Nhu cầu lẫn giá thép hồi phục tích cực - Ngành thép bước vào chu kỳ tăng trưởng mới

Tiêu thụ thép trong nước năm nay dự báo tăng 8%, cùng với đó là giá thép dự kiến tăng từ 6-7%, qua đó, mở ra chu kỳ tăng trưởng mới đối với ngành thép bắt đầu từ năm nay.

Nhu cầu thép hồi phục tích cực

Ngành thép
Năm 2024 được xem là khởi đầu chu kỳ tăng trưởng mới của ngành thép khi nhu cầu lẫn giá thép đang phục hồi tích cực.

Theo dự báo mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép tại thị trường trong nước năm nay dự kiến sẽ tăng 6,4% so với năm 2023, đạt 21,6 triệu tấn. Trong đó, tăng trưởng tiêu thụ thép xây dựng có thể lên tới 8%.

Thép xây dựng dự kiến trở thành điểm sáng hồi phục của ngành thép trong bối cảnh 2 ngành chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu sử dụng là xây dựng dân dụng (chiếm 66% nhu cầu thép xây dựng) và đầu tư công (chiếm 14%) đang ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực kể từ cuối năm 2023. Sản lượng tiêu thụ trong 2 tháng cuối năm đã tăng 30% so với trung bình các tháng trước đó.

Cụ thể, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu qua đáy và hồi phục, đặc biệt là tại phân khúc căn hộ khi các dự án mở bán trong quý 4/2023 như Privia, Akari, Glory Heights… đều đạt tỷ lệ hấp thụ cao trên 65%. Tâm lý của các chủ đầu tư đã lạc quan hơn nhờ thanh khoản thị trường hồi phục trở lại và áp lực tài chính hạ nhiệt trong bối cảnh lãi suất thấp.

Nhu cầu tiêu thụ thép
Dự báo nhu cầu tiêu thụ thép nội địa và thép xây dựng (triệu tấn) trong năm 2024. (Nguồn: VSA, MBS Research)

Hơn nữa các Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi)… vừa được thông qua mới đây đã góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các vướng mắc trong quá trình định giá đất, đền bù và giải phóng mặt bằng. Qua đó, giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, mang lại nguồn cung cho thị trường.

Theo dự báo của MBS Research, trong năm nay, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh dự kiến sẽ lần lượt tăng 30% và 20% so với năm 2023 nhờ tâm lý lạc quan của các chủ đầu tư và giá chung cư chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguồn cung tăng trưởng sẽ tác động tích cực đến nhu cầu thép xây dựng khi ngành bất động sản chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu thép tại Việt Nam.

Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công năm nay theo kế hoạch của Chính phủ sẽ tăng 12% so với năm 2023, đạt khoảng 638.000 tỷ đồng. Chính phủ hiện đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế. Những dự án chủ lực như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành,... được kì vọng sẽ hoàn thành trước thời hạn trong giai đoạn 2025 – 2028. Tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng vốn chiếm 14% tổng nhu cầu thép, được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào sự phục hồi của ngành thép.

Nhu cầu thép HRC
Tiêu thụ thép HRC (triệu tấn) đã tăng mạnh trong năm 2023 khi EU đẩy mạnh nhập khẩu. (Nguồn: VSA, MBS Research)

Đối với mảng thép cuộn cán nóng (HRC), sản lượng bán hàng HRC toàn ngành trong năm 2023 đã tăng 12% so với năm 2022, nhờ sản lượng xuất khẩu tăng trưởng đột biến gần 2 lần trong bối cảnh EU và Mỹ thiếu hụt nguồn cung.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Châu Âu (Eurofer) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thép tại EU đã giảm 5,2% trong năm 2023 nhưng hoạt động nhập khẩu HRC từ Việt Nam vẫn sôi động do tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ các đối tác truyền thống như Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Sang năm 2024, nhu cầu tiêu thụ thép tại EU kì vọng tăng trưởng 7,6% so với năm 2023, đạt 142 triệu tấn nhờ các ngành có tỷ trọng tiêu thụ thép cao như xây dựng (35%) và sản xuất ô tô (18%) phục hồi khi các chính sách tiền tệ thắt chặt đi vào pha kết thúc.

Xem thêm: "Thị trường nội địa khởi sắc, lãi ròng của Thép Nam Kim (NKG) có thể tăng 123%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá thép xây dựng trong nước dự kiến tăng 6%

Dự báo giá thép
Dự báo giá thép xây dựng trong nước thời gian tới (nghìn đồng/kg). (Nguồn: VSA, MBS Research)

MBS Research hiện nhận định giá thép trong nước đã tạo đáy xong trong quý 3/2023 và hồi phục dần kể từ cuối năm 2023. Trong năm nay, giá thép xây dựng dự báo sẽ tăng 6%, đạt trung bình 15 triệu đồng/tấn.

Đáng chú ý, chênh lệch giá thép Việt Nam với giá thép Trung Quốc hiện chỉ còn ở mức 30 USD/tấn, thấp hơn mức trung bình 50 USD/tấn của 2 năm qua. Điều này sẽ giúp các sản phẩm thép tại Việt Nam không chịu áp lực cạnh tranh về giá từ thép Trung Quốc.

Trong trung hạn, khi thị trường bất động sản bước vào chu kỳ hồi phục trong năm 2025, giá thép xây dựng dự kiến tiếp tục tăng thêm 8%, đạt mức trung bình 16,4 triệu đồng/tấn.

Đối với thép HRC, nhu cầu tiêu thụ nội địa hồi phục và xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ tác động tích cực đến giá HRC trong giai đoạn 2024 - 2025. Theo dự báo của MBS Research, giá thép HRC sẽ đạt 660 USD/tấn trong năm 2024, tương đương tăng 7% so với năm 2023; và tiếp tục tăng 8%, lên mức 710 USD/tấn vào năm 2025.

Trong khi đó, giá nguyên vật liệu đầu vào chính của ngành thép như quặng sắt và than cốc dự kiến sẽ “hạ nhiệt” kể từ đầu quý 2/2024 sau khi tăng vọt trong những tháng cuối năm 2023. Hiện các tổ chức tài chính lớn đều dự báo nguồn cung quặng sắt và than cốc trên toàn cầu sẽ duy trì ổn định trong thời gian tới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thép cải thiện biên lợi nhuận gộp sau giai đoạn 2022 - 2023 đầy khó khăn.

Duy Quang