Nghiên cứu ảnh hưởng của không gian làm việc chung tại các trường đại học đến ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của người dùng: Nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội

Bài nghiên cứu "Nghiên cứu ảnh hưởng của không gian làm việc chung tại các trường đại học đến ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của người dùng: Nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội" do

TÓM TẮT:

Khởi  nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Mô hình không gian làm việc chung tại các trường đại học (CWU) kiến tạo hệ sinh thái thuận lợi nhằm ươm tạo, nuôi dưỡng và phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Nghiên cứu này sử dụng mô hình hồi quy bội để xác định các nhân tố trong mô hình CWU và tìm hiểu ảnh hưởng của chúng đến ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm kích thích tinh thần khởi nghiệp của người dùng CWU. Kết quả cho thấy có 5 nhóm nhân tố tác động, đó là: (1) cơ sở hạ tầng - công nghệ; (2) dịch vụ và hội thảo khởi nghiệp; (3) trao đổi, học hỏi và nội dung hội thảo; (4) chi phí; (5) tính linh hoạt. Trong đó, nhóm 1 và nhóm 2 có tác động nhiều nhất đến ý định khởi nghiệp ĐMST của người dùng.

Từ khóa: không gian làm việc chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường đại học tại Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Không gian làm việc chung ra đời vào những năm 2007 tại thung lũng Silicone, là sản phẩm của nền kinh tế chia sẻ (Richter và cộng sự, 2015). Đây là một xu hướng mới trên toàn cầu, cung cấp cho người dùng không gian văn phòng chuyên dụng, không gian giao tiếp xã hội với các dịch vụ đi kèm. Mô hình này đã được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng, do lợi ích từ môi trường xã hội mà mô hình này hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thông qua việc tạo ra các mối liên hệ tiềm năng với các doanh nhân, cung cấp các khóa đào tạo, các buổi hội thảo chuyên đề và liên hệ với các nhà đầu tư thiên thần, các đối tác kinh doanh trong không gian làm việc chung của trường đại học có thể khởi nghiệp và dễ dàng chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp nhỏ (Hayter, 2016). Hiện nay, mô hình không gian làm việc chung (CWU) đã được một số trường đại học trọng điểm tại Hà Nội quan tâm và triển khai, với tên gọi khác là vườn ươm doanh nghiệp. Với mục đích ươm tạo và kích thích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (KN ĐMST), mô hình CWU đã từng bước thu hút sự quan tâm không chỉ sinh viên, cựu sinh viên, nhân viên trong trường và ngoài trường, mà còn bao gồm cả các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động KN ĐMST.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã tìm hiểu thực trạng, vai trò của mô hình CWU (Bouncken, 2018a), chỉ ra mối quan hệ giữa CWU và khởi nghiệp (Philpott và cộng sự, 2011).

Trong khi đó, tại Việt Nam, KN ĐMST, vườn ươm khởi nghiệp cũng đã được các nhà nghiên cứu quan tâm. Một số nghiên cứu chỉ ra vai trò của giáo dục khởi nghiệp đối với hoạt động khởi tạo doanh nghiệp của sinh viên, vai trò của trường đại học trong khởi nghiệp (các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động vườn ươm khởi nghiệp trong trường đại học. Đối với mô hình vườn ươm khởi nghiệp, tác giả Bùi Trung Hải đã chỉ ra tác động của các nhân tố “mềm” của CWU (bao gồm chương trình đào tạo; môi trường phát triển YTĐM; tinh thần  khởi nghiệp; khả năng kết nối đến ý tưởng khởi nghiệp (Bùi Trung Hải, 2023).

Vì vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố “cứng” và “mềm” trong mô hình CWU đến ý định KN ĐMST là rất cần thiết, nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này để góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế đất nước theo chiều rộng và chiều sâu.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo là thuật ngữ có nguồn gốc từ La tinh là “innovatus” có nghĩa là “thay đổi” hoặc “cải tạo”. Theo định nghĩa của OECD năm 2005, ĐMST là “tập hợp các hoạt động bao gồm các phương pháp tiếp cận khoa học, công nghệ, tổ chức, tài chính và thương mại dẫn đến hoặc được cho là dẫn đến việc sản xuất các sản phẩm mới, quy trình mới hoặc cải tiến về mặt công nghệ” (OECD, 2005). Từ đó, đổi mới bao gồm: sản xuất sản phẩm/dịch vụ (SP/DV) mới; đưa ra phương pháp mới; phát triển thị trường mới; phát triển nguồn cung ứng mới; đổi mới tổ chức.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Khởi nghiệp là việc một cá nhân hay tổ chức đang trong quá trình bắt đầu kinh doanh, hay còn gọi là giai đoạn đầu lập nghiệp. KN ĐMST là khởi nghiệp doanh nghiệp đi kèm phát triển đổi mới sáng tạo, đó là phải có những sản phẩm/dịch vụ hoặc quy trình mới (Audretsch, 2020). Khởi nghiệp không được gọi là KN ĐMST nếu thiếu đi tính mới, vì thế tính rủi ro cũng cao hơn và giá trị thu được từ khởi nghiệp thành công sẽ nhiều hơn.

Không gian làm việc chung tại trường đại học

Không gian làm việc chung (CWS) là “nơi sáng tạo và tràn đầy năng lượng, nơi các công ty nhỏ, người làm việc tự do và công ty mới thành lập, những người đã cảm thấy mệt mỏi với sự cô lập của văn phòng tại nhà và sự phiền nhiễu của các quán cà phê địa phương, có thể tương tác, chia sẻ, xây dựng và cùng nhau sáng tạo.” (Fuzi, 2015).

CWS cung cấp không gian văn phòng cho giao dịch công việc và các địa điểm khác (như quán cà phê) để thuận lợi trong giao tiếp xã hội. Việc chia sẻ văn phòng và không gian xã hội rất quan trọng để chia sẻ tài nguyên và xây dựng cộng đồng giữa những người sử dụng (Capdevila, 2013).

Không gian làm việc chung tại các trường đại học (CWU) ngoài các đặc điểm chung của mô hình không gian làm việc chung, còn là nơi giúp kết hợp không gian làm việc, truyền đạt ý tưởng kinh doanh, tiếp cận cơ sở hạ tầng công nghệ, cung cấp các khóa học giáo dục khởi nghiệp, đào tạo và liên kết với các tổ chức bên ngoài, đặc biệt là với các tổ chức vườn ươm khởi nghiệp và các công ty cung cấp ý tưởng và hướng tới mục tiêu tự tìm kiếm kiến thức và ý tưởng kinh doanh.

CWU là sự kết hợp giữa công việc ảo (được hỗ trợ bởi kỹ thuật số và internet) và sự tương tác trực tiếp giữa người dùng CWU. Người dùng CWU bao gồm sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên, chuyên gia và các doanh nghiệp công nghệ,...

Không gian làm việc chung tại các trường đại học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo một số tác giả, nhờ sử dụng CWU, người dùng có thể phát triển các mối quan hệ xã hội, học hỏi từ những người khác và cùng nhau cải thiện việc hình thành và triển khai tinh thần kinh doanh (Hughes và cộng sự, 2011; Bouncken, 2018a). Các mạng lưới với kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ tiềm năng tạo nên một lực lượng quan trọng cho việc 'ươm mầm' mà các nhóm sáng lập hoặc công ty trẻ mới đạt được từ mạng lưới của mình vì giá trị mà nó tạo ra (Hughes và cộng sự, 2007). Tăng cường tương tác xã hội, tham gia các kết nối mạng lưới, khám phá những điểm mạnh của thành viên khác, chuyển giao kiến thức và thông tin giúp thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của các thành viên (Pittaway, 2007).

Ngoài ra, Philpott cho rằng, các dịch vụ và chi phí dịch vụ cung cấp cơ sở hữu ích để hình thành và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh (Philpott và cộng sự, 2011). Không gian làm việc chung cho phép người dùng linh hoạt hơn trong chọn nhóm, quy trình làm việc, giảm bớt các công việc hành chính, tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm và lập nhóm, hình thành dự án KN ĐMST (Bouncken, 2018a). Cuối cùng, việc thiết kế, bố trí văn phòng không hợp lý cũng dẫn đến sự phân tâm, tham gia nhầm cộng đồng hoặc mạng lưới kết nối (Bouncken, 2018b). Một không gian mở, gần gũi sẽ giúp các thành viên có thể dễ dàng giao tiếp xã hội, kết nối, hỗ trợ cho việc thành lập nhóm, triển khai dự án.

Mô hình nghiên cứu

Mô hình hồi quy Y= β0 + β1X1+ … + βi Xi, trong đó: Y là biến phụ thuộc biểu thị ý định khởi nghiệp ĐMST; Xi là các biến độc lập của mô hình.

Cụ thể biến độc lập: (1) Nhóm biến “cơ sở hạ tầng”- CS: Hạ tầng cơ sở khu vực làm việc; Hạ tầng công nghệ; Hạ tầng khu vực giải trí; Vệ sinh tại khu vực; Thiết bị chuyên dụng - thí nghiệm. (2) Nhóm biến “tính linh hoạt”- LH: Linh hoạt trong quy trình làm việc; Linh hoạt trong hoạt động nhóm. (3) Nhóm biến “dịch vụ” - DV: DV khu vực làm việc; DV khu vực giải trí. (4) Nhóm biến “tương tác” - TT: Kết nối xã hội; Cải thiện việc hình thành và triển khai ý tưởng KD; Trao đổi-học hỏi. (5) Nhóm biến “chi phí” - CP: Chi phí cho khu vực làm việc; Chi phí cho khu vực giải trí; Chi phí tham gia khóa học. (6) Nhóm biến “Hội thảo, đào tạo” - HT: Hội thảo, chuyên đề về KN; Khóa học chuyên sâu về KN; Nội dung đào tạo và hội thảo hữu ích.

3. Phương pháp nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu:

Nghiên cứu nhằm mục đích tìm hiểu tác động của các nhân tố thuộc mô hình CWU đến ý định KN ĐMST của người dùng.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu: Nhân tố của mô hình CWS tại các trường đại học ảnh hưởng đến ý định KN ĐMST của người dùng. Đối tượng điều tra: Người dùng CWU tại một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Phạm vi nghiên cứu: Tại CWS của một số trường đại học ở Hà Nội, năm 2023.

Phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu

Nghiên cứu thu thập các dữ liệu sơ cấp và thứ cấp nhằm làm rõ mục tiêu nghiên cứu. Dữ liệu thứ cấp thu được từ các nghiên cứu, báo cáo liên quan. Dữ liệu sơ cấp thu thập thông qua khảo sát 270 sinh viên là người dùng không gian làm việc chung tại các trường đại học tại Hà Nội, như: Đại học Bách khoa Hà Nội,Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học quốc gia Hà Nội,...

Phương pháp phân tích dữ liệu: Cùng với việc sử dụng thống kê, mô tả, so sánh, nghiên cứu còn sử dụng mô hình hồi quy bội để xác định các nhân tố của mô hình CWU tác động đến ý định KN ĐMST của sinh viên. Nghiên cứu đã kiểm định Cronbach’s alpha để đánh giá độ tin cậy của thang đo và phân tích thang đo bằng phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis) nhằm kiểm định sự hội tụ của các biến thành phần về khái niệm. Cuối cùng phân tích sử dụng phân tích ANOVA một chiều (One - way ANOVA) để xác định xem có sự khác biệt đáng kể giữa các biến định danh ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp ĐMST. Trong đó, theo Nunnally, thang đo có hệ số Cronbach’s alpha từ 0,6 trở lên là có thể sử dụng được trong trường hợp khái niệm đang nghiên cứu mới (Nunnally & Peterson, 1994).

4. Kết quả nghiên cứu

Thông tin về người dùng dịch vụ CWU

Theo số liệu điều tra trình độ phỏng vấn của người sử dụng mô hình chủ yếu là sinh viên năm thứ ba chiếm 66,7%, sinh viên năm thứ hai chiếm 24,3%, sinh viên năm thứ nhất và năm thứ tư trở lên là 4,5% (Hình 1). Về ngành học, số sinh viên ngành Ngôn ngữ và ngành Kinh tế sử dụng mô hình chiếm tỷ trọng khá cao, lần lượt là 45,5% và 42,4% (Hình 2)

Hình 1: Trình độ học vấn của người dùng

không gian làm việc chung

Hình 2: Ngành học của người dùng

không gian làm việc chung

Kênh thông tin tiếp cận dịch vụ CWU

Cách thức mà sinh viên các trường đại học tiếp cận được mô hình này chủ yếu thông qua mạng xã hội, chiếm 46,3%, qua hình thức truyền miệng chiếm 37%, qua kênh khác như báo giấy, đài, tivi,… chiếm 16,7%.

Mục đích sử dụng dịch vụ CWU

Theo số liệu điều tra người dùng sử dụng dịch vụ không gian làm việc chung, mục đích dùng dịch vụ để phục vụ cho việc học tập chiếm 38,5%, làm việc nhóm chiếm 31,9%, tham gia các sự kiện và hội thảo chiếm 18,5%, làm dự án cá nhân chiếm 10,4%, nội dung khác chiếm 0,7%.

Các nhân tố của mô hình CWU tác động đến ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Đánh giá độ tin cậy của thang đo

Phân tích độ tin cậy của thang đo thông qua kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy, tất cả các nhóm biến đều lớn hơn 0,6 nên khẳng định các biến có tương quan với ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Bảng 1).

Bảng 1. Cronbach’s Alpha của các thang đo

không gian làm việc chung

Nguồn: Khảo sát của tác giả

Phân tích nhân tố khám phá

Hệ số KMO = 0,800, do đó phân tích nhân tố khám phá là thích hợp với dữ liệu nghiên cứu. Kiểm định Bartlett có mức ý nghĩa Sig. = 0,000 (nhỏ hơn 0,05), cho thấy các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện.

Kết quả nghiên cứu từ bảng theo tiêu chuẩn eigenvalue cho thấy có 5 nhân tố có eigenvalue lớn hơn 1 nên chỉ có 5 nhóm nhân tố được rút trích ra và các nhân tố này giải thích 64,439% sự biến thiên của dữ liệu (Bảng 2).

Bảng 2. Tổng phương sai trích của tất cả các biến độc lập

không gian làm việc chung

Nguồn: Khảo sát của tác giả

Phân tích nhân tố trên tổng số mẫu hợp lệ là 270 (Bảng 3) với phương pháp rút trích các thành phần chính và phép quay Varimax, kết quả từ các nhân tố ban đầu sau khi chạy EFA và trong mỗi nhân tố các thành phần đều có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0,5 và khác biệt hệ số tải nhân tố của 1 biến quan sát giữa các nhân tố lớn hơn 0,3.

Bảng 3. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA các biến độc lập

không gian làm việc chung

Nguồn: Khảo sát của tác giả

Từ kết quả phân tích nhân tố trên cho thấy, có 5 nhân tố độc lập được rút trích ra từ 14 biến quan sát.

Kết quả kiểm định giả thuyết về độ phù hợp tổng quát của mô hình có mức ý nghĩa quan sát Sig = 0,047 < 0,05, nên hoàn toàn có thể bác bỏ giả thuyết H0 là hệ số hồi quy của các biến độc lập bằng không. Kiểm định Wald về ý nghĩa của các hệ số hồi quy tổng thể đều có mức ý nghĩa Sig nhỏ hơn 0,1 nên ta hoàn toàn có thể bác bỏ giả thuyết H0 rằng các hệ số hồi quy bằng 0.

Phân tích hồi quy  

Phân tích hồi quy cho ta phương trình hồi quy tuyến tính được trích theo hệ số Beta chuẩn hóa có dạng như sau:

YĐKN = 4,367+0,361*CS + 0,278*TT + 0,333*DV + 0,006*LH + 0,035*CP

Kết quả phân tích hồi quy cho thấy 5 nhóm yếu tố có tác động thuận chiều đến ý định khởi nghiệp ĐMST của người dùng CWU, đó là: (1) cơ sở hạ tầng-công nghệ; (2) dịch vụ và hội thảo khởi nghiệp; (3) trao đổi, học hỏi và nội dung hội thảo; (4) chi phí; (5) tính linh hoạt.

5. Kết luận và một số hàm ý quản trị

Kết quả phân tích chỉ ra mức độ tác động khác nhau của các nhân tố. Mỗi nhân tố tác động trực tiếp đến ý định KN ĐMST theo thứ tự mạnh nhất, đó là nhân tố “hạ tầng cơ sở - công nghệ” với beta chuẩn hóa là 0,361; thứ hai là nhân tố “dịch vụ cung cấp, hội thảo khởi nghiệp tổ chức thường xuyên” với beta chuẩn hóa là 0,333; thứ ba là nhân tố “trao đổi, học hỏi và nội dung hội thảo hữu ích” với beta chuẩn hóa là 0,278; nhóm các nhân tố còn lại có tác động thấp đến ý định KN ĐMST là “chi phí” và “linh hoạt” với beta chuẩn hóa lần lượt là 0,035 và 0,006.  

Từ kết quả nghiên cứu, một số đề xuất nhằm thúc đẩy ý định KN ĐMST của người dùng mô hình CWU. Trước tiên, CWU cần được trang bị đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất tốt nhất để hỗ trợ và phục vụ nhu cầu cần thiết của người dùng. Việc thiết kế, bố trí văn phòng và khu vực giải trí sao cho tiện lợi, sáng tạo và thông minh nhất để tăng khả năng linh hoạt, kết nối của người dùng khi sử dụng mô hình.

Đối với hoạt động trao đổi, học hỏi và tổ chức các chương trình đào tạo khởi nghiệp, các trường đại học cần tạo điều kiện và giúp đỡ người dùng (chủ yếu là sinh viên) khi sử dụng mô hình có thể tiếp cận các chuyên gia giúp học hỏi, trao đổi và tiếp thu kiến thức, kỹ năng. Cần tăng cường các chương trình, sự kiện và hội thảo có liên quan tới khởi nghiệp để kịp thời hỗ trợ sinh viên giải đáp các thắc mắc, định hướng hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp. Xây dựng văn hóa kết nối thông qua các sự kiện nhằm tạo cơ hội cho các thành viên có thể làm quen, tìm hiểu, kết nối, trao đổi với nhau.

Về phía các trường đại học, những vấn đề liên quan đến KN ĐMST cần được khuyến khích, tôn trọng sự khác biệt và ủng hộ các ý tưởng mới cần được thể hiện thống nhất, liên tục và xuyên suốt qua mọi môn học ở trường đại học; Xây dựng môi trường thân thiện với các hoạt động ĐMST, tăng cường năng lực nghiên cứu hướng tới thương mại hóa sản phẩm, xây dựng trường đại học khởi nghiệp, khuyến khích sinh viên trong các lĩnh vực khác nhau cùng thành lập nhóm khởi nghiệp để các dự án khởi nghiệp không chỉ mang tính đột phá mà còn có tính khả thi, không chỉ đổi mới sáng tạo, mà còn gắn các sản phẩm/giải pháp thiết thực với thị trường.

Ngoài ra, các trường đại học cần xây dựng một mạng lưới liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để có thể tìm các nguồn hỗ trợ, đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, đồng thời cũng là đối tác chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ từ “ươm tạo” vào thực tế, có cơ chế hỗ trợ những ý tưởng khởi nghiệp khả thi, hỗ trợ sinh viên và giảng viên thương mại hóa các ý tưởng khởi nghiệp, có tiềm năng ứng dụng cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Audretsch, D., Colombelli, A., Grilli, L., Minola, T., & Rasmussen, E. (2020). Innovative start-ups and policy initiatives. Research Policy, 49(10), 104027.
  2. Bouncken, R. B. (2018a). University coworking-spaces: Mechanisms, examples, and suggestions for entrepreneurial universities. International Journal of Technology Management,77(1-3), 38-56.
  3. Bouncken, R. B., & Reuschl, A. J. (2018b). Coworking-spaces: how a phenomenon of the sharing economy builds a novel trend for the workplace and for entrepreneurship. Review of managerial science12, 317-334.
  4. Bùi Trung Hải và cộng sự (2023). Một số giải pháp thúc đẩy tác động của vườn ươm trong các trường đại học đến phát triển ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Tạp chí Công Thương. ISSN 0866 - 7756. Số 1.
  5. Capdevila, I. (2013). Typologies of localized spaces of collaborative innovation. Available at: SSRN 2414402, pp.1-28
  6. Fuzi, A. (2015). Co-working spaces for promoting entrepreneurship in sparse regions: The case of South Wales. Regional Studies, Regional Science, 2(1), 462- https://doi.org/10.1080/21681376.2015.1072053.
  7. Hayter, C.S. (2016). Constraining entrepreneurial development: A knowledge-based view of social networks among academic entrepreneurs. Research Policy, 45(2), 475-490
  8. Hughes M, Ireland RD, Morgan RE (2007) Stimulating dynamic value: social capital and business incubation as a pathway to competitive success. Long Range Plan 40:154- doi:10.1016/j.lrp. 2007.03.008
  9. Moriset, B. (2014). Building New Places of the Creative Economy. The Rise of Coworking Spaces. Available at: https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-00914075
  10. OECD (2005). La mesure des activités scientifiques et technologique. Principes directeurs pour le recueil l’interprétation des données sur l’Innovation. Manuel d’Oslo, 3émè édition. Paris.
  11. Philpott, K., Dooley, L., O’Reilly, C. and Lupton, G. (2011). The entrepreneurial university: examining the underlying academic tensions. Technovation. 31(4), 161-170.
  12. Pittaway, L. and Cope, J. (2007). Entrepreneurship education: a systematic review of the evidence. International Small Business Journal, 25(5), 479-510
  13. Richter, C., Kraus, S. and Syrjä, P. (2015). The shareconomy as a precursor for digital entrepreneurship business models. International Journal of Entrepreneurship and Small Business, 25(1), 18-35.

A STUDY ON THE CO-WORKING SPACE MODEL AT UNIVERSITIES’ INFLUENCE ON THE INTENTION OF STUDENTS TO START INNOVATIVE BUSINESSES

Ph.D Nguyen Thi Thu Hien

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

Innovative start-ups play an important role in promoting economic growth and improving competitiveness to ensure the sustainable development of each country. The co-working space model at universities (CWU) creates a favorable ecosystem to incubate, nurture, and develop innovative start-ups of students. This study uses a multivariable regression model to identify the factors in the CWU model and explore their influence on the intention to start innovative businesses. This study is to stimulate the entrepreneurial spirit of students. The study finds that there are five groups of influencing factors in the CWU model. These groups of factors are: (1) infrastructure-technology; (2) startup services and seminars; (3) exchanging, learning, and workshop content; (4) costs; and (5) flexibility. In which, the first and the second groups have the most impact on students' intention to start innovative businesses.

Keywords: coworking space, innovative start-ups, universities in Hanoi.

Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13 tháng 5 năm 2023

Tạp chí Công Thương