Phát triển doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp

ThS. LÊ THỊ THẢO (Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá một số kinh nghiệm và thực trạng phát triển doanh nghiệp tại một số cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) trên thế giới và tại Việt Nam. Từ đó, tác giả đưa ra giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển doanh nghiệp hiệu quả trong CSGDĐH phù hợp với xu thế và tình hình phát triển của khu vực và thế giới.

Từ khóa: doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục đại học, trường đại học.

1. Đặt vấn đề

Doanh nghiệp trong CSGDĐH là doanh nghiệp được thành lập theo một trong các loại hình phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp do chính CSGDĐH đó thành lập và trực tiếp quản lý hoặc do CSGDĐH góp vốn cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác nhằm thực hiện các hoạt động thương mại hóa sản phẩm giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học... và thúc đẩy các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, góp phần phát triển đa dạng hóa các hoạt động, tăng nguồn thu gắn với nhiệm vụ chính trị và lợi ích kinh tế của CSGDĐH đó.

Trong xu hướng hiện nay, các CSGDĐH thành lập các doanh nghiệp nghiên cứu hoặc phòng thí nghiệm dịch vụ dưới sự quản lý của trường đại học là một trong những yếu tố đặc trưng của đại học tiên tiến. Do đó, sự đóng góp vào mối liên kết trường học và doanh nghiệp từ các giảng viên mới mang tính tích cực, chủ động. Các nghiên cứu cứu sẽ chỉ phục vụ thực tiễn vì nó đánh vào yếu tố sống còn của doanh nghiệp này. Chi phí hoạt động sẽ lấy từ các nghiên cứu của doanh nghiệp và đóng góp chung vào hoạt động của đại học.

Trên thế giới, mô hình các trường đại học có mục tiêu nghiên cứu và giáo dục đáp ứng các nhu cầu thực tế của xã hội sẽ giúp củng cố vị trí của trường đại học trong xã hội và mang lại lợi ích tài chính. Trường đại học có thể phát triển các kỹ năng và nguồn lực để chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các tổ chức xã hội. Mặt khác, các trường đại học có thể học hỏi các chiến lược để truyền đạt kiến thức mới được tạo ra cho xã hội. Do vậy, việc tăng cường mối liên kết đại học và doanh nghiệp nhằm chuyển giao tri thức từ trường đại học vào cuộc sống sẽ là một giải pháp lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội và đồng thời tạo đà phát triển cho bản thân trường đại học.

2. Thực trạng phát triển doanh nghiệp trong CSGDĐH hiện nay

Thành lập doanh nghiệp tại các CSGDĐH trong nước nói chung còn nhiều hạn chế. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đề tài cấp Đại học Quốc gia của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018 cho thấy: trong 43 trường đại học, cao đẳng có phản hồi về phát triển doanh nghiệp, chỉ có 1 trường đại học là Đại học Cần Thơ có thành lập doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Khoa học - Công nghệ) vào năm 2016. Trong giai đoạn 2000 - 2016, hầu như không có trường đại học nào thành lập và cũng chưa có doanh nghiệp nào trực thuộc trường đại học hoạt động thành công. Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập 2 doanh nghiệp (trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và trực thuộc Viện nghiên cứu thành viên) vào các năm 2016, 2017 nhưng đều dừng hoạt động. Mặc dù đây là các lĩnh vực có nhiều tiềm năng cho phát triển sản phẩm và thương mại hóa thành công.

Kết quả nghiên cứu ở 8 cơ sở giáo dục đại học tham gia Dự án “Giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng” do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai (dự án POHE) cho thấy: hoạt động hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là chưa nhiều. Phần lớn các trường chủ yếu chỉ thiết lập mạng lưới khoảng 10 đối tác chiến lược. Duy nhất có Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập sự hợp tác mang tính chiến lược với 120 doanh nghiệp. Các trường đại học khác có số lượng các doanh nghiệp hợp tác ngắn hạn, không thường xuyên và có ít doanh nghiệp đối tác như: Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế; Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có từ 20 đến 40 đối tác; đặc biệt ở nhóm ít như Đại học Vinh chỉ có 4 đối tác (Đoàn Văn Tình, 2015).

Kết quả khảo sát gần 1.400 cựu sinh viên từng tham gia học tập của Dự án POHE cho thấy: có 72,8% cho rằng có thể đáp ứng được các nhu cầu của nhà tuyển dụng; 75,5% cho rằng “công việc thực tập thật sự có ích cho công việc đang làm”. Chính điều này giúp sinh viên tự tin, năng động và tìm kiếm được việc làm đúng với sở trường và ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, về các nội dung hợp tác khác và ở các cấp độ sâu hơn theo xu hướng hội nhập và chia sẻ nguồn lực cùng phát triển trong hợp tác với doanh nghiệp còn hạn chế.

Tổng kết các hợp tác điển hình ở một số đại học trong khoảng 10 năm (2005 - 2015) của Đinh Văn Toàn (2016) cho thấy: xuất phát từ nhu cầu sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nhu cầu đổi mới trong quản trị đại học và sự mong muốn của cá nhân các nhà khoa học, nhiều CSGDĐH ở Việt Nam, đặc biệt khối kỹ thuật đã có những mô hình hợp tác và triển khai với các doanh nghiệp và doanh nhân với các kết quả đa dạng. Một số trường hợp triển khai có kết quả trong hợp tác như sau.

- Đại học Quốc gia Hà Nội: đã triển khai hiệu quả các mô hình liên kết ở 2 cấp: liên kết trường - viện thuộc hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội, mô hình phòng thí nghiệm “phối thuộc” liên kết giữa trường đại học thành viên với viện nghiên cứu và doanh nghiệp bên ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội; liên kết giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với các doanh nghiệp và địa phương để thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị thành viên và nhà khoa học với các doanh nghiệp. Các phòng thí nghiệm theo mô hình “phối thuộc” tại Trường Đại học Công nghệ đã tạo điều kiện tốt hơn cho người học tiếp xúc với thực tế và tăng năng lực nghiên cứu, thực hành trong điều kiện nhà trường chưa đủ kinh phí đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại cho các lĩnh vực (Đinh Văn Toàn, 2017).

Trong giai đoạn 2011 - 2015, thông qua hợp tác toàn diện đã ký kết với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn (Dầu khí, Viettel, VinGroup, AIC, BRG,…), bình quân mỗi năm đã có gần 1.500 lượt cán bộ và trên 1.200 lượt sinh viên được trao đổi với các trường đại học, doanh nghiệp nước ngoài, hàng nghìn sinh viên đại học được trao học bổng từ các doanh nghiệp với tổng giá trị 5 tỷ đồng/năm; các nhà khoa học và các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai hàng chục đề tài/chương trình/dự án lớn phục vụ cộng đồng và theo đặt hàng của các doanh nghiệp. Với lợi thế về vị thế và địa vị pháp lý cao của mình Đại học Quốc gia Hà Nội nhận tài trợ nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất và học bổng. Tuy nhiên, tính bình quân thì doanh thu từ các đề tài, dự án NCKH do doanh nghiệp đặt hàng chiếm chưa đến 30% tổng nguồn thu từ các hoạt động hợp tác. Hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong R&D đạt mức cao nhất vào các năm 2012, 2013 với 4 đề tài nghiên cứu, tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Nhưng tất cả các đề tài này đều do cá nhân các nhà khoa học thuộc các đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội nhận trực tiếp từ Tập đoàn thông qua hợp đồng.

- Hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông trong nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ là một hợp tác tiêu biểu. Theo đó, nhiều đề tài, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, 2 phòng thí nghiệm chung (1 đặt tại Rạng Đông và 1 tại Trường) đã hình thành góp phần tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc của Rạng Đông trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là mô hình BK Holding gồm hệ thống các doanh nghiệp: 8 công ty thành viên, 1 chương trình hợp tác đào tạo và 2 trường đào tạo (Cao đẳng và Trung học phổ thông) do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội góp vốn sáng lập và cử người tham gia Hội đồng quản trị. BK Holding đóng vai trò cầu nối hợp tác, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp và cá nhân cho các nhà khoa học và nhà trường khi có nhu cầu phát triển sản phẩm, thương mại hóa hoặc đầu tư nghiên cứu ban đầu về công nghệ. Điểm đặc biệt là Trường Đại học Bách khoa hoặc các đơn vị, cá nhân trong trường có thể góp vốn vào các doanh nghiệp này bằng chính “sáng kiến, quy trình công nghệ và sở hữu trí tuệ”. Từ năm 2009 đến nay, kết quả sản xuất - kinh doanh của BK Holding tăng đều về doanh thu, chia cổ tức và đóng góp doanh thu cho Nhà trường từ lợi nhuận. Năm 2013, BK Holding đã chia trên 3 tỷ cổ tức, chuyển về Nhà trường gần 5 tỷ đồng chi phí sử dụng cơ sở vật chất và trên 8 tỷ đồng lợi nhuận.

- Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thuộc Bộ Công Thương: Nhà trường đã quan tâm hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài từ năm 2008 tới nay, thông qua việc thành lập Trung tâm Đánh giá Kỹ năng nghề và Quan hệ doanh nghiệp. Đây là các đơn vị đầu mối tiếp nhận, triển khai các hoạt động phát triển hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và đánh giá kỹ năng nghề nhằm khép kín chu trình đào tạo, nâng cao chất lượng và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao theo chương trình hợp tác với các doanh nghiệp. Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực được thành lập từ năm 2000 là doanh nghiệp được chuyển đổi theo mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực: xuất khẩu lao động; bồi dưỡng và đào tạo nghề ngắn hạn theo hợp đồng với doanh nghiệp, cá nhân; dịch vụ tư vấn du học và du lịch lữ hành.

- Trường Đại học Xây dựng đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tổng Công ty Viglacera nhằm đưa tiến bộ về công nghệ, vật liệu mới vào đào tạo và nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn. Theo đó, sinh viên được tiếp nhận tới tham quan, thực tập tại các cơ sở sản xuất của Viglacera; các giảng viên nắm bắt được định hướng yêu cầu năng lực đối với kỹ sư ngành kỹ thuật vật liệu xây dựng; tạo cơ hội để giảng viên phát huy thế mạnh triển khai các hoạt động NCKH; Nhà trường và Doanh nghiệp phối hợp xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động công nghệ cao của doanh nghiệp. Viglacera tài trợ toàn bộ chi phí mời, thuê chuyên gia, giảng viên và kinh phí xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình và cấp học bổng cho các sinh viên thuộc chương trình hợp tác này. Đặc biệt, để tăng cường các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Xây dựng đã hình thành 13 viện nghiên cứu ứng dụng khoa học và 2 doanh nghiệp. Các Viện hoạt động và hạch toán riêng như mô hình doanh nghiệp và có vai trò cầu nối trong hợp tác giữa Nhà trường với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở lại đây, tổng doanh số của các đơn vị này bị giảm dần: năm 2011 đạt 203 tỷ đồng; năm 2015 đạt gần 68 tỷ đồng,...

- Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế là một trong những trường đại học đầu tiên được chọn thí điểm mô hình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng thuộc dự án POHE vào năm 2005. Thông qua chương trình này, Trường đã hợp tác với trên 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước (Lào, Campuchia, Thái Lan...), giúp sinh viên có cơ hội trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp [5]. Ngoài ra, Trường cũng đã hình thành 4 trung tâm và 1 viện nghiên cứu để thực hiện chức năng triển khai nghiên cứu ứng dụng, hợp tác và phát triển. 

- Đại học Thái Nguyên là 1 trong 3 đại học vùng đã tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, trong đó có các hợp tác cụ thể với doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Năm 2015, Công ty Samsung Việt Nam đặt phòng Lab nghiên cứu - đào tạo có giá trị đầu tư trên 40.000 USD tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, thể hiện cam kết của hãng trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, giúp sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin được tiếp cận và trải nghiệm những công nghệ mới nhất. Các doanh nghiệp như Samsung cũng thể hiện sự nỗ lực liên kết với các đại học, gắn đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh giống như một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh lâu dài ở Việt Nam. Văn phòng hợp tác Đại học Thái Nguyên và Công ty TNHH Minami Fuji đặt tại Đại học Thái Nguyên minh chứng sự quyết tâm tăng cường hợp tác lâu dài giữa 2 bên trong thời gian gần đây. Văn phòng có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo và định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đồng thời hỗ trợ xúc tiến các đề án, chương trình hợp tác toàn diện giữa hai bên.

3. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong các đại học tại Việt Nam

          Hiện nay, BK Holdings được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trong số các doanh nghiệp trong trường đại học với doanh thu hợp nhất khoảng 100 tỷ đồng, quy mô 400 nhân viên. BK Holdings giống mô hình một công ty mẹ có sứ mạng là nhận, khuyến khích các nhà khoa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đứng ra thành lập công ty để chuyển giao phần tri thức của mình ra thực tiễn.

          Không chỉ BK Holdings mà các công ty khác trong trường đại học như: Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên, Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng, Công ty TNHH MTV Dược khoa hay nhiều công ty trong trường đại học khác cũng đều đang hoạt động tương đối hiệu quả, cũng chứng tỏ được mô hình công ty trong trường ĐH là cầu nối giữa nghiên cứu và thực tiễn.

          Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp trong đại học ở nước ta hiện nay được nhiều chuyên gia đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, bởi thực tế thương mại hóa công nghệ đại học - doanh nghiệp vẫn chưa đồng bộ, tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể là:

- Nhiều trường đại học không quản lý, thống kê được số lượng các hoạt động thương mại hóa công nghệ, các tác giả tự chuyển giao kết quả nghiên cứu mà không xin phép nhà trường.

- Đa số các đề tài được nghiên cứu được thành công ở quy mô phòng thí nghiệm nhưng để chuyển giao vào thực tiễn cần phải được ươm tạo ở quy mô công nghiệp và đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài mới có thể ứng dụng, khai thác thương mại.

- Một số tác giả sáng chế quá thận trọng trong việc hợp tác và vẫn chưa sẵn sàng chuyển giao công nghệ. Họ muốn nhanh chóng thu lợi ích từ việc chuyển giao sáng chế công nghệ, không muốn hợp tác chung tay phát triển công nghệ với nhà đầu tư.

- Nhu cầu và khả năng liên kết với doanh nghiệp của các trường đại học chưa cao do thiếu động lực và thiếu cơ chế gắn kết, sản phẩm khoa học và công nghệ còn ít và kém chất lượng, năng lực và trang thiết bị còn hạn chế, thời gian nghiên cứu dài trong khi nhu cầu doanh nghiệp cần sớm có công nghệ, thiếu cơ quan chuyên trách hiểu biết và gắn kết với doanh nghiệp,…

- Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, tài chính hạn chế, khó có điều kiện liên kết. Các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức đến cơ chế đầu tư tài chính cho việc nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, thẩm định giá công nghệ,…

- Nhận thức và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn yếu kém nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại học công nghệ đại học - doanh nghiệp và hoạt động sáng tạo tại các trường đại học.

Rõ ràng, để chuyển giao tri thức vào cuộc sống thì việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả, thực sự đóng vai trò là cầu nối giữa nghiên cứu và cuộc sống thì các nhà trường cần làm rõ cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cần có nhiều giải pháp thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại hóa công nghệ đại học - doanh nghiệp.

4. Đề xuất một số giải pháp

Để thực hiện tốt hoạt động chuyển giao tri thức vào cuộc sống thì việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả, thực sự đóng vai trò là cầu nối giữa nghiên cứu và cuộc sống thì các nhà trường cần rạch ròi cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cần có nhiều giải pháp thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại hóa công nghệ đại học - doanh nghiệp, cụ thể:

- Các nhà trường cần quan tâm và đổi mới mạnh mẽ quản trị tri thức trong CSGDĐH theo hướng sau: hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động chia sẻ tri thức, chuyển giao và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm công nghệ; xây dựng các chính sách và cơ chế khuyến khích nhà khoa học, giảng viên hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ngay từ giai đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, khuyến khích thành lập doanh nghiệp hay ký kết các hợp đồng để thương mại hóa kết quả nghiên cứu; tổ chức, khuyến khích tinh thần doanh thương, khởi nghiệp để hình thành các doanh nghiệp trong trường đại học để thúc đẩy chuyển giao tri thức, công nghệ, thương mại hóa sản phẩm công nghệ.

- Tập trung đầu tư và có cơ chế hỗ trợ cho các nhiệm vụ và sản phẩm khoa học công nghệ gắn với nhu cầu thực tiễn của các địa phương, các đối tác và doanh nghiệp có khả năng thương mại hóa.

- Thành lập thêm các doanh nghiệp, thành lập vườn ươm công nghệ và chuyển đổi mô hình tổ chức cho một số đơn vị trực thuộc có năng lực tự chủ theo hướng chủ động đầu tư nghiên cứu và cung cấp dịch vụ theo nhu cầu xã hội, đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ về vốn và các nguồn lực khác từ CSGDĐH cho các hoạt động chuyển giao tri thức, sản xuất thử và thương mại hóa sản phẩm trong giai đoạn đầu phát triển doanh nghiệp.

- Thành lập các đơn vị hoạt động về khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ. Các đơn vị này có vai trò kết nối, thúc đẩy khởi nghiệp và các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp đồng thời hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp mới hình thành, sàng lọc để các sản phẩm có tiềm năng được ươm tạo và nâng cao giá trị trước khi đem chào bán ra thị trường. Ngoài ra, các đơn vị này còn tư vấn về góc độ pháp lý và quyền lợi của các bên khi sản phẩm được thương mại hóa.

- Hình hành hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư cho các doanh nghiệp trong CSGDĐH để hỗ trợ và phối hợp với các nhà khoa học trong các hoạt động từ nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng đến thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đinh Văn Toàn - chủ biên (2019). Phát triển doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học: Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn Việt Nam. Sách chuyên khảo, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012). Dự án “Giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng” (dự án POHE).
  3. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp 2020.
  4. Đoàn Văn Tình (2015). Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và liên hệ với Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13 tr.46-48.
  5. Đại học Quốc gia Hà Nội. Truy cập tại: https://vnu.edu.vn/
  6. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Truy cập tại: https://www.hust.edu.vn/
  7. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Truy cập tại: https://www.haui.edu.vn/
  8. Trường Đại học Xây dựng. Truy cập tại: https://huce.edu.vn/
  9. Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế. Truy cập tại: https://huaf.edu.vn/
  10. Đại học Thái Nguyên. Truy cập tại: http://www.tnu.edu.vn/

 

THE DEVELOPMENT OF BUSINESSES AT HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS IN VIETNAM: CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Master. LE THI THAO

Center for Enabling Starups and Knowledge Transfer,

Vietnam National University - Hanoi

ABSTRACT:

This paper presents experiences and evaluates current business development at some higher education institutions in the world and in Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions and recommendations are proposed to support the growth of businesses at Vietnamese higher education institutions in accordance with the development trends in the region and the world.

Keywords: enterprise, higher education institution, higher education, university.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 3, tháng 2 năm 2022]