Tiếp cận công nghiệp hỗ trợ dưới góc độ công nghệ sản xuất

Trung tâm hỗ trợ công nghệ sẽ đặc biệt sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam đang ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài đã thiết lập nhiều nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam. Điều đó cho thấy sự kỳ vọng vào việc cắt giảm chi phí vận chuyển và rủi ro, tạo cơ hội lớn cho các nhà cung cấp phụ tùng trong nước phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, nhìn một cách thực tế, CNHT của chúng ta cũng đang có nhiều bất lợi. Như chi phí về nhân công của Việt Nam đang dần không rẻ. Hay sự tham gia của các ngành CNHT của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI vẫn còn rất thấp. Đồng thời, CNHT Việt Nam mới chỉ sản xuất được những sản phẩm, chi tiết đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp. Hiện vẫn chưa có nhà máy nào đầu tư chế tạo các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ có 1.400 công ty Việt Nam, hầu hết được xếp hạng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia vào các ngành công nghiệp hỗ trợ. Và chỉ 1/5 số họ đáp ứng được các tiêu chí để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khó khăn trong việc phát triển CNHT có thể được khái quát trong 3 vấn đề chính: (1) Nhu cầu các loại linh kiện chi tiết nhiều nhưng không lớn nên việc đầu tư công nghệ mới là không hiệu quả. (2) Mức độ liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp còn khép kín chưa khai thác được năng lực sẳn có của nhau để tăng năng lực chung. (3) Năng lực công nghệ (thiết bị, con người) lạc hậu.

Giải pháp được đưa ra là cần phải có tư duy sản xuất lớn, đầu tư một công nghệ không chỉ sản xuất một loại chi tiết mà cần phải sản xuất nhiều loại chi tiết khác nhau cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Đi theo hướng này, công nghệ chế tạo là vấn đề cần quan tâm nhất, chúng ta cần tiếp cận CNHT dưới góc độ công nghệ sản xuất. Nên coi các công nghệ cơ bản để sản xuất như là hạ tầng cơ sở của CNHT, cần phải có hạ tầng cơ sở vững chắc thì mới có thể phát triển và tiếp cận công nghiệp 4.0.

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp đón sát được với nhu cầu đặt hàng của nhà đầu tư? Làm thế nào để cái nhà đầu tư cần cũng là cái mà doanh nghiệp mong muốn thực hiện đồng thời gia tăng liên kết doanh nghiệp.

Để có được câu trả lời, chúng ta có thể tham khảo mô hình hoạt động của Trung tâm công nghệ công lập địa phương (LPTC) - KOHSETSUSHI. Trung tâm này là cầu nối gặp gỡ giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư của Nhật Bản. Trung tâm này có đủ năng lực để nghiên cứu phát triển, tư vấn kỹ thuật, tư vấn phát triển nhân lực, kiểm nghiệm, từ đó kết nối các doanh nghiệp và cung cấp thông tin tin cậy trong lĩnh vực CNHT.

Trở lại với thị trường Việt Nam, chúng ta rõ ràng rất cần hình thành các Trung tâm hỗ trợ công nghệ tương tự như vậy- nơi tập hợp các chuyên gia đầu ngành, những người có sự hiểu biết chuyên sâu về các công nghệ tiên tiến đang được update hàng ngày trên thế giới, và cũng đồng thời là những chuyên gia “hiểu Việt Nam nhất”, nắm rõ hiện trạng công nghệ của các cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhất.

Trên cơ sở đó, các TT hỗ trợ công nghệ sẽ có sự tư vấn hiệu quả cho nhà đầu tư về các ngành có tiềm năng xuất khẩu như hóa dầu, chế biến nông sản xuất khẩu, kinh tế biển, công nghệ thông tin, ôtô… Còn với doanh nghiệp sẽ giúp chỉ ra đâu là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để đi trong vô số những con đường phía trước. Chúng tôi kỳ vọng, Trung tâm hỗ trợ công nghệ sẽ đặc biệt sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ - đang được biết đến như là chìa khóa quan trọng nhất cho sự thành công.

Việt Nam nên hình thành các TTHTCN theo chuyên môn, chứ không cứng nhắc theo đơn vị hành chính hay địa lý. Trung tâm này sẽ làm nhiệm vụ tư vấn, với những việc cụ thể như: Tư vấn cho doanh nghiệp sử dụng vật liệu gì, nhập khẩu hay sản xuất trong nước, kiểm tra, kiểm định ở đâu; Tư vấn kĩ thuật cho doanh nghiệp cần đầu tư về đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cấp công nghệ,…; Đồng thời là đơn vị kết nối cung cầu; Đào tạo nâng cao trình độ nhân lực cho doanh nghiệp…

Đối với lĩnh vực cơ khí các công nghệ chính có thể kể ra đó là hàn, đúc, rèn dập, gia công cơ khí, thiết kế chế tạo khuôn mẫu, nhiệt luyện và xử lý bề mặt. Ứng với mỗi công nghệ, hay nhóm công nghệ cần có một TTHTCN. Ví dụ như Viện Công nghệ với năng lực nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, chuyển giao ứng dụng công nghệ lĩnh vực đúc; Lĩnh vực nhiệt luyện; Lĩnh vực Gia công cơ khí. Đồng thời thiết kế, chế tạo các thiết kế, chế tạo các thiết bị cho ngành đúc, nhiệt luyện, như kiểm tra chất lượng vật tư đầu vào, chất lượng sản phẩm đầu ra cho ngành cơ khí chế tạo như: Xác định thành hoá học, cơ tính, kim tương tổ chức vật liệu gang thép, các loại hợp kim. Sản xuất quy mô nhỏ các sản phẩm chất lượng: đúc các sản phẩm thép hợp kim đặc biệt, thép chịu ăn mòn, thép chịu nhiệt, gang cầu; nhiệt luyện khuôn, nhiệt luyên thấm bắng răn; gia công khuôn kim loại, thì Viện Công nghệ có thể trở thành một TTHTCN với chuyên môn: đúc, nhiệt luyện và xử lý bề mặt. Trong các chuyên môn này các lĩnh vực hoạt động bao gồm: nghiên cứu phát triển, tư vấn kỹ thuật, tư vấn phát triển nhân lực, kiểm nghiệm. 

vien cong nghe

 

TS. Hoàng Vĩnh Giang - Viện trưởng Viện Công nghệ