Mức lãi suất vay mua nhà ở xã hội năm 2023 được quy định thế nào?

Lãi suất cho vay ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở là 4,8%/năm. Lãi suất này áp dụng kể từ ngày ký đến ngày 31/12/2024.

Theo quyết định 486/QĐ-TTg được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 10/5/2023 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP là 4,8%/năm.

Chính phủ giao Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến ngày 31/12/2024.

Trước đó, đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" được Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội được triển khai tại 4 ngân hàng

4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ triển khai gói tín dụng này bao gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản tới các ngân hàng thương mại và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố để nhanh chóng đưa gói tín dụng vào giải ngân.

Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030. Thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư áp dụng mức lãi suất cho vay là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu; đối với người mua nhà áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.

Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình. Lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi sẽ do Ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật và được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.

Xem thêm: "Ngân hàng nào có lãi suất vay mua nhà thấp nhất trong tháng 8/2023?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

10 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

Khác với nhà ở thương mại, nhà ở xã hội chỉ dành cho một số đối tượng nhất định. Tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014 có quy định 10 nhóm đối tượng sau nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội:

  1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
  2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
  3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
  4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
  5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
  6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
  7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
  8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này;
  9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
  10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 quy định các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập như là người chưa có nhà ở hoặc nhà ở quá chật chội; Có hộ khẩu tại địa phương nơi có nhà ở, nếu chưa có hộ khẩu thì phải đăng ký tạm trú từ 01 năm trở lên.

Ngoài ra, phải là người có thu nhập thấp, tức không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định.

6 điều kiện được vay vốn ưu đãi với hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua nhà ở xã hội 

Để được vay vốn mua, thuê mua nhà ở xã hội thì hộ gia đình, cá nhân vay cũng cần phải đáp ứng được những điều kiện nhất định. Theo đó, cần đáp ứng 6 điều kiện cụ thể như sau:

1. Có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương thức vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định;

2. Có đủ hồ sơ chứng minh theo quy định tại Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP;

3. Có nguồn thu nhập và có khả năng trả nợ theo cam kết với Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định;

4. Có Giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống;

5. Có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định của Nghị định này và của pháp luật về nhà ở;

6. Thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật. Ngân hàng cho vay, chủ đầu tư và người vay vốn phải quy định rõ phương thức quản lý, xử lý tài sản bảo đảm trong hợp đồng ba bên.

Lan Anh