Năm 2018: Thời điểm vàng của hội nhập kinh tế quốc tế

Trong Phiên họp Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế diễn ra vào sáng 11/1/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2018 là thời điểm hết sức quan trọng trong lộ trình

Năm 2017, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế ghi nhận nhiều thành công lớn với các kết quả quan trọng thông qua các sự kiện hội nhập trong nước và quốc tế. Việt Nam bước vào giai đoạn thực hiện hội nhập sâu hơn khi Cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu thực thi biện pháp cụ thể của lộ trình cam kết đến 2025 với các tiêu chí giám sát và đánh giá thiết thực hơn.

Đồng thời, năm 2017 cũng đánh dấu chặng đường 22 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Việt Nam cũng đã đảm nhận thành công năm APEC 2017 với hàng loạt các hội nghị lớn được tổ chức trong nước và các sáng kiến mới được đưa ra, góp phần quan trọng vào tiến trình mở rộng hợp tác và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Toàn cảnh Phiên họp Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hội nhập ngoài nước thông qua việc đàm phán và tham gia các chương trình hợp tác kinh tế quốc tế, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hội nhập trong nước thông qua việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, năm 2018 là thời điểm hết sức quan trọng trong lộ trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Năm 2018 sẽ có nhiều chuyển biến cơ bản trong tái cơ cấu kinh tế trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm. Đây là chủ trương nhất quán và xuyên suốt. Vì vậy, đòi hỏi cần phải có một bước chuyển biến mạnh mẽ và căn bản trong công tác hội nhập kể cả đàm phán, ký kết hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chuẩn bị tâm thế cho hội nhập, đặc biệt là năng lực thực thi, hiện thực hóa FTA”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Tuy nhiên, thách thức lớn đáng chú ý năm 2018 là phải chuẩn bị tâm thế hội nhập quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, ngành nghề, hoàn thiện thể chế trong nước, chủ động thích ứng với hội nhập, đặc biệt lĩnh vực có tính cạnh tranh khốc liệt như chăn nuôi, trồng trọt, mía đường.

“Hội nhập được lợi nhiều về thuế quan, nhưng lại làm cho thu ngân sách giảm, nên điều chỉnh thuế nội địa là bắt buộc song phải có lộ trình, chống xói mòn cơ sở thuế, mở rộng thuế nội địa là ưu tiên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định năm 2017, trong bối cảnh kinh tế chính trị khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, công tác hội nhập kinh tế quốc tế năm 2017 của Việt Nam đã được triển khai với các điều kiện thuận lợi trong nước.

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hội nhập ngoài nước thông qua việc đàm phán và tham gia các chương trình hợp tác kinh tế quốc tế, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hội nhập trong nước thông qua việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng…

Trên cơ sở triển khai các kết quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế 2017, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế đề xuất một số định hướng, nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2018:

Thứ nhất, các Bộ ngành cần tập trung phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đưa ra phương án hợp lý để sớm kết thúc đàm phán và ký kết các FTA còn lại.

Thứ hai, tiếp tục cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra nhằm chuẩn bị cho việc đánh giá 5 năm đầu tiên thực hiện các Nghị quyết về hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam tham gia sâu đậm hơn trong các tổ chức quốc tế và các FTA.

Thứ ba, chủ động thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA mới.

Thứ tư, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến tình hình thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành và Chính phủ.

Hoàng Hòa