Nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam

Ưu tiên dùng hàng Việt Nam chính là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước sắp xếp, đổi mới, phát triển và cạnh tranh lành mạnh.

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn, thu hút sự quan tâm của mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức, cơ quan; có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước.

Ưu tiên dùng hàng Việt Nam còn là nét văn hóa tương thân, tương ái từ ngàn xưa đã được cha ông ta dày công vun đắp, trao truyền qua từng thế hệ. Bởi lẽ, ưu tiên dùng hàng Việt Nam chính là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước sắp xếp, đổi mới, phát triển và cạnh tranh lành mạnh, là bảo đảm việc làm cho người Việt Nam, là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn, hạn chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Đó là sự chuyển mạnh mẽ trong lòng người tiêu dùng. Đã xuất hiện xu hướng tiêu dùng một cách “ý thức” hơn, đã có sự so sánh về mẫu mã, chất lượng, công dụng, và giá cả với mỗi loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, chứ không còn tâm lý mặc định “hàng nhập khâu bao giờ cũng tốt hơn hàng sản xuất trong nước”.

Việc tiêu dùng một cách có “ý thức” (thông qua sự so sánh, lựa chọn), cùng với lòng tự hào dân tộc khiến đại bộ phận người tiêu dùng đã đặt niềm tin vào chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh, có sức cạnh tranh như các sản phẩm sữa, dệt may, da giày, dầu thực vật, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, đồ nội thất, thực phẩm, rau quả, đồ chơi, dụng cụ học tập dành cho trẻ em, văn phòng phẩm…

Dòng chảy mới, xung lực mới

Niềm tin có cơ sở vững chắc đã tạo ra dòng chảy mới, đầy xung lực trên thị trường hiện nay là người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...

a

 

Các doanh nghiệp Việt đã nhận thức được tầm quan trọng sống còn về nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất, kinh doanh, bảo vệ thương hiệu và cách tiếp cận thị trường bài bản hơn, nên tỷ lệ hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao. Hiện tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Hapro (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)...Theo báo cáo nhanh tháng 10 năm 2018 của các doanh nghiệp phân phối, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%, cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), Auchan (65% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng )... Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa đã xấp xỉ 140 tỷ USD, tương đương trên 58 %GDP (140/240 tỷ USD). Đây là một trong những chỉ dấu cho thấy hiệu quả của Cuộc vận động sau 10 năm triển khai.

Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Kết quả từ Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô như: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay, hàng năm đều có mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm kế trước; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống trên dưới 5% trong 5 năm gần đây.. Đồng thời, Cuộc vận động cũng góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu: Năm 2010, nhập siêu là 12,3 tỷ USD (so với dự báo là 13,5 tỷ), bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%; năm 2011, tỷ lệ này là 9,89% thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%. Đặc biệt, từ năm 2012, cán cân thương mại đã đạt trạng thái xuất siêu.

Vũ Lân