Năm 2018, kinh tế Việt Nam có thể gặp nhiều thách thức

Báo cáo kinh tế vĩ mô của CIEM cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2018 ước đạt 6,58%, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng có thể chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố bất lợi.

Sáng 25/1/2018, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách” nhằm tập trung đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2017, từ đó nhận diện thách thức và tìm ra giải pháp đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2018.

Theo đó, năm 2017 đã chứng kiến những nỗ lực mới nhằm triển khai các chủ trương lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Dấu ấn trong điều hành và cải cách thể chế kinh tế trong những thành tựu kinh tế xã hội năm 2017, nhờ đó, thực sự rõ nét. Tăng trưởng kinh tế năm 2017 nhờ đó đã đạt được 6,81%, vượt nhiều so với dự báo và vượt mục tiêu đặt ra.

Kinh tế Việt Nam trong năm 2018 sẽ gặp nhiều bất lợi

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, kết quả tăng trưởng năm 2017 đạt được một phần nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp…

Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 chưa tạo được yếu tố bền vững cho năm 2018. Năm 2018, trưởng kinh tế năm 2018 ước đạt 6,58%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%, thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỷ USD và mức tăng giá tiêu dùng bình quân so với 2017 là khoảng 3,74%.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới ít nhiều còn bất định; tự do hóa thương mại đa phương gặp nhiều thách thức...

Đáng lưu ý, Việt Nam có thể phải phòng ngừa rủi ro dòng vốn nước ngoài đảo chiều, gây áp lực đối với tỷ giá và cán cân thanh toán. Ngoài ra, rủi ro tụt hậu về công nghệ sẽ lớn hơn nếu Việt Nam không có các hành động cụ thể nhằm đón đầu cơ hội và xử lý thách thức từ cuộc khoa học công nghệ lần thứ tư...

Năm 2018 được đánh giá là năm “bước ngoặt” của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội, song cũng là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Theo đó, để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho khu vực doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, cải thiện các chỉ số còn thấp điểm, thấp hạng và chậm cải cách, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trực tuyến, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong các hoạt động quản lý nhà nước.


Hoàng Hòa