghề, thành thạo, trung thực trong việc sử dụng thủ tục công chứng hiện đại này để có thể chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch giá trị lớn mà vẫn đảm bảo an toàn qua môi trường điện tử. Mỗi người dân cũng cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng vận dụng công nghệ nhiều hơn, bởi lẽ so với công chứng truyền thống, CCĐT cần sự chủ động, thành thạo của khách hàng hơn trong việc chuẩn bị tài liệu dưới dạng điện tử, cũng như tiến hành sử dụng chữ ký điện tử ký vào hợp đồng của họ để mang đi công chứng.

Qua phân tích, có thể thấy CCĐT là hoạt động thích hợp với thời đại công nghệ số như hiện nay, tuy nhiên để triển khai trong thực tế còn gặp nhiều vướng mắc, tạo những rào cản nhất định cho sự phát triển của hoạt động công chứng nói chung và CCĐT nói riêng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014). Luật Công chứng số 53/2014/QH13 ngày 20 tháng 6 năm
  2. Quốc hội (2005). Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm
  3. Nguyễn Thanh Đình (2022), Cơ sở pháp lý cho sự hình thành và phát triển công chứng số ở Việt Nam, Tạp chí Nghề Luật, số 06/2022.
  4. Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế (2022). Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, https://stp.thuathienhue.gov.vn/DichVu/ThongTin/CapNhat/prints.aspx?tinid=6828#_ftn1.
  5. Phan Thị Bình Thuận (2021), Công chứng điện tử tại Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp        4.0,      Tạp     chí       Nghiên           cứu      lập       pháp   điện    tử, http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210703/Cong-chung-dien-tu-tai-Viet-Nam-trong-boi-  canh-Cach-mang-cong-nghiep-4.0.html.

Some legal issues about electronic notarization

Senior Lecturer, Master. Nguyen Thi Vinh Huong

Faculty of Law, Thuongmai University

Abstract:

As Vietnam is rapidly shifting towards a digital economy, it is necessary to apply the latest advancements in information technology in different fields includingnotarization in general and electronic notarization in particular. However, the enforcement of the Law on Notary shows that the development of electronic notarization still faces many challenges. This is because the legal framework on electronic notarization is newly formed, hence it is difficult to cover all issues arising from practice. This study is to provide an overview on electronic notarization, clarify the nature of electronic notarization, and analyze the main obstacles for the implementation of electronic notarization. Based on the study’s analysis, some recommendations are made to improve the legal framework on electronic notarization and enhance the effectiveness of regulations on electronic notarization in Vietnam.

Keywords: notarization, electronic notarization, digital conversion, law.

Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2023

Tạp chí Công Thương