Quyết tâm đưa Nậm Pồ ngày càng phát triển

Huyện Nậm Pồ được thành lập theo Nghị quyết số 45/NĐ-CP ngày 25/8/2012 của Chính phủ, gồm có 15 xã với diện tích 250.790 ha và 25.517 nhân khẩu, gồm 8 dân tộc sinh sống, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau 10 năm thành lập (23/06/2013 – 23/06/2023), bằng trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường cùng với truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, sự ủng hộ, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Nậm Pồ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, từ điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn; tình hình an ninh chính trị có nhiều diễn biến phức tạp (được xác định là địa bàn phức tạp về ANTT) huyện Nậm Pồ đạt được những thành quả trên nhiều lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, quốc phòng, an ninh…

Kinh tế tăng trưởng khá

Đến nay, kinh tế của huyện tăng trưởng, phát triển khá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 9,58%/năm, đảm bảo so kế hoạch (kế hoạch là 8-10%/năm). Tổng giá trị sản xuất của Nậm Pồ năm 2022 đạt trên 1.338 tỷ đồng, tăng 853 tỷ đồng so với năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người đạt 18,16 triệu đồng/người/năm, tăng 10,72 triệu đồng so với năm 2013. Trong đó, sản xuất Nông nghiệp - Lâm nghiệp và thủy sản tốc độ tăng bình quân đạt 6,8%/năm; Công nghiệp - Xây dựng có tốc độ tăng bình quân đạt 13,62%/năm, vượt so với kế hoạch (6-8%/năm); Về thương mại, dịch vụ, tốc độ tăng bình quân đạt 13,73%/năm, vượt so với kế hoạch (10-12%/năm). Hệ thống thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện cơ bản đã được phủ kín, đảm bảo đạt 100% số bản. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm, bình quân từ năm 2020 đến năm 2022 giảm 4,44%, đến nay, huyện còn 50,61% hộ nghèo.

Nậm Pồ
Trong 10 năm qua, Nậm Pồ có tốc độ tăng trưởng 9,58%/năm

Nậm Pồ đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, như: Mô hình Cam tại xã Nậm Tin; Bí xanh tại xã Chà Nưa, Si Pa Phìn; Dứa tại xã Nậm Chua; Mận, tinh dầu Xả tại xã Vàng Đán; Lạc tại các xã Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở; Sa nhân tại các xã Chà Tở, Nà Hỳ, Nậm Khăn… Hiện tại, đang phát triển mô hình trồng cây Mít, cây Quế trên địa bàn hầu hết các xã; nghiên cứu, phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả tại một số xã trên địa bàn huyện…

Đồng thời, đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi gia súc tập trung với quy mô từ vài chục đến hàng trăm con tại các xã Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Nà Bủng… Công tác quản lý, bảo vệ rừng được đẩy mạnh, tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 43,17%; tập trung giao đất lâm nghiệp có rừng và đất lâm nghiệp chưa có rừng, cơ bản đảm bảo theo yêu cầu. Tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện xác định việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển. Đến nay, đường giao thông đến 11/15 xã đã được bê tông hoá, trải nhựa. Nhiều tuyến đường liên bản, nội bản đã được đầu tư đem lại diện mạo mới cho nông thôn miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân.

Trung tâm y tế huyện nay đã được đầu tư khang trang, hiện đại với quy mô 150 giường bệnh, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân trong huyện và có thể hỗ trợ điều trị cho người dân của các huyện có biên giới giáp huyện Nậm Pồ, thuộc tỉnh Phong Sa Lỳ, nước CHDCND Lào. Đã có 100/121 bản, 87,73% số hộ trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới quốc gia.

Nậm Pồ
Nậm Pồ đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững

Các mặt văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm. Hệ thống trường lớp học tiếp tục được xây dựng; công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh. Đến nay, toàn huyện đã có 29/42 trường đạt chuẩn quốc gia.

Kế thừa những kết quả đạt được từ ngày đầu thành lập, công tác đảm bảo anh ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đối ngoại, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Huyện giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Quản lý tốt các hoạt động tôn giáo, đấu tranh hiệu quả với các tà đạo, không để phát sinh các điểm nóng, các tà đạo mới; xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; không để xảy ra tình trạng di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép…

Điểm sáng về xây dựng Đảng

Nậm Pồ là một "điểm sáng" về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị với nhiều phong trào, mô hình, cách làm mới được triển khai có hiệu quả. Những phong trào, mô hình do Huyện uỷ Nậm Pồ phát động đã lan toả đến toàn thể cán bộ, đảng viên và đông đảo Nhân dân, tác động tích cực tới việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh luôn được chú trọng. Từ 32 tổ chức đảng và 1.324 đảng viên năm 2013, sau 10 năm, Đảng bộ huyện Nậm Pồ đã có 52 tổ chức cơ sở Đảng với 2.894 đảng viên. Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, đảng viên, công tác dân vận của Đảng được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả.

Có thể khẳng định, sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, từ một địa bàn phức tạp về ANTT, đến nay, Nậm Pồ là địa bàn ổn định về ANTT, biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc. Trong phát triển nông nghiệp, đã từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra nhiều mô hình phát triển kinh tế bền vững, theo hướng sản xuất hàng hoá. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, diện mạo của huyện đã có những thay đổi vượt bậc so với khi mới thành lập, nhất là về điện, đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị của huyện và các xã...

Văn hoá các dân tộc được bảo tồn, phát huy; tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên và văn hoá từng bước được khai thác. Mối đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và trong đồng bào các dân tộc được xây dựng, vun đắp. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt được những kết quả hết sức quan trọng, khắc phục cơ bản những khó khăn, hạn chế khi mới thành lập huyện và có những bước phát triển rõ nét…

Nậm Pồ
Nậm Pồ là một "điểm sáng" về công tác xây dựng Đảng

Với những thành tích đạt được của huyện Nậm Pồ trong 10 năm qua, đã có hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh. Năm 2020, Nhân dân và cán bộ huyện Nậm Pồ được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua; ngày 5/6/2023 Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định tặng Bằng khen cho cán bộ và Nhân dân huyện Nậm Pồ vì có thành tích trong công tác từ năm 2018-2022. Năm 2022, Đảng bộ huyện Nậm Pồ đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tặng Bằng khen và công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những thành quả Nậm Pồ đạt được trong 10 năm qua đã góp phần vào thành tựu chung của tỉnh Điện Biên. “Phát huy truyền thống “10 năm xây dựng và trưởng thành”, huyện Nậm Pồ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, nắm bắt thời cơ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đưa huyện Nậm Pồ ngày càng phát triển” – Ông Lê Khánh Hòa – Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Pồ khẳng định.

Huyện Nậm Pồ thành lập ngày 23/6/2013 trên cơ sở chia tách địa giới hành chính của hai huyện Mường Chà và Mường Nhé theo Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 nhằm ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, biên giới, dân tộc thiểu số của tỉnh Điện Biên. Ngày 06/6/2013, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Điện Biên ban hành Quyết định số 2527-QĐ/TU, thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nậm Pồ, khoá I, nhiệm kỳ 2013-2015.

Khi thành lập, huyện Nậm Pồ có 15 xã, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của 10 xã thuộc huyện Mường Nhé, gồm: Pa Tần, Chà Cang, Nà Khoa, Nà Bủng, Nà Hỳ, Na Cô Sa, Nậm Tin, Nậm Nhừ, Nậm Chua, Vàng Đán; điều chỉnh địa giới hành chính của 5 xã thuộc huyện Mường Chà, gồm: Chà Tở, Nậm Khăn, Chà Nưa, Si Pa Phìn, Phìn Hồ. Theo Nghị quyết 45 của Chính phủ, huyện Nậm Pồ có đường biên giới quốc gia dài 127,483 km, tiếp giáp với nước Cộng hoà dân chủ Nhân dân Lào.

Lê Hoa