Ngành Công Thương Quảng Bình: Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp

Từ nay đến cuối năm, ngành Công Thương Quảng Bình tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo và đảm bảo cung - cầu hàng hóa trên địa bàn.

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá

Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, tình hình phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh thời gian qua còn gặp một số khó khăn như: ngành sản xuất trang phục, chế biến gỗ, khai thác quặng kim loại gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí vật liệu tăng cao, cộng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.

Một số dự án đầu tư phát triển công nghiệp hiện nay còn chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư được phê duyệt (dây chuyền nghiền xi măng, Nhà máy xi măng Quảng Phúc; Nhà máy may công nghiệp QT Quảng Bình; Nhà máy chất đốt sinh khối dạng viên nén Trung Chính; dự án Nhà máy sản xuất vôi công nghiệp Mai Thanh; viên nén năng lượng Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa…). 

Công Thương Quảng Bình
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Quảng Bình tăng trưởng khá so với cùng kỳ

Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ, ngành Công Thương Quảng Bình đã đạt một số kết quả khả quan. Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng trưởng khá so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% (kế hoạch năm 2023 tăng 11,5%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,4% (kế hoạch năm 2023 tăng 8,5%).

Các doanh nghiệp công nghiệp thuộc các lĩnh vực như: sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất bao bì từ giấy, cao su tổng hợp; sản xuất các cấu kiện kim loại; sản xuất và phân phối điện; sản xuất phân bón có các đơn hàng mới được ký kết và sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước đã làm cho ngành công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.

Công Thương Quảng Bình
Lĩnh vực điện sinh khối của Quảng Bình có nhiều dư địa phát triển

Thương mại nội địa ổn định, xuất khẩu còn hạn chế

Trong hoạt động thương mại, các doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa,… hoạt động bình thường. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng bán lẻ, các mặt hàng đa dạng, phong phú, hàng hóa đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu người dân, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá.

Đại diện Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, thời gian qua hoạt động thương mại nội địa của các doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa,… diễn ra ổn định. Số lượng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhiên liệu tại các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh dự trữ với số lượng lớn, nguồn cung dồi dào đa dạng.

Công Thương Quảng Bình
Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tháng 5 năm 2023 tại thành phố Đà Nẵng.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, do tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, Châu Âu… khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của doanh nghiệp. Chủ thể tham gia trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu còn ít, năng lực hạn chế, chủng loại hàng hóa xuất khẩu đơn điệu. Khối lượng hàng hóa xuất khẩu còn nhỏ lẻ, phân tán, khả năng cạnh tranh thấp, thiếu tính bền vững vì vậy chưa tiếp cận và tận dụng được các cơ hội từ các FTA.

Quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, cùng với việc nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, Sở Công Thương Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh, thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội năm 2023.

Trong đó, Sở Công Thương Quảng Bình tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư như: các nhà máy xi măng, bia, may xuất khẩu, gạch không nung, chế biến gỗ, gỗ ván ép, kính cường lực, nhà máy điện mặt trời Dohwa....

Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo để đưa vào hoạt động trong năm 2023 bao gồm: Các dự án viên nén năng lượng (của Công ty TNHH Dowha, Công ty TNHH Dũng Nguyệt Anh…); các dự án May xuất khẩu đã được cấp chủ trương đầu tư (May QT Quảng Bình, may xuất khẩu Tun Power), vôi Mai Thanh, Dự án Thủy điện La Trọng. Duy trì vận hành phát điện ổn định các nhà máy: Cụm trang trại Điện gió B&T, Thuỷ điện Hố Hô, Điện mặt trời Dohwa Lệ Thuỷ, kết hợp duy trì cấp nguồn từ các nguồn điện khác như điện mặt trời mái nhà, thu hồi nhiệt của các nhà máy sản xuất xi măng; xúc tiến triển khai các dự án lớn về công nghiệp để đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành.

Công Thương Quảng Bình
Gian hàng tỉnh Quảng Bình tại Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tháng 5 năm 2023 tại thành phố Đà Nẵng.

Sở sẽ tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, siêu thị, TTTM, chợ, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh để kịp thời bình ổn thị trường, giá cả; đảm bảo cung cầu hàng hóa phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Đề án khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương năm 2023. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại đầu mối xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong các dịp lễ, tết, mùa du lịch và mùa mưa bão của tỉnh năm 2023.

Sở Công Thương Quảng Bình cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, điện năng, khoa học công nghệ, công tác Khuyến công và xúc tiến thương mại… theo quy định của Nhà nước. Phối hợp với Cục quản lý thị trường trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát giá cả, bình ổn cung cầu hàng hoá, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, triển khai thực hiện kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương. Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, hoạt động Sàn giao dịch thương mại điện tử; duy trì tốt việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại Sở Công Thương Quảng Bình.

Đồng thời Sở Công Thương Quảng Bình tăng cường thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hoá và công khai các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh nhất cho các tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư khi đến giao dịch giải quyết công việc, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư phát triển. 

Cảnh Hưng