Tỉnh Bình Thuận được đánh giá là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước, lượng mưa trung bình hàng năm theo số liệu của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ chỉ đạt khoảng 1024mm, lượng mưa ở đây không đủ cân bằng với tổng lượng bốc hơi và biến động mạnh theo thời gian.
Mùa khô thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến gần hết tháng 4 năm sau, mùa mưa thường qua nhanh, số ngày mưa trung bình nhiều năm chỉ đạt từ 40 đến 130 ngày và lượng nước mưa không đủ tích lũy cho hệ thống ao hồ, sông suối. Do vậy, ngay cả trong những năm bình thường, Bình Thuận vẫn luôn trong tình trạng thiếu nước, điển hình là mùa khô năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán.
Hiện nay đa phần lượng nước phục vụ cho hệ thống tưới tiêu và sinh hoạt phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc cấp nước của khoảng 12 hồ chứa lớn hiện có trên địa bàn tỉnh như hồ Cà Giây, Sông Quao...và nguồn nước qua chạy máy phát điện của các nhà máy Thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận.
Để đảm bảo cung cấp nước phục vụ cho canh tác đất nông nghiệp và cây trồng cũng như đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho người dân trong năm 2021 và có phương án đối phó khi xảy ra tình huống hạn hán khẩn cấp như năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn số 1880/SNN-PTNT ngày 05/6/2020 gửi Công ty về việc đăng ký nhu cầu dùng nước thủy điện Đại Ninh phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt năm 2021.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, năm 2021 tổng diện tích gieo trồng được tưới từ công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn hai huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc là 27.260 ha/vụ (trong đó diện tích cây lúa: 14.893 ha, cây thanh long: 12.367 ha) và lượng nước tưới này chủ yếu phụ thuộc vào lưu lượng chạy máy của Thủy điện Đại Ninh và lượng nước cấp từ hồ thủy lợi Cà Giây và Sông Quao.
Nhận thức được vấn đề quan trọng, Công ty đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận xây dựng chi tiết kế hoạch sản xuất điện và khai thác hồ chứa nước trên cơ sở các phương án mực nước hồ tích lũy đầu năm 2021 của hồ chứa thủy điện Đại Ninh theo công văn 1880/SNN-PTNT nhằm đảm bảo nhu cầu cấp nước hạ du theo diện tích canh tác.
Ngay từ quý IV/2020, được sự chỉ đạo và phối hợp của Tổng công ty Phát điện 1 và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Công ty đã luôn quan tâm đến việc tích nước để đảm bảo phương án cấp nước, chống hạn tốt nhất cho địa bàn tỉnh Bình Thuận trong mùa khô năm sau.
Do đó, đầu năm 2021, Mực nước hồ chứa đạt Mực nước dâng bình thường (đầy hồ, 880,0m, dung tích hữu ích 251 triệu m3). Với mực nước như vậy, tương ứng với phương án 4 trong kế hoạch đăng ký sử dụng nước theo công văn 1880/SNN-PTNT, UBND tỉnh Bình Thuận có thể sản xuất tối đa diện tích canh tác lúa 14.893 ha.
Qua 5 tháng vận hành đầu năm 2021 nhà máy Thủy điện Đại Ninh đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước hạ du theo phương án đã đề ra và vận hành hồ chứa theo đúng quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Thủy điện Đại Ninh đã phát được sản lượng 427 triệu kWh và cung cấp 278 triệu m3 nước cho hạ du tỉnh Bình Thuận.
Việc UBND tỉnh Bình Thuận xây dựng và đưa vào vận hành kịp thời hồ Sông Lũy đã tiết kiệm đáng kể nguồn nước cho địa phương và tạo điều kiện tốt hơn cho Công ty trong việc chào giá trên thị trường điện.
Với Mực nước hồ hiện tại ngày 25/5/2021 là 866.5m (cách mực nước chết 6.5m, dung tích hữu ích còn lại 57 triệu m3), trong thời gian tới, để đảm bảo hài hòa về sản xuất điện và đáp ứng đủ nhu cầu cấp nước hạ du, phía Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính toán, điều chỉnh nhu cầu cấp nước hạ du cho những tháng còn lại theo thực tế diễn biến thời tiết.
Phối hợp Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia tính toán, chào giá, lập kế hoạch huy động các tổ máy phát điện tuân thủ các quy định pháp luật về khai thác nước mặt, cung cấp đủ điện cho hệ thống và luôn đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo đầy đủ cấp nước cho hạ du trong các tháng còn lại năm 2021 cũng như năm 2022.