Tác động của việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đến các doanh nghiệp FDI

ThS. ĐINH THỊ HÒA
Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Công đoàn.

TÓM TẮT:

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là một kênh đầu tư quan trọng trên toàn thế giới, không phân biệt đó là quốc gia phát triển hay đang phát triển như Việt Nam. Dòng vốn này sẽ phát huy tác dụng với mức độ khác nhau ở các quốc gia khác nhau và điều này phụ thuộc rất lớn vào chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của quốc gia nhận nguồn vốn đầu tư.

Từ khóa: Ưu đãi thuế, nguồn vốn đầu tư, thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, hầu hết các nước đang phát triển đều đưa ra các chính sách ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng. Theo bản báo cáo của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển vào tháng 4/2016 thì hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng quan tâm nhiều đến khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cũng như các quốc gia khác trong khu vực, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách ưu đãi, “trải thảm đỏ” đối với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đang thực hiện ưu đãi đối với các dự án, lĩnh vực đầu tư đặc biệt mà phần lớn đều có sự tham gia của nguồn vốn FDI. Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành năm 2008 và Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2013 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2014) thì nội dung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm đối với:

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, khu kinh tế, khu công nghệ cao kể cả khu công nghệ thông tin tập trung được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học.

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.

- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao.

Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao được hưởng ưu đãi về thuế suất kể từ năm được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

+ Dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lần đầu tối thiểu 6 (sáu) nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ thời điểm được phép đầu tư lần đầu theo quy định của pháp luật đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 (mười) nghìn tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu từ dự án đầu tư (chậm nhất năm thứ 4 kể từ năm có doanh thu doanh nghiệp phải đạt tổng doanh thu tối thiểu 10 (mười) nghìn tỷ đồng/năm).

+ Dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lần đầu tối thiểu 6 (sáu) nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ thời điểm được phép đầu tư lần đầu theo quy định của pháp luật đầu tư và sử dụng thường xuyên trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu từ dự án đầu tư (chậm nhất năm thứ 4 kể từ năm có doanh thu doanh nghiệp phải đạt điều kiện sử dụng số lao động thường xuyên bình quân năm trên 3.000 lao động).

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án khai thác khoáng sản, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12 (mười hai)nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật công nghệ cao, Luật khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm kể từ thời ngày được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

-Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

+ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao;

+ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01/01/2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu (EU) hoặc tương đương.

Thứ hai, áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với:

- Phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường (gọi chung là lĩnh vực xã hội hóa).

Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa được thực hiện theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định.

- Phần thu nhập của hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản.

- Phần thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo in) của cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí.

- Phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, ho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 Luật nhà ở.

Nhà ở xã hội là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và đáp ứng các tiêu chí về nhà ở, giá bán nhà, giá cho thuê, giá cho thuê mua, về đối tượng, điều kiện được mua, được thuê, được thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và việc xác định thu nhập được áp dụng thuế suất 10% không phụ thuộc vào thời điểm ký hợp đồng bán, cho thuê hoặc cho thuê mua nhà ở xã hội.

- Thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối trừ sản xuất muối quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số218/2013/NĐ-CP đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm.

- Phần thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, áp dụng thuế suất ưu đãi 17% (từ 1/1/2016) trong thời gian 10 năm đối với:

-  Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn quy định tại Nghị định số218/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

-  Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới: sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống (bao gồm xây dựng và phát triển các ngành nghề truyền thống về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, các sản phẩm văn hóa).

 Thứ tư, áp dụng thuế suất ưu đãi 17% trong suốt thời gian hoạt động (từ 1/1/2016):

Được áp dụng đối với Quỹ Tín dụng nhân dân, Ngân hàng hợp tác xã và Tổ chức tài chính vi mô.

Thứ năm, ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp:

-  Miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo đối với:

+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC.

+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.

- Miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong năm năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

- Miễn thuế hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong bốn năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 4 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại Khu công nghiệp (trừ Khu công nghiệp nằm trên địa bàn các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và khu công nghiệp nằm trên địa bàn các đô thị loại I trực thuộc tỉnh). Trường hợp Khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với Khu công nghiệp căn cứ vào vị trí thực tế của dự án đầu tư trên thực địa.

2. Tác động của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đến các doanh nghiệp FDI 

Với chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như trên đã trải thảm cho dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam và dòng vốn này đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho kinh tế Việt Nam:

- Một là, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đã góp phần thu hút nguồn vốn FDI giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu kinh tế, chính trị quan trọng, trong đó có việc định hướng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn cần khuyến khích phát triển phù hợp với từng giai đoạn nhất định của nền kinh tế.

- Hai là, nguồn vốn FDI đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế mới ra đời và phát triển: dầu khí, công nghệ thông tin, hóa chất, ô tô, xe máy, thép, điện tử và điện tử gia dụng, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may... FDI thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật - công nghệ ở nhiều ngành kinh tế, góp phần tăng năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu tỷ trọng các ngành trong nền kinh tế.

Điển hình, khu vực FDI tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế và định hướng công nghiệp hóa. Giai đoạn 2000 - 2010, tỷ trọng khu vực FDI trong cơ cấu kinh tế tăng 5,4%, trong khi khu vực nhà nước và khu vực tư nhân giảm tương ứng.

- Ba là, nguồn vốn FDI tạo cơ hội tiếp cận khoa học - công nghệ, trở thành động lực phát triển kinh tế trình độ cao. Khoảng cách phát triển khoa học - công nghệ giữa Việt Nam với các nước công nghiệp phát triển còn lớn. FDI tạo cơ hội cho Việt Nam có thể tiếp thu kỹ thuật - công nghệ hiện đại từ các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, khu vực FDI kích thích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm với giá cả cạnh tranh.

- Bốn là, nguồn vốn FDI góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và kiểm toán với các phương thức hiện đại trong thanh toán, tín dụng, thẻ. FDI trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, văn phòng cho thuê đã làm thay đổi diện mạo của một số đô thị lớn và các vùng ven biển. Nhiều khu vui chơi giải trí như sân golf, bowling, vui chơi có thưởng tạo ra điều kiện hấp dẫn đối với nhà đầu tư và khách quốc tế.

- Năm là, FDI đóng góp vào GDP liên tục tăng lên qua các năm.

Nhìn vào Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2014 (WIR) của Tổ chức Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) có thể thấy: Tại Việt Nam, FDI đang tăng dần tỷ trọng trong GDP. Báo cáo tổng kết 25 năm FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích, tỷ lệ đóng góp của FDI vào GDP đã tăng từ 2% GDP năm 1992 lên 12,7% năm 2000; 16,98% (2006); 18,97% (2011) và hiện nay là trên 20%. Trong hoạt động xuất khẩu, từ năm 2003, xuất khẩu của khu vực FDI bắt đầu vượt khu vực trong nước và dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp tới 66,87% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào năm 2013. Trong 10 tháng đầu năm 2014, khu vực FDI xuất khẩu 82,5 tỷ USD, tăng 13,6%, đóng góp 67% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và vẫn liên tục xuất siêu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả vốn đăng ký mới và tăng vốn, trong năm 2016, cả nước thu hút được gần 20,95 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giải ngân đạt tới 15,8 tỷ USD, tăng 9% và là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

- Sáu là, khu vực FDI đã tạo ra rất nhiều việc làm cho người dân.

Năm 2015, FDI đã tạo việc làm cho khoảng 2,8 triệu lao động trực tiếp và nhiều lao động gián tiếp, trong đó có hàng vạn công nhân lành nghề, kỹ sư và cán bộ quản lý có trình độ cao, góp phần phát triển đội ngũ lao động cả về số lượng và chất lượng để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Mặc dù nguồn vốn FDI mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên căn cứ vào thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp FDI hiện nay, chúng ta thấy có rất nhiều hệ luỵ do các doanh nghiệp này tạo ra mà xã hội đang phải gánh chịu, đó là:

- Thứ nhất, một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, khai thác cạn kiệt tài nguyên.. nhằm tối đa hóa lợi nhuận gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra ở các đô thị, khu công nghiệp.

Một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như Công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men…

- Thứ hai, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực trong đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được vốn đầu tư FDI vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (năm 2015) cho thấy, các doanh nghiệp FDI thường tập trung vào những nơi có kết cấu hạ tầng thuận lợi, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc..., chiếm gần 70% số dự án và tổng vốn đầu tư cả nước. Trong khi đó, các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Tây Bắc, Tây Nguyên... chỉ chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư cả nước.

- Thứ ba, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI không chỉ tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài tránh thuế mà còn làm phát sinh các hoạt động trốn thuế bất hợp pháp. Chỉ riêng năm 2012, số tiền mất đi do các doanh nghiệp FDI trốn thuế đã lên tới hơn 20 triệu USD, chủ yếu thông qua hình thức chuyển giá.

Một con số khác cũng đáng chú ý, đó là kết quả điều tra của Tổng cục Thuế năm 2013 có tới 83% doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau nhằm giảm tối đa số thuế phải nộp. Tại một số địa phương, 100% doanh nghiệp nước ngoài đều có sai phạm về thuế. Những thủ đoạn trốn thuế, tránh thuế đang gây thất thu lớn đối với thu ngân sách nhà nước.

- Thứ tư, việc thực hiện các cơ chế thu hút nguồn vốn FDI vào các dự án công nghệ cao vẫn còn hạn chế, chính sách ưu đãi chưa rõ ràng. Cụ thể, có sự thay đổi trong chính sách ưu đãi đầu tư như thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số dự án từ 10% suốt thời gian hoạt động theo quy định trước đây, thì hiện nay chỉ còn ưu đãi trong 15 năm; dự án đầu tư mở rộng không được hưởng ưu đãi. Quy định thế nào là đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao trong nhiều trường hợp chưa rõ ràng.

 3. Định hướng điều chỉnh chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp FDI trong thời gian tới

- Một là, Việt Nam phải hoàn thiện quy trình quản lý nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp để chống việc chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp FDI để các doanh nghiệp này vào Việt Nam không phải vào để giữ chỗ hay tận dụng ưu đãi hỗ trợ về chính sách, về thuế, mà là phải đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Chúng ta chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Hậu kiểm phải sát sao, kịp thời, tạo ra hệ thống quản lý thuế điện tử liên ngành đồng bộ để chống thất thu thuế.

- Hai là, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án FDI theo nguyên tắc không chỉ ưu đãi theo ngành, lĩnh vực mà gắn với vùng, lãnh thổ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế và triển khai áp dụng hệ thống quy định, yêu cầu bắt buộc về công nghệ, chuyển giao công nghệ, thu hút, đào tạo kỹ năng cho người lao động. Hỗ trợ các hoạt động đầu tư có hiệu quả, đồng thời giảm thiểu những mặt hạn chế, tiêu cực như nhập khẩu nhiều nhưng chỉ tập trung vào gia công, lắp ráp và khai thác thị trường nội địa là chủ yếu; lợi dụng kẽ hở về chính sách, pháp luật để thực hiện chuyển giá, kê khai lỗ hoặc lợi nhuận thấp để chuyển lợi nhuận về nước, không có đóng góp hoặc đóng góp rất thấp cho nguồn ngân sách nhà nước của Việt Nam. Không tiếp nhận hoặc hạn chế những dự án sử dụng công nghệ thấp, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, sinh thái.

- Thứ ba, Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hơn nữa để thu hút ngành công nghệ cao. Cụ thể, đối với doanh nghiệp hiện hữu thì khuyến khích đầu tư mở rộng, chuyển đổi công nghệ; với doanh nghiệp đầu tư mới thì chính sách cần nhất quán. Ngoài ra, cần đề xuất ban hành danh mục các sản phẩm hỗ trợ cho ngành công nghệ cao, trên cơ sở đó chính sách ưu đãi cho các dự án này nhằm cung ứng linh kiện, phụ kiện cho sản phẩm công nghệ cao.

- Thứ tư, ngành Thuế cần tích cực cùng với các cơ quan chức năng tăng cường hợp tác, phối hợp, xây dựng bộ phận quản lý rủi ro, giám sát, có thông tin cảnh báo từ xa để ngăn chặn. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cho bộ phận thanh tra chống chuyển giá, giúp các địa phương quản lý tốt hơn đối với doanh nghiệp FDI, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh việc kiểm tra sự lợi dụng của doanh nghiệp khi thấy Chính phủ đang có ưu đãi thuế cao. Nếu có dấu hiệu chuyển giá, chúng ta sẽ đưa ra quy định xác định giá, thỏa thuận giá trước, đưa ra tỷ lệ thuế cao để tạo cơ sở nguồn thu cho tương lai.

Bên cạnh những giải pháp nên trên, Việt Nam cần xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong nước nhằm cải thiện năng lực.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ban hành ngày 03/06/2008.

2. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 ban hành ngày 19/6/2013.

3. TS. Nguyễn Thị Lan (2016): Chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2016.

4.  Nguyễn Hữu Huy Nhựt và Nguyễn Khắc Quốc Bảo (2014): Bằng chứng thực nghiệm của vấn đề chuyển giá và cải cách thuế tại Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo của Ban Kinh tế Trung ương, tháng 3/2014.

5. Bộ Tài chính (2012): Báo cáo về chính sách thuế và ưu đãi đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

6. Các nguồn từ internet: thoibaonganhang.vn; tapchitaichinh.vn; dantri.com.vn

EFFECT OF INCENTIVES FOR CORPORATE INCOME TAX ON FDI ENTERPRISES

Master. DINH THI HOA

Faculty of Finance and Banking, Vietnam Trade Union University

ABSTRACT:

Foreign Direct Investment (FDI) is an important investment channel including both developed and developing countries like Vietnam. The FDI flow will take effect at varied degrees in different nations. The effect of FDI depends heavily on the corporate income tax of each country.

Keywords: Tax incentives, investment capital, revenue of enterprise, FDI enterprise.