Người dân có thể giám sát được ngân sách nhà nước?

Làm gì để tăng cường hiệu quả công khai, minh bạch ngân sách, tăng cường sự giám sát của cộng đồng để đảm bảo hiệu quả ngân sách cũng như siết chặt kỷ luật kỷ cương ngân sách?

Luật NSNN năm 2015 đã bổ sung thêm nhiều quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn về công khai ngân sách theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng công khai; công khai gắn với minh bạch và trách nhiệm giải trình, phù hợp thông lệ quốc tế.

Nội dung công khai chi tiết hơn giúp cho người dân có thể theo dõi giám sát toàn bộ quy trình ngân sách từ khâu xây dựng chính sách chế độ, trình dự toán ngân sách, thực hiện, quyết toán ngân sách, cũng kiểm toán và việc thực hiện các khiến nghị của kiểm toán. Công khai từ khâu xây dựng ban hành cơ chế chính sách thu, chi ngân sách tạo điều kiện cho người dân tham gia góp ý kiến; qua đó, giúp cho các cơ quan xây dựng chính sách tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

Từ năm 2018 dự toán NSNN khi trình Quốc hội, HĐND các cấp (đề xuất dự toán) được công khai để cho mọi tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào quá trình xây dựng NSNN. Việc công khai tình hình thực hiện NSNN trong năm (quý, 6 tháng, năm) cũng giúp cho việc theo dõi, giám sát toàn bộ quy trình ngân sách. Hình thức công khai được quy định cụ thể, rõ ràng, trong đó yêu cầu bắt buộc phải công khai trên Trang hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh và Sở Tài chính để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin. Đối với các đợn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các đơn vị được NSNN hỗ trợ: Lựa chọn 1 hoặc 1 số hình thức công khai theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 của Luật NSNN, gồm: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở, phát hành ấn phẩm, đưa lên trang điện tử, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về tăng cường giám sát ngân sách của cộng đồng: Cùng với việc tăng cường công khai NSNN, Luật NSNN năm 2015 bổ sung quy định NSNN được giám sát bởi cộng đồng và giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các thành viên của Mặt trận tổ chức việc giám sát NSNN. Quy định mới này đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân góp ý, kiểm tra, giám sát quá trình quản lý và sử dụng NSNN; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính.

Luật Ngân sách năm 2015 đã phân cấp mạnh mẽ quyền hạn trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương; đi cùng với tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình... Do vậy, kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách phụ thuộc vào việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của các bộ, ngành, địa phương. Ở khâu dự toán, các bộ, ngành, địa phương lập dự toán chi trên cơ sở nhiệm vụ được giao, hệ thống định mức phẩn bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Trên cơ sở dự toán được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phân bổ ngân sách đến từng đơn vị sử dụng ngân sách, các chương trình, nhiệm vụ lớn và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, điều hành dự toán ngân sách. Cơ quan tài chính cùng cấp chỉ đóng vai trò hậu kiểm và chỉ có ý kiến khi việc phân bổ không đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chế độ, chính sách... Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn cũng quy định cụ thể các điều kiện chi; các hành vi bị cấm...; vấn đề công khai, minh bạch từ khâu phân bổ, thực hiện; vấn đề thanh tra, kiểm toán...vừa tạo thuận tiện; nhưng đồng thời cũng tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách của các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, ở đây không chỉ là tuân thủ pháp luật về quản lý ngân sách, mà còn phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản..., bởi thực tế cho thấy những vi phạm trong các lĩnh vực này thường gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN.

Hoàng Trung