Tập đoàn PAN: Dự kiến không chia cổ tức năm 2022, thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm 2023

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN sẽ trình cổ đông phương án không trả cổ tức năm 2022 và kế hoạch kinh doanh năm 2023 với nhiều điểm thận trọng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (mã chứng khoán: PAN - sàn: HoSE) nhận định các hoạt động kinh doanh trong năm nay sẽ gặp một số khó khăn từ biến động kinh tế vĩ mô cũng như sự suy giảm về cầu tiêu dùng từ thế giới cũng như nội địa. Do đó, kế hoạch kinh doanh của tập đoàn trong năm 2023 được xây dựng với kịch bản thận trọng.

Cụ thể, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất là 15.156 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 840 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và tăng 5,8% so với thực hiện trong năm 2022. Nếu đạt kế hoạch đề ra, Tập đoàn PAN dự kiến sẽ chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ thấp nhất là 5%.   

Về cổ tức của năm 2022, Tập đoàn PAN trình cổ đông không trả cổ tức để dành nguồn lực cho các hoạt động cân đối nguồn vốn và đầu tư phát triển. Tập đoàn sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 26/4 tại TP.Hồ Chí Minh. 

Giá cổ phiếu Tập đoàn PAN
 Diễn biến giá cổ phiếu PAN của Tập đoàn PAN từ đầu năm 2022 đến nay (Nguồn: FireAnt)

Các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn PAN gồm: chế biến thực phẩm, chế biến thuỷ sản và vật tư nông nghiệp. Trong năm 2023, lĩnh vực chế biến thực phẩm được Tập đoàn PAN dự kiến sẽ tăng trưởng tốt theo sự phục hồi dần của sức cầu thị trường nội địa. Cùng với đó, việc tung ra các sản phẩm mới sẽ giúp thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của mảng kinh doanh này.

Trong đó, riêng mảng bánh kẹo, doanh thu năm nay dự kiến tăng trưởng 15% và lợi nhuận trước thuế từ hoạt động cốt lõi có thể tăng trưởng mạnh hơn 2 lần so với năm 2022 (loại trừ lợi nhuận bất thường từ giao dịch chuyển nhượng nhà máy). Theo Tập đoàn PAN, biên lợi nhuận của hoạt động chế biến bánh kéo năm 2023 sẽ được cải thiện khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào (bột mì, trứng, sữa..) giảm trong khi đó giá bán sản phẩm được cải thiện nhẹ.

Doanh thu và lợi nhuận từ mảng kinh doanh các loại hạt dự kiến sẽ tăng trưởng trên 10% trong năm nay. Hoạt động xuất khẩu hạt sang các thị trường chính như Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ được nối lại khi các thị trường này mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sức tiêu thụ tại các thị trường mới như Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ suy giảm.

Đối với lĩnh vực chế biến thuỷ sản, Tập đoàn PAN dự báo hoạt động xuất khẩu thuỷ sản trong năm nay sẽ chịu tác động đáng kể khi đơn hàng sang các thị trường chính như Hoa Kỳ và EU sẽ giảm xuống do tình trạng lạm phát và mức tồn kho cao từ trong dịch. Tập đoàn PAN cũng cho biết thực tế lạm phát tại một số thị trường chính đã có dấu hiệu đạt đỉnh, sức mua được kỳ vọng có thể phục hồi từ nửa cuối năm nay nhưng các kế hoạch kinh doanh lĩnh vực chế biến thuỷ sản vẫn được xây dựng thận trọng trước các diễn biến phức tạp của kinh tế vĩ mô thế giới.

Trong đó, mảng cá tra được dự báo doanh thu giảm từ 3 – 5% và lợi nhuận sau thuế giảm 15 – 20% so với năm 2022; mảng tôm được dự báo sẽ có doanh thu năm 2023 tương đương với năm 2022 nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến có thể tăng tới 20% nhờ biên lợi nhuận được cải thiện khi toàn bộ diện tích ao tự nuôi được khai thác.   

Đối với lĩnh vực vật tư nông nghiệp, Tập đoàn PAN nhận định sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt do nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao, thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp. Doanh thu và lợi nhuận của các mảng này trong năm 2023 dự kiến tăng 10 – 15% so với năm 2022.

Trong năm 2022, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu 13.655 tỷ đồng, tăng 47,6% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 794 tỷ đồng, tăng 55,3% so với thực hiện trong năm 2021, hoàn thành 105% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/4, cổ phiếu PAN của Tập đoàn PAN tăng 0,86%, đạt 17.500 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất đạt hơn 1,5 triệu cổ phiếu.

Duy Quang