Tập đoàn Masan (MSN): Biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer vượt đỉnh lịch sử

Nhờ đẩy mạnh đổi mới, chiến lược “Go Global”, và các chiến lược kinh doanh xoay quanh văn hóa “Người Việt dùng hàng Việt”, biên lợi nhuận gộp năm 2023 của mảng tiêu dùng bán lẻ Masan Consumer thuộc Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN) đã lập đỉnh kỷ lục mới.

Biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer vượt đỉnh lịch sử

Masan Consumer
Việc triển khai mô hình ra mắt sản phẩm mới trên chuỗi hệ thống WinCommerce đã giúp gia tăng đáng kể doanh số của Masan Consumer.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN - sàn HoSE) cho thấy, bất chấp các thách thức kinh tế vĩ mô, mảng tiêu dùng bán lẻ - Masan Consumer tiếp tục có một năm kinh doanh “bùng nổ”, xô đổ loạt kỷ lục trước đây.

Cụ thể, luỹ kế cả năm 2023, Masan Consumer ghi nhận 29.066 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng tới 9% trên cơ sở Like-for-Like (LFL, mức tăng trưởng tại các cửa hàng hiện hữu). Trong khi đó, quy mô hàng tồn kho vẫn được duy trì ở mức lành mạnh.

Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer bật tăng lên mức 44,9% trong năm 2023, so với mức 40,1% trong năm 2022 trên cơ sở LFL. Theo đại diện Tập đoàn Masan, mức tăng trưởng ấn tượng trên đến từ cơ cấu sản phẩm có biên lợi nhuận cao, thương hiệu mạnh, giá nguyên liệu đầu vào thấp, và hiệu quả vận hành sản xuất đã được cải thiện.

Xét về các nhóm sản phẩm, nhóm sản phẩm Chăm sóc sức khỏe gia đình & cá nhân; Gia vị; và Thực phẩm tiện lợi đang là động lực tăng trưởng chính của Masan Consumer với mức tăng trưởng trong năm 2023 lần lượt là 39,4%, 18,2%, và 8,8% so với năm 2022.

Tập đoàn Masan cho biết, để đảm bảo sự ổn định của biên lợi nhuận trong năm 2024, Masan Consumer đã chốt phần lớn giá cho nguyên vật liệu sản xuất cho đến nửa cuối năm nay.

Trong năm vừa qua, các chiến lược đổi mới sáng tạo của Masan Consumer đã gặt hái các kết quả tích cực. Điển hình, việc triển khai mô hình ra mắt sản phẩm mới trên chuỗi hệ thống WinCommerce và các kênh bán hàng trực tuyến đã giúp tăng tỷ lệ thành công và tối ưu hoá thời gian ra mắt. Qua đó, giúp doanh thu đổi mới (doanh thu của các sản phẩm mới ra mắt, áp dụng đổi mới, sáng tạo) trong năm 2023 tăng 39% so với năm 2022, đạt gần 1.300 tỷ đồng.

Kiến tạo động lực tăng trưởng trung, dài hạn với chiến lược “Go Global”

Tập đoàn Masan
Masan Consumer tham gia triển lãm thực phẩm Quốc tế Seoul Food 2023.

Đối với kênh xuất khẩu, chiến lược “Go Global” đã mang về hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu cho Masan Consumer trong năm 2023. Qua đó, đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 31% cho giai đoạn 2020 - 2023.

“Go Global” hiện là một trong những chiến lược kinh doanh trọng tâm của Masan Consumer nhằm đạt mục tiêu nâng tỷ trọng doanh số kênh xuất khẩu lên mức 15% tổng doanh thu vào năm 2027. Với tỷ trọng hiện tại là 4%, Masan Consumer cần đặt mức tăng trưởng 2 - 3% mỗi năm, tương đương mức tăng gần 4 lần vào thời điểm 2027.

Theo đánh giá hiện tại của một số tổ chức tài chính, mục tiêu chiến lược trên của Masan Consumer có thể sớm đạt được khi Masan Consumer đã thâm nhập thành công hai thị trường “tỷ đô” của châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm 2023.

Ngoài ra, tại thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm tương ớt Chinsu của Masan Consumer đã vượt qua hơn 400 thương hiệu tương ớt (Chili Sauces) đang được bán trên sàn thương mại điện tử Amazon và lọt Top 8 Best Seller.

Giá cổ phiếu MSN Tập đoàn Masan Masan Consumer
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Kỳ vọng chuỗi WinCommerce của Tập đoàn Masan (MSN) sắp có lợi nhuận" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với thị trường nội địa, đại diện Tập đoàn Masan cho biết, Masan Consumer tiếp tục đẩy mạnh các chiến lược kinh doanh xoay quanh văn hóa “Người Việt dùng hàng Việt” như chiến lược cao cấp hóa sản phẩm dành riêng cho người tiêu dùng Việt đã được triển khai quyết liệt trong năm vừa qua.

Điển hình, Masan Consumer đã hợp tác với Phở Thìn Bờ Hồ - thương hiệu phở gia truyền tại Hà Nội với tuổi đời gần 700 năm, phát triển dòng sản phẩm ăn liền mới mang tên Phở Story. Đây là lần đầu tiên trên thị trường, một thương hiệu tiêu dùng hiện đại quy mô lớn kết hợp với một thương hiệu truyền thống để ra mắt sản phẩm tiện lợi mới.

Trong năm 2024, Masan Consumer đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần dự kiến từ 32.500 - 36.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của nhóm sản phẩm Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và Chăm sóc gia đình & cá nhân.

Đồng thời, Masan Consumer lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm (F&B) thông qua chiến lược “Go Global” nhằm đạt động lực tăng trưởng trung và dài hạn.

Duy Quang