Thanh Hoá phủ sóng hàng Việt rộng khắp địa bàn tỉnh

Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Thanh Hóa đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam đến các tầng lớp nhân dân nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng tỷ lệ hàng Việt trong địa bàn tỉnh.

Nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn

Một trong các giải pháp thường xuyên để hàng nội địa đến gần hơn với người tiêu dùng là việc triển khai các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn do Sở Công Thương chủ trì phối hợp tổ chức trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ, với hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý và xuất xứ rõ ràng, giúp người tiêu dùng trong tỉnh ngày càng tin tưởng, ưa chuộng sản phẩm mang thương hiệu Việt.

hàng Việt
Thanh Hoá nỗ lực đưa hàng Việt về Nông thôn

Năm 2023, Sở Công Thương đã tổ chức 3 Phiên chợ kết nối cung - cầu về nông thôn tại các huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước vào quý III và IV. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng Việt Nam tổ chức các chương trình khuyến mại, đưa hàng Việt Nam về phân phối tại địa bàn, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp...

Ngoài ra, các doanh nghiệp thương mại lớn trong tỉnh như: Công ty TNHH Lan Sơn; Công ty TNHH TM Long Anh; Công ty TNHH Sơn Vũ... đã tổ chức đưa hàng về nông thôn thông qua hệ thống đại lý để phục vụ Nhân dân, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó chủ yếu là hàng Việt.

Để đẩy mạnh hơn nữa CVĐ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đang tích cực thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về mục đích, ý nghĩa của CVĐ. Từng bước nâng cao tỷ lệ người dân ưu tiên lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm, tiêu dùng. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, áp dụng các chế tài đủ sức răn đe để từng bước đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.

hàng Việt
Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt của tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại

Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm sản xuất trong nước nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Chủ động điều tra, khảo sát thị trường, nhu cầu tiêu dùng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khả năng cung cấp của các doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp xây dựng được các chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa, vừa đáp ứng thị hiếu, khả năng tiêu dùng của từng đối tượng và hàng Việt được phục vụ trực tiếp đến với mọi người dân. Thực hiện các hoạt động bình ổn thị trường, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá theo quy định của Nhà nước, nhất là trong những dịp lễ tết, bảo đảm ổn định về sinh hoạt và tiêu dùng cho nhân dân.

Đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối bán lẻ

Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có hệ thống phân phối hàng hóa bán lẻ gồm 389 chợ, 27 siêu thị, 2 trung tâm thương mại lớn, hơn 500 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Hệ thống này được phát triển rộng khắp từ thành thị tới các vùng nông thôn đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Nhờ đó, người dân được tiếp cận với các sản phẩm chất lượng, mang đến nhiều trải nghiệm; gia tăng các giá trị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, không chỉ đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, mà còn góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao ở nhiều địa phương...

hàng Việt
Phủ sóng hàng Việt trong các siêu thị

Hơn 2 năm xuất hiện trên thị trường Thanh Hóa, hệ thống Siêu thị The City hiện đã có mặt tại 6 huyện: Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn và Hậu Lộc. Sự góp mặt của hệ thống siêu thị này giúp người dân Thanh Hóa thêm cơ hội được tiếp cận với hệ thống bán lẻ hiện đại.

Các mặt hàng đang bày bán tại siêu thị chủ yếu là hàng Việt Nam, được bán theo giá niêm yết trên từng sản phẩm. Hiện lượng khách vào tham quan, mua sắm tại siêu thị bình quân khoảng 700 lượt/ngày và đang có xu hướng tăng dần.

Theo đề nghị của Sở Công Thương Thanh Hoá về việc tham gia các hoạt động bình ổn thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như tổ chức các phiên chuyên bán hàng Việt lưu động tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Công ty CP Tập đoàn Miền núi đã xây dựng phát triển chuỗi siêu thị đóng tại 11 huyện miền núi và các cửa hàng tự chọn, các điểm, quầy bán hàng tại một số xã trong huyện với trên 90% hàng hóa sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có một số doanh nghiệp đã và đang xây dựng, phát triển chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi như: hệ thống siêu thị The City; hệ thống cửa hàng Winmart+ đang từng bước mở rộng địa bàn hoạt động về các huyện nông thôn trong tỉnh, tạo nhiều cơ hội cho người dân nông thôn được thuận lợi, dễ dàng mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu nhằm từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam. Nhờ đó, người tiêu dùng đã thay đổi dần thói quen mua sắm; hàng hóa thương hiệu Việt đã được đa số người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

hàng Việt
Hàng Việt trong siêu tjij Nơ Trang Long ở thị trấn Nông Cống

Đưa hàng Việt lên sàn TMĐT

Căn cứ vào Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương đã vạch ra nhiều định hướng để phát triển kinh tế số với mục tiêu thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa gắn với TMĐT đối với doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Hiện, sở đã thực hiện ký kết hợp đồng chuyên môn với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhằm triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bán hàng thông qua sàn giao dịch TMĐT uy tín trong nước nhằm đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thông qua TMĐT. Cụ thể, sở đã xây dựng nhiều gian hàng trên các sàn TMĐT như thuongmaidientu.vn, voso.vn, postmart nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các hàng hóa của các thành phố, huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai ứng dụng TMĐT, thiết lập website riêng tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và tiến hành giao dịch kinh doanh của đơn vị mình trên internet nhằm phát huy năng lực sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

hàng Việt
Hiện, đã có gần 300 sản phẩm nông sản của Thanh Hóa được đưa lên các sàn bán hàng trực tuyến

Với những lợi thế riêng, các sàn TMĐT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thêm nhiều chương trình quảng bá rộng rãi để thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa. Điển hình là chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” với mong muốn tạo nên không gian mua bán hiện đại, được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng cùng sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ của bên trung gian là sàn TMĐT Thanh Hóa. Hiện, đã có gần 300 sản phẩm nông sản của Thanh Hóa được đưa lên các sàn bán hàng trực tuyến từ các sản phẩm nông sản sơ chế, chế biến, như chè, cà phê đến các loại hoa quả sấy khô, sản phẩm quả tươi, như dưa, xoài, nhãn, chanh leo, mật ong... Đặc biệt có hơn 50 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản được đăng tải lên sàn. Các sản phẩm trên sàn đều có hình ảnh, thông tin mô tả cụ thể, nguồn gốc xuất xứ, đạt từ 3 - 5 sao giúp người tiêu dùng dễ tìm hiểu và lựa chọn. Bên cạnh đó, những bất lợi trong việc sử dụng các tiện ích, dịch vụ thanh toán của ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán trong giao dịch TMĐT cũng được Sở Công Thương lên phương án tháo gỡ; khuyến cáo, cảnh báo các thủ đoạn, hành vi lừa đảo, gian lận thương mại và hàng giả, đánh cắp thông tin, tài khoản...

Nguyên Vỵ