Người trả lại màu xanh cho đất

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các loại cây trồng, trong đó có cây sắn đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và vươn lêm làm giàu của nô
Để giảm thiểu và khắc phục những tồn tại trên, Thạc sĩ Hồ Xuân Hiếu, Tổng giám đốc công ty TNHH MTV thương mại Quảng Trị, kiêm Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã nghiên cứu và ứng dụng thành công đề tài “Sản xuất phân vi sinh giá rẻ cho cây sắn tại vùng miền núi huyện Hướng Hóa, Quảng Trị” nhằm sản xuất phân vi sinh tại chỗ giá rẻ, giúp nông dân áp dụng kỹ thuật thâm canh sắn bền vững để tăng năng suất, chất lượng cây trồng và ổn định vùng nguyên liệu cho nhà máy.

Xây dựng các quy trình sản xuất

Từ trước tới nay, rác thải rắn tại nhà máy sắn thường được đào hố chôn lấp, phơi khô rồi đốt hoặc chở đi đổ ở bãi rác công cộng. Lượng axít xyanua có trong rác thải này rất độc hại làm ảnh hưởng lớn đến động, thực vật trong vùng chúng tồn lưu. Chính vì xử lý không triệt để nên lượng rác thải này đã gây ô nhiễm lớn đến môi trường và tốn nhiều chi phí để khắc phục. Giải pháp của anh Hồ Xuân Hiếu là xây dựng quy trình sản xuất phân vi sinh đa vi lượng từ chất thải của nhà máy sắn vừa khắc phục ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra giá trị kinh tế từ nguồn rác thải. Giải pháp này do anh sáng tạo mới hoàn toàn, anh đã tìm ra quy trình khử các chất độc hại trong rác thải và phụ phẩm cũng như xây dựng quy trình ủ phân hủy rác thải để tạo thành mùn hữu cơ; thiết kế công nghệ, thiết bị cho dây chuyền sản xuất phân phù hợp với nguyên liệu; xây dựng chiến lược phát triển bền vững giữa nhà máy và nông dân thông qua việc sử dụng phân bón. 

Anh Hiếu cho biết: Phân vi sinh đa lượng này được sản xuất với giá thành rất rẻ do thành phần chính của nó là rác thải nhà máy sắn (chiếm hơn 60%), các loại phụ phẩm như phân bò giá không đáng kể; xưởng sản xuất đặt trong nhà máy sắn nên tận dụng được nhiều cơ sở vật chất mà không tốn khấu hao; chi phí vận chuyển phân đi bán cũng không tính do tận dụng xe vào rẫy thu mua sắn. Phân bón được bán nợ cho nông dân và được trả lúc thu hoạch bằng sản phẩm sắn. Nhà máy cam kết nếu bón phân mà không tăng năng suất thì nhà máy không lấy tiền. Đây là cơ hội thuận lợi để mọi người dân, nhất là đồng bào nghèo đều mua được phân bón giá rẻ đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng.

Quy trình sản xuất phân bón vi sinh bắt đầu từ việc khử a xít xyanua có trong rác thải. Qua nhiều lần nghiên cứu, anh Hiếu phát hiện a xít xyanua tan trong nước hoặc bay hơi ở nhiệt độ khoảng 400C nên anh đã chọn giải pháp dùng nhiệt để khử chúng. Rác thải sau khi phơi a xít xyanua loại bỏ gần như hoàn toàn được đưa vào ủ phân hủy và ủ chín. Chất xúc tác dùng để ủ là men vi sinh và một số vi lượng rỉ đường, đạm, kaly. Thời gian ủ lần 1 kéo dài từ 90- 100 ngày với 9-10 lần đảo.

Sau khi phơi ủ xong thì được đưa vào máy xay để nghiền thô rồi tiến hành ủ chín trong nhà có mái che 15 ngày. Sau khi ủ chín được 3/4 thời gian, lấy mẫu phân tích để biết được các thông số kỹ thuật cần thiết như pH, hàm lượng hữu cơ, mật độ vi sinh vật, hàm lượng đa lượng ... Cuối thời gian ủ chín toàn bộ phôi được phủ kín nấm trắng, phôi xốp nhẹ, ẩm độ giảm xuống chỉ còn 30-35%. Sau khi ủ chín xong đánh tơi phôi.

Phân bò được phơi khô, đánh tơi, ẩm độ khoảng 20%, sau đó dùng men vi sinh ủ kín 20 ngày để tạo nhiệt khử mầm cỏ và tơi mịn hơn, chứa nhiều vi sinh có lợi cho đất. Rác thải, phân bò sau khi ủ cùng với than bùn đánh tơi đưa vào máy trộn 2 trục theo tỷ lệ 60:30:10 trộn đều. Sau khi trộn xong hỗn hợp trên được xay mịn lần 2. Từ đây hỗn hợp sẽ được phối trộn đạm, lân, kaly theo tỷ lệ 2-4-2 hoặc 2,5-2-1,2 để tạo ra 2 loại phân bón vi sinh phù hợp với cây trồng. Sản phẩm sau khi phối trộn xong có thể đóng gói ở dạng rời hoặc vo viên tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Máy nghiền thô và nghiền tinh cũng do anh Hiếu thiết kế. Trong rác thải có chứa nhiều đất, cát nên búa nghiền phải dùng hợp chất chịu mài mòn cao. Các chi tiết khác có tiếp xúc với nguyên liệu phải làm bằng vật liệu chống axit và các loại hóa chất khác. Công suất máy nghiền được chọn là 22 KW. Nguyên liệu trước nghiền phải nhỏ để tránh tắc lưới.

Hiệu quả và tính bền vững của giải pháp

Hơn 4.200 ha sắn ở Hướng Hóa từ trước tới nay hầu như trồng mà chưa sử dụng phân bón, sau 6 năm trồng thì năng suất giảm hơn 50%, chỉ còn khoảng 15 tấn/ha; hàm lượng tinh bột bình quân giảm khoảng 3% (từ 28% giảm còn 25%). Năm 2010, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đưa vào bón khảo nghiệm trên hai địa hình đất dốc và bằng phẳng đã canh tác sắn trên 5 năm tại bản Lia, xã A Túc và bản Tăng Quan, xã A Xing với giống sắn KM94. Kết quả khảo nghiệm cho thấy so với đối chứng trên cùng chân đất, mô hình bón phân có năng suất cao hơn 8-10 tấn/ ha, hàm lượng tinh bột cao hơn từ 3-3,5% (tương đương khoảng 3- 3,5 tấn bột/ha), thu nhập tăng thêm khi bón phân 9- 12 triệu đồng/ha (giá sắn khoảng 1.200 đồng/kg). Ngay cả khi giá sắn giảm xuống 580 đồng/kg thì thu nhập tăng thêm khi bón phân cũng đạt 2 triệu đồng/ha.

Tính trong 1 năm, hiệu quả giải pháp mang lại về kinh tế giảm được 300 triệu đồng tiết kiệm chi phí thuê xe vận chuyển và chôn lấp 3.000 tấn rác thải, lãi được 300 triệu đồng từ lợi nhuận bán 3.000 tấn phân vi sinh, tăng 24.000 tấn sắn do bón phân cho khoảng 3.000 ha, nông dân còn được thu nhập tăng thêm nhờ bán 500 tấn phân gia súc cho xưởng sản xuất phân vi sinh. Về ý nghĩa xã hội, hơn 3.000 ha đất bạc màu được bón phân đã tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 6.000 hộ đồng bào; tạo việc làm cho hơn 50 lao động trực tiếp tại xưởng phân bón.

Với cơ chế điều hành linh hoạt của nhà máy, mọi người dân nghèo đều được mua phân bón để thâm canh tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm phá rừng làm nương rẫy, góp phần bảo vệ rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Về phía nhà máy, vùng nguyên liệu được bình ổn, tăng năng suất sản xuất tinh bột sắn chất lượng cao, tăng doanh thu, lợi nhuận, góp phần tăng thêm thu nhập cho công nhân… Về môi trường, giảm được tình trạng đốt rừng làm rẫy, bảo vệ rừng đầu nguồn; việc tận thu nguồn phế thải cho nhà máy và lượng phụ phẩm của nông dân đã làm giảm đáng kể ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra, môi trường nhà máy xanh, sạch, đẹp, mùi hôi giảm 90% nhờ đã xử lý được rác thải.

Anh Hồ Xuân Hiếu cho biết thêm: Thực hiện đề tài này góp phần vào sự phát triển công nghệ sản xuất phân vi sinh từ nguồn rác thải của các nhà máy chế biến nông sản, tạo khả năng ứng dụng, kết nối các loại phụ phẩm sẵn có ở địa phương để làm phân bón, tạo các vòng tròn khép kín trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, tạo mối liên hệ bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua việc sử dụng phân bón giá rẻ.

Đến nay, thị trường phân vi sinh đa vi lượng này đang được mở rộng ra cả tỉnh, cả nước và không chỉ dùng để bón cho cây sắn mà cho cả các loại cây trồng khác bởi ngoài giá trị tạo dinh dưỡng cho đất, loại phân bón này còn góp phần bảo vệ cây trồng khỏi sự tấn công của một số loài sâu bệnh. Đề tài của anh Hồ Xuân Hiếu đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận và cấp giấy phép số 42/2011, ngày 6/6/2011 với nội dung được sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Sự thành công của đề tài đã được nhiều tổ chức ghi nhận và đánh giá cao vì sáng kiến này đã đưa lại kết quả cao trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt khả năng nhân rộng của nó.

Đề tài này được Quỹ phát triển khoa học của tỉnh cho vay lãi suất thấp 500 triệu đồng để thực hiện giải pháp; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và đại sứ nhiều nước đã đến thăm mô hình và viện trợ không hoàn lại 1,1 tỷ đồng để thực hiện giải pháp. Trung tâm phát triển doanh nghiệp Tia Sáng viện trợ không hoàn lại 570 triệu đồng. Đề tài đã đạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh năm 2011 và đạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (Vifotec) lần thứ 11 (đây là lần thứ hai anh Hiếu đạt giải Vifotec). Là một trong hai đề tài của Việt Nam được chọn báo cáo điển hình cho khối ASEAN tại Philippin năm 2011 trong lĩnh vực xử lý môi trường và giúp dân giảm nghèo, đã được Viện Quản lý châu Á đánh giá cao.

Với tinh thần lao động không mệt mỏi, tư duy sáng tạo, anh Hồ Xuân Hiếu đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhiều bằng khen của Bộ Công thương, UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động, các giải trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và trung ương, các danh hiệu “Công dân lao động tiêu biểu” “Doanh nhân ưu tú”…