Quốc tế nổi bật: Cơ hội chấm dứt xung đột

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể là cơ hội thực sự để kết thúc xung đột Nga - Ukraine.

Cơ hội kết thúc xung đột 

Thủ tướng Hungary Viktor Orban
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: hungarytoday.hu

Thủ tướng Hungary Viktor Orban xác nhận rằng ông sẽ gặp ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida vào tuần tới, đồng thời mô tả khả năng trở lại nắm quyền của cựu tổng thống Mỹ là “cơ hội nghiêm túc duy nhất” để chấm dứt xung đột ở Ukraine, theo hãng tin AP ngày 2/3.

Phát biểu tại một diễn đàn ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Orban cũng cho rằng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể giúp chấm dứt xung đột ở Gaza.

Nga triệu tập lực lượng quân nhân dự bị

Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh triệu tập lực lượng quân nhân dự bị tham gia huấn luyện quân sự trong năm 2024. Nội dung sắc lệnh được đăng tải lên cổng thông tin pháp lý của Chính phủ Nga cho biết, các công dân Nga trong diện dự bị được triệu tập tham gia huấn luyện quân sự trong Lực lượng vũ trang, Lực lượng vệ binh quốc gia, các cơ quan bảo vệ nhà nước và cơ quan an ninh liên bang. Theo sắc lệnh, Chính phủ Nga và chính quyền các khu vực phải đảm bảo thực hiện các hoạt động liên quan đến việc công dân tham gia huấn luyện quân sự. 

Tàu hàng Anh chìm trên Biển Đỏ

tàu hàng Rubymar của Anh
Houthi tấn công tàu hàng Rubymar của Anh hôm 18/2 và con tàu này đã bị chìm ngày 2/3. (Nguồn: The National)

Ngày 2/3 chính phủ Yemen tuyên bố tàu chở hàng Rubymar của Anh bị bỏ rơi ở khu vực phía Nam Biển Đỏ sau khi bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công hôm 18/2 đã bị chìm.

Tàu Rubymar bị tấn công khi đang trên hành trình từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đến Bulgaria hôm 18-2, sau đó thủy thủ đoàn quyết định bỏ lại con tàu ở khu vực phía Nam biển Đỏ. Con tàu này đăng ký tại Anh, do doanh nghiệp ở Lebanon vận hành. Các thông tin trước đó cho biết các thủy thủ trên Rubymar được sơ tán sang tàu khác và được đưa đến Djibouti an toàn.

Hà Lan, Ukraine ký thoả thuận an ninh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ký thỏa thuận song phương về hợp tác an ninh

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã bất ngờ tới thăm Ukraine vào hôm qua, và ký thỏa thuận song phương về hợp tác an ninh giữa hai nước. Đây cũng là thỏa thuận an ninh dài hạn thứ 7 mà Ukraine đã ký với các nước phương Tây trong ít tháng qua.

Thoả thuận an ninh giữa Hà Lan và Ukraine bao gồm 2 tỷ euro viện trợ quân sự từ Hà Lan trong năm nay cũng như các hỗ trợ quốc phòng khác trong 10 năm tới. Hà Lan là quốc gia thứ bảy ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Kiev trong hai tháng qua sau Canada, Ý, Đức, Pháp, Đan Mạch và Anh. 

Thụy Điển tiến gần hơn tới  NATO

Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover đã ký dự luật phê chuẩn đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển và chuyển văn kiện này tới Văn phòng Tổng thống để ban hành.

Trước đó, ngày 26-2 vừa qua, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu phê chuẩn yêu cầu của Thụy Điển, chấm dứt hơn 18 tháng trì hoãn quyết định này. Dự kiến, dự luật này sẽ được Tổng thống Hungary ký ban hành trong 5 ngày tới.

Đức bị kiện ra Tòa án Công lý quốc tế

Tòa án Công lý quốc tế
Tòa án Công lý quốc tế

Tòa án Công lý quốc tế (International Court of Justice - ICJ) cho biết, Nicaragua đã đệ đơn kiện Đức ra trước ICJ với cáo buộc cung cấp tài chính và viện trợ quân sự cho Israel, cũng như ngừng cấp kinh phí cho Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA). Trong một thông cáo, ICJ cho hay Nicaragua đã yêu cầu tòa án quốc tế này ban hành những biện pháp khẩn cấp yêu cầu chính phủ Đức chấm dứt viện trợ quân sự cho Tel Aviv. 

Mỹ thông qua dự luật ngăn chính phủ đóng cửa

Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Biden ký duyệt dự luật ngân sách ngắn hạn, giúp chính phủ Mỹ tiếp tục hoạt động trong thời gian chờ quốc hội soạn ngân sách toàn diện.

Chính phủ Mỹ đang hoạt động theo đạo luật ngân sách cho phép một phần hoạt động đến ngày 1/3, phần còn lại đến ngày 8/3. Dự luật mới gia hạn hai mốc thời gian trên đến ngày 8/3 và 22/3. Dự luật được Hạ viện thông qua với 320 phiếu thuận, 99 phiếu chống hôm 29/2. Thượng viện vài giờ sau cũng thông qua với tỷ lệ phiếu 77-13.

Xuân An (t/h)