Người gốc Việt chỉ được cấp giấy chứng nhận căn cước, không được cấp thẻ căn cước

Tại chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận về nội dung quản lý người gốc Việt Nam trong dự thảo Luật Căn cước.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và phải được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, do họ không có giấy tờ, chưa xác định được quốc tịch Việt Nam, không có hộ chiếu, không căn cước nên thực tiễn rất khó khăn trong việc quản lý.

Do vậy, các đại biểu tán thành, dự thảo Luật Căn cước quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, không cấp thẻ căn cước như đối với công dân Việt Nam là hoàn toàn phù hợp. Quy định này thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước ta và là cơ sở để người gốc Việt Nam có điều kiện để thực hiện trách nhiệm với xã hội, với địa phương nơi đang sinh sống.

Giấy chứng nhận căn cước
Mẹ con Pơloong Xoop, một trong những trường hợp người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của tỉnh Quảng Nam đã được nhập quốc tịch Việt Nam

Góp ý về quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ (Hà Nội) bày tỏ nhất trí với việc cần cấp giấy tờ tùy thân, xác định căn cước cho những trường hợp trên để phục vụ quản lý xã hội đầy đủ, toàn diện.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đề nghị xem xét mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nhằm có cơ chế quản lý hiệu quả đối với nhóm đối tượng này. Qua đó, tạo điều kiện để họ có thể tham gia các giao dịch dân sự, các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu, bảo đảm cuộc sống.

Bộ Công an cho biết, Luật Quốc tịch Việt Nam không có khái niệm về “người chưa xác định được quốc tịch”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nước ta có 31.117 người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch.

Trong số này, 775 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch, tập trung tại Gia Lai, Bạc Liêu, Vĩnh Long…; 10.650 trường hợp người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai…

Ngoài ra, còn có 16.161 trường hợp không có giấy tờ tùy thân tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương…

Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt

Những người Việt trở về từ Biển Hồ (Campuchia) không giấy tờ tùy thân, không nhà cửa, tài sản... sống lênh đênh trên ghe nhiều năm nay

Người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là nhóm người yếu thế, không có khai sinh, khai tử, không được quản lý nên họ rất khó khăn trong sinh hoạt, học tập, ít cơ hội làm việc. 

Nếu nội dung cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được thông qua, nhóm đối tượng này sẽ không còn đứng bên lề xã hội, sớm ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội cũng như được hưởng chế độ an sinh cần thiết, phù hợp.

Ngọc Châm