Những lưu ý quan trọng khi dùng lá đinh lăng để chữa bệnh

Theo Đông y, lá đinh lăng có tác dụng chữa được nhiều bệnh, tuy nhiên, bác sỹ cũng khuyến cáo người bệnh không nên tự ý uống lá đinh lăng khi chưa tham khảo qua ý kiến của bác sĩ. Bởi vì ngoài các tác dụng có lợi, lá đinh lăng cũng tiềm ẩn một số nguy cơ gây độc và nhiều đối tượng nên kiêng dùng dược liệu này.

Lá đinh lăng có tác dụng gì

Theo y học cổ truyền, lá đinh lăng có tính mát, vị ngọt hơi đắng nhẹ. Thành phần của lá đinh lăng rất phong phú, gồm các loại vitamin, axit amin, alcaloid, glycosid, tinh dầu,… và đặc biệt chứa nhiều loại saponin, trong đó có loại hoạt tính tương tự như nhân sâm.

Nhờ vậy, lá đinh lăng phát huy rất tốt hiệu quả trong việc nâng cao sức đề kháng, tăng cường độ dẻo dai cho cơ thể, giúp ngủ ngon, cải thiện tình trạng đau nhức, suy nhược, mệt mỏi và ăn uống kém lâu ngày.

lá đinh lăng
Lá cây đinh lăng có hiệu quả tốt trong việc nâng cao sức đề kháng, tăng cường độ dẻo dai cho cơ thể,

Ngoài ra, một số tác dụng của từng bộ phận cây đinh lăng phải kể đến như:

Rễ và thân đinh lăng: Thúc đẩy tuần hoàn, cải thiện sự lưu thông khí huyết trong cơ thể

Lá đinh lăng: Giải độc, chống dị ứng, chống viêm, lợi sữa, trị ho ra máu và kiết lị, hỗ trợ kiểm soát đường huyết hiệu quả. Chữa được bệnh tiểu đường nếu uống lá đinh lăng với liều lượng là 50 - 100g mỗi ngày.

lá định lăng
Rễ và thân đinh lăng: Thúc đẩy tuần hoàn, cải thiện sự lưu thông khí huyết trong cơ thể

Một số kiêng kỵ khi dùng lá đinh lăng

Sử dụng đinh lăng liều cao hoặc quá thường xuyên sẽ làm tăng lượng saponin đi vào cơ thể, gây ra độc tính ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tim.

Người có sức khỏe bình thường không nên dùng nước lá đinh lăng uống thay nước trà hoặc nước lọc.

Sức khỏe cơ thể của trẻ em chưa hoàn thiện về mọi mặt, do đó không cho trẻ uống nước lá đinh lăng để tránh nguy cơ xảy ra các vấn đề về tim mạch.

Chống chỉ định việc uống nước lá đinh lăng cho phụ nữ có thai trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.

lá đinh lăng
Người bình thường không nên dùng quá nhiều lá đinh lăng

Những lưu ý khi sử dụng lá đinh lăng

Để phát huy tác dụng đầy đủ đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra, bên cạnh những việc kiêng kỵ liên quan đến độc tính của cây, bạn cũng nên lưu ý một số vấn đề khi sử dụng đinh lăng lá nhỏ làm thuốc đó là:

Đinh lăng chỉ mang đến giá trị có ích cho sức khỏe khi được sử dụng với liều lượng vừa đủ. Trường hợp lạm dụng có thể dẫn đến các biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và tiêu chảy.

lá đinh lăng
Khi muốn sử dụng lá đinh lăng chữa bệnh, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Giới hạn từ 10 – 20g thân rễ cây đinh lăng đã phơi khô là liều lượng phù hợp, có thể sử dụng được mỗi ngày.

Để làm thuốc, cần lựa chọn những cây đinh lăng lá nhỏ được trồng trên 3 năm, sử dụng cây non có thể không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Lá đinh lăng chứa nhiều nguyên tố vi lượng, axit amin, vitamin C, B1, B2, B6,… Ngoài việc kết hợp trong các bài thuốc chữa bệnh, bạn có thể dùng lá đinh lăng để chế biến nhiều món ăn.

Khi muốn sử dụng lá đinh lăng chữa bệnh, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

 

Nguyên Vỵ (tổng hợp)