Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến kế toán doanh thu chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp sản xuất

NGUYỄN THỊ THANH HUỆ (Khoa Kế toán, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên)

TÓM TẮT:

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến công tác kế toán nói chung và kế toán doanh thu, chi phí, xác định kết quả kinh doanh nói riêng. Hiện nay, việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 vào lĩnh vực kế toán doanh thu chi phí xác định kết quả kinh doanh đã và đang trở thành xu hướng tất yếu và mang lại hiệu quả lớn trong lĩnh vực này. Công tác kế toán doanh thu, chi phí, xác định kết quả kinh doanh được chia thành hai mảng đó là: kế toán quản trị và kế toán tài chính.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, kế toán, doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất.

1. Đối với kế toán doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp sản xuất trên góc độ kế toán tài chính bao gồm các nội dung

- Xác định và ghi nhận doanh thu (DT), chi phí (CP), kết quả kinh doanh (KQKD). Thu nhận thông tin kế toán là công việc khởi đầu của toàn bộ quy trình kế toán. Công việc này quyết định tính trung thực, khách quan của thông tin kế toán đồng thời là căn cứ để kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh tế tài chính của DN. Để thu nhận thông tin ban đầu về kế toán nói chung và kế toán DT, CP, KQKD nói riêng, doanh nghiệp (DN) sử dụng chứng từ kế toán. Theo Luật Kế toán Việt Nam năm 2015: “Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán”. Chứng từ kế toán có thể là các chứng từ bằng giấy hoặc là các chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa mà không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán.

Chứng từ phản ánh doanh thu: hóa đơn bán hàng, hợp đồng cung cấp sản phẩm hàng hóa dịch vụ… Chứng từ phản ánh CP: phiếu xuất kho, bảng thanh toán tiền lương, bảng tính và phân bổ khấu hao tài sản cố định, phiếu chi, biên lai thu tiền, giấy báo của ngân hàng, sổ phụ ngân hàng… Chứng từ phản ánh KQKD: chủ yếu là các chứng từ nội sinh như các phiếu kế toán thực hiện kết chuyển.

Sau khi thu nhận thông tin ban đầu kế toán cần ghi nhận doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh theo các nguyên tắc: đối với ghi nhận doanh thu (theo VAS 01) cần phải tuân theo qui tắc DT thực hiện, và nguyên tắc thận trọng; các nguyên tắc trong việc ghi nhận, xác định các CP cấu thành sản phẩm, CP thời kỳ để xác định KQKD được quy định chủ yếu trong IAS 02 theo nguyên tắc dồn tích. Nguyên tắc xác định kết quả kinh doanh trong DN phải phản ánh đầy đủ, chính xác KQKD của kỳ kế toán, kết quả hoạt động kinh doanh phải được hạch toán chi tiết theo từng loại hoạt động (hoạt động sản xuất, chế biến, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, hoạt động tài chính,...).

- Phương pháp kế toán doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp sản xuất được tuân thủ theo qui định của Luật Kế toán 2015, hệ thống tài khoản các nguyên tắc hạch toán đều tuân theo Thông tư số 200/2014-BTC, ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính (BTC) và Thông tư số 133/2016-BTC ban hành ngày 26/8/2016 của BTC. Các doanh nghiệp sẽ vận dụng hệ thống tài khoản kế toán cũng như mở các sổ sách kế toán theo dõi chi tiết CP, DT và KQKD phù hợp với đặc điểm sản xuất - kinh doanh, yêu cầu quản trị của doanh nghiệp mình.

- Trình bày thông tin kế toán doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính. Các thông tin CP, DT và KQKD chủ yếu được trình bày trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và được giải trình chi tiết trên Bản thuyết minh BCTC. Các thông tin về DT được trình bày chi tiết trên BCTC phải chi tiết theo từng loại giao dịch, sự kiện bao gồm DT bán hàng, DT cung cấp dịch vụ,… Về thông tin CP, theo Chuẩn mực quốc tế số 1 - Trình bày BCTC (IAS 1) “Doanh nghiệp cần phải trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hoặc trong phần thuyết minh phần phân loại chi tiết các khoản CP theo tính chất hoặc chức năng”. Việc phân loại CP theo chức năng sẽ cung cấp thông tin hữu ích hơn cho người sử dụng và trong trường hợp doanh nghiệp “phân loại CP theo chức năng phải cung cấp thông tin bổ sung về CP phân loại theo tính chất vì các thông tin đó hữu ích cho việc dự đoán luồng tiền mặt phát sinh trong tương lai”.

2. Đối với kế toán doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp sản xuất trên góc độ kế toán quản trị gồm có các nội dung

- Hệ thống KTQT trong DNSX được thiết lập chủ yếu với mục đích cung cấp thông tin phục vụ cho các nhà quản trị doanh nghiệp thực hiện các chức năng quản lý: hoạch định, tổ chức, chỉ huy, phối hợp, kiểm tra đánh giá từ đó đưa ra quyết định. Kế toán doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề: Xây dựng định mức, dự toán doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh. Thu thập thông tin về doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh phục vụ cho việc ra quyết định. Các dự toán CP, DT, KQKD sẽ được lập tại một mức độ hoạt động nhất định (dự toán tĩnh) hoặc lập cho một loạt các mức độ hoạt động khác nhau (dự toán linh hoạt) nhằm cung cấp các thông tin về CP, DT và lợi nhuận doanh nghiệp có thể đạt được theo các phương án kinh doanh khác nhau. Dự toán tĩnh chỉ phục vụ cho công tác lập kế hoạch, không có tác dụng trong các hoạt động kiểm soát.

- Thu thập, xử lý, cung cấp các thông tin thực hiện về CP, DT và KQKD trong DNSX dưới góc độ KTQT: giúp cho nhà quản trị thực hiện chức năng tổ chức, chỉ huy, phối hợp thường được thực hiện giống như KTTC bao gồm: thu thập các thông tin ban đầu qua các chứng từ kế toán, thu thập, phân loại và hệ thống hóa, phản ánh, ghi chép thông tin trên các tài khoản kế toán, sổ kế toán, từ đó cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng qua hệ thống các báo cáo kế toán. Tuy nhiên, thông tin thực hiện do KTQT cung cấp chi tiết, cụ thể, phong phú, đa dạng hơn và chủ yếu phục vụ cho yêu cầu ra quyết định của nhà quản trị doanh nghiệp. Vì vậy, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng thông tin của các nhà quản trị, có thể thiết kế thêm các chứng từ kế toán, các chỉ tiêu trên chứng từ kế toán, các tài khoản kế toán và sổ kế toán chi tiết cho phù hợp.

3. Tác động của cuộc cánh mạng công nghệ 4.0 tới kế toán DT, CP, KQKD dưới góc độ kế toán tài chính

Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên, có thể dễ dàng thu thập được các thông tin, dữ liệu mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được. Việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng có nhiều thuận lợi.

- Tác động vào việc lưu trữ xử lý chứng từ kế toán đặc biệt là hóa đơn: khi sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN tiết kiệm được thời gian (giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn)… Doanh nghiệp cũng không lo tình trạng bị thất lạc hóa đơn trong khi chờ chuyển phát. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy, như: Chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng và đặc biệt là giảm chi phí lưu trữ hóa đơn; Đồng thời, giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn; tăng cường khả năng bảo mật; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy… Thêm vào đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tra cứu thông tin hóa đơn và kiểm soát phát hành hóa đơn, tiết kiệm chi phí giao dịch hóa đơn, chi phí phát hành hóa đơn; doanh nghiệp cũng tự chủ, tự chịu trách nhiệm với thông tin hóa đơn được phát hành, hạn chế rủi ro và đơn giản hơn trong công tác bảo quản, lưu trữ,…

- Tác động vào quy trình xử lý thông tin kế toán tài chínhTheo các chuyên gia kế toán, công nghệ số nói chung và cuộc CMCN 4.0 đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ vào quy trình kế toán tài chính. Thậm chí, hoạt động kế toán hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ thông tin và chính công nghệ khiến cho hoạt động kế toán tại DN trở nên hiệu quả hơn, minh bạch hơn và chuyên nghiệp hơn. Quy trình tự động và trí thông minh nhân tạo được tạo ra từ CMCN 4.0 cho phép người làm kế toán được đơn giản hóa quy trình tính toán. Người làm kế toán chỉ cần tiến hành “nhập liệu”, quy trình tự động sẽ “xử lý, chế biến” dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo để cho các thông tin đầu ra dưới dạng các báo cáo có thể so sánh được. Quá trình này thậm chí có thể xử lý được những vấn đề phức tạp mà không tốn nhiều thời gian.

- Tác động vào quá trình lập và trình bày các báo cáo tài chính: Với việc ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng các phần mềm kế toán, công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data) cho phép xử lý nhanh và đơn giản các nghiệp vụ thuộc các phần hành kế toán, cho phép truy cập nhanh vào các dữ liệu trong một thời gian ngắn. Các báo cáo tài chính sẽ được tạo lập một cách nhanh chóng chính xác khoa học.

4. Tác động của cuộc cánh mạng công nghệ 4.0 tới kế toán DT, CP, KQKD dưới góc độ kế toán quản trị

- Hỗ trợ hiệu quả cho công tác lập dự toán CP, DT, KQKD: việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) vào công tác kế toán đang trở nên ngày càng phổ biến giúp cho việc thu thập dữ liệu đầu vào được tự động hóa và dữ liệu được thu thập đa dạng hơn không chỉ là những dữ liệu tài chính mà còn cả phi tài chính như văn bản, ngữ cảnh, biểu tượng. Điều này giúp tăng tính chính xác của thông tin trong việc lập dự toán cho các hạng mục.

- Hỗ trợ cho công tác xử lý dữ liệu, lập báo cáo KTQT: sử dụng công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data) quá trình xử lý dữ liệu và lập các báo cáo KTQT được tự động hóa và triển khai một cách khoa học, hầu như không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, từ đó có thể cung cấp các thông tin một cách nhanh nhất cho nhà quản trị để đưa ra quyết định điều hành nhanh chóng và tối ưu. Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) cho phép sử dụng mật mã và các giao thức tin nhắn phân tán để tạo lập các thông tin kế toán chi tiết theo yêu cầu kế toán quản trị. Được coi là một đột phá về công nghệ, được thiết lập để tạo ra những biến đổi trong công việc kế toán, Blockchain có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến quản lý chuỗi cung ứng và kế toán giao dịch và có thể tạo ra các cơ hội cho kế toán viên có thể làm việc với khách hàng và đồng nghiệp nhằm gặt hái những lợi ích của công nghệ. Là một sổ cái duy nhất ghi lại các giao dịch giữa các tổ chức, mọi người có quyền tham gia có thể cùng xem một thông tin trong thời gian thực nên Blockchain có thể làm giảm các sai sót và gian lận kế toán.

- Tác động đến công tác lưu trữ kế toán: Công nghệ đám mây giúp thông tin được lưu trữ với khối lượng lớn, không bị giới hạn. CMCN 4.0 cho phép KTQT có thể lưu trữ khối lượng lớn thông tin một cách hệ thống và khoa học. Công nghệ này có khả năng xử lý số lượng lớn dữ liệu (Big Data) và cũng để thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ để đạt được kết quả mong muốn.

 5. Kết luận

Đối với các DN Việt Nam, dù công tác kế toán vẫn còn chưa áp dụng và triển khai phổ biến công nghệ 4.0 nhưng trong bối cảnh hiện nay việc ứng dụng CMCN 4.0 vào công tác kế toán nói chung và công tác kế toán DT, CP, KQKD nói riêng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để có thể khai thác tối đa sức mạnh của CMCN 4.0 trong công tác kế toán DT, CP, KQKD, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển CNTT của khu vực tài chính, kế toán. Nhiệm vụ xuyên suốt là nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại trong các giao dịch tài chính, hoạt động thanh toán, tiếp cận các sản phẩm tài chính, kế toán, thúc đẩy tài chính xanh, tài chính toàn diện,... đi đôi với việc phát triển hạ tầng cần xây dựng hệ thống bảo mật thông tin cho các doanh nghiệp một cách an toàn, hiệu quả.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hoạt động tài chính, kế toán trong nền kinh tế thị trường nói chung và ứng dụng kế toán DT, CP, KQKD nói riêng trong trong CMCN 4.0. Tăng cường sự nhận thức đầy đủ và có những biện pháp chủ động để hệ thống tài chính, kế toán vận hành có hiệu quả, hội tụ và hài hòa giữa các quốc gia, tranh thủ các lợi ích và hạn chế những tác động bất lợi từ CMCN 4.0... Khuyến khích thành lập các hội, tổ chức nghề nghiệp nghiên cứu và thúc đẩy kế toán DT, CP, KQKD phát triển. Ở các nước phát triển, hầu hết đều có những hội, viện chuyên nghiên cứu và đưa ra những quan điểm về việc phát triển kế toán DT, CP, KQKD. Các tổ chức này không những góp phần thay đổi nhận thức trong DN, mà còn thúc đẩy để CNTT ứng dụng phổ biến tại DN, đồng thời, cập nhật những thay đổi xu hướng trong công tác kế toán DT, CP, KQKD, từ đó hỗ trợ cho hoạt động này tại DN rất nhiều.

Ba là, việc chuyển đổi sang hệ thống hệ thống phần mềm mới, ứng dụng công nghệ cao, không thể diễn ra trong một sớm một chiều, mà cần có thời gian. Ngoài việc, đầu tư vào công nghệ mới, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kế toán có trình độ cao và am hiểu công nghệ mới. Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào định hướng phát triển của doanh nghiệp cũng như quan điểm của các nhà quản lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bắt kịp với xu thế của thời đại, các doanh nghiệp vẫn cần xây dựng một tiến trình nhằm từng bước đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh để đáp ứng với những thay đổi của công nghệ trong tương lai. Một đội ngũ kế toán viên chuyên nghiệp có thể kiểm tra các thông tin do máy tính tự động đưa ra, cũng như xác định tính chính xác của những thông tin đó là điều kiện cần thiết đặt ra đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán.
  2. Lương Khánh Chi (2017), Hoàn thiện kế toán chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Học viện Tài chính, Hà Nội.
  3. Phạm Hoài Nam (2019), Hoàn thiện công tác kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở miền Bắc, Luận án tiến sĩ, Trường Học viện Tài chính.
  4. Trần Thị Ngọc Anh (2019). Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán. Tạp chí Tài chính, kỳ 2,tháng 9/2019. <http://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/tac-dong-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-den-linh-vuc-ke-toan-313645.html>
  5. Trương Thị Đức Giang, Nguyễn Hải Hà (2019). Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động đến kế toán quản trị doanh nghiệp. Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 7/2019. <http://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/cach-mang-cong-nghiep-40-va-nhung-tac-dong-den-ke-toan-quan-tri-doanh-nghiep-311248.html>

 

THE IMPACTS OF INDUSTRY 4.0 ON THE REVENUE AND COST ACCOUNTING IN THE BUSINESS RESULT DETERMINATION

IN MANUFACTURING FIRMS

NGUYEN THI THANH HUE

Faculty of Accounting, and Education

ABSTRACT:

The Industry 4.0 has increasing impacts on the accounting sector in general and the revenue and cost accounting, and the business results in particular. Currently, the application of Industry 4.0’s advances in the revenue and cost accounting to determine the business results has become an inevitable trend with great benefits. The revenue and cost accounting to determine the business results is categorized into management accounting and financial accounting.

Keywords: Industry 4.0, accounting, revenue, costs, business results, manufacturing enterprises.