Tăng cường hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động

TS. BÙI THỊ NGÂN, ThS. NGUYỄN THỊ LỆ THỦY (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, đặc biệt khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (còn gọi là Công nghiệp 4.0) đặt ra những yêu cầu mới và thách thức mới về năng lực chuyên môn và kỹ năng đối với nguồn nhân lực, hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai bên nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho nhà trường và doanh nghiệp. Bài viết đề cập đến sự cần thiết thực hiện hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, một số mô hình hợp tác có hiệu quả và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác nhà trường và doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Từ khóa: Mô hình hợp tác, Nhà trường, doanh nghiệp, thị trường lao động.

1. Sự cần thiết để thực hiện hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

Mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học đã được triển khai khá phổ biến ở các nước phát triển trên thế giới như mô hình đại học - doanh nghiệp tại Viện Công nghệ Masachuess của Mỹ và tại Trường Đại học Quốc gia Singapore; mô hình gắn liên kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa Trường Đại học Kyoto với Tập đoàn Canon ở Nhật Bản, mô hình gắn các hoạt động đào tạo với thực tiễn doanh nghiệp của Trường Đại học Khoa học ứng dụng Saxion (Hà Lan). Các mô hình trên tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều có chung mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo, gắn hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Trong Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng đề cập đến việc cần phải thu hút doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhân lực, đẩy mạnh gắn kết các cơ sở giáo dục với doanh nghiệp, mở rộng các hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nguồn nhân lực.

Nghị quyết số 29- NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng đã nêu rõ “Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo”.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, những năm qua, mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã được các nhà trường đặc biệt quan tâm và đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi trường. Nhiều mô hình hợp tác mới được mở rộng về quy mô, đi vào chiều sâu và mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

2. Các mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

Các mô hình hợp tác phổ biến giữa nhà trường và doanh nghiệp hiện nay bao gồm: Khảo sát doanh nghiệp; Thăm quan, thực tập thực tế và thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp; Tổ chức ngày hội việc làm, hội thảo cơ hội việc làm, hội thảo chuyên môn, hội thảo bồi dưỡng kỹ năng mềm: kỹ năng tìm việc, phỏng vấn, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm; Phối hợp xây dựng chương trình và đào tạo chương trình theo yêu cầu của doanh nghiệp, đào tạo ngắn hạn; Tài trợ trang thiết bị phục vụ đào tạo cho nhà trường; Phối hợp với cán bộ, giảng viên trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ…

2.1. Khảo sát nhu cầu doanh nghiệp

Hàng năm, các cơ sở giáo dục thường cử đoàn công tác của nhà trường gồm có cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên tới thăm quan khảo sát và nắm bắt nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này, nhà trường nắm bắt được những hoạt động của doanh nghiệp, những phản hồi từ phía doanh nghiệp về chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo của trường, đặc biệt là năng lực về chuyên môn, năng lực làm việc và kỹ năng mềm của HSSV tốt nghiệp, từ đó nhà trường có giải pháp cải tiến nội dung chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động. Cũng thông qua hoạt động này, nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ viên chức của các doanh nghiệp.

2.2. Thăm quan, trải nghiệm thực tế và thực tập tại các doanh nghiệp

Hoạt động thăm quan, thực tập rất quan trọng đối với cán bộ giảng viên (CBGV) và học sinh sinh viên (HSSV) trong các nhà trường. Hoạt động này giúp cho CBGV và HSSV trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, quan sát dây chuyền sản xuất, tác phong công nghiệp, việc thực hiện 5S, an toàn lao động, từ đó giúp HSSV nâng cao kỹ năng thực hành, rèn luyện ý thức, tác phong công nghiệp và làm quen với môi trường doanh nghiệp. Nhà trường phối hợp với doanh nghiệp để thống nhất các nội dung thực tập, thời gian thực tập sao cho phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV trong việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng có được trong quá trình đi thực tế vào thực tiễn. Các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cho HSSV và tiêu chí đánh giá được thông báo cho HSSV trước khi đi tham quan, thực tập. Kết thúc đợt thực tập, doanh nghiệp thông báo kết quả thực tập của HSSV cho nhà trường.

Thông qua việc thăm quan thực tế tại doanh nghiệp, HSSV nắm được những kiến thức, kỹ năng cần có của nhà tuyển dụng, từ đó có kế hoạch học tập, định hướng được công việc trong tương lai và lựa chọn môi trường làm việc phù hợp sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là cơ hội tốt để HSSV ứng tuyển vào công ty sau chương trình và doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn và tuyển chọn được ứng viên giỏi ngay trong quá trình HSSV thực tập tại doanh nghiệp.

2.3. Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm, tổ chức các chương trình tuyển dụng nhân sự, hội thảo định hướng nghề nghiệp và các hội thảo phát triển kỹ năng mềm

Nhà trường cần chủ động phối hợp các tập đoàn, doanh nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm cho HSSV toàn trường. Ngày hội việc làm có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm thu hút nhiều HSSV tham gia. Tại Ngày hội việc làm, các doanh nghiệp sẽ thông báo thông tin tuyển dụng và thu nhận hồ sơ ứng tuyển vào các vị trí làm việc cho HSSV nhà trường. Đối với các thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp có HSSV đăng ký ứng tuyển, Nhà trường sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tổ chức sơ tuyển, thi tuyển và phỏng vấn ngay tại trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV tham gia.

Hội thảo định hướng nghề nghiệp và hội thảo phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng tìm việc làm, kỹ năng lựa chọn công việc theo sở trường của bản thân, kỹ năng viết đơn ứng tuyển, kỹ năng viết công văn, kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng làm việc nhóm… cũng được nhà trường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thường niên vào hàng tháng. Đây là hoạt động bổ ích giúp cho các doanh nghiệp chia sẻ các kiến thức, kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với các ứng viên tương lai và các cơ hội khi HSSV được tuyển chọn vào làm việc tại các doanh nghiệp. Tham gia hội thảo thường có lãnh đạo các doanh nghiệp: Tổng giám đốc, giám đốc nhân sự, các chuyên gia và có sự chia sẻ kinh nghiệm của các cựu sinh viên của trường đang đảm nhận các vị trí quản lý tại các doanh nghiệp. Hội thảo giúp các em HSSV hiểu hơn về nghề nghiệp, là dịp để HSSV suy nghĩ một cách thực tế về mức độ phù hợp hoặc năng lực của bản thân với yêu cầu công việc, tạo sự hứng thú với nghề nghiệp, từ đó có được phương pháp học tập và động lực phấn đấu để tìm việc thành công.

2.4. Phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo và trực tiếp đào tạo các chương trình chuyên sâu, chương trình chất lượng cao

Đây là mô hình hợp tác mới về phối hợp xây dựng chương trình đào tạo chương trình chuyên sâu, chương trình chất lượng cao và đào tạo trước tuyển dụng giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Nhà trường phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp trên cơ sở bổ sung kiến thức và kỹ năng thực tế vào chương trình đào tạo chính khóa, sau đó tuyển chọn và đào tạo sinh viên. Sinh viên tham gia các chương trình này là những sinh viên được doanh nghiệp trực tiếp tuyển chọn đáp ứng được các tiêu chí của doanh nghiệp. Tham gia chương trình này, HSSV được hỗ trợ toàn bộ học phí trong năm cuối hoặc học phí 2 năm cuối (năm thứ 3 và thứ 4), ngoài việc học chương trình đào tạo của doanh nghiệp, HSSV còn được học thêm ngoại ngữ, các kỹ năng mềm cần thiết và văn hóa của doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành chương trình, sinh viên sẽ được tuyển chọn vào làm việc tại các doanh nghiệp và đáp ứng ngay được yêu cầu công việc của doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài mà không phải đào tạo lại.

2.5. Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu doanh nghiệp

Đối với hoạt động này, nhà trường phối hợp với doanh nghiệp để cùng thiết kế chương trình đào tạo trên cơ sở áp dụng phương pháp quản lý đào tạo theo chu trình PDCA và theo hướng ứng dụng thực hành, nhằm mục tiêu hình thành hoặc bổ sung kiến thức, kỹ năng cho học viên. Thông qua các khóa đào tạo, giảng viên và giáo viên có cơ hội nắm bắt được các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, từ đó có kế hoạch cải tiến chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Thời lượng học của các khóa ngắn hạn thường được thiết kế trong khoảng 1 đến 2 tuần, thời gian và địa điểm học linh hoạt tại trường hoặc tại doanh nghiệp giúp các khóa học được tổ chức thành công hơn.

2.6. Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho kỹ thuật viên đến từ doanh nghiệp

Các cơ sở giáo dục cần có đủ năng lực về đội ngũ và cơ sở vật chất để làm đề án trình Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp Giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo năng lực của nhà trường. Sau khi được cấp phép, nhà trường chủ động hợp tác với các doanh nghiệp tổ chức các kỳ đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, chứng chỉ kỹ năng nghề cho đội ngũ nhân viên và kỹ thuật viên của công ty và doanh nghiệp. Thông qua hoạt động đánh giá kỹ năng này, người lao động tại các doanh nghiệp có thể khẳng định tay nghề và doanh nghiệp cũng sẽ khẳng định được thương hiệu và vị thế của mình. Hoạt động này cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà trường và doanh nghiệp.

2.7. Huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp thông qua các chương trình trao tặng học bổng cho HSSV, tặng sách và tài trợ thiết bị đào tạo cho nhà trường và cử giáo sư, giảng viên, tình nguyện viên tham gia hoạt động giảng dạy, tổ chức hội thảo tại trường

Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa với các cơ sở giáo dục trong việc huy động được các nguồn lực từ các doanh nghiệp qua các hình thức khác nhau: Tài trợ trang thiết bị, tài liệu, sách phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; tặng học bổng cho HSSV; phái cử chuyên gia, các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm trong chuyên môn và kinh nghiệm quản lý đối với đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên của nhà trường. Những nguồn lực huy động từ doanh nghiệp giúp cho các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục đã chủ động, tích cực trong việc tìm kiếm và đề xuất các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các hoạt động trên đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của mỗi nhà trường. Trên thực tế, cơ sở giáo dục nào làm tốt nhiệm vụ hợp tác với doanh nghiệp thì chất lượng đào tạo được khẳng định, tỷ lệ HSSV tốt nghiệp nhanh chóng có việc làm ngày càng cao và được các doanh nghiệp và nhà sử dụng lao động đánh giá cao.

3. Đề xuất giải pháp

Để mô hình hợp tác doanh nghiệp trong các nhà trường ngày càng phát triển, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xác định rõ tầm quan trọng của hợp tác doanh nghiệp và đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu theo từng giai đoạn.

Thứ hai, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng cường nguồn lực, hệ thống qui định, quy trình đối với các hoạt động hợp tác doanh nghiệp; thành lập đơn vị chuyên trách về hợp tác doanh nghiệp và hỗ trợ việc làm cho HSSV để chủ động tìm kiếm đối tác phù hợp; thiết lập các kênh thông tin để kết nối nhà trường với doanh nghiệp trong việc cung cấp, trao đổi thông tin về nhu cầu, khả năng của hai bên;, thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng cho giảng viên và cán bộ phụ trách kiến thức, kỹ năng về phát triển quan hệ hợp tác doanh nghiệp.

Thứ ba, xây dựng cơ chế, chính sách quy định trách nhiệm và khuyến khích các đơn vị, cá nhân tham gia các hoạt động hợp tác doanh nghiệp nhằm phát huy tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở đảm bảo sự thống nhất quản lý của nhà trường và sự phối hợp có hiệu quả trong hoạt động hợp tác doanh nghiệp giữa các đơn vị trong trường. Đưa nhiệm vụ xây dựng quan hệ với doanh nghiệp vào bản mô tả công việc của giáo viên, giảng viên; khuyến khích và đầu tư nguồn lực vào các chương trình tư vấn, phối hợp trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa giảng viên nhà trường và các doanh nghiệp.

Thứ tư, xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, kế hoạch đào tạo và tổ chức Hội thảo linh hoạt, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Thứ năm, có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các chuyên gia ở các doanh nghiệp tham gia giảng dạy, phối hợp nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ việc làm cho HSSV.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020.

2. TS. Nguyễn Hồng Minh (2016). Thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực khu công nghiệp, Tạp chí Khoa học dạy nghề số 34 tháng 7/2016.

3. Trần Thúy Chinh (2017). Liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo: Kinh nghiệm một số trường đại học trên thế giới và gợi mở cho đại học Công nghiệp Hà Nội. Tạp chí Khoa học và Công nghệ số 38 tháng 2/2017.

4. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (2016). Sổ tay hỗ trợ việc làm.


STRENGTHENING THE COOPERATION BETWEEN SCHOOLS AND BUSINESSES TO MEET THE DEMANDS OF THE LABOR MARKET

PhD. BUI THI NGAN

MA. NGUYEN THI LE THUY

Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

In the context of integration and globalization, especially when the 4th Industrial Revolution (also known as Industry 4.0) poses new requirements and new challenges in terms of technical competence and skills to the source. Human resources, collaboration between schools and businesses is an inevitable requirement for the efforts of both parties to bring practical benefits to schools and businesses. The paper discusses the need for a collaborative effort between schools and businesses, some models of effective collaboration, and offers solutions to improve the effectiveness of school and corporate cooperation that meet the requirements of industrialization, modernization and international integration.

Keywords: Cooperative model, market, enterprise, labor market.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây