Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự từ thực tiễn thành phố Hà Nội: Thực trạng và một số giải pháp

TRẦN TRỌNG HOÀN (Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội, Học viên cao học, Học viện Khoa học xã hội)

TÓM TẮT:

Vấn nạn “tín dụng đen” đã gây ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống. Công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (GDDS) cần phải được tiến hành hiệu quả, nghiêm minh để góp phần ngăn chặn loại tội phạm này. Bài viết đề cập đến thực trạng thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS từ thực tiễn TP. Hà Nội và kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Từ khóa: giao dịch dân sự, quyền công tố, truy tố vụ án, cho vay lãi nặng, tội phạm.

1. Đặt vấn đề

Theo quy định của Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân thì Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm cho vay lãi nặng (CVLN) trong GDDS nói riêng với vai trò quyết định truy tố bị can phạm tội CVLN trong GDDS ra trước Tòa án để xét xử. Trong bài viết, tác giả phân tích một số kết quả đã đạt được và chỉ ra những vấn đề còn tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới trong công tác thực hành quyền công tố (THQCT) trong giai đoạn truy tố đối với tội CVLN trong GDDS giai đoạn 2017 - 2021.

Tại TP. Hà Nội, trong những năm qua nhóm tội phạm phát sinh từ quan hệ vay mượn tài sản nói chung, về tội CVLN trong GDDS nói riêng được điều tra, truy tố, xét xử có chiều hướng gia tăng, nhưng tỷ lệ vụ án CVLN trong GDDS mà các cơ quan tố tụng phát hiện và xử lý chưa phản ánh được tình trạng tội phạm “ẩn” của loại tội này diễn ra trên thực tế. Theo thống kê của VKSND TP. Hà Nội, từ năm 2017 - 2021, VKSND 2 cấp Thành phố đã thụ lý 58 vụ/182 bị can, trong đó khởi tố 41 vụ/130 bị can; truy tố, xét xử 38 vụ/117 bị can phạm tội CVLN trong GDDS.

2. Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thời gian qua

2.1. Những kết quả đạt được

Kết quả thực hiện trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và khởi tố, điều tra tội CVLN trong GDDS

Sau khi vụ việc có dấu hiệu tội phạm CVLN trong GDDS được khởi tố theo quy định, kiểm sát viên được phân công THQCT, kiểm sát điều tra kiểm sát chặt chẽ trong suốt quá trình điều tra; kết hợp nghiên cứu, đánh giá tính hợp pháp và tính có căn cứ của các tài liệu, chứng cứ từ Cơ quan điều tra (CQĐT) để định hướng điều tra vụ việc, cụ thể:

Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, tổng số vụ việc về tội CVLN trong GDDS VKSND 2 cấp TP. Hà Nội đã thụ lý 58 vụ/182 bị can, trong đó: năm 2017 và năm 2018 thụ lý 0 vụ/0 bị can; năm 2019 thụ lý 6 vụ/28 bị can, năm 2020 thụ lý 16 vụ/32 bị can, năm 2021 thụ lý 36/122 bị can. Công an 2 cấp TP. Hà Nội đã khởi tố mới 41 vụ/130 bị can về tội CVLN trong GDDS, trong đó: năm 2019 (6 vụ/28 bị can); năm 2020 (11 vụ/24 bị can) và năm 2021 (24 vụ/78 bị can). Tính đến kỳ thống kê, CQĐT đã kết luận điều tra đề nghị Viện Kiểm sát truy tố: 38 vụ/117 bị can; trong đó, năm 2019 CQĐT Công an đã đề nghị truy tố 3 vụ/17 bị can; năm 2020 đề nghị truy tố 11 vụ/18 bị can, tạm đình chỉ 1 vụ/2 bị can; năm 2021 đề nghị truy tố 24 vụ/82 bị can, tạm đình chỉ 1 vụ/0 bị can. Những số liệu như trên cho thấy tình hình tội phạm tội CVLN trong GDDS trên địa bàn TP. Hà Nội thời gian qua diễn ra rất phức tạp.

Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố vụ án hình sự

Từ năm 2017 - 2021, trong giai đoạn truy tố, VKSND đã thụ lý tổng số 38 vụ/130 bị can, trong đó đã truy tố 36 vụ/112 bị can, chiếm tỷ lệ 94,74% vụ án/86,2% bị can. Đặc biệt, tỷ lệ vụ án và bị cáo đã truy tố về loại án này từ năm 2019 đến nay đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, không có trường hợp nào đình chỉ và tạm đình chỉ vụ án, bị can trong giai đoạn truy tố. Theo phân loại, năm 2020 truy tố 19 bị can trong đó có 17 bị can phạm tội ít nghiêm trọng, 2 bị can phạm tội nghiêm trọng; năm 2021 truy tố 76 bị can trong đó có 49 bị can phạm tội ít nghiêm trọng và 27 bị can phạm tội nghiêm trọng. Tỷ lệ truy tố tập trung cao vào năm 2021, VKSND đã truy tố 24 vụ/76 bị can đã chiếm tổng số 63,2% vụ án/58,5% bị can trong tổng thụ lý truy tố tội phạm này.

2.2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tố tụng đối với vụ án CVLN trong GDDS vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:

- Trong những năm qua, mặc dù việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hành vi CVLN trong GDDS đã được chú trọng nên đã có những chuyển biến tích cực, số vụ án, bị can được xử lý đã tăng lên. Tuy nhiên trên thực tế tỷ lệ ẩn của loại tội phạm này còn cao, tỷ lệ khám phá và xử lý còn thấp. Tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội tuy được xác định có hành vi phạm tội CVLN trong GDDS nhưng chưa thể xử lý vì nhiều lý do, dẫn đến loại tội phạm này ngày càng gia tăng, “tập trung vào các quận trung tâm, có mật độ dân cư đông, tốc độ phát triển kinh tế nhanh và mạnh”[1].

- Trong quá trình giải quyết vụ án CVLN trong GDDS vẫn còn tồn tại một số hạn chế khác:

Thứ nhất, một số vụ việc có dấu hiệu của CVLN trong GDDS, các đối tượng CVLN có nhiều thủ đoạn tinh vi như tất cả những thỏa thuận đều chỉ giao dịch bằng miệng, còn trong giấy vay mượn nợ chỉ ghi số tiền nợ gốc và không ghi lãi suất phải trả cho số tiền vay, hoặc có ghi lãi suất nhưng lãi suất không đúng với thực tế; còn có trường hợp thay vì viết các hợp đồng vay tài sản, các đối tượng lập các hợp đồng mua bán tài sản, đến thời điểm trả nợ nếu bị hại chưa trả được nợ các đối tượng sẽ chiếm đoạt tài sản trên... Điều này dẫn tới khi CQĐT điều tra các vụ án phát sinh từ hoạt động tín dụng đen thì không đủ chứng cứ, tài liệu để khởi tố vụ án vì không có tài liệu chứng minh việc cho vay nặng lãi[2].

Thứ hai, trong quá trình giải quyết vụ án CVLN trong GDDS vẫn còn việc Tòa án trả hồ sơ VKSND để điều tra bổ sung, VKSND trả hồ sơ CQĐT điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố; tạm đình chỉ vụ án do bị can, bị cáo bỏ trốn trong giai đoạn truy tố, xét xử,... Điều này cho thấy, chất lượng THQCT trong giai đoạn truy tố đối với tội CVLN trong GDDS vẫn còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến tiến độ chung giải quyết vụ án.

Bảng: Thống kê số lượng hồ sơ điều tra

thong-ke-so-luong-ho-so-ieu-tra Nguồn: Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội

Thứ ba, tội CVLN trong GDDS là loại tội ít nghiêm trọng, nên khó áp dụng biện pháp tạm giam đối với các đối tượng để điều tra. Thời hạn tạm giam điều tra cũng bị hạn chế, áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố lại càng khó thực hiện. Vì vậy, việc chứng minh hành vi phạm tội khó thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng truy tố của VKSND.

- Hạn chế từ cán bộ thụ lý vụ việc: Trong giai đoạn truy tố, kiểm sát viên (KSV) phải xác định được lãi suất là bao nhiêu và nắm được cách tính lãi suất, kết luận được lãi suất này vượt quá bao nhiêu lần so với lãi suất được quy định trong Bộ luật Dân sự, làm rõ số tiền vay, thời gian vay, ngày trả, lãi suất, số tiền đã thu được, số tiền chưa thu được,… được thể hiện rõ ràng, đầy đủ trong báo cáo đề xuất và cáo trạng trình lãnh đạo. Ngoài ra, KSV còn chưa chú ý xử lý những mâu thuẫn còn tồn tại trong vụ án CVLN trong GDDS như trường hợp các bên thỏa thuận bằng các ký hiệu riêng, giải thích chưa rõ, giải thích “nước đôi” trong giai đoạn điều tra… mà chưa chú trọng thực hiện phúc cung đầy đủ trong giai đoạn truy tố để làm rõ các ký hiệu, mật mã đã thỏa thuận. Việc này dẫn đến tình trạng khi ra Tòa, các đối tượng giải thích theo hướng khác có lợi hơn, bị Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung; hay chưa chú trọng củng cố chứng cứ từ phía người tham gia tố tụng nên xảy ra trường hợp sau khi đã khai nhận ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra đến giai đoạn truy tố, xét xử người đi vay phủ nhận hết lời khai tại các giai đoạn tố tụng trước. Ngược lại, có trường hợp đến giai đoạn truy tố, do được KSV phân tích, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới khai thêm nội dung có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án đến khi Viện kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung, thu thập chứng cứ thì các đối tượng cho vay đã tẩu tán hợp đồng đến những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng, sau đó xóa chứng cứ nên rất mất thời gian khôi phục; có trường hợp chứng cứ chỉ là lời khai của người vay, không đối chất được với đối tượng cho vay do đối tượng đã bỏ đi khỏi địa phương;…

- Công tác THQCT trong giai đoạn truy tố đối với tội CVLN trong GDDS chưa chú ý tổng hợp nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm để kịp thời kiến nghị với cơ quan, tổ chức có biện pháp phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen” đang có xu hướng gia tăng về số lượng, tính chất, quy mô và mức độ.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác

3.1. Hoàn thiện các quy định pháp luật

Thứ nhất, THQCT trong giai đoạn truy tố là hoạt động thực hiện chức năng của Viện Kiểm sát một cách độc lập nên phải có người có thẩm quyền của VKSND tiến hành tố tụng. Thực tiễn cho thấy KSV được được phân công THQCT trong giai đoạn khởi tố, điều tra được Lãnh đạo Viện phân công đảm nhiệm luôn THQCT trong giai đoạn truy tố để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự, tuy nhiên. Hiện nay, ngành KSND chưa quy định cụ thể bằng quyết định phân công, nói cách khác trong hồ sơ vụ án không có quyết định phân công Phó Viện trưởng, Kiểm soát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố. Từ vấn đề trên dẫn tới trong giai đoạn truy tố, các tài liệu, chứng cứ do KSV trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra và hoạt động tố tụng khác trong giai đoạn truy tố chưa có văn bản pháp lý để thừa nhận nhưng vẫn mặc nhiên công nhận là hợp pháp[3]; khi xảy ra vi phạm pháp luật trong giai đoạn truy tố chưa rõ có căn cứ để quy kết trách nhiệm. Do vậy, cần bổ sung quy định tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng hình sự về nhiệm vụ quyền hạn của KSV khi THQCT trong giai đoạn truy tố; sửa đổi, bổ sung ban hành mẫu quyết định phân công trong giai đoạn truy tố để áp dụng trong toàn ngành.

- Trong giai đoạn truy tố, VKSND kiểm tra đánh giá toàn diện chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, đánh giá lại các hành vi, quyết định tố tụng của CQĐT trong giai đoạn tố tụng trước để quyết định việc truy tố; khi VKSND phát hiện có vi phạm pháp luật trong giai đoạn truy tố, trực tiếp tiến hành điều tra độc lập (chỉ trả hồ sơ điều tra bổ sung khi không thể tự tiến hành điều tra độc lập) thì phải được tiến hành đầy đủ các biện pháp điều tra (khi xét thấy cần thiết). Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động điều tra của Viện Kiểm sát trong giai đoạn truy tố bị giới hạn các biện pháp điều tra và thời hạn truy tố theo quy định pháp luật. Do vậy, phải sửa đổi quy định về việc tiến hành điều tra của VKSND bằng cách tăng cường quyền điều tra và thời hạn trong giai đoạn truy tố, CQĐT có trách nhiệm hỗ trợ Viện Kiểm sát điều tra khi có đề nghị. Hoạt động này có ý nghĩa tiếp tục thực hiện chuỗi tố tụng một cách trực tiếp, liên tục, không làm gián đoạn do quá trình trả hồ sơ đối với việc khắc phục và củng cố chứng cứ trong hồ sơ.

- Đối với tội CVLN trong GDDS, theo tác giả việc vay mượn tiền, tài sản có lãi suất là quan hệ dân sự tự nguyện, có sự thỏa thuận của các bên. Căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khoản tiền cho vay gốc, khoản tiền lãi đến 20%, khoản tiền lãi vượt 20% là GDDS được pháp luật ghi nhận và điều chỉnh bằng các quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự. Phần lãi suất vượt quá 20% không có hiệu lực và có thể áp dụng chế tài dân sự để xử lý. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các khoản lãi được pháp luật quy định, khoản tiền lãi vượt 20% cần được xác định và giải quyết theo nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Theo đó, phần giao dịch CVLN phải được xác định tương ứng với các quy định về GDDS bị vô hiệu từng phần do vi phạm điều cấm của pháp luật, xử lý hậu quả của GDDS vô hiệu từng phần, lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn theo các quy định tại Điều 123, 130, 131, 468 Bộ luật Dân sự năm 2015[4], nên khoản tiền gốc cho vay, khoản tiền lãi đến 20% cần được trả cho người cho vay; khoản tiền lãi vượt quá 20%/năm được trả lại cho người đi vay, trừ trường hợp họ sử dụng tiền vay vào mục đích vi phạm pháp luật thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.

Mặt khác, hành vi CVLN hoàn toàn có thể được giải quyết bằng các biện pháp khác như hoàn thiện các quy định, thủ tục về vay vốn ngân hàng, tín dụng, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn, vay với lãi suất thấp hơn đáng kể so với “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, có thể giải quyết bằng biện pháp phi hình sự như cơ chế khởi kiện trong dân sự đối với giao dịch cho vay, trong đó tòa án sẽ tuyên bố vô hiệu các giao dịch vi phạm về lãi suất thì không nhất thiết phải xử lý hành vi này bằng biện pháp hình sự[5], hay tăng nặng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này… Vì vậy, có thể nghiên cứu xu hướng phi tội phạm hóa đối với tội CVLN trong giao dịch trong thời gian tới.

3.2. Tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp

Để thực hiện tốt công tác này, VKSND các cấp cần tập trung thực hiện một số việc:

+ Hoàn thiện quy chế tổ chức, hoạt động của đơn vị theo đúng quy định pháp luật, phương thức làm việc, mối quan hệ giữa cấp trên, cấp dưới và cách thức giải quyết những trường hợp có quan điểm xử lý khác nhau giữa Cơ quan điều tra với Viện Kiểm sát, giữa KSV với lãnh đạo Viện trong việc xử lý các tội phạm phát sinh từ quan hệ vay mượn tài sản nói chung, tội phạm về CVLN trong GDDS nói riêng.

+ Hoàn thiện hệ thống các tiêu chí thống kê, thi đua để bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, giảm tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để đánh giá chất lượng hiệu quả công tác của đơn vị và mỗi cá nhân được phân công.

+ Lãnh đạo Viện cần thường xuyên kiểm tra nghiệp vụ của KSV để kịp thời phát hiện những thiếu sót, kịp thời chấn chỉnh khắc phục, tổ chức rút kinh nghiệm đối với những vụ án phức tạp, dư luận địa phương quan tâm.

3.3. Nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp giải quyết án giữa Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra; Viện Kiểm sát và Tòa án

- Mối quan hệ giữa CQĐT và VKS rất quan trọng và cần thiết, quyết định sự thành công, bảo đảm tính hiệu quả trong việc chứng minh tội phạm, thu thập chứng cứ để buộc tội; và vai trò quyết định việc buộc tội cũng như quá trình buộc tội tại phiên tòa của KSV trước sự điều hành của Hội đồng xét xử. Do đó, bên cạnh các văn bản hướng dẫn của liên ngành tư pháp Trung ương, cần phải xây dựng quy chế phối hợp trong suốt quá trình tố tụng từ khi tiếp nhận, thụ lý giải quyết tin báo tố giác tội phạm đến khi kết thúc điều tra, truy tố, xét xử.

- Bên cạnh đó, giữa VKSND và CQĐT, cụ thể là KSV và điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án đều có cùng mục đích là phát hiện kịp thời và xử lý hành vi phạm tội, cùng thực hiện chức năng buộc tội trong tố tụng hình sự nên phải thường xuyên phối hợp, trao đổi tiến độ giải quyết và thống nhất với nhau. Khi trước khi kết thúc điều tra, KSV và điều tra viên phải thống nhất với nhau những vấn đề còn mâu thuẫn, những vấn đề đã làm rõ, những vấn đề cần tiếp tục làm rõ để bảo đảm chứng cứ phục vụ truy tố, xét xử.

3.4. Nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức

- Nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, KSV là một yêu cầu tất yếu, nếu không được trau dồi đạo đức và rèn luyện ý thức chính trị thì rất dễ bị sa ngã trước những “cám dỗ” trong quá trình xử lý tội phạm “tín dụng đen”. Bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ, cập nhật các quy định pháp luật; tính chất, thủ đoạn phạm tội; các vướng mắc, bất cập thường gặp trong quá trình xử lý vụ án cho cán bộ, KSV.

- Nhà nước cần đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm như: công nghệ khôi phục dữ liệu máy tính, máy ghi âm, ghi hình có âm thanh… để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chứng minh tội phạm và buộc tội của VKSND.

- Xây dựng chế độ lương theo chức danh nghề nghiệp và điều chỉnh chế độ lương, phụ cấp cho công chức, cán bộ hợp lý để động viên, phát huy năng lực và thu hút cán bộ có trình độ thực sự thực hiện để chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

3.5. Nâng cao hiệu quả, chú trọng chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới nhân dân

VKSND trực tiếp tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân về chính sách, quy định pháp luật về giao dịch vay tài sản, chính sách pháp luật hình sự về tội phạm CVLN trong GDDS và tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn cũng như hậu quả của việc vay từ “tín dụng đen”; phối hợp với hệ thống tín dụng có phương pháp tuyên truyền tạo niềm tin của người dân đối với hệ thống tổ chức tín dụng, làm thay đổi tư tưởng và thói quen đi vay “tín dụng đen” trong nhân dân, từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa chung.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến cho người dân những tình huống người phạm tội thường lợi dụng, mở rộng quyền tham gia góp ý kiến của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu kiến thức pháp luật. Nâng cao hoạt động vận động quần chúng tham gia phòng ngừa, ngăn chặn và trấn áp tội phạm CVLN trong GDDS và tội phạm liên quan, chú trọng xây dựng mô hình tổ chức quần chúng chủ động phát hiện và tố giác tội phạm nói chung; xây dựng hình thức, biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia phối hợp phòng, chống tội phạm và hợp tác với cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội (2021). Báo cáo kết quả giải quyết các vụ án phát sinh từ quan hệ vay mượn tài sản, tr.3

(2) Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội (2021). Báo cáo kết quả giải quyết các vụ án phát sinh từ quan hệ vay mượn tài sản, tr.5.

(3) Quan Tuấn Nghĩa (2018). Chức năng thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân. Tạp chí Kiểm sát, 15(8), 38.

(4) Hoàng Thế Anh (2019). Bàn về giải quyết xung đột pháp luật trong xử lý hành vi cho vay nặng lãi. Tạp chí Kiểm sát, 22(11), 28.

(5) Hà Lệ Thủy (2021). Phòng ngừa tội phạm cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự dưới góc độ tội phạm học ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, 48, 91-92.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, Thống kê kết quả điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự 2 cấp Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội các năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021.
  2. Quan Tuấn Nghĩa (2018). Chức năng thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân. Tạp chí Kiểm sát, 15(8), 38.
  3. Hoàng Thế Anh (2019). Bàn về giải quyết xung đột pháp luật trong xử lý hành vi CVLN. Tạp chí Kiểm sát, 22(11), 28.
  4. Hà Lệ Thủy (2021). Phòng ngừa tội phạm cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự dưới góc độ tội phạm học ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, 48, 91-92,

 

CONDUCTING THE PROSECUTION FOR THE LOAN-SHARKING CRIME

IN CIVIL TRANSACTIONS BASED ON THE PRACTICE IN HANOI

CITY: CURRENT SITUATION AND SOME SOLUTIONS

TRAN TRONG HOAN

Dan Phuong District People's Procuracy

Master’s student, Graduate Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

The loan-sharking issue has negatively affected many social aspects. The prosecution for the loan-sharking crime in civil transactions must be conducted effectively and strictly to prevent this type of crime. This paper presents the actual situation of exercising the right of prosecutors in the prosecution period of loan-sharking crime in civil transactions based on the practice in Hanoi city. The paper also proposes some solutions to improve the effectiveness of the prosecution for the loan-sharking crime in civil transactions.

Keywords: civil transactions, prosecutorial power, prosecution, loan-sharking, crime.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2022]